Nhân vật nhà Nho

Một phần của tài liệu THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG NHÌN TỪ SỰ TIẾP XÚC VĂN HÓA ĐÔNG TÂY (Trang 64 - 67)

Chương 3: NGƯỜI KHÁC” TRONG THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG

3.1. Hệ thống nhân vật trong thơ trào phúng Trần Tế Xương

3.1.4. Nhân vật nhà Nho

Bàn về thơ Tú Xương, Xuân Diệu đã từng nói: “Tú Xương có la liệt một cái hành lang treo tranh, bày tượng, tranh tượng những kẻ rởm đời, những người gian xấu, những danh giá hão, những giá trị vờ” [Dẫn theo 21, tr.151]. Quả thực vậy, chính sự nhốn nháo, lố nhố ấy của xã hội thị dân hợm hĩnh, lố bịch trong cái giàu xổi nổi trên sự bần cùng, nghèo đói của nhân dân lao động đã tạo nên một bức tranh xã hội đầy dị biệt trong thơ Tú Xương. Nhân vật nhà Nho dưới nhãn quan ông Tú cũng trở thành một kiểu nhân vật đầy khác lạ.

Ngược dòng thơ ca trung đại trở về trước, khi mà những nhà Nho còn hăm hở và nuôi “chí những toan xẻ núi lấp sông” trong thơ của Nguyễn Công Trứ, cả những nhà Nho “Say mùi đạo trà ba chén/ Tả lòng phiền thơ bốn câu” trong thơ Nguyễn Trãi thì đến đây, trong thơ trào phúng Tú Xương, hình tượng nhà Nho truyền thống đã gần như sụp đổ bởi chế độ khoa cử đã thay đổi, Nho học cũng không còn là đạo để họ dốc lòng, dốc sức đeo đuổi. Thậm chí nếu có ra làm quan thì cũng chỉ là “tay sai” nhỏ bé, yếu ớt trong công cuộc xâm lấn của thực dân những năm cuối của thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Tư thế của họ được hiện lên trong thơ Tú Xương qua các từ ngữ miêu tả rất chân thực và đáng thương: “nhấp nhỏm ngồi”,

“nằm co”, những hình ảnh khác hẳn sự đĩnh đạc, nghiêm trang của hỉnh ảnh nhà Nho trước đó. Với kiểu hình tượng nhân vật nhà Nho, Tú Xương vẫn sử dụng triệt để bút pháp cụ thể hóa, cảm hứng trào phúng và ngôn ngữ sắc sảo “thần thơ thánh chữ” của mình, song theo cảm nhận, chúng tôi chia thành hai nhóm nhà Nho với hai thái độ khác biệt.

Một là sự đồng cảm trước những huống cảnh đói nghèo của kẻ sĩ thất thế, không chịu nối gót theo giặc nhưng vì những hạn chế lịch sử, một phần không đủ dũng khí, trong sự bế tắc và bất lực, họ lánh vào cái tôi đầy ấm ức, để tự cười mình, tự sỉ vả mình và xót xa cho mình. Đó là cuộc sống của một ông “tú tài”, một ông quan ăn lương vợ.

“Lương vợ ngô khoai tháng phát dần”

(Tự trào)

Đó là lời lẽ của một kẻ sĩ bất đắc chí, có phần ngang ngạnh và tủi hổ:

“Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh Ý hẳn thầy văn dốt vũ dát

Lại vừa gàn vừa dở, cho nên thầy luẩn quẩn loanh quanh”

(Phú thầy đồ dạy học)

Là hình ảnh của những hàn nho đang chạy vạy khắp nơi chỉ vì bữa ăn hàng ngày:

“Van nợ lắm khi trào nước mắt Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”

(Than nghèo)

Văn chương trung đại đã từng có “hàn nho phong vị phú” ngợi ca những phong vị của cảnh nghèo nhưng đến đây, giữa buổi giao thời, nhà Nho không còn thảnh thơi ngồi ngâm thơ, vịnh cảnh nữa mà nay phải đi “chạy ăn từng bữa”. Dáng vẻ của nhà Nho cũng đã thay đổi hoàn toàn. Đó là cái dáng vẻ biểu hiện sự thay đổi từ bên trong, từ bản chất và dường như trở thành nỗi ám ảnh. Những cảnh gán nhà, chạy gạo nhiều lần xuất hiện trong thơ:

“Hỏi vợ vợ còn đi chạy gạo”

(Đau mắt) Hay:

“Khách hỏi nhà ông đến Nhà ông đã bán rồi”

Thậm chí trong lúc túng quẫn ông còn tếu táo bán cả những thứ không bán được :

“Danh giá nhường này không lẽ bán Lúc túng toan lên bán cả trời”.

Bên cạnh những hình ảnh trên, đó còn là nhân vật Phạm Tuấn Phú, một người bạn thân của nhà thơ, một nhà nho thanh bần, liêm khiết, lấy việc nuôi dạy trẻ trong làng làm kế sinh nhai, không thèm cầu cạnh bọn tay sai, quyền quý:

“Trừ ông cử, ông tú, ông đồ chi ngoại, phường ngựa xe điều tráp ít chơi;

Lấy câu văn, câu thơ, câu phú làm vui, thú cờ bạc rượu chè chẳng mộ…”

(Văn tế làm hộ bà Phạm tuấn Phú tế chồng)

Tuy nhiên, đó chỉ là một nhân vật tiêu biểu cho nền đạo đức cũ còn sót lại bởi tình trạng Nho học đã suy đồi theo sự suy tàn của chế độ phong kiến. Đến độ ông Tú cũng phải ngao ngán khi chứng kiến sự tiêu điều của đạo Nho:

“Đạo học ngày nay đã hỏng rồi, Mười người đi học, chín người thôi.

Cô hàng bán sách lim dim ngủ, Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi.

Sĩ khí rụt rè gà thấy cáo,

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.”

(Than học đạo)

Đó chính là thái độ khác của ông Tú khi nhận thấy cái sĩ khí kia của kẻ sĩ đã gần như mất hết. Nào đâu còn phẩm cách cao quý, bất khuất. Con người điển hình của nhà Nho đã biến mất. Nho học thay đổi, kẻ sĩ cũng không còn chuyên tâm theo Hán học nữa mà rủ nhau học chữ Tây, học chữ quốc ngữ:

“Mợ bảo vần Tây chẳng khó gì!

Cho tiền đi học để chờ thi.

Thôi thôi lạy mợ “xanh căng” lạy.

Mả tổ tôi không táng bút chì!”

(Không học vần Tây)

Ông Tú viết là vậy, có vẻ khinh khi, chối bỏ là vậy song thực tế ông vẫn là người theo học chữ quốc ngữ. Ấy cũng là một sự lạ trong bản ngã của nhà thơ. Mặt khác ông cũng phản ứng với những kẻ học chữ nhưng bộ dạng “lôi thôi”, “ậm ọe”

trong Lễ xướng khoa thi Đinh Dậu, như “gà phải cáo” trong Than học đạo. Trong nhãn quan của ông, họ chẳng còn chút nỗi niềm, băn khoăn hay bận tâm đến lẽ

cương thường, đến chữ trung hiếu hay ôm ấp hoài bão “trí quân trạch dân” mà chỉ lăm le “bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ”. Điều này được ông chua xót, tiếc nuối tỏ bày trong Văn tế sống vợ:

“Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ

Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ Nho học thay đổi, người ta cũng không còn”

Hay trong Ông cử Nhu, là những kẻ rặt một phường “vừa dốt lại vừa ngu”:

“Sơ khảo khoa này bác cử Nhu Thực là vừa dốt lại vừa ngu.

Văn chương nào phải là đơn thuốc Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.”

(Ông cử Nhu)

Tú Xương một nhà nho yêu nước nhưng bằng một tinh thần, một niềm yêu thầm kín. Khác với nhiều nhà nho khác, nhà nho Tú Xương thể hiện điều đó bằng cách quay về tư tưởng Nho giáo, khẳng định những giá trị truyền thống của Nho giáo mặc dù trong thơ ông rất hiếm hoi thấy được hình ảnh con người nhà nho tài tử, nhà nho hành đạo hay nhà nho ẩn dật như trong thơ ca trung đại. Vậy mới gọi là biệt tài. Lấy cái mới để nhắc quá khứ, để so chiếu cái cũ đưa ra lệch chuẩn. Và hơn cả, nhà thơ đã dám nhìn thẳng vào thực trạng suy vi của Nho giáo và sự tha hóa, biến chất của một số nhà Nho, khắc họa chân thực những kẻ sĩ nhà Nho thành một kiểu hình nhân vật mà từ dáng vẻ đến phẩm cách.

Một phần của tài liệu THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG NHÌN TỪ SỰ TIẾP XÚC VĂN HÓA ĐÔNG TÂY (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w