Chương 1: THỜI ĐẠI, TÁC GIẢ VÀ CÁC VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT
1.2. Các vấn đề lý thuyết
1.2.2. Thơ trào phúng và một số khái niệm thuộc phạm trù mỹ học: cái hài, cái bi,
Về “thơ trào phúng”, để hiểu được khái niệm này, chúng tôi xin đi vào cắt nghĩa và lý giải cho hai khái niệm con là “thơ” và “trào phúng”.
Trước hết, khi nói tới “thơ”, mỗi người, mỗi thời đều có những quan niệm riêng thú vị. Chẳng hạn như Platon, một nhà triết học cổ đại Hy Lạp thì cho rằng “thơ là thần hứng” hay thơ, ấy là “những gì đã thất lạc trong quá trình chuyển đổi”, “thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ đã tìm ra lời của chúng” theo như cách nghĩ của Robert Frost, một trong những nhà thơ Mỹ từng bốn lần đoạt giải Pulitzer. Edgar Allan Poe, được gọi là “nhà thơ điên”, cũng là một cây bút kỳ tài trong thể loại văn chương trinh thám và hình sự cũng có những phát ngôn nổi tiếng về thơ như: “Tôi định nghĩa rất ngắn về thơ ca, ngôn ngữ thơ là nhịp điệu, thẩm mỹ. Trọng tài
duy nhất của chúng là khẩu vị. Trí khôn và nhận thực chỉ khiến nó trở thành một tài sản. Trừ yếu tố tình cờ, thơ không quan tâm đến bất cứ điều gì, dù là nghĩa vụ hay chân lý”, … hay thậm chí có người còn cho ví “thơ” như một “biểu thức tâm hồn”, một cơn say, một cơn điên loạn thần thánh,… Chỉ một chữ “thơ’ nhưng lại là một câu hỏi mở với vô vàn đáp án. Do vậy, khái niệm này không chỉ được định nghĩa khác đi bởi nhiều người mà còn ở nhiều thời (thời đại, thời điểm) như quan niệm chính thống về thơ trong Nho giáo “thi dĩ ngôn chí” đã chi phối hàng ngàn năm thơ trung đại Việt Nam hay quan niệm “thi ngôn tình” của Trung Quốc thế kỷ III đời Đông Tấn cũng đã có nhiều ảnh hưởng đến trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong thơ Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX mà Truyện Kiều là một ví dụ điển hình và tiêu biểu. Khái niệm này trong những năm gần đây cũng tiếp tuc được nhiều nhà nghiên cứu nỗ lực định nghĩa như Hà Minh Đức, Mã Giang Lân, Phan Ngọc song đến nay vẫn chưa thể có một định nghĩa trọn vẹn và đầy đủ nhất để nói về thơ.
Trong Từ điển Văn học (2004) của nhóm tác giả Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, “trào phúng” (satira) được định nghĩa là “một loại đặc biệt của sáng tác văn học đồng thời là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật, trong đó các yếu tố của tiếng cười mỉa mai, châm biếm, phóng đại, khoa trương, hài hước… được sử dụng để chế nhạo, chỉ trích, tố cáo, phản kháng những cái tiêu cực, xấu xa, lỗi thời, độc ác trong xã hội” [22, tr.1124]. Thơ trào phúng cũng được coi là một trong những tiếng nói cuối cùng của loại hình văn học trung đại khi chuyển đổi từ trung đại sang hiện đại. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà các nhà thơ trào phúng như Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… được xếp vào hàng những nhà nho cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, trong văn học, nói đến trào phúng thì không thể thiếu cái cười. Xét về nguồn gốc, “trào phúng” là từ Hán - Việt. Tách chiết ra thì độc giả có thể hiểu “trào” là cười cợt, chế giễu còn “phúng” là lời bóng gió để châm biếm, đả kích hay như cách hiểu đơn giản nhất trào phúng là nghệ thuật gây ra tiếng cười. Dù cười ở các cung bậc khác nhau nhưng nhất thiết tác phẩm trào phúng phải gây hài, phải có tiếng cười. Về điều này, theo các nhà mĩ học, cái hài là một trong những phạm trù mỹ học, được bật ra khi người ta phát hiện được một
mâu thuẫn đặc biệt, trái với lẽ tự nhiên. Mâu thuẫn đó có thể là gì? Đó có thể là “sự mâu thuẫn giữa các hiện tượng không hoàn thiện” hoặc theo quan niệm của phương Tây, đó là mâu thuẫn giữa cái xấu và cái đẹp của Arixtôt trong Thi học. Kant nhà triết học, mỹ học Đức coi đó là mâu thuẫn giữa cái cao thượng và cái thấp hèn.
Hêghen cho đó là mâu thuẫn giữa hình tượng và ý niệm. Sécnưsepxki cho rằng, đại ý: Cái hài kịch xảy ra khi hình tượng lấn át ý niệm, tức cái hài là sự trống rỗng mà tính hoàn toàn vô nghĩa ở bên trong được che đậy bởi một vẻ bề ngoài phô trương, lòe loẹt,... Còn theo quan niệm phương Đông và cụ thể là ở Việt Nam, đặc biệt là trong đạo Nho thì lại được nhìn nhận rất khác bởi đạo Nho là đạo “tu kỉ, trị nhân”, nhà nho luôn theo đuổi hình mẫu “nội thánh ngoại vương” lý tưởng (tức bên trong mang phẩm chất thánh nhân, bên ngoài làm vua thiên hạ), là người có nhân cách cao cả, là thánh nhân thoát tục. Chính vì vậy, trong các sáng tác của các nho gia Việt Nam từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVI, tiếng cười, tiếng khóc, những cảm xúc tự nhiên bình thường không xuất hiện trong văn chương nhà nho chính thống và thay vào đó là cái đạo đức, trang nghiêm. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ XVIII, mô hình
“thánh nhân quân tử” đã không còn hấp dẫn nho sĩ nữa, thay vào đó là hình ảnh con người của tự nhiên, con người bình thường gần gụi. Tiếng cười cũng bắt đầu xuất hiện trong thơ ca từ đó mặc dù vẫn chưa cụ thể, xác định, vẫn còn mơ hồ và mang xu hướng nhằm vào cái chung, một hạng người, một loại người… Phải đợi đến cuối thế kỉ XIX, trước sự xâm nhập của thực dân phương Tây, trước thời cuộc đảo điên, lai căng, “dở dở ương ương”, quan niệm của nhà nho mới chính thức có sự thay đổi, dao động lớn. Họ bắt đầu nhận ra chữ nghĩa thánh hiền không giúp ích gì cho thời cuộc trước cú “đụng đầu lịch sử”. Họ chế giễu, cười cợt chính xã hội bắt đầu mục ruỗng mà họ đang sống, tới những kẻ vô tích sự, lười biếng, gàn dở,… và cả tự chê trách, “kiểm điểm” bản thân mình. Cười người rồi lại cười mình, là những chuyện hiếm thấy trước đó.
Như vậy, có thể thấy rằng thơ trào phúng là loại thơ dùng ngôn từ ví von, bóng gió để châm biếm, đả kích những mâu thuẫn, những thói hư tật xấu trái với lương tri, đạo đức xã hội. Trong đó, tiếng cười mang nhiều sắc thái, cung bậc phong phú, đa dạng như
cười khinh bỉ, cười thiện cảm, cười nghiêm khắc, cười chua chát,… Ngoài ra, trong sáng tác thơ văn trào phúng, phạm trù mỹ học cái hài còn được thể hiện qua nhiều lăng kính, như: tính cách hài, tình huống hài, chi tiết hài, cường điệu, nhấn mạnh, nhại, biếm họa, biến dạng nghịch dị, tự tố cáo và tố cáo nhau (giữa các nhân vật), phương tiện ngôn ngữ (chơi chữ, …), ngụ ý, tương phản,… bao hàm yếu tố bất ngờ. Đây cũng chính là những
“chất liệu” đặc biệt, sinh động và đa dạng đem đến sự khác biệt giữa văn chương hiện thực trào phúng và các mảng văn học khác.