Chương 2 VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở LÀO TỪ NĂM 1976 ĐẾN NĂM 2012
2.2. VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở LÀO TỪ NĂM
2.2.1. Trên lĩnh vực an ninh - chính trị
Thắng lợi lịch sử của cuộc nổi dậy cướp chính quyền về tay nhân dân trên toàn quốc và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1975 đã đưa đất nước Lào bước vào thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục bảo vệ, xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, để tạo ra những tiền đề cơ bản, từng bước đưa đất nước Lào phát triển mọi mặt theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để có được thành quả này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.
Có thể nói rằng Lào là quốc gia láng giềng gần nhất với Việt Nam, là một trong 5 xứ Đông Dương thuộc Pháp; Nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lại cùng có kẻ thù chung và trong tiến trình cách mạng của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương những người cách mạng ba nước đa coi 5 xứ Đông Dương như một chiến trường cùng chống kẻ thùn chung nên những người Việt có mặt từ rất sớm trên đất nước Lào Và Campuchia đã hăng hái tham gia đấu tranh cách mạng ngay trên đất bạn để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Có thể nói rằng phong trào đấu tranh cách mạng của người Việt ở Lào, Campuchia, Thái Lan (trong phạm vi công trình này tôi xin đề cập đến người Việt ở Lào) là phong trào yêu nước hải ngoại hiếm có trong lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhiều gia đình thanh niên Việt kiều đã đóng góp phần xương máu của mình cho hai cuộc kháng chiến của hai dân tộc Việt – Lào. Tiêu biểu là cộng đồng người Việt ở huyện Pắcsông (Chăm pasắc) và huyện Xiềng Vang (Xiêng Khoảng) đã có nhiều đóng góp và nhiều người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giành độc lập của Lào. Riêng Pắcsông có 250 người đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy Việt kiều ở hai địa phương này được nhà nước Lào đặc cách cho nhập quốc tịch Lào. Đồng thời nhiều người có công trong kháng chiến đã được chính phủ hai nước tặng Huân, Huy chương kháng chiến. Gần đây nhất là 10 gia đình có công với cách mạng Lào ở Xiêng Khoảng nay đã về định cư ở Viên Chăn, đã được hai nhà nước trao tặng Huân chương vào tháng 7/ 2006 tại Viên Chăn.
Như vậy, ta có thể thấy rằng trong quá khứ lịch sử người Việt ở Lào đã đóng góp một phần đáng kể xương máu của mình cho cách mạng Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vừa qua. Việc tham gia cách mạng và sự hy sinh anh dũng của người Việt trên đất Lào đã góp một phần không nhỏ vào việc củng cố và phát huy mối tình đoàn kết hữu nghị trong sang thủy chung của hai dân tộc Việt – Lào.
Những năm gần đây kể từ khi chiến tranh kết thúc, người Việt định cư ở Lào giữ một vai trò hết sức khiêm tốn trong đời sống chính trị - an ninh ở Lào. Một số người Việt có quốc tịch Lào và là Đảng viên Đảng nhân dân cách mạng Lào.Những người này phần lớn được kết lạp vào Đảng trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, nay hầu hết không tham gia hoạt động chính trị chỉ tham gia sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú. Một số rất ít người Việt là công chức nhà nước Lào. Có một số người Việt mang quốc tịch Lào tham gia bộ máy chính quyền của Bản, Xã…
Để lý giải về vấn đề trên, sự khiêm tốn của người Việt trong đời sống chính trị ở Lào hiện nay nhiều người cho rằng trước đây người Việt sẵn sàng tham gia cách mạng trên đất nước Lào vì cách mạng Lào gắn chặt với cách mạng Việt Nam; tham gia chiến đấu trên đất nước Lào cũng là chiến đấu vì quê hương như Bác Hồ đã từng nói: “giúp bạn là tự giúp mình”.
Ngày nay, tuy quan hệ giữa hai nước là đặc biệt nhưng đó vẫn là hai quốc gia riêng biệt. Mặt khác đối với người Việt định cư ở Lào, kể cả những người đã trở thành người Lào, nay chiến tranh đã kết thúc thì mục tiêu kinh tế, kiếm sống, làm giầu trở thành mối quan tâm chủ đạo hơn là tham gia hoạt động chính trị ở Lào. Do vậy việc người Việt có quốc tịch Lào ít tham gia vào đời sống chính trị ở Lào là điều có thể hiểu được.
Trong đời sống hiện nay ở hầu hết 18 tỉnh của Lào đều có người Việt sinh sống, nhưng mới có 10 hội người Việt cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động với tôn chỉ và mục đích cụ thể của mình.
Tôn chỉ mục đích của hội là “Đoàn kết giúp đỡ nhau chăm lo làm ăn sinh sống, hòa thuận giữa bà con trong cộng đồng và với nhân dân các bộ tộc Lào ở địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật nhà nước và phong tục tập quán của nước sở tại như quê hương thứ hai của mình, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và luôn hướng về tổ quốc Việt Nam thân yêu” [14;135].
Có lẽ vai trò của người Việt trong lĩnh vực chính trị được thể hiện rõ nhất là việc tham gia và hoạt động cụ thể của họ trong các hội người Việt Nam ở các tỉnh. Về phần mình, chính phủ Lào đã công nhận hội người Việt Nam ở các tỉnh là thành viên của Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước. Với tôn chỉ mục đích của mình, hiện nay các hội người Việt Nam ở các tỉnh đã tích cực hoạt động trên một số lĩnh vực thuộc về đời sống văn hóa - xã hội.
Vai trò của Hội người Việt được chính quyền nơi cư trú đánh giá rất cao về những hoạt động cụ thể của hội như luôn nhắc nhở hội viên của mình thực hiện tốt các nghĩa vụ, nhất là nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước Lào.
Đối với chính quyền sở tại ở các tỉnh, hội luôn luôn củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đoàn kết hợp tác giữa người Việt Nam với chính quyền nhân dân địa phương. Hội kêu gọi bà con nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách luật pháp của chính phủ và chính quyền bạn, tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ xây dựng nước Lào. Hội còn đóng vai trò cầu nối giữa bà con kiều bào với Tổ quốc thông qua công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay; đồng thời thực hiện tốt việc chống lại âm mưu chia rẽ giữa bà con kiều bào với chính quyền sở tại và với chính phủ Việt Nam của các thế lực thù địch. Kêu gọi mọi người đoàn kết hợp tác với các đơn vị Việt Nam làm nhiệm vụ kinh tế trên địa bàn của tỉnh.
Trong hoạt động từ thiện, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”
hướng về Tổ quốc thân yêu, hội người Việt tại Lào đã tham gia tích cực vào các hoạt động ủng hộ về quê nhà như ủng hộ ngày vì người nghèo, ủng hộ các nạn nhân chất độc mầu gia cam và các nạn nhân của các cơn bão đổ bộ vào Miền Trung Việt Nam. Không những thê hội còn là người tuyên truyền giới thiệu trong cộng đồng người Việt, nhất là với thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc thêm về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa và tryền thống dân tộc; duy trì việc dạy tiếng việt cho tầng lớp thanh thiếu niên người Việt ở Lào.
Như vậy, có thể thấy rằng vai trò của cộng đồng người Việt trên lĩnh vực an ninh - chính trị là rất đáng kể, có thể là lớn nhất so với các lĩnh vực khác. Họ không chỉ xứng đáng là những người yêu nước, hăng hái tham gia cách mạng trên đất bạn góp phần vào chiến thắng của cách mạng Lào mà còn
đóng góp một phần quan trọng vào chiến công chung của nhân dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua.
Ngày nay cộng đồng người Việt ở Lào tiếp tục hoàn thành tốt vai trò chính trị của mình với tư cách là một bộ phân của Mặt trận Lào xây dựng đất nước, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và đang ra sức làm tốt vai trò là chiếc cầu nối của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.