Chương 3: NGƯỜI KHÁC” TRONG THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG
3.1. Hệ thống nhân vật trong thơ trào phúng Trần Tế Xương
3.1.1. Nhân vật quan lại
Tú Xương là con nhà nho, nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Lớn lên ông kiên trì đi thi, theo đuổi nghiệp chữ cho đến lúc tạ thế cũng chỉ vì ước vọng đỗ đạt, ra làm quan để giúp dân, cứu đời. Với kẻ trọng chữ nghĩa và vinh – nhục nên ông cũng như nhiều nhà nho khác đã không vì chức vị mà luồn cúi, nịnh nọt quan tham, tay sai.
Hỏng thi, trượt khoa bảng năm lần bảy lượt cùng với việc phải chứng kiến thời buổi lố lăng, thi cử làm quan cũng bị “lưu manh hóa” trở thành một món hàng buôn bán, vận dụng thế lực đầy gian dối khiến nho sĩ nghèo đành thất thế trong bất lực:
“Thánh cắt ông vào việc chủ thi.
Đêm ngày coi sóc chốn trường quy.
Chẳng hay gian dối vì đâu vậy?
Bá ngọ thằng ông biết chữ gì!”
(Chế ông huyện Đ.)
Chẳng những vậy, khi thực hiện chính sách xâm lược và cai trị của mình, thực dân Pháp còn cài vào bộ máy cai trị của phong kiến nhiều lý trưởng, chánh tổng, tri huyện, tri phủ, tuần phủ, tổng đốc… Do vậy, trong thơ văn Tú Xương, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của các nhân vật như tri phủ Xuân Trường, tri huyện Vũ Tuân, đốc học Nam Định,… bên cạnh các nhân vật như ông cò, quan sứ… Đây đều là những tên tay sai trong chiến lược xâm lược, thôn tính của chính quyền thực dân. Tất cả đều được nhà thơ đặc biệt chú ý và miêu tả rất chi tiết với nhiều bài thơ châm biếm, đả kích sâu sắc như những kẻ háo danh, tham lam, keo kiệt, chuyên vơ vét của cải của dân để cho đầy túi mình. Như chuyện “kiếm ăn” của ông cò “danh giá” với món bắt người “ngớ ngẩn”:
“Ngớ ngẩn đi xia may vớ được, Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to!”
Đến chuyện thiết quân luật ban đêm cấm nhân dân đi lại, không cho dân lợp lại nhà, buộc dân đi nơi khác để “giải tỏa đô thành”, chế độ phạt vi cảnh để làm giàu ngàn quỹ:
“Hà-nam danh giá nhất ông cò.
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống tung đành chịu dột.
Tám giờ chuông đánh phải nằm co.
Người quên mất thẻ âu trời cãi.
Cho chạy ra đường có chủ lo!”
(Ông cò)
Hay tri phủ Xuân Trường “quen phê một chữ tiền", thây kệ tình hình dân đen khổ cực dưới trời hạt bình yên giả tạo:
“Tri phủ Xuân Trường được mấy niên Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên
Chữ y chữ chiểu không phê đến Ông chỉ quen phê một chữ tiền”
(Tri phủ Xuân Trường)
Vừa vạch trần “kỹ năng” ăn tiền trâng tráo, vừa điểm mặt, chỉ đích danh thói tham lam, nhũng đoạn vơ vét của dân, coi đó như một điểm chung của lũ quan lại đương thời. Ông chẳng ngại gọi “nó” và viết:
“Nó rủ nhau đi hót của trời, Đang khi trời ngủ của trời rơi.
Hót mau kẻo nữa kinh trời dậy, Trời dậy thì bay chết bỏ đời!”
(Hót của trời)
Chạy chọt để làm quan, làm quan để ăn hối lộ, để đục khoét nhân dân như lũ sâu bọ, chẳng những háo danh, chúng còn keo kiệt vô cùng:
“Tú kiệt, đồ keo cũng một môn, Phải ai tai nấy, thất kinh hồn.
Người sao rặt những phường thâm móng, Trời để chơi khăm đứa nhẵn trôn.”
(Tú Tây Hồ, đồ Xuân Dục)
Ông cũng thẳng tay đả kích thói dốt nát mà ngồi chễm chệ chỗ cần chữ nghĩa. Đó là ông Cử Nhu, “sách như hủ nút, chữ như mù” lại được chấm vòng thi sơ khảo. Nhà bốc thuốc, học dốt nhưng vẫn đỗ Cử nhân. Tú Xương xót xa khi nghĩ tới “cái mạng” của văn nhân như người bệnh rủi ro khi gặp phải lang băm.
Ông cười nhạo:
“Văn chương nào phải là đơn thuốc Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu”
Hoặc như ông Hàn, làm nghề nấu rượu nhưng cũng chen được chân vào Viện Hàm lâm mà chẳng cần có chữ, khiến nhà nho hay chữ nhưng mãi hỏng thi không khỏi căm phẫn, mỉa mai:
“Hàn lâm tu soạn kém gì ai?
Đủ cả vung nồi cả cóng chai
Ví phỏng quyển thi ông được chấm Đù cha, đù mẹ đứa riêng ai.”
(Đùa ông Hàn)
Rồi ông đồ Bốn ở phố hàng Sắt hiện lên với cái nhìn trào phúng thật sắc sảo, chính xác và nhạy bén. Nhà thơ đã bắt chộp được ngay cái nhìn đầu tiên những nét điển hình nhất của đối tượng muốn mô tả: “thằng bán sắt”
“Hái ra mới biết thằng bán sắt Mũi nó gồ gồ trán nó giô”
(Giễu ông đồ Bốn ở phố hàng Sắt) Hay chê, hay giễu, hay đùa nhưng đáng nực cười thay, cụ Tam nguyên giỏi chữ, đỗ đạt cao thì không cười chê “quan dốt” còn Tú Xương mãi hỏng thi thì lại hay châm chọc sự dốt của quan, thậm chí còn thẳng tay vạch mặt những kẻ bỏ tiền ra mua được cả những chức quan to như tiến sĩ:
“Tiến sĩ khoa này đỗ mấy người?
Xem chõng hay chữ có ông thôi!
Nghe văn mà gớm cho ông mãi Cờ biển vua ban cũng lạ đời!”
(Ông tiến sĩ mới)
Chữ “gớm” ấy chẳng để nói đến điều xuất chúng, lạ thường mà để ý chỉ gớm ghiếc, đáng kinh tởm. Văn dốt thế mà kẻ bất tài vẫn đường hoàng ngoi lên làm quan, mà vẫn "cờ biển vua ban” thì hẳn phải thấy “lạ đời!". Chẳng những thế, chúng còn đua nhau khệnh khạng, vênh váo và chúc tụng nhau về cái "sang" ấy:
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thời mua tước đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng, Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.”
(Năm mới chúc nhau)
Có thể thấy rằng, cùng cách nhìn với Nguyễn Khuyến về sự tha hóa của mục đích thi cử trong một xã hội đảo điên với việc mua bán chức tước, Tú Xương đã không ít lần châm biếm sự thật đó. Quan đốc học xưa nay là hình mẫu nhân cách truyền thống, đến thời Tú Xương cũng biến chất, tha hóa thành những kẻ giỏi ăn chơi và bịp bợm:
“Ông về đốc học đã bao lâu Cờ bạc ăn chơi rặt một màu Học trò chúng nó tội gì thế Để đến cho ông vớ được đầu”
(Chế ông đốc học)
Như tên quan đốc trâng tráo ở Hà Nam trong thơ Nguyễn Khuyến:
“Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp Nẹt thằng mặt trắng cướp tam nguyên
…
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen”
Trong một bài khác, mượn lời của một cô hầu gửi quan lớn, Tú Xương đã vạch mặt viên quan giỏi bịp bợm, lúc nào cũng lên mặt trung hiếu nhưng thực ra bất trung, đi làm tay sai cho giặc. Qua đó ông chỉ trích thói bất nhân bất nghĩa của giới quan lại, làm lệch lạc đi đạo của kẻ làm quan trong quan niệm của Nho gia truyền thống. Đó cũng là cái hay của thơ ông, tưởng chỉ nói đôi người mà thật ra là bàn tới cả phường bè lũ:
“Chỉ trách người sao chẳng trách mình, Mình trung đâu đấy trách người trinh?
Áo dày cơm nặng bao nhiêu đức, Chiếu cạnh giường bên mấy hột tình.
Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét,
Giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh.
Cổ cong mặt lệnh người đâu thế Cái cóc bôi vôi khéo dại hình.”
(Cô hầu gửi quan lớn)
Với cách sử dụng đối ngẫu giữa hai câu thơ , độc giả cũng phải bật cười khi nhà thơ mỉa mai quan lớn một cách đầy thâm thúy giữa việc “tề gia” và “trị quốc”.
Việc nào cũng hỏng bét, cả phận sự “nam nhi trái” trong thiên hạ lẫn việc trong nhà. Bài thơ là sự miêu tả “hình mẫu nam nhi” của đương thời một cách đầy chán ngán như Nguyễn Khuyến cũng từng than thở: “Nghĩ mà thêm ngán trai thời loạn”.
Trên đây là các nhân vật thuộc kiểu nhân vật quan lại trong thơ trào phúng của Trần Tế Xương. Có thể thấy rằng, nhà thơ đã không ngần ngại “chỉ mặt điểm tên” những tên quan tham lam, ngu dốt, vô đạo, chẳng những vậy còn háo danh, giỏi ăn chơi, bịp bợm. Bên cạnh đó, bằng ngòi bút châm biếm, sắc sảo của mình, Tú Xương đã cá thể hoá, điển hình hoá tính cách của từng viên quan, dựng lên nhiều bức chân dung không thể nhầm lẫn. Đặc biệt, cái hay của thơ ông Tú là ở chỗ, nói một nhưng lại như một “cú huých” đánh động, phanh phui tất cả thói hư tật xấu, như những “lưỡi dao” lách vào trong tim đen của những kẻ quan tham tha hoá biến chất đến cực độ đó. Và chính những hình ảnh, tật xấu đó đã góp phần không nhỏ vào việc phản ảnh bộ mặt xã hội thành Nam đương thời.