Nhân vật Tú Xương

Một phần của tài liệu THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG NHÌN TỪ SỰ TIẾP XÚC VĂN HÓA ĐÔNG TÂY (Trang 67 - 72)

Chương 3: NGƯỜI KHÁC” TRONG THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG

3.1. Hệ thống nhân vật trong thơ trào phúng Trần Tế Xương

3.1.5. Nhân vật Tú Xương

Như chúng ta đã biết, giá trị hiện thực của thơ văn Tế Xương không chỉ ở chỗ phản ánh chân thật, sinh động xã hội Việt Nam những năm bản lề của thế kỉ XIX – XX mà còn ở chỗ nó phản ánh trung thực tâm trạng của những lớp người trí thức, ưu thời mẫn thế nhưng bất lực, lẽ loi cô đơn trước thời cuộc. Tâm trạng đó cũng chính là tâm trạng của chính nhà thơ, nhân vật Tú Xương. Trong các sáng tác của

mình, Tú Xương nhiều lần mượn lời nhân vật của mình tự xưng khi thì bằng “tôi”, bằng “ta”, bằng “mình”, bằng “tớ”, khi thì bằng “thằng tôi”, bằng “bác”, bằng “ông”, bằng “thầy”, bằng “em”. Ông còn tự khắc họa bản thân mình, xây dựng ngoại hình với một bức chân dung thật xấu xí qua những bài thơ tự trào về dáng vẻ, đi đứng:

“Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành.

Mắt thời thao láo, mặt thời xanh.

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó, Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Bài bạc, kiệu cờ cao nhất xứ, Rượu chè trai gái đủ tâm khoanh.

Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi, Cứ việc ăn chơi chẳng học hành.”

(Tự cười mình I)

Cũng có khi, nhẹ nhàng hơn khi ông nhập vào vai của một thầy đồ nghèo chốn thị thành:

“Trông thầy

Con người phong nhã Ở chốn thị thành Râu rậm bằng chổi Đầu to tày giành”

(Thầy Đồ dạy học I)

Đọc qua, những tưởng đó chỉ là những vần thơ tự miêu tả về ngoại hình và tự giễu cợt mình nhưng sâu xa hơn, đó là sự phản kháng của một con người tài, có chí mà không gặp thời. Một bài thơ ngắn có chút trào tiếu, cao ngạo nhưng cũng đầy chua xót. Tác giả nói mình những cũng tự giễu nhà Nho. Ở cái thời đồng tiền lên ngôi, vì không biết làm kinh tế nên ra ngoài dù vẫn vênh mặt cao ngạo nhưng về nhà vẫn phải “Vuốt râu nịnh vợ con bu nó” là thế. Quả thực “cơm áo gạo tiền” luôn là nỗi lo của mỗi gia đình trong thời buổi khó khăn. Cả nhà đông miệng ăn chỉ trông chờ vào một mình bà Tú. Trong khi đó Tú Xương vẫn đang lao đao lận đận với nợ

công danh. Cho nên, có lúc ông coi mình như một thứ ăn hại, như đứa con trong số những đứa con bà Tú phải nuôi, như những lời thơ ông viết trong bài thơ Thương vợ: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Ông cũng không ngại ngần khi tự vẽ lên chân dung mình với hình ảnh của một ông chồng vô tích sự qua các bài thơ như Thương vợ, Quan tại gia, Tự cười mình II, Ta chẳng ra gì,…

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.”

(Thương vợ)

“Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,

Đem chuyện trăm năm giở lại bàn.”

(Quan tại gia)

“Ngồi đấy chả hơn gì chú Cuội, Nói ra thì thẹn với ông Tơ.”

(Ta chẳng ra gì)

Trước cái nghèo đang “cưa xé” và sự “đểu cáng” của hiện thực xã hội thối nát, Tú Xương không giấu diếm sự bất mãn trước những hạng người vụ lợi, lừa lọc, những kẻ dốt nát bất tài, vô dụng.

“Có một thầy, Dốt chẳng dốt nào, Chữ hay chữ lỏng.

…Sách vở mập mờ, Văn chương long ngóng.”

(Phú hỏng thi)

“Ý hẳn thầy văn dốt vũ dát,

Cho nên thầy luẩn quẩn luẩn quanh,”

(Phú thầy đồ)

“Tấp tểnh người đi tớ cũng đi, Cũng lều cũng chõng cũng đi thi, Tiễn chân cô mất ba đồng chẵn,

Sờ bụng thầy không một chữ gì…”

(Đi thi)

“Rõ thực Nôm hay mà chữ dốt,

Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.”

(Buồn hỏng thi)

Chỉ trích, châm biếm người rồi nhân vật ông Tú cũng tự bêu riếu, chế giễu cái xấu của bản thân, tự phủ định và rồi cũng tự nhận thấy bản thân không còn theo chuẩn mực đạo đức Nho gia, hoặc để giống như xã hội đương thời, cho mọi người thấy mình cũng tha hóa. Và quan trọng hơn cả là bởi bản thân ông ý thức chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ mọi chuyện. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà lời chửi mới thật nhất, mới sâu sắc, mới đau nhất. Bằng cách ấy, Tú Xương đã tạo ra được một tiếng cười cho riêng mình – một kiểu tự trào “phi ngôn chí” mà có lẽ ít ai làm được:

“Chẳng phải quan, chẳng phải dân Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần”

(Tự trào)

Tự nhận mình là “ngơ ngơ ngẩn ngẩn”, là “đần” ấy vậy mà chính ông lại là người “tỉnh” nhất. Nói cái ngẩn ngơ của mình để cười sự ngơ ngẩn của đời là cách trào tếu đầy thi vị. Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đó, nhân vật Tú Xương cũng được xây dựng hình ảnh trong thơ như một “người thiệp thế”…

“Kìa thơ tri kỉ đàn anh nhất, Nọ khách phong lưu bậc thứ nhì Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế, Giang hồ cho biết bạn tương tri.”

(Tự đắc) Hay như một kẻ phong lưu:

“Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo,

Cũng nhiều lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm, tam khoanh.

Nhà lính tình nhà quan: ăn rặt những thịt quay, lạp xường, Mặc rặt những quần vân, áo xuyến;

Đất lề, quê thói ở chỗ ngồi cũng án thư, bàn độc, Nhoài hiên cũng cánh xếp mành mành”

(Phú thầy đồ)

Và có khi hiện lên là một Tú Xương ân tình, nồng hậu trong tư cách làm chồng:

“Mình đi tu cho thành tiên thành Phật

để rong chơi nơi Lãng uyển, Bồng hồ;

Tớ nuôi con cho có dâu có rể, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ.”

(Văn tế sống vợ) Một Tú Xương tu chí:

“Năm nay ta học, sang năm đỗ,

Chẳng những Lương Đường có thủ khoa.”

(Than thân chưa đạt) Một Tú Xương tha thiết với vận nước:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

(Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu)

Bằng cách tự trào, tự phô bày “cái tôi” cá nhân ở nhiều điểm nhìn, khía cạnh tốt – xấu theo cách vừa phủ định vừa khẳng định, Tú Xương đã khắc họa một cách sinh động chân dung của chính mình qua hình ảnh của một nhà nho - thị dân buổi giao thời phong kiến – tư sản. Cũng bởi sự tồn tại song song hai tư cách trong một con người như thế đã tạo nên một sự “chênh” đầy cắc cớ và thú vị trong nhãn quan và cách thể hiện nhân vật của nhà thơ, đặc biệt là sự thành công trong việc xây dựng một kiểu nhân vật mới cho văn chương Việt Nam: nhà nho thị dân.

Một phần của tài liệu THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG NHÌN TỪ SỰ TIẾP XÚC VĂN HÓA ĐÔNG TÂY (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w