Chương 2 VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở LÀO TỪ NĂM 1976 ĐẾN NĂM 2012
2.2. VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở LÀO TỪ NĂM
2.2.3. Người Việt ở Lào trong vai trò cầu nối quan hệ Việt Nam - Lào trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục
Quá trình tiếp xúc lâu dài giữa hai dân tộc Việt - Lào một mặt đã tạo tiền đề thuận lợi để hai nền văn hóa có cơ hội tiếp xúc giao lưu và chịu tác động lẫn nhau. Mặt khác qua quá trình lịch sử cộng đồng người Việt Nam đến làm ăn sinh sống trên đất Lào, coi Lào là quê hương thứ hai của mình, cộng đồng hàng chục ngàn người này đã mang tới Lào nền văn hóa truyền thống
của họ, trực tiếp giao lưu tiếp xúc và chia sẻ lẫn nhau về những giá trị văn hóa của mỗi bên. Sự giao thoa văn hóa đã hình thành nên những giá trị văn hóa mới chung cho cả người Việt lẫn người Lào. Để làm rõ vai trò của người Việt ở Lào trong mối quan hệ về mặt văn hóa, giáo dục giữa hai nước Việt – Lào, điều cần thiết đầu tiên là phải trở lại từ góc nhìn văn hóa, ngôn ngữ.
Về ngôn ngữ, vấn đề tiếng mẹ đẻ.
Theo quan điểm của nhân học, ngôn ngữ cũng là văn hóa nhưng là một dạng văn hóa rất đặc thù, bởi vậy mà các nhà dân tộc học thường coi ngôn ngữ như là một tiêu chí - tiêu chí hàng đầu để phân loại tộc người. Ngôn ngữ mà chúng ta đang bàn là tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, do vậy nó có khả năng trao truyền văn hóa của tộc người từ thế hệ này sang thế hệ khác và cũng vì thế ngôn ngữ được coi như là một trong những đặc trưng văn hóa quan trọng nhất để xác định sự mất hay còn của một tộc người, bởi lẽ “ tiếng nói còn thì dân tộc còn”.
Trong bối cảnh một nhóm người bị chia tách khỏi cộng đồng chính, chuyển cư tới sống tại một địa bàn cách biệt với địa bàn truyền thống của tổ tiên mình, như cộng đồng người Việt tại Lào, thì cái mất hay còn của ngôn ngữ, của “ tiếng mẹ đẻ” có nghĩa như mất hay còn của “bản sắc tộc người”.
Bởi thế ngôn ngữ đã trở thành vấn đề được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt giữa hai nước nên việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Lào có những sắc thái riêng.
Nếu như ở Thái Lan trong nhiều thập niên qua, người Việt bị cô lập bởi chính sách kỳ thị dân tộc hẹp hòi của nhà cầm quyền Thái Lan: Chính quyền Thái Lan đã cấm người Việt học tiếng Việt, bài xích người nói tiếng Việt vì vậy nhiều thế hệ con em người Việt không có thói quen giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và hậu quả là quên dần tiếng Việt; thì ở Lào điều đó không xảy ra.
Chính phủ Lào từ trước tới nay chưa hề có chính sách bài xích người Việt,
cấm sử dụng tiếng Việt, thậm chí cũng không có thái độ hay hành động nào gây xáo trộn dẫn đến những cuộc di dân gây chia rẽ văn hóa tộc người với nhau trong các cộng đồng. Người Việt từ Việt Nam sang sinh sống ở Lào vẫn duy trì thói quen giao tiếp bằng tiếng Việt, thậm chí bằng phương ngữ tiếng Việt trong đó tiếng Quảng Bình và Nghệ An được sử dụng nhiều nhất. Bởi vậy trong một thời gian khá dài, ở một vài thị xã, tiếng Việt còn được người Lào dùng để giao tiếp với người Việt, nhất là ở các chợ.
Một tác nhân khác tác động tích cực đến việc giữ gìn tiếng nói của cộng đồng người Việt ở Lào là vấn đề giáo dục học đường. Tuy chính phủ Lào không có chính sách khuyến khích cụ thể việc học chữ Việt ở các trường học nhưng cũng không cấm người Việt mở trường học riêng cho con em người Việt.
Với điều kiện thuận lợi như vậy cộng với ý thức bảo tồn văn hóa và sự cố gắng của các hội người Việt, những người có tâm huyết với phong trào bảo vệ gìn giữ tiếng mẹ đẻ, nên khắp nơi trên đất nước Lào, tiếng Việt hiện nay vẫn được dùng phổ biến như ngôn ngữ thứ hai của cả cộng đồng người Việt, chỉ đứng sau tiếng Lào. Người Việt ở Lào chưa bao giờ mất đi sự tự tin khi giao tiếp ngoài xã hội bằng tiếng Việt. Người Việt không chỉ nói tiếng Việt giữa cộng đồng người Việt, họ còn nói tiếng Việt hoặc tiếng Việt pha chút tiếng Lào với người Lào và hai bên đều hiểu nhau một cách cặn kẽ. Vì thế người Việt ở Lào luôn tự hào về thành tích bảo lưu văn hóa trước hết là duy trì ngôn ngữ, tiếng nói hơn hẳn người Việt ở nhiều nơi trên thế giới cũng là điều dễ hiểu.
Duy trì tiếng Việt như một phương tiện giao tiếp là như vậy nhưng việc học tiếng Việt của con em người Việt ở Lào ở các trường phổ thông đã đang có một số vấn đề đặt ra. Bảng thống kê dưới đây thể hiện tình trạng sử dụng tiếng Việt và tiếng Lào trong cộng đồng người Việt tại Lào.
Bảng 5: Năng lực ngôn ngữ của người Việt tại ba tỉnh, năm 2004.
Người/%
STT Tỉnh Phiếu điều tra Tiếng Việt Tiếng Lào
1 Viên Chăn 134 100% 93,2%
2 Champasắc 143 100% 83,2%
3 Luổng phabang 49 83,6% 92%
4 Tổng hợp ba tỉnh 316 97,5% 88,65%
Nguồn:[14;172].
Số liệu bảng trên cho ta thấy, ở diện rộng (3 tỉnh) có 2,5% người Việt không biết tiếng Việt, nhưng trong diện hẹp của một tỉnh, có nơi như Luổng phabang chiếm tới 16,4% số người Việt không biết tiếng Việt.
Năng lực sử dụng tiếng Việt bị mai một dần, một phần quan trọng là do những điều kiện để con em người Việt học tiếng Việt chưa được tổ chức tốt.
Trong lúc người Hoa đã tổ chức khá tốt cho con em của họ học tiếng Hoa đến cấp III, thì người Việt vẫn còn loay hoay tìm kiếm giải pháp tổ chức cho con em mình học tiếng Việt ở cấp I. Nếu như trước đây tiếng Việt còn được học tới lớp 5 trong trường Việt kiều, thì ngày nay tiếng Việt bị coi như một thứ ngoại ngữ, mỗi tuần chỉ được học từ 2 đến 5 tiết. Trước đây khi tiếng Việt còn được dạy tới hết lớp 5 thì không chỉ con em Việt kiều mà cả con em người Lào cũng cùng học tiếng Việt.Các cháu đều biết đọc biết, viết tiếng Việt và hát các bài hát Việt Nam rất thành thạo. Còn bây giờ chỉ có một số nơi các cháu được học tiếng Việt như một ngoại ngữ, mỗi tuần khoảng 5 tiết.
Trước thực trạng này, nguyện vọng chung của bà con Việt kiều là cần nâng số giờ học tiếng Việt trong trường cấp I lên trên 5 tiết/ 1 tuần. Bà con người Việt còn mong muốn mời được giáo viên người Việt từ Việt Nam sang Lào dạy tiếng Việt cho con em họ đủ thong thạo tiếng Việt để rồi chúng có thể trở về Việt Nam theo học ở các trường đại học.
Một số bà con người Việt lớn tuổi còn cho rằng con cháu của họ nếu được về học ở Việt Nam sẽ không chỉ thu được những kiến thức tốt, mà còn học được nhân cách tốt và đạo làm người. Tuy nhiên có một thực tế là một số cháu con em người Việt được sang Việt Nam học tiếng Việt tại đại học Huế, mặc dù đã xong chương trình năm thứ hai nhưng trình độ tiếng Việt vẫn còn rất yếu kém, khiến các kiến thức học được bị hạn chế.
Bởi vậy để hỗ trợ cho người Việt ở Lào sử dụng thành thạo tiếng Việt, cần có các biện pháp đồng bộ như bên cạnh việc hỗ trợ nâng cao thời lượng học tiếng Việt ở cấp I, tăng hơn nữa chỉ tiêu đào tạo đại học cho con em người Việt ở Lào còn cần có các biện pháp hỗ trợ đồng bộ như tăng cường các phương tiện truyền thông, giao lưu văn hóa trên diện rộng. Và quan trọng hơn là trong mối quan hệ đặc biệt, hai chính phủ hai nước cần tạo nhiều điều kiện cho người Việt ở Lào được học tiếng Việt để họ làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối của họ.
Với tư cách là một phương tiện để trao đổi truyền thụ thông tin, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ để trao truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng người Việt tại Lào mà còn là phương tiện để gắn kết cộng đồng và để nắm bắt các tri thức của nhân loại. Trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc thì tiếng Việt không chỉ hữu ích đối với người Việt ở Lào mà còn rất hữu ích đối ngay cả đối với người Lào.
Xét theo ý nghĩa ấy, tiếng Việt thông qua cộng đồng người Việt tại Lào là một trong những phương tiện truyền tải thông tin từ Việt Nam tới Lào và ngược lại, nhờ đó mà mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào càng được nhận thức sâu sắc hơn và ngày càng gắn kết hơn.
Không chỉ có vậy, tiếng Việt còn là một ngôn ngữ được nhiều người Lào nhất là những người đang làm việc trong hệ thống chính trị và các tổ chức kinh tế xã hội của Lào muốn duy trì quan hệ đặc biệt với Việt Nam sử
dụng thành thạo. Chính tiếng Việt đã trở thành một trong những điều kiện thuận lợi để hai nước xây dựng mối quan hệ lâu dài. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có tiếng Việt mới là cơ sở của sự hợp tác hai nước mà tiếng Lào cũng rất quan trọng trong việc xây dựng tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Nhưng dù sao thì người Lào cũng cần biết tiếng Việt nhiều hơn trong quá trình thực hiện sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Giả định rằng tiếng Việt không được sử dụng rộng rãi như hiện nay ở Lào, buộc hai nước phải sử dụng ngôn ngữ trung gian, tiếng Anh chẳng hạn. Và như vậy, việc giao lưu trao đổi giữa hai nước càng khó khăn, phiền phức hơn nhiều.Đóng góp cho chiều hướng phát triển này chính là việc duy trì, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Lào.
Bởi tất cả những vấn đề được đề cập trên mà về mặt chính sách, khi tìm kiếm những giải pháp nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào theo hướng bền vững, lâu dài, thì các giải pháp nhằm hỗ trợ cho cộng đồng người Việt tại Lào là nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt, đồng thời quảng bá tiếng Việt tới nhân dân Lào và thông qua đó mà quảng bá rộng hơn ra khu vực là những giải pháp cần phải lưu tâm đúng mức.
Về lĩnh vực giáo dục.
Người Việt có truyền thống là những người hiếu học, cho nên dù ở đâu, dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế nào, người làm cha, làm mẹ lúc nào cũng rất quan tâm đến sự học hành của con em mình. Trong những thập niên 50,60 của thế kỷ trước, con em người Việt tại Viên Chăn cũng như tại Lào phần lớn đều đến học tại các trường được tổ chức ở các ngôi đền như đền Đức Thánh Trần, đền Quan Lảnh ở Viên Chăn, trường Đạo ( Hy vọng )… Vào thập niên 40,50 ở Lào cũng đã có trường Pháp như trường học “Ecolé Tafforin, Lycéseede Pavie” dành cho con em các gia đình khá giả người Việt, Lào tới học.
Những năm sau đó do đời sống kinh tế phát triển hơn, Việt kiều đã mở các trường tư cho con em mình. Hai trường Nguyễn Du I và Nguyễn Du II, lúc đó đã tồn tại và một trong hai trường đó do “ Hội ái hữu” quản lý. Các em học sinh Lào cùng đến trường học chung với các học sinh người Việt.
Sau năm 1975, phần đông các thầy cô giáo thuộc thế hệ cũ có kinh nghiệm giảng dạy đã di tản ra nước ngoài. Hôi người Việt Nam Viên Chăn đã tiếp tục quản lý hai trường tiểu học Nguyễn Du I và Nguyễn Du II cùng các lớp mẫu giáo. Cho tới nay hai ngôi trường đó vẫn được sử dụng, nhưng đã xuống cấp vì đã được xây dựng gần 50 năm và quy mô hai trường đó lại quá nhỏ không còn phù hợp với số lượng học sinh đang ngày càng tăng lên.
Từ nhiều năm nay trường Việt trên đất Lào có truyền thống dạy giỏi, học giỏi. Các em học sinh luôn đạt giải nhất, giải nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi ở Lào. Sau khi tốt nghiệp cấp I, các em được tiếp tục học tại trường cấp II, cấp III ở các trường Lào. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, các em có quốc tịch Lào đều có thể thi vào các trường đại học hay các trường cao đẳng ở Lào hoặc theo học ở nước ngoài như Nhật, Trung Quốc,… Những con em Việt kiều muốn thi vào các trường đại học, cao đẳng của Lào phải nhận làm con nuôi người Lào (để có họ và tên Lào). Một số con em Việt kiều những năm gần đay được tuyển về Việt Nam theo học tại các trường đại học. Mỗi năm chính phủ Việt Nam cấp cho con em Việt kiều 10 suất học bổng đại học.
Trình độ học vấn của người Việt ở Lào nhìn chung không cao. Đại bộ phận người Việt sang Lào thuộc diện khó khăn ở Việt Nam phải tha phương cầu thực, về văn hóa họ chỉ thoát nạn mù chữ. Và do vậy con cháu của họ cũng không có điều kiện học nhiều, học cao. Trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức ngày nay, trình độ học vấn của người Việt như vậy không đủ để họ có thể phát triển làm ăn buôn bán lớn, không đủ để họ hào nhập ngay với nền kinh tế trong nước (Việt Nam) nói chi tới hòa nhập khu vực và quốc tế. Để
làm rõ nhận định trên, chúng ta cùng xem bảng thống kê dưới đây về học vấn của người Việt hiện đang sống tại bản Palanthông ( Viên Chăn).
Bảng 6: Thống kê trình độ học vấn của trẻ em ở bản Palanthông, năm 2005.
Tổng số trẻ em
Học vấn từ lớp 1 đến lớp 5
Học vấn từ lớp 6 đến lớp 9
Học vấn từ lớp 10 đến hết cấp
91 14 (15%) 52 (57%) 25 (28%)
Nguồn: [14; 178].
Xuất phát từ tình hình như trên nên vấn đề giáo dục và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, hướng cộng đồng về quê hương đât nước trở thành vấn đề thường xuyên được các hội người Việt quan tâm đúng mức.
Trong vấn đề về giáo dục, việc tự xây dựng trường học cho con em cộng đồng để vừa tạo cơ sở thuận lợi học tiếng Việt, vừa đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục của địa phương đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của các ban chấp hành tỉnh hội. Không những thế trường học của chính người Việt Nam thành lập nên sẽ là nơi mà người Việt Nam có thể truyền bá văn hóa dân tộc của mình cho các thế hệ con em, giáo dục chúng biết về dòng máu con Hồng cháu Lạc, về tổ quốc Việt Nam.
Trong việc xây dựng trường học, bà con người Việt tỉnh Savanakhet thực sụ tụ hào về những công lao đóng góp của mình. Hơn ai hết, phong trào xây dựng trường học dành cho con em học tiếng Việt đã có từ lâu đời, từ thời trường tiểu học Lạc Hồng xa xưa do những người lớp trước lập nên như thầy Diễn, Thầy Tư…
Từ các trường lớp đó đã cho ra đời một số nhà văn hóa người Việt có tiếng ở nước ngoài, chẳng hạn như nhà sưu tầm văn hóa Việt Nam kiêm soạn nhạc Hàn Lệ Nhân. Cũng từ mái trường lớp học khiêm tốn đó góp sức đào tạo nên những bác sỹ, kỹ sư, cử nhân văn chương… và chính họ đã là những
người tiếp tục duy trì, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nước ngoài dù ngày nay họ đang đinh cư ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay tại các tỉnh Savanakhet, những trường học dạy tiếng Việt đó vẫn tồn tại và phát triển không ngừng. Bên cạnh những trường học đó một số cơ sở giáo dục cũng được xây dựng thêm.
Việc xây dựng trường học cho con em người Việt có nơi để học tiếng Việt được xem như là nhiệm vụ hàng đầu và không thể thiếu được trong việc duy trì bản sắc văn háo dân tộc trong cộng đồng. Đây là vấn đề hêt sức hệ trọng trong tương lai con em người Việt sống ở Lào. Không biết chữ hoặc không có trình độ văn hóa ngày càng cao thì không thể tồn tại và phát triển được ở xứ người trong bối cảnh nguồn nhân lực đang được đào tạo một cách bài bản ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ có quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào người Việt ở Lào mới có những điều kiện thuận lợi để xây dựng trường sở, duy trì tiếng Việt cũng như đào tạo con em mình trở thành nguồn nhân lực hữu ích cho Lào và cho cả Việt Nam trong tương lai.
Các hoạt động về giáo dục như là một phương diện hoạt động liên quan đến lợi ích thiết thân và lâu bền của của cộng đồng người Việt tại Lào. Tuy hệ thống giáo dục của người Việt ở Lào còn nhiều bất cập và chỉ tồn tại ở cấp I, nhưng nếu so với hệ thống giáo dục của người Lào thì việc tổ chức cho học sinh học hành ở cấp này khá quy củ và chất lượng. Bởi thế nhiều phụ huynh người Lào rất muốn cho con em của họ vào học tại các trường Việt. Con em người Lào học trong các trường Việt, ngoài kiến thức nói chung, các em còn được tiếp nhận một phần ngôn ngữ và văn hóa Việt. Những học sinh Lào học trường Việt sau này khi tốt nghiệp phổ thông trung học phần nhiều đều muốn sang học ở Việt Nam mà theo họ là vừa gần nhà vừa hợp với sức học của mình và chắc chắn họ sẽ đảm bảo tốt các chương trình giáo dục, đào tạo tại Việt Nam; thêm nữa những người được đào tạo ở Việt Nam về nước sẽ dễ