Chương 3: NGƯỜI KHÁC” TRONG THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG
3.2. So sánh “người khác” trong thơ trào phúng Trần Tế Xương và Nguyễn Khuyến
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, trong không gian của làng quê, hệ thống nhân vật xuất hiện trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến cũng vô cùng phong phú. Có thể kể đến nhân vật quan lại, là những kẻ bất tài, là bọn quan tham chuyên đi vơ vét của dân không chịu lo việc nước, là bọn suốt ngày chỉ biết đến tiền:
“Ai bảo rằng ông dại với ông điên Ông dại sao ông biết lấy tiền.”
(Tặng một viên quan tham nhũng)
Hay những bộ mặt đáng khinh của những tên quan chuyên bòn rút của dân và có lối sống hết sức “ki cóp”:
“Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.”
(Hỏi thăm quan tuần mất cướp)
Thậm chí, giữa trong buổi loạn li thì của đất nước, chúng còn bán rẻ danh dự để làm tay sai, ngang nhiên nhận bổng lộc “lương Tây” của thực dân Pháp:
“Bổng lộc như ông không mấy nhỉ Ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây.”
Nguyễn Khuyến cũng hướng ngòi bút của mình vào “bọn quái thai” khác nữa, đó là gái me Tây. Chúng làm “đĩ mười phương chơi cho đủ chín” rồi cũng đem thân “đĩ mốc” về làng…
Nhân vật nhà nho được thể hiện trong thơ trào phúng Nguyễn Khuyến với hình ảnh thầy đồ, nào là “thầy đồ ve gái”, “thầy đồ bị gái lừa”, mang danh nhà mô phạm nhưng sự đời đảo điên, tình dục đã làm “mờ ám lương tri”:
“Ở goá thế gian này mấy mụ, Đi ve thiên hạ thiếu chi thầy.
Yêu con cũng muốn cho thầy dạy, Dạy cháu nên rồi mẹ cháu ngây.”
(Thầy đồ ve gái)
Hay:
“Cùng nhau chửa được mấy ngày, Cô tiêu cũng lắm thầy vay cũng nhiều.
Yêu người, người lại chẳng yêu.
Chiều hoa, hoa lại chẳng chiều mới căm.”
(Thầy đồ bị gái lừa)
Bên cạnh việc viết về những nhân vật khác thì Nguyễn Khuyến còn tự viết về bản thân. Những bài thơ tự trào được chia thành hai tiểu loại. Đó có thể là những bài thơ “tự trào trực tiếp”, tức đối tượng trào phúng là chính bản thân tác giả được chỉ đích danh hoặc là những sáng tác mang tính “tự trào gián tiếp” qua các đối tượng trào phúng “ẩn danh” như tiến sĩ giấy, thầy đồ, quan chèo, quan đốc học, ông Nghè mới đỗ,… song tựu chung, các sáng tác ấy đều là sự phản ánh sâu sắc tâm trạng của chính tác giả trước những cảnh ngộ, những biến đổi của thời cuộc:
“Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa Thử xem trời mãi thế này ư ?
(Đại lão)
Như vậy, so sánh hệ thống nhân vật trong thơ trào phúng Tú Xương và Nguyễn Khuyến trên hai phương diện hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện nhân vật, ta thấy trong thơ hai ông có bốn loại nhân vật giống nhau. Đó là: nhân vật người phụ nữ, nhân vật quan lại, nhân vật nhà nho, nhân vật tự trào (nhân vật thể hiện cái tôi trực diện và rõ nét nhất của hai tác giả Nguyễn Khuyến và Tú Xương).
Về nghệ thuật thể hiện nhân vật, Tú Xương thể hiện nhân vật của mình với nhiều đặc điểm dị biệt, cụ thể bằng cách sự dụng nhiều yếu tố phóng đại để tô đậm thêm nét kỳ quái của tính cách nhân vật, còn Nguyễn Khuyến, chỉ bằng vài nét phác thảo với những bức chân dung biếm họa hài hước, sống động tuy còn mang quán tính của sự phê phán có tính chất răn dạy của đạo lý Nho gia.
Tiểu kết chương 3
Dựa vào đặc điểm của nhân vật về giới tính, địa vị, nghề nghiệp, nội dung tư tưởng, chúng tôi đã phân loại thành năm kiểu nhân vật tiêu biểu trong thơ trào phúng của Tú Xương: nhân vật người phụ nữ, nhân vật quan lại, nhân vật kẻ thị dân, nhân vật nhà nho, nhân vật “Tú Xương”.
Với bút pháp trào phúng độc đáo, Tú Xương đã xây dựng thành công các nhân vật với những đặc điểm về ngoại hình và tính cách riêng biệt. Mỗi một kiểu nhân vật là đại diện cho một lớp người trong xã hội đương thời bấy giờ. Nhân vật quan lại hám tiền, chuyên vơ vét của dân, đại diện cho tầng lớp nhâng nháo nhất xã hội. Nhân vật người phụ nữ mang cả nét truyền thống, hiện đại với sự tần tảo “một nắng hai sương” vì chồng con, dám gánh vác đứng lên làm trụ cột gia đình, cả những nhân vật người phụ nữ bị xã hội dồn vào làm “cô đầu”, “gái đĩ”, những hạng đàn bà học thói “đĩ thõa” lên mặt với đời,… Có người đáng thương, có người đáng chê nhưng họ đều là nạn nhân của xã hội đang “Âu hóa”. Kẻ thị dân được coi là
“nhân chứng sống” của khung cảnh “phố nửa làng” mà văn hóa phương Tây mang lại. Lố lăng, kệch cỡm, khoe mẽ, gian dối,… là những hình ảnh tiêu biểu về họ.
Nhân vật nhà Nho là sản phẩm của xã hội đương thời Tây – ta lẫn lộn, họ không còn chỗ đứng trong xã hội, họ nghèo khó đến mức “chạy ăn từng bữa”, họ xuất hiện với đủ các tư thế “nhấp nhổm ngồi”, “nằm co”... Còn Tú Xương, ông đem hết tất cả những gì “mất nết” nhất của mình để nói lên, ông kể về hoàn cảnh bản thân với sự chân thật. Mỗi nhân vật lại mang một màu sắc khác nhau, không chỉ là cách tác giả lên án xã hội đương thời mà còn giúp ông khẳng định bút pháp trào phúng bậc thầy của mình.
Ngoài ra, nội dung khảo sát hệ thống nhân vật trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến và Tú Xương không chỉ đưa ra nhiều nét tương đồng mà còn thể hiện được nhiều khác biệt trong lăng kính và điểm nhìn cá nhân của hai tác giả cùng thời. Qua đó tạo nên một hệ thống nhân vật thật sự phong phú thuộc nhiều không gian xã hội, từ nông thôn đến chốn thị thành. Điều này cũng góp phần giúp độc gỉả hiểu rõ hơn sự vận động của văn học trào phúng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX
cũng như vị trí của mỗi tác giả trong tiến trình văn học Việt Nam. Khi mà thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến được coi là sự tiếp nối hay một biến thể của thơ đạo lý thế sự của Nho gia dưới dạng thức châm biếm nhằm mục đích giáo hóa còn thơ trào phúng của Tú Xương chính là sản phẩm của giai đoạn giao thời, của văn học đô thị, là dấu hiệu phá vỡ những khuôn khổ của văn chương nhà Nho truyền thống.