Chương 1 KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGUỜI VIỆT Ở LÀO 1.1. KHÁI NIỆM
1.2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở LÀO
1.2.4. Giai đoạn từ 1976 đến nay
Đến giai đoạn sau năm 1975, khi Mỹ rút khỏi Đông Dương, một số người Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử hoặc do lo ngại chính quyền mới và những nguyên nhân về chính trị đã tới Lào định cư hoặc tiếp tục đi sang Thái Lan và định cư ở đó.
Giai đoạn sau giải phóng, trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1995, khoảng 1,5 triệu người Việt Nam đã di tản khỏi đất nước với hai làn sóng di dân chính là di dân bất hợp pháp vào cuối những năm 70 đầu 80 và di dân hợp pháp vào cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ trước.
Có thể nói đây là thời kỳ mà người Việt tị nạn chiếm tỉ lệ lớn trên thế giới. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (HCR), do những bối cảnh khó khăn về chiến tranh sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào tháng 4 năm 1975 và những bất ổn về kinh tế vào những năm đầu của thập niên 1980 đã khiến hàng trăm hàng ngàn người Việt Nam ra đi trong số này có nhiều người vượt biên bằng đường bộ. Tuy nhiên số liệu này không tính lượng xuất cư bất hợp pháp qua biên giới Thái Lan.
Theo HCR nhận định rằng tùy theo năm, mỗi năm có từ 1.000 đến 3.000 người vượt biên qua đường bộ của Thái Lan trong suốt giai đoạn từ năm 1976 đến 1996. Trong số này không có con số ước tính số người đi qua Lào nhưng chắc chắn có một số lượng không nhỏ đi đường bộ qua Lào. Có thể có người ở lại, có người tiếp tục tị nạn sang Thái Lan. Nhìn chung thì chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng người Việt ở Lào trong thời gian này cho dù chỉ là con số ước tính.
Có thể nói, mặc dù không thể ước lượng số lượng người cụ thể nhưng trên thực tế số lượng người Việt sang Lào thời kỳ này cũng không nhỏ nhưng số người thực sự ở lại Lào thì không nhiều lắm bởi đây cũng là thời kỳ có nhiều biến động ở nước này. Bản thân các cộng đồng Việt kiều đã định cư lâu dài ở đây cũng phải chịu nhiều tác động lên thời kỳ này Lào không hẳn là nơi thực sự hấp dẫn cho các luồng di dân người Việt. Có chăng, họ thường lấy đây là nơi trung chuyển và tiếp tục đi Thái và định cư ở nước thứ ba khác. Có thể thấy cuộc sống của người Việt ở Lào với khá nhiều biến động trong giai đoạn này.
Qua giai đoạn này, đến thời kỳ tái thiết xây dựng đất nước và nền kinh tế hội nhập với khu vực và trên thế giới, cả Việt Nam và Lào đều bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế. Thời kỳ mở của và phát triển trên nhiều lĩnh vực đã tác động và tạo ra những động lực nhất định tạo nên những trào lưu di cư mới của người Việt ngày một gia tăng và hình thành những làn sóng di dân sang Lào trong những thập niên gần đây.
Đến thời kỳ phát triển kinh tế, sau những thời kỳ chiến tranh loạn lạc dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng những biến động kinh tế chính trị sau giải phóng, khi Việt Nam và Lào tiến vào thời kỳ xây dựng đất nước đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, các đợt di dân của người Việt sang Lào cũng diễn ra với số lượng người di cư khá lớn.
Đầu tiên phải kể đến những người Việt theo sự điều động của chính phủ Việt Nam đến giúp nhà nước Lào thực hiện các công trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như làm đường giao thông, xây cầu cống, xây dựng các công trình thủy điện, nhà máy xí nghiệp, nhà cao tầng… và khi công trình kết thúc các công ty rút đi nhưng có một bộ phận nhỏ công nhân đã không về quê mà tìm cách sinh sống tại Lào như trường hợp của công nhân xây dựng này: “… Tôi quê ở Quảng Bình đã sang đây được hơn 10 năm rồi…tôi sang đây theo mọi người làm nghề thợ xây, sang xây dựng các công trình của người Việt mình ở bên Lào này rồi lấy vợ là Việt kiều ở Xiềng Vang này… hai đứa con gái của tôi phải lấy theo họ mẹ vì tôi chưa có giấy tờ, quốc tịch Lào…” [12;83].
Hơn nữa, có thể nói, từ những năm bắt đầu phát triển kinh tế và cho đến tận những năm gần đây, các dự án đầu tư ngắn hạn và dài hạn của Việt Nam vào Lào ngày một gia tăng và nhiều hơn, triển khai trên nhiều lĩnh vực và vùng miền của nước Lào. Đi cùng với việc thực hiện dự án trên đất nước Lào là việc đưa cán bộ và công nhân Việt Nam đi theo các công trình đó.
Để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nhà nước Lào cũng đã ban hành luật khuyến khích đầu tư nước ngoài do Quốc hội thông qua và đã được Chủ tịch Quốc hội ký phê chuẩn trong quyết định số 11, ngày 22/10/2004. Tại Mục 6, Điều 12, Chương 3 ghi rõ “Nhà đầu tư nước ngoài và thành viên gia đình, kể cảcác nhà chuyên môn, cán bộ là người nước ngoài của doanh nghiệp đầu tư sẽ được tạo thuận lợi trong việc xin nhập xuất cảnh nhiều lần và cư trú trên đất nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong thời gian dài theo quyết định của Chính phủ, có điều kiện xin nhập quốc tịch Lào” [12; 83-84].
Ngoài ra tại nghị định số 301, ngày 12/10/2005 của Chính phủ Lào quy định tại Điều 30 nêu rõ: “Chính phủ cấp vi sa xuất nhập cảnh nhiều lần và được cư trú 5 năm cho người và gia đình nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia nước ngoài và gia đình là hai năm và người lao động nước ngoài là 1 năm” [12;84].
Tuy luật quy định như vậy nhưng trên thực tế, hiện tại cán bộ công nhân viên đang làm việc trong các dự án chỉ được phép lưu trú trong vòng 1 tháng tức là được đối xử giống như những người Việt Nam đi du lịch hoặc sang lao động tự do tại Lào, không có bất kỳ sự ưu đãi hơn nếu quá hạn trên 1 tháng thì bị phạt mỗi ngày quá hạn là 10 USD/ người. Trong khi các dự án thường được thực hiên trong nhiều năm nên theo đó, người lao động cũng phải làm việc theo dự án trong suốt một thời gian dài. Bởi vậy việc cấp thẻ lưu trú, thẻ lao động nhiều năm cho nhà đầu tư và lao động làm việc trong các dự án đầu tư nước ngoài là việc làm cần thiết không chỉ đối với người Việt Nam mà cả với người nước ngoài nói chung.
Như vậy có thể thấy, việc cư trú của những cán bộ, công nhân viên thực hiện các dự án của Việt Nam cũng gặp nhiều vấn đề bất cập đặc biệt về vấn đề thẻ lao động do mặc dầu Chính phủ Lào đã có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài nhưng việc thể chế hóa trong thực hiện và các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành cũng gây khó khăn không nhỏ cho người lao động hoạt động trong các dự án.
Không chỉ có cán bộ công nhân đến làm việc ở Lào mà còn có những người di cư tự do đến Lào để tìm kiếm công ăn việc làm theo mùa vụ, những người trong nhóm này đang ngày một gia tăng cùng với quá trình phát triển kinh tế của Lào đặc biệt là ở những miền quê nghèo miền Trung Việt Nam, nơi có đường biên giới khái dài tiếp giáp với Lào. Những người di cư tự do hầu hết đều không có giấy tờ và chịu nhiều rủi ro trong quá trình di dân như bị trục xuất về nước. Điều này được thể hiện phần nào qua lời kể của những ngườitrong cuộc đã từng trải qua: “… Em quê ở Ngọc Lâm, Quảng Bình…Em sang đây từ năm lên 13 từ những năm 85-86 cơ… Hồi đấy do ở quê mất mùa… với lại gia đình cũng nghèo đói quá lên sang đây… thích thì đi tự do thôi,… chẳng có giấy tờ gì đâu… Đợt đấy nhiều người sang cả gia đình đấy
nhưng do không có giấy tờ… Lào họ đuổi về hết, đuổi nhiều người về Việt Nam rồi… Chồng em người Việt nhưng có quốc tịch rồi nên em mới được ở lại Lào này” [12;85].
Ngoài ra còn có những người di dân theo kiểu xâm canh xâm cư ở các vùng biên giới giữa hai nước Việt – Lào vì các mục đích sinh kế theo mùa vụ hoặc lâu dài, những ngươi di dân loại này thường là những người dân vùng biên qua lại buôn bán trao đổi hàng hóa. Số lượng những người xâm canh xâm cư khó xác định được chính xác nhưng cũng chiếm tỉ lệ khá lớn và ngày gia tăng khi các hoạt động buôn bán vùng biên và xuất nhập khẩu nơi đây đang trên đà phát triển không chỉ ở các cửa khẩu chính thức được mở giữa Việt Nam và Lào mà còn ở cả những vùng giáp ranh biên giới giữa hai nước.
Nhìn chung nếu được quản lý tốt, lực lượng này có thế có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế của hai nước nhưng hiện tại thì nhiều vấn đề nảy sinh mà cả hai chính phủ Việt Nam Lào đều phải quan tâm, cùng giải quyết nhằm định hướng cho luồng di cư này.
Cư dân sống dọc biên giới hai nước thường xuyên hỗ trợ nhau và có quan hệ mật thiết với nhau. Vấn đề di dân tự do đã tồn tại nhiều năm do đặc điểm dân tộc, thân thuộc lâu đời giữa nhân dân hai biên giới. Có những vùng cư dân sinh sống không phân đâu là Việt đâu là Lào, thậm chí có những gia đình người Lào còn gửi con mình sang bên Việt Nam nhờ bà con Việt Nam nuôi hộ. Hiện nay, mặc dù hai bên Việt Nam Lào đã tích cực ngăn chặn xử lý số người nhập cư trái phép nhưng do tình trạng đó không những không giảm mà chiều hướng lại gia tăng. Tính đến năm 1994, số cư dân Việt Nam sang Lào sinh sống dọc theo biên giới là 7 hộ với 29 khẩu. Năm 1997, phía Lào thông báo cho Việt Nam có 104 hộ với 868 người Việt Nam di cư trái phép sang Lào. Một số trong đám cư dân này đã bị phía Lào trao trả về Việt Nam trên tinh thần phù hợp với tập quán của nước. Năm 2004, tình trạng xâm cư
lại tái diễn, phía Việt Nam có 57 hộ với 355 người Việt Nam đã tự di cư sang Lào; phía Lào đã trao trả cho Việt Nam 27 hộ với 151 khẩu. Theo thống kê của Lào, năm 2004 có 680 hộ với 6.498 người Việt Nam di cư tự do sang Lào. Năm 2004, phía Lào đã trao trả lại Việt Nam 120 trường hợp và cáo giác 683 trường hợp đã lưu trú quá thời hạn. Phía Việt Nam đã tiếp nhận 272 người do phía Lào trao trả.
Những năm gần đây sự qua lại của người Việt Nam ở Lào càng nhộn nhịp hơn, nhất là khu vực đường vành đai Đông Dương với các dự án hợp tác phát triển kinh tế
Thực hiện các dự án hợp tác đầu tư của Việt Nam tại Lào là hàng nghìn các công nhân Việt Nam đến sinh sống và làm việc tại Lào. Chính họ là những người đã góp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng kinh tế của Lào.
Nhiều người trong số họ đã ở lại làm ăn sinh sống tại Lào. Những người công nhân ở lại đó là một trong những bộ phận hợp thành cộng đồng người Việt ở Lào. Chỉ tiếc rằng số lượng lực lượng lao động này hiện chưa có số liệu thống kê chính thức, nên số lượng người lao động ở lại Lào làm ăn sinh sống cũng không có thống kê cụ thể.