Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”
của nước tađã đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp và chú trọng khách với mục đích nghỉ dưỡng, giải trí, nghỉ cuối tuần, lễ hội tâm linh, mua sắm. Khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch chuyên biệt và du lịch kết hợp công vụ. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống. Phát triển mạnh du lịch ẩm thực. Phát huy các giá trị văn hóa vùng miền làm nền tảng cho các sản phẩm du lịch đặc trưng… các mục tiêu đã trở thành động lực phát triển du lịch của mỗi địa phương có tài nguyên du lịch, thúc đẩy du lịch với đa dạng các loại hình mang đậm nét đặc trưng và hướng đến một ngành du lịch hiện đại và hội nhập thế giới.
Đề án định hướng: “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng ĐBSCL: du lịch tham quan sông nước miệt vườn kết hợp nghỉ tại nhà dân, du lịch văn hóa tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong vùng, du lịch sinh thái, tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái đa dạng của vùng, du lịch nghỉ dưỡng”. Và cụ thể nhiệm vụ chiến lược của tỉnh bến Tre: “Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng”.
Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đề cập đến việc đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng liên kết các tour trong vùng, hướng đến hợp tác với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong và mở rộng thị trường khách du lịch. Điều tra đánh giá thị trường, từ đó xây dựng chiến lược thị trường - sản phẩm, xác định
các thị trường ưu tiên cho từng giai đoạn. Xây dựng hệ thống điều tra phỏng vấn, thu thập thông tin phản hồi từ khách và các doanh nghiệp lữ hành làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoạt động đầu tư khai thác, kinh doanh du lịch. Tổ chức các hoạt động đánh giá hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến. Sử dụng, khai thác mọi hình thức hiệu quả quảng bá xúc tiến du lịch đồng bằng sông Cửu Long tiến tới xây dựng hình ảnh du lịch đồng bằng sông Cửu Long thống nhất, hấp dẫn.
Tăng cường hợp tác phát triển giữa các địa phương trong vùng nhằm khai thác phát huy lợi thế của từng địa phương, tăng cường khả năng cạnh tranh chung của cả vùng. Phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long trong điều phối đầu tư, khai thác, kinh doanh du lịch cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực và quảng bá, xúc tiến du lịch. Kết hợp chặt chẽ du lịch ĐBSCL với du lịch TP.HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tăng cường hợp tác phát triển với các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, đặc biệt là với Campuchia.
3.1.2. Nhu cầu du lịch.
Du lịch là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt là trong một xã hội phát triển như hiện nay. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về mặt tinh thần ngày càng cao, nhu cầu vui chơi giải trí và hoạt động xã hội càng phong phú. Có thể nói đi du lịch là để khám phá, trải nghiệm, kết bạn, thư giãn và tận hưởng tất cả những gì mà tiền nhân cũng như thiên nhiên ban tặng. Hiện nay nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là loại hình gắn liền với không gian xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng rất hút du khách thời gian gần đây.
Trong tiến trình hội nhập toàn cầu hiện nay, Việt Nam với rất nhiều phong cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng, cùng với nền văn hoá đậm đà bản sắc đã và đang đóng góp cho ngành du lịch thế giới những nét tươi mới, có sức hút lớn với khách quốc tế. Bến Tre, một trong những nơi có bầu không khí trong lành, cây xanh rợp che bóng mát, không gian văn hóa và những con người hiếu khách… là nơi hấp dẫn của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Bên cạnh loại hình du lịch sinh thái đang là thế mạnh của tỉnh thì nhu cầu đi du lịch để bổ sung kiến thức về văn hóa,
lịch sử, tâm linh tín ngưỡng dân gian thông qua các loại hình di tích hay thử cảm giác là người dân Nam Bộ bên bếp lửa, nhà cây mái lá… ngày càng có sức thu hút đối với du khách khi đến Bến Tre.
Hiện nay, số lượng khách du lịch đến Bến Tre có chiều hướng tăng, nhất là lượng khách trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và Cầu Rạch Miễu khánh thành, Bến Tre càng có nhiều cơ hội giao lưu và hợp tác với các vùng trong nước, các nước trong khu vực và thế giới trong đó có cả lĩnh vực phát triển du lịch.
3.1.3. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Để phát triển KT - XH tỉnh Bến Tre trong giai đoạn hội nhập, Bến Tre đã đề ra
“Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020” với một số chủ trương: Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển KT - XH nhanh, hiệu quả và bền vững, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Bến Tre đến 2020 gắn với định hướng chiến lược biển Việt Nam đến 2020 nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Phát huy nội lực và sử dụng tốt mọi nguồn lực. Tiếp tục phát huy lợi thế vị trí tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thế mạnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế biển để từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết phát triển nhất là với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chiến lược cũng đạt ra mục tiêu đối với ngành du lịch của tỉnh như sau: tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái, du khảo văn hóa gắn với miệt vườn, sông nước (khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Cồn Phụng, khu du lịch và dịch vụ tổng hợp cao cấp Bến Tre, khu du lịch miệt vườn làng quê Cồn Quy, khu du lịch sinh thái - văn hóa - làng nghề Thạnh Phú, khu du lịch sinh thái - tham quan nghiên cứu Vàm Hồ, khu du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng Cồn Ốc). Xây dựng các sự
kiện, lễ hội du lịch; hình thành 4 cụm du lịch (Châu Thành - Thành phố Bến Tre, Châu Thành - Bình Đại, Chợ Lách - Mỏ Cày - Thạnh Phú, Giồng Trôm - Ba Tri) và 4 tuyến du lịch nội tỉnh, liên kết xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế.
3.1.4. Thực trạng và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh
Ngành du lịch Bến Tre không ngừng phát triển. Lượng khách và doanh thu du lịch đều tăng ổn định qua các năm, cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư hoàn thiện, chính sách thu hút vốn đầu tư và mở rộng các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch được chú trọng... Khách du lịch đến với Bến Tre thường tham quan sông nước miệt vườn, các khu vườn cây ăn trái, tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt của cư dân địa phương, tham quan các địa danh, di tích lịch sử của tỉnh...
Đặc biệt, ngành du lịch Bến Tre đã ngày càng tạo được sức hấp dẫn, thu hút được lượng lớn du khách nước ngoài, dần khẳng định vị thế của mình trong ngành du lịch ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Sở dĩ có được sự thành công nhất định trên là do lợi thế du lịch của Bến Tre:
Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn: loại hình này phổ biến và phát triển mạnh ở khu vực ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng, dựa vào thế mạnh khí hậu trong lành, thoáng mát, bốn mùa cây trái xanh trĩu quả, sông ngòi dày đặc với nhiều cảnh quan đẹp hai bên bờ, sinh thái cù lao - cồn bãi và cảnh quan còn nét hoang sơ dân dã, bờ biển dài 65 km với đa dạng sinh học cùng hệ thống rừng ngập mặn… tạo thành chuỗi các điểm du lịch nối tiếp nhau với đa dạng các sản phẩm du lịch.
Du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa – lịch sử: Khai thác lợi thế di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, các công trình kiến trúc nghệ thuật, đình làng và nhà cổ… Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực nơi đây rất phong phú với các món ăn chế biến từ dừa, các món ăn chơi từ ốc gạo hay bánh xèo mang thương hiệu miền biển. Ngoài ra, làng điệu dân ca Bến Tre với rất nhiều điệu lý khác nhau, một trong những cái nôi của dân ca Nam Bộ cũng có sức hút đặc biệt với du khách… đây thực sự là những điểm đến chứa đựng nhiều ý nghĩa.
Du lịch cộng đồng - homestay: hình thức khá mới nhưng đang được chú trọng phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Các địa phương như các xã thuộc huyện
Châu Thành, Cồn Ốc, huyện ven biển Thạnh Phú… loại hình du lịch này tạo điều kiện kết nối văn hóa bản địa, sinh hoạt sản xuất hàng ngày của người dân với du khách một cách gần gũi, thân thiện trong không gian ấm áp gia đình.
Du lịch kết hợp: là sự kết hợp các loại hình du lịch trên với nhau tạo tính đa dạng và hấp dẫn hơn cho du khách, tạo thành tour kéo dài với cả khám phá tự nhiên, tìm hiểu văn hóa và thưởng thức những giá trị nghệ thuật của ông cha để lại.
Ngoài ra còn có du lịch vườn dừa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội họp…
Bến Tre là vương quốc trái cây và hoa kiểng, là quê hương của hàng ngàn ha dừa… tạo cho Bến Tre khung cảnh thiên nhiên yên bình và trong lành rất thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Trên thực tế các loại hình du lịch sinh thái đã phát triển giữ vai trò then chốt, du lịch cộng đồng, du lịch vườn dừa đã đạt được những thành công nhất định và trong tương lai được chú trọng hơn nữa để tạo nét đặc trưng cho du lịch của tỉnh.
Đề án “Quy hoạch tổng thể Du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020” đã được công bố làm căn cứ cho việc quản lý và đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre: Phát triển du lịch phải phù hợp với chiến lược phát triển KT - XH địa phương; phải gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; phát triển du lịch trong sự phát triển KT - XH ổn định và bền vững; dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, phát triển du lịch Bến Tre phải phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, với Chương trình hành động quốc gia về du lịch; phải huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế, tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, nhất là nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch Bến Tre phải đặt trong mối quan hệ liên kết với TP. HCM và các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL...
Bến Tre ưu tiên phát triển du lịch tỉnh dựa trên các loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch vui chơi giải trí. Phấn đấu tăng thu nhập từ du lịch bình quân trên 20%/năm. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch
tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn để thu hút khách, nhất là khách quốc tế. Xây dựng các tuyến điểm du lịch đặc thù của tỉnh.
Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án về du lịch với quy mô khá và hướng đến hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và cán bộ kinh doanh du lịch; tăng cường quảng bá du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch khác. Từ đó, xây dựng thương hiệu “Du lịch Bến Tre”.