Chương 1 KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGUỜI VIỆT Ở LÀO 1.1. KHÁI NIỆM
1.2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở LÀO
1.2.2. Giai đoạn từ năm 1899 đến năm 1946
Như vậy, có thể nói rằng người Việt đã có mặt ở Lào ngay từ thời nhà Lý, nhà Lê, rồi nhà Nguyễn và tăng lên đáng kể là khi thực dân Pháp tiến
hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhưng phải thấy rằng số lượng người Việt Nam đến định cư ở Lào tăng mạnh là từ khi thực dân Pháp bắt tay vào cuộc khai thác xứ Đông Dương.
Trong một thời gian dài từ năm 1858 đến 1896, thực dân Pháp tiến hành xâm lược và bình định Đông Dương. Sau khi ổn định xong Đông Dương đặc biệt là ở các vùng trung du Bắc Bộ và Trung Bộ, từ năm 1897 Pháp ráo riết tiến hành khai thác thuộc địa ở ba nước Đông Dương với mục tiêu chính là biến những nước này thành nơi cung cấp nguyên vật liệu thiếu hụt của nước Pháp và là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho một số thuộc địa khác của Pháp lúc bấy giờ như đảo New Caledonia, New Hebrides….
Trong thời kỳ này, số lượng người Việt di cư sang Lào đã tăng lên nhanh chóng do Pháp điều động đưa sang hoặc do di dân tự phát. Nhiều dòng người di cư Việt Nam đã đổ sang Lào tập trung ở các tỉnh Trung và Nam Lào.
Người Việt đã di cư vào Lào theo nhiều giai đoạn trong thời kỳ Pháp thuộc. Các giai đoạn có thể chia ra từ khi bắt đầu khai thác thuộc địa cho đến khi đẩy mạnh khai thác trên toàn cõi Đông Dương của thực dân Pháp.
Ở giai đoạn bắt đầu khai thác thuộc địa thực dân Pháp khó có thể dựa vào nguồn nhân lực và lao động ở Lào bởi ở đây từ xa xưa đến nay vẫn là nơi đất rộng người thưa, thiếu nguồn nhân công và lao động không giống như Việt Nam. Thời Liên bang Đông Dương, thực dân Pháp không chỉ đưa người Việt đi khai thác thuộc địa ở hải ngoại hay Châu Phi mà ngay cả những thuộc địa gần cũng cần nhân lực người Việt trong quá trình khai phá và xây dựng của Pháp thời kỳ này.
Có thể thấy giai đoạn này, người công nhân Việt được Pháp đưa sang Lào với số lượng đông đảo, lao động hầu hết trong các lĩnh vực đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá. Trong giai đoạn đầu, việc xây dựng đường xá, phục vụ quá trình khai thác thuộc địa gần như chiếm vị trí ưu tiên. Nhiều
người đã nhanh chóng trở thành lớp công nhân lục lộ trong kế hoạch mở những con đường chiến lược từ Việt Nam sang Lào nhằm phục vụ cho chương trình khai thác thuộc địa và những cuộc hành quân đàn áp các cuộc khởi nghĩa không ngừng diễn ra của người Lào và người Việt. Những tuyến đường lịch sử ấy đã hình thành đồng thời với cuộc di cư của người Việt sang Lào. Đó là các tuyến đường: (1) Sài Gòn - Karatie - Pắcsế (đường số 13); (2) Đông Hà - Savannakhet (đường số 9); (3) Nghệ An - Luổng phabang (đường số 7); (4) Vinh- Thà khẹc (đường số 8).
Hàng chục năm sau đó, những người công nhân Việt trên tuyến đường này tản ra làm ăn sinh sống và định cư dần ở hầu hết các huyện lỵ và thị xã mới phát triển suốt dọc dòng Mê Kông từ Nam Lào lên tận thủ đô Viêng Chăn. Họ kiếm sống bằng đủ thứ nghề kể cả làm ruộng.
Ngoài làm phu lục lộ, người Việt còn bị Pháp đưa sang đây làm công nhân đồn điền trồng các loại cây công nghiệp. Tuy nhiên Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ làm gián đoạn công cuộc khai thác thuộc địa đầu tiên của Pháp ở Đông Dương. Mặc dù vậy, thời gian ngưng trệ và trì hoãn không kéo dài, quá trình này được khởi động lại và tăng cường mạnh mẽ hơn ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở Đông Dương đặc biệt là ở Lào từ năm 1919 trở đi, thực dân Pháp ngày càng tích cực đẩy mạnh việc khai mỏ như các mỏ chì ở Phong Chiêu, Bô Neng, cùng việc mở rộng một số xí nghiệp khác, nên một bộ phận người Việt bị đưa tới Lào làm phu mỏ. Trong quá trình khai thác mỏ người Pháp cũng đã cho xây dựng một số xí nghiệp khai khoáng với trang thiết bị hết sức thô sơ. Tuy nhiên các cơ sở đó cũng đã thu hút được một số lượng đáng kể người Việt sang Lào làm việc. Những người công nhân đó đều do các ông chủ người Pháp tuyển mộ từ Việt Nam sang. Người Pháp đánh giá tay nghề và sự cần cù
của công nhân người Việt cao hơn công nhân người Lào. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương trừ một bộ phận khoảng gần 400 người Việt vượt sông di cư sang phía bên kia sông Mê Kông, vùng đất Isản, vào cuối thế kỉ XIX (khi đó vùng đât Isản chưa thuộc về Xiêm theo hiệp ước Pháp - Xiêm năm 1893), thì từ năm 1912 đến năm 1943 đã có khoảng từ 4.000 đến 4.500 người Việt đến Lào làm ăn sinh sống, đánh dấu sự gia tăng làn sóng nhập cư của người Việt vào Lào. Những người này sống cộng cư thành làng xóm riêng của người Việt ngay trong lòng các huyện lỵ, thị xã, thành phố như làng An Nam ở cây số 6, làng Săng Phin ở giữa thủ đô Viên Chăn (gần tháp truyền hình ngày nay) đồng thời duy trì một cách có ý thức văn hóa Việt trong nội bộ cộng đồng. Trong số các đô thị phát triển sầm uất thời đó của Lào, người Việt chọn định cư ở Viên Chăn là đông đảo hơn cả.
Người Việt ở Viên Chăn có đủ thành phần, đại đa số là dân lao động thợ thuyền. Nhiều người làm hàng xay, hàng xáo, buôn thúng, bán bưng ở các phố chợ, trồng rau màu ở làng ven đô; thành phần tiểu thương, tiểu chủ không đáng kể. Để có thể bênh vực nhau, tồn tại trên đất khách quê người, nhóm những người thợ may đã lập ra “Nghiệp đoàn thợ may” vào năm 1931 ở phố Marshal Jof. Viên Chăn mà lúc đó người Việt vẫn gọi là phố Lạc Hòn.
Ngoài ra để đẩy mạnh quá trình khai thác thuộc địa ở Lào, thực dân Pháp đã đưa nhiều người Việt sang làm công chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa ở Lào. Trong cơ chế chính quyền thuộc địa thì cao nhất là người Pháp còn dưới đó hầu hết là các công chức người Việt. Đến năm 1937, người Việt vẫn chiếm 47% số các vị trí công chức cao cấp người bản xứ trong bộ máy hành chính thuộc địa tại Lào trừ ở Luổng phabang.
Lào là một trong 5 xứ thuộc Liên bang Đông Dương của Pháp nên việc sử dụng người ở xứ này đến làm việc trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở xứ kia là chuyện bình thường. Chính vì thế trong thời gian tăng cường khai
thác thuộc địa của thực dân Pháp sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở Lào, một bộ phận người Việt được Pháp đào tạo đã được tuyển dụng làm việc trong một số cơ quan thuộc chính quyền nhà nước bảo hộ ở Lào. Họ được tham gia trong bộ máy hành chính, thuế quan, công sở trường học, với các chức danh ông tham, ông phán, ông đốc, ông ký, ông giáo. Trong số đó còn có cả những ông cai, ông đội, ông quản… là những chức ngạch nhỏ trong hàng ngũ quân đội Lào thuộc Pháp.
Sau giai đoạn Pháp đưa nhiều người Việt để phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa ở Lào, nhiều làn sóng di cư khác cũng di dân tự phát đến Lào tạo thành những cộng đồng đông đảo đặc biệt khi Việt Nam xảy ra nạn đói năm 1945. Đó là thời điểm vô cùng khó khăn đối với nhiều người Việt Nam đặc biệt là người dân Bắc và Trung Kỳ. Một số lượng lớn người Việt phải tha phương cầu thực, bỏ làng quê đi mưu sinh và tìm kế sinh nhai. Họ đã tạo nên nhiều đợt di cư chủ yếu là di dân tự phát sang các nước lân cận trong hoặc ngoài Đông Dương.
Có thể nói, nạn đói năm 1945 do Nhật, Pháp gây ra ở miền Bắc và đặc biệt ở miền trung Việt Nam đã đẩy nhiều người Việt từ các tỉnh Trung Bộ ở Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, theo đường số 8 sang tỉnh Thà khẹc và theo đường số 9 sang tỉnh Savannakhet. “… từ khoảng những năm 45-46 năm Ất Dậu đấy, thời gian đói kém nhất ở Việt Nam mình, người Việt sang Lào này rất đông…” [12; 69]. Người Việt gồng gánh, dắt díu nhau chạy qua Lào, dọc đường chết đói và chết vì bệnh tật cũng khá nhiều còn những người sống sót được thường tập Chung định cư ở các thị trấn và khu vực dọc sông Mê Kông cũng như ở cùng với người Lào tại các làng bản thị trấn dọc bờ sông.
Không chỉ có nông dân mà ngay cả những gia đình khá giả, có chức sắc ở làng quê Việt Nam cũng phải đối mặt với nạn đói kinh khủng năm 1945 và họ cũng thấy khó có thể qua khỏi nếu cứ bám trụ tại nơi chôn rau cắt rốn này,
nên nhiều người đã phải thiên di đi tìm con đường sống. “… tôi năm nay đã gần 90 tuổi rồi, quê tôi ở Đồng Văn , Ý Yên, Nam Định nhưng ở quê đói kém nên phải lên Hà Nội làm thợ may kiếm sống tạm thời cho qua kỳ giáp hạt…
tôi đi từ những năm 45… hồi đó đói kém phải bán đất đai… mà là đất quan điền đấy bởi ông tôi cũng có chức sắc trong làng…là cụ Lý mà, rồi bán cả lúa non đi nhưng cũng không đủ sống… phải chạy đói…đi bộ từ Hà Nội qua Nghệ An sang Lào… đầu tiên gia đình tôi từ Ngệ An đi vào Thà khẹc rồi mới xuống Viêng Chăn này…” [12; 69].
Người Việt sang Lào giai đoạn này không chỉ đi riêng lẻ mà thường đi theo nhiều nhóm nhiều đoàn tập hợp nhau thành những cộng đồng dân cư theo nguồn gốc quê hương. Điển hình có thể thấy cộng đồng người Việt ở Luổng phabang qua không chỉ ký ức của những cư dân ở đấy mà còn từ lời kể của những người dân ở các nơi khác. “… người Việt kiều ở Xiêng Khoảng này phần đông là người ở Nghệ An, Quỳnh Lưu, rồi Hà Tĩnh… còn ở Luổng phabang phần đông là người Thái Bình sang Lào này từ những năm 45 do nạn đói…” [12;70].
Nhìn chung trong đợt nhập cư lớn này (từ 1939 đến 1945), nhiều người Việt đã chọn khu vực miền Trung giữa Savannakhet, Khăm Muộn và một phần phía nam cao nguyên Bôlôven làm nơi định cư chủ yếu với số lượng khoảng 39.500 người. Nếu so sánh số người Việt ở vùng này vào năm 1912 chỉ có 840 người thì con số trên là rất đáng kể. Điều này thể hiện sức hấp dẫn của nước Lào thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Đồng thời nó còn là kết quả của chính sách di rời người Việt từ khu vực đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam sang Lào trong chiến lược khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Ngoại trừ những người chạy sang đinh cư ở Lào bằng con đường tự do hay chạy chốn sự trừng phạt của chính quyền thực dân Pháp, còn hầu hết những người sang Lào bằng con đường mộ phu hoặc do thuyên chuyển sang
Lào làm việc đều phải nộp thuế xuất cư cho nhà nước bảo hộ (qua ngân sách địa phương của Bắc kỳ). Sắc lệnh ngày 30/12/1912 về chế độ tài chính của các thuộc địa quy đinh hết sức cụ thể.
Sự nhập cư ngày càng gia tăng của người Việt vào Lào nói trên đã làm thay đổi diện mạo dân cư tại hầu hết các thành phố, thị xã như Savannakhét, Thà khẹc, Viên chăn, Pắc Sế, Xiêng Khoảng. Đương thời ngoại trừ cố đô Luổng phabang, ở những địa danh nêu trên, người Việt là cộng đồng thị dân đông đúc hơn cả cho dù người Lào vẫn là chủ thể của đất nước Lào. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, sau những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất tỉ lệ người Việt sống trong các thành phố và thị xã của Lào chiếm tỷ lệ cao nhất như Thà Khẹc lên tới 85%, Savannakhet 72%.
Tuy nhiên, vào những năm trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, với sự biến động của cuộc chiến ở Đông Dương, sự phân bố cư dân là Việt kiều ở các đô thị tại Lào lại có sự xáo trộn lớn.
Có thể thấy, người Việt do chiến tranh ở Việt Nam bùng nổ khi Pháp quay trở lại tái chiếm Đông Dương từ tay quân Đồng minh, phải chạy sang Lào. Nước này đã tuyên bố độc lập từ ngày 12 tháng 10 năm 1945 nhưng ở Lào, họ cũng không được yên. Cuối năm 1945 thực dân pháp chiếm lại một số vùng ở Trung Và Thượng Lào và các vùng đất của Lào ở Nam vĩ tuyến 16.
Đến cuối tháng 3 năm 1946, thực dân Pháp dồn lực lượng đánh chiếm Lào lần thứ hai, ồ ạt tiến quân chiếm lại các tỉnh Pắc Sế ở Hạ Lào rồi lần lượt tiến quân đánh chiếm các thành phố lớn ở Savannakhet, Thà Khẹc và Viên Chăn.
Tại đây thực dân Pháp vấp phải sự đánh trả quyết liệt của lực lượng vũ trang Lào phối hợp với lực lượng vũ trang của Việt kiều giải phóng quân.