Chương 2 VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở LÀO TỪ NĂM 1976 ĐẾN NĂM 2012
2.1. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ
2.1.2. Khái quát về quan hệ Việt Nam - Lào
Lào và Việt Nam là hai nước có mối quan hệ đặc biệt từ lâu đời trong lịch sử. Hơn 70 năm liên tục, trải qua những thăng trầm của lịch sử, vượt qua những sóng gió của tình hình thế giới và khu vực, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã được tôi luyện qua thử thách, trở thành một di sản vô giá của hai dân tộc.
Ngày nay từ đỉnh cao của sự thắng lợi hai nước, cho phép chúng ta nhìn lại những chặng đường đã qua của mối quan hệ đặc biệt ấy.
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chính là giai đoạn thể hiện rõ nét nhất sự liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt- Lào. Cách mạng của hai dân tộc đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ những ngày đầu giành chính quyền năm 1945 đến những chiến thắng vang dội trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Từ những thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hai dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ với sự nhất trí của hai bên rằng Việt Nam giúp Lào “toàn diện, lâu dài, cơ bản và liên tục”. Ngược lại Lào cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để cách mạng Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Chính vì thế năm 1975 đã trở thành mốc son thắng lợi của cả hai dân tộc.
Bước sang thời kỳ giải phóng, hai dân tộc đã thực hiện hợp tác toàn diện cùng nhau xây dựng đất nước. Sự phát triển của mối quan hệ đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ này được thể hiện qua hai giai đoạn trước và sau đổi mới.
Từ 1975 đến 1986: Trong giai đoạn này hai nước đã ký kết nhiều hiệp ước quan trọng mà tiêu biểu là hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt – Lào (1977). Với tinh thần của những hiệp ước đó, Việt Nam tiếp tục giúp nhân dân Lào bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền an ninh quốc gia. Bên cạnh đó sự hợp tác về kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật, được đẩy lên một bước mới. Thời kỳ này Việt Nam giúp Lào là chính theo tinh thần quan hệ đặc biệt ấy. Tuy nhiên trong quá trình hợp tác với Lào, Việt Nam đã đi từ viện trợ cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, đẩy mạnh hợp tác sản xuất và kinh doanh bình đẳng, cùng có lợi. Chính trong thời gian này Đảng và Nhà nước Lào đã đề ra công thức hợp tác: “tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hay và vay từ nước thứ ba”. Với mô hình hợp tác đó, Việt Nam đã góp phần giúp Lào khắc phục hậu quả chiến tranh, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội.
Từ sau năm 1986 đến 2006 đây là giai đoạn cả hai nước bước vào công cuộc đổi mới. Do vậy nhận thức về quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước cũng có những đổi mới. Từ công thức hợp tác: tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn từ nước thứ ba chuyển sang công thức 3+2, cụ thể là vốn, công nghệ kỹ thuật, thị trường Việt Nam; lao động, tiềm năng thiên nhiên của Lào.
Trong thời gian này hai nước đã ký kết một loạt các hiệp định quan trọng về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đó là: Hiệp định về thương mại du lịch (1991-1995); Hiệp định về quá cảnh hàng hóa (1996);
Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1996); Hiệp định về vận tải đường bộ; Hiệp định bổ sung và sửa đổi quy chế biên giới (1997); Hiệp định về kiều dân (1993)…[14;92].
Dựa trên những hiệp định đã được ký kết giữa hai nước, trong 5 năm 1996-2000 Việt Nam đã đẩy mạnh hơp tác với Lào trên cả 3 lĩnh vực : Viện
trợ phát triển cho Lào; Đầu tư hợp tác sản xuất phát triển kinh doanh trên đất Lào; thương mại và dịch vụ.
Trong bức tranh tổng thể về sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào, xin nhấn mạnh đến sự hợp tác trong đầu tư, hợp tác lao động và hợp tác giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Lào. Chỉ trong 4 năm từ 1996-2000 đã có 40 doang nghiệp Việt Nam đã đăng ký hoạt động trên đất Lào, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư vào Lào.
Tính đến những năm gần đây Việt Nam đứng vào hàng thứ ba trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Lào với khoảng 70 dự án có số vốn lên tới 500 triệu USD. Về phần mình Lào cũng đã có một số dự án đầu tư vào Việt Nam.
Vấn đề hợp tác lao động đã được lãnh đạo hai nước quan tâm từ rất sớm. Trên cơ sở Hiệp đinh hợp tác lao động được hai chính phủ ký ngày 29 tháng 6 năm 1995, vấn đề hợp tác lao động được triển khai vơi nội dung và hình thức hết sức đa dạng, phong phú. Lao động Việt Nam ở Lào được thực hiện theo 4 hình thức chủ yếu sau: (1) Lao động theo hợp đồng của nhà nước có tổ chức theo các công trình hợp tác, công trình nhận thầu; (2) Lao động theo thỏa thuận của các địa phương; (3) Lao động theo các hợp đồng cung ứng; (4) Lao động tự do. Trong đó số lượng lao động theo loại hình thứ nhất và thứ 4 ngày càng gia tăng.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, hợp tác về giáo dục - đào tạo Việt Nam - Lào là lĩnh vực hợp tác thành công nhất. Trong giai đoạn 2001- 2003 Việt Nam đã nhận mới 500 học sinh Lào để đào tạo, chiếm 47% tổng số viện trợ của Việt Nam cho Lào. Việt Nam giúp Lào xây dựng hai trường dân tộc nội trú cấp tỉnh.Tính đến năm 2002, chính Việt Nam đã nhận đào tạo 32 con em Việt kiều Lào bằng kinh phí tự túc. Phía Lào hàng năm cũng nhận từ 10 đến 15 sinh viên Việt Nam sang Lào học tập.
Có thể thấy sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trong những năm qua tuy đã có những thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực về chính trị an ninh, kinh tế, giáo dục đào tạo… nhưng vẫn còn những bất cập đòi hỏi phải sớm được khắc phục để có thể thực hiện một cách khả thi, hiệu quả sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong bối cảnh của tình hình quốc tế và khu vực vừa là thời cơ vừa là thách thức cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào.
Trong bối cảnh mới của Quốc tế và khu vực khi mà xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa; xu hướng tự do hóa trong thương mại và đầu tư; xu thế gia tăng các vấn đề mang tính toàn cầu… Tất cả những xu hướng đó đang chi phối đời sống kinh tế xã hội và chi phối việc lựa chọn chính sách phát triển kinh tế- xã hội, chiến lược kinh tế đối ngoại của mỗi quốc gia, thậm chí có tác động không nhỏ tới sự hợp tác liên kết kinh tế của các quốc gia liền kề.
Ngày nay quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào còn được đặt trong một bối cảnh hết sức cụ thể của các nước trong khu vực đang cùng nhau tham gia một cách tích cực, hiệu quả vào các tổ chức khu vực như AFTA, AIA… Sự hội nhập quốc tế và khu vực đó đã có tác động sâu sắc đến quan hệ Việt Nam - Lào.
Việc gia nhập ASEAN/ AFTA đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, Lào trên trường quốc tế. Vì Lào là quốc gia không có biển , nên Việt Nam đã giúp Lào có các tuyến đường thông ra biển. Không chỉ vấn đề đường thông ra biển mà ngay cả việc giao thương đường đường bộ giữa các nước trong ASEAN cũng có nhiều vấn đề cần được giải quyết cấp bách. AFTA sẽ buộc các luồng di chuyển hàng hóa giữa các nước Đông Nam Á lục địa phải được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Điều đó đã tác động đến nhiều nước trong đó quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào càng bị thôi thúc hơn. Cần phải tính đến khả năng giao lưu các mặt hàng của từng nước trong ASEAN qua các cửa khẩu biên giới để trên cơ sở đó bố trí và xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu cho phù hợp.
Bên cạnh việc hội nhập ASEAN, Việt Nam và Lào còn tham gia nhiều tổ chức tiểu khu vực như Chương trình tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) với các dự án như: Dự án hành lang Đông – Tây; Dự án hành lang Đông – Nam (gồm Đông Bắc Thái Lan- Nam Lào- Đông Bắc Campuchia- hành lang Trung Việt Nam); Dự án hành lang Đông – Bắc (Đông Bắc Thái Lan- Tây Bắc Lào - Tây Bắc Việt Nam - Vân Nam Trung Quốc); Dự án quốc lộ 7; Dự án xây dựng tuyến đường sắt từ biên giới Thái - Lào (Thà Khẹc) sang Vũng Áng. Gần đây nhất là dự án hợp tác khu vực tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia bao gồm 10 tỉnh của ba quốc gia.
Sự hình thành lên trục đường giao thông cắt ngang qua biên giới hai nước Lào - Việt sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại giữa các nước trong tiểu vùng nói chung và của Việt Nam - Lào nói riêng. Đặc biệt tuyến hành lang Đông- Tây sẽ tạo cho Lào thông thương với các cảng chính của Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng Trung và Bắc Lào, là vùng chiếm 44% dân số cả nước có tiềm năng nông nghiệp lớn, chiếm 80% dự trữ rừng chất lượng cao và có các trung tâm công nghiệp quan trọng.
Để góp phần thực hiện các chương trình hợp tác khu vực và tiểu khu vực như nói ở trên, về phần mình hai nước Việt Nam – Lào đã và đang đưa ra thực hiện hàng loạt các cửa khẩu biên giới giữa hai nước. Chỉ nói riêng về phía Việt Nam, đó là sáu cửa khẩu quốc tế: Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), La Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Bờ Y ( Kom Tum),Na Mèo (Thanh Hóa). Năm cửa khẩu chính: Tây Trang (Lai Châu); Chiềng Khương (Sơn La); Pa Háng (Sơn La); La Lay (Quảng Trị); Nam Giang (Quảng Nam) và chín cửa khẩu phụ: Tén Tần (Thanh Hóa); Khẹo (Thanh Hóa); Ta Đo (Nghệ An); Thanh Thủy (Nghệ An); Sơn Hồng (Hà Tĩnh); Kim Quang (Hà Tĩnh); Cà Rồng (Quảng Bình); Hồng Vân (Thừa Thiên Huế);
Thanh - Ddenvilay (Quảng Trị ).
Như vậy, quả là trong bối cảnh mới của Quốc tế, khu vực và tiểu khu vực nêu như trên, quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào cần có nhận thức mới phù hợp. Và cũng vì vậy vai trò của người lao động Việt Nam ở Lào ( một bộ phận quan trọng hợp thành cộng đồng người Việt ở Lào) cần được nhìn nhận đánh giá đúng. Chính họ đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát huy quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.