So sánh “cái khác” (the other) trong hệ thống chủ đề, đề tài trong thơ trào phúng Trần Tế Xương và Nguyễn Khuyến

Một phần của tài liệu THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG NHÌN TỪ SỰ TIẾP XÚC VĂN HÓA ĐÔNG TÂY (Trang 47 - 52)

Chương 2: Ý THỨC VỀ “CÁI KHÁC” (THE OTHER) VÀ CHỦ ĐỀ, ĐỀ TÀI

2.2. So sánh “cái khác” (the other) trong hệ thống chủ đề, đề tài trong thơ trào phúng Trần Tế Xương và Nguyễn Khuyến

Nhắc đến cụ Tam Nguyên Yên Đỗ có lẽ điều người ta nghĩ đến trước hết chính là những bài thơ trữ tình tinh tế về thiên nhiên vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ, về tình cha con, vợ chồng, bè bạn, xóm giềng chân thành, thắm thiết. Thế nhưng bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Khuyến còn gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc bởi những vần thơ mang tiếng cười đặc sắc, tưởng nhẹ nhàng, kín đáo mà lại thâm thúy, chua cay.

Phải thấy rằng, đặt sánh ngang cùng các tác phẩm trào phúng của Tú Xương, sự thể hiện chủ đề, đề tài trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến không kém phần đa chiều, phong phú.

Để giễu cợt bọn quan tham, Nguyễn Khuyến gửi gắm tâm sự đã kích trong Hỏi thăm quan tuần mất cướp, trong khi đó Tú Xương lại châm biếm hết sức chua cay qua việc nhắc lại lời chúc đầu năm mới của bọn quan lại với nhau:

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”

Cũng nói đến sự thay đổi theo chiều hướng đáng buồn của luân thường đạo lý, Nguyến Khuyến thể hiện một cách kín đáo qua việc miêu tả không khí vui nhộn

của ngày Hội tây. Mở đầu bài thơ Nguyễn Khuyến giới thiệu ngay khung cảnh nhộn nhịp của ngày hội:

“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.”

Âm thanh rộn rã của tiếng pháo, màu sắc lấp lánh của đèn treo, cờ kéo, .. đến ngay cả con người trong ngày hội ấy cũng rất háo hức:

“Bà quan tranh ngất xem bơi trải Thằng bé lom khom ghé hát chèo Cậy sức, cây đu nhiều chị nhún Tham tiền, cột mỡ lăm anh leo.”

Bà quan nom thật nực cười, thằng bé thì “lom khom” đến tội nghiệp. Hai hình ảnh đặt đối xứng đã lột trần thực tại xót xa của cảnh đất nước trong cảnh nô lệ, dưới gót giày của lũ xâm lược. Xót xa hơn, những con người nô lệ ấy còn không nhận thức được nỗi nhục mất nước, lại còn cuốn vào những trò chơi mà bọn thực dân Pháp bày ra để mị dân. Đứng từ xa chứng kiến cảnh ấy, Nguyễn Khuyến không khỏi xót xa:

“Khen ai khéo vẻ trò vui thế Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu!”

Cùng trong cảnh huống như vậy, nhà thơ thành Nam Tú Xương lại đặt ngay một câu hỏi lớn đối với xã hội:

“Có đất nào như đất ấy không Phố phường tiếp giáp với bờ sông

Nhà kia lỗi phép con khinh bố Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.”

(Đất Vị Hoàng)

Xã hội đổi thay, những kỳ thi Hán học như “những phiên chợ chiều đã tàn”.

Chế giễu cảnh thi võng lọng “nửa Tây nửa Ta” và những ông nghè, ông tổng lúc bấy giờ, Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh “tiến sĩ giấy” - một nhóm đồ chơi yêu thích của trẻ em ngày trước để khéo chê:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai Cũng gọi ông nghè có kém ai”

Cũng “cờ”, cũng “biển”, cũng “cân đai”, đủ những thứ áo xiêm diêm dúa chẳng kém ai, thế nhưng học vị danh giá, vẻ vang ấy thực chất cũng chỉ là một mảnh giấy có đóng dấu son đỏ lòe loẹt của triều đình. Học vị tiến sĩ, ông nghè cao quý giờ chẳng còn chút giá trị, thậm chí còn có thể mua được bằng tiền.

“Mãnh giấy làm nên thân giáp bảng Nét son điểm rõ mặt văn khôi”

Cười người, cười đời chưa đủ, thậm chí đã có lúc ông còn chế giễu cái bất lực, bạc nhược của chính mình một cách thẳng thắn:

“Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng”

Điệp từ “mình” trở đi trở lại như một niềm day dứt khôn nguôi, xoáy sâu vào bản thân mà chế giễu. Cũng như Tú Xương, tự cười mình có lẽ cái cười sâu sắc nhất mà cũng xót xa nhất.

Có thể thấy rằng, Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai trong những nhà thơ trào phúng tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam cuối thế kỉ XIX. Mặc dù được xếp vào hàng những nhà thơ cùng thời, cùng phản ánh xã hội đương thời với những đề tài về xã hội, con người có phần giống nhau song mỗi nhà thơ lại đem tới những sáng tác độc đáo cùng hai phong cách khác nhau. Nếu như Tú Xương, “một trí thức giao thời, một kiểu thị dân tư sản hóa” mang đến cho người đọc những chủ đề đề tài của xã hội thị dân với những câu thơ trào phúng cay độc, bốp chát đi vào những vấn đề có ý nghĩa phê phán xã hội thì Nguyễn Khuyến viết thơ trào phúng là nhân danh đạo lý của nhà Nho để giáo hóa, phê phán cái xấu” lại mang đến một hồn thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà thâm thúy với những nội dung thuộc đời sống nông thôn. “Nếu như cái cười của Nguyễn Khuyến là “cách châm biếm kín đáo, sâu cay mà điềm tĩnh.” thì cái cười của ông Tú lại là “cái cười tưng tửng thị dân “như một thứ nước lạnh vô hình dội vào đối phương”. Cái cười đó còn có sự dồn nén nỗi đau bên trong

của con người nghệ sĩ, vừa có cái cảm nhận của con người bé nhỏ, những mặc cảm của con người thừa”. [Dẫn theo 32, tr.95]

Có những điểm tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt như vậy, theo chúng tôi là bởi những sáng tác của hai tác giả đều bị chi phối và quy định bởi “không gian sống”, tức giống như một bức tranh đa chiều về hiện thực xã hội lúc bây giờ, nơi nhân vật tồn tại và làm cho nhân vật thay đổi từ ngoại hình, hành động, tính cách, phẩm chất,…. đồng thời là mảnh đất nảy sinh ra những cái khác trong các chủ đề, đề tài. Không gian trong thơ Nguyễn Khuyến được tái dựng là nông thôn, có lẽ sự xâm nhập của văn hóa phương Tây chưa thực sự phức tạp và mạnh mẽ như chốn thị dân, cho nên lăng kính cá nhân của cụ Tam nguyên khi nhìn nhận hiện tượng giao thời này cũng khác. Bên cạnh đó cũng có thể lý giải thêm ở chỗ nhà thơ Nguyễn Khuyến vẫn là kẻ sĩ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo nên phần nào cái tôi của kẻ sĩ trong việc đả kích, phê phán đời và người cũng đôi phần bị tiết chế, nhẹ nhàng hơn. Do vậy, khi đặt đối sánh với thơ trào phúng của Tú Xương, độc giả có thể thấy, những sự việc và hình ảnh con người thị dân trong thơ Tú Xương vẫn luôn được thể hiện một cách “Tây hóa” hơn, lạ lẫm, dị biệt hơn. Thái độ và ngôn từ của nhà thơ cũng gay gắt, chát chúa hơn. Khác với không gian nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến, trong không gian đô thị “phố nửa làng”, chất thị dân dường như trở thành một mẫu số chung, một không khí chung bao trùm, len lỏi vào khắp các ngõ ngách của xã hội. Những người vợ trong gia đình tham gia buôn bán, thậm chí

“nuôi chồng” cũng là một khía cạnh thể hiện con người thị dân. Quan lại thì lộng hành, mua quan bán chức, tham lam, vơ vét của cải của nhân dân,… Những kẻ thị dân thì học đòi thói “thị thành” trở thành lố bịch, kệch cỡm cùng những thói lừa lọc, gian xảo, dối trá trong đối đãi của những người trong gia đình. Người tri thức Nho học cũng không còn được coi trọng, kẻ thì “vứt bút lông đi giắt bút chì” (mà chính Tú Xương đã có lúc cũng “đi thi theo phong trào”), kẻ thì rơi vào tình cảnh nghèo khó không lối thoát….

Tiểu kết chương 2

Là bậc hậu sinh của Nguyễn Khuyến, khi chứng kiến xã hội thị dân lố lăng, kệch cỡm đến mỉa mai trước mắt cùng với nỗi ngậm ngùi, đau đớn vì thi hỏng, vì Nho học suy tàn, vì cảnh nghèo túng vây bủa, Tú Xương đã xây dựng và đem đến cho thơ ca trung đại cuối thế kỉ XIX những đề tài thực sự thời sự và đặc sắc. Những đề tài ấy chủ yếu xoay quanh xã hội thị dân đương thời đang dần “Tây hóa” với những cảnh, những người, thói đời đã khác. Cùng với đó, bằng giọng thơ châm biếm sắc cạnh, Tú Xương đã tạo nên một kiểu cười “tự trào phúng thế thị dân”, mang đậm cái tôi. Nhiều khi tác giả còn tự khuếch trương, phóng đại cái đáng cười của bản thân, giễu nhại bản thân rất quyết liệt. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, thể hiện những nội dung đó, nhà thơ không phải là để tự khẳng định mình mà là một cách giải thoát, phản kháng khỏi sự u uất, bất mãn với chính bản thân, với đời. Cười đó rồi khóc đó.

Viết về những bi kịch cá nhân và cảm thức cuộc đời với những thói xấu ăn sâu vào nề nếp và lối sống của con người trong các đề tài cũng là điểm gặp gỡ giữa thơ Tú Xương và thơ Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, chính tâm thế nhà nho và sự khác biệt trong không gian xã hội, không gian sống của nhà thơ đã chi phối nhãn quan của cả hai tác giả trong việc thể hiện các đề tài. Sự khác biệt ấy thể hiện rõ nét nhất ở chỗ, thơ trào phúng Tú Xương đã không còn là tiếng cười khôi hài trong phạm vi hẹp của dân gian hay sự châm biếm có tính chất đạo lý của nho gia mà trực diện, thẳng thừng đi vào những vấn đề có ý nghĩa phê phán xã hội.

Điều này đã góp phần tạo nên sắc thái hiện đại cho văn học trào phúng trung đại, đồng thời đưa thơ tự trào phát triển thành dòng văn thơ tự trào mới, kiểu tự trào phúng thế thị dân.

Một phần của tài liệu THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG NHÌN TỪ SỰ TIẾP XÚC VĂN HÓA ĐÔNG TÂY (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w