Chương 3: NGƯỜI KHÁC” TRONG THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TRẦN TẾ XƯƠNG
3.1. Hệ thống nhân vật trong thơ trào phúng Trần Tế Xương
3.1.3. Nhân vật thị dân
Tiếng cười của Tú Xương rất phong phú và nhân vật trong thơ ông cũng hiện lên thành một hệ thống muôn màu muôn vẻ. Dưới thời toàn quyền Đu – me, thơ ông Tú không thể không nhắc tới những nhân vật thị dân. Đây là một hình tượng mới mẻ so với văn học dân gian và chính sự xuất hiện đó lại đem tới một cái nhìn thật độc đáo và thú vị về bức tranh xã hội đương thời. Phải nói rằng, cái biệt tài của Tú
Xương là khi nhìn vào những con người hoặc những sự việc rởm đời cùng với khả năng châm biếm nhạy bén và ngôn ngữ hình tượng phong phú, tinh vi của mình, ông sẽ phác họa ra ngay được hình dáng, điệu bộ đang khinh, đáng ghét nhất của nó. Vì thế, đôi khi chỉ là một chiếc khăn, một chiếc váy, một chiếc lọng, một chiếc xe tay bỗng trở nên thật kệch cỡm, lố bịch:
“Khăn là bác nọ to tày rế, Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công đức tu hành sư có lọng, Xu hào đủng đỉnh Mán ngồi xe.”
Hoặc như khi nhắc tới những kẻ “đen thủi đen thui” a dua diện áo vóc, giày dép theo lối người ở “tỉnh” nhưng không biết các trưng diện lại thành ra cọc cạch, nửa mùa, đã thế còn “chí cha chí chat khua giầy dép” để khoe mẽ trông mới thật lố bịch !
“Chí cha chí chát khua giầy dép Đen thủi đen thui cũng lượt là”
(Xuân)
Đến bọn bồi bếp ngày lễ cũng được nhà thơ ghi lại hình ảnh với điệu bộ và cử chỉ trái khoáy:
“Tháng rét quạt lông, Mùa hè bít tất…”
Còn bọn công tử bột:
“Thầy thầy tớ tớ phố xênh xang, Thoạt nhác trông ra ngõ cóc vàng”
Rồi cô me Tây với nỗi chán chường khi về già, chồng bỏ về Tây với những lời từ biệt:
“Rứt cái mề đay quẳng xuống sông, Thôi thôi tôi cũng méc-xì ông !”
Cho đến chị em cô đầu đòi “bán váy” vì túng tiền tiêu Tết, bọn đồng cô bóng cậu thì thủ thỉ nhau “chẳng gì sướng hơn lúc thượng đồng”, anh mối vòi tiền thì thề thốt “việc bác không xong tôi chết ngay”, …
Thị dân là những người sống nơi thành thị, có lẽ vì thế mà khi đọc những bài thơ viết về nhóm nhân vật này, với hình ảnh, cách nói, cách sống đã khác, độc giả sẽ không khỏi thấy có chút gì đó xa lạ. Bởi nó khác xa với những hình ảnh thanh đạm của xóm làng, của đồng ruộng cùng trong thơ ông:
“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”
Chẳng những vậy, tâm tình của người chốn thị thành Nam định dưới nhãn quan của nhà thơ cũng đã khác. Cho nên có những lúc ông đã không khỏi ngạc nhiên trước những kẻ luôn ra dáng là "người trinh thục" nhưng trong dạ thì trăng hoa, xằng bậy:
“Con người như thế mà như thế Như thế thì ra nghĩ cũng xằng”
(Gái goá nhà giầu)
Nhà thơ lại lần nữa ngạc nhiên với “sự lạ” từ câu chuyện của cái thói dâm đãng, tha hóa trong bản chất con người khi mẹ vợ với chàng rể có tư tình đến độ bà phải "nuôi to cái dại" còn ông rể thì "ẵm con so":
“Ai về nhắn bảo việc này cho : Nhắn bảo ai rằng việc nhỡ to!
Chép miệng, bà nuôi to cái dại, Phờ râu, ông rể ẵm con so!
Cắm sào sâu quá nên thêm khổ, Néo chặt dây vào hoá phải lo.
Vẫn biết sống lâu nhiều sự lạ Tử qui thắt lại một "con cò.”
(Mẹ vợ và chàng rể)
Chưa nói đến sự hỡm hĩnh ngoài xã hội, ngay trong gia đình, trật tự đã bị đảo lộn, mẹ chẳng ra mẹ, con chẳng ra con. Chính bởi vậy, như một lời cảnh tỉnh đến những đức ông chồng, ông viết:
“Thọ kia mày có biết hay chăng?
Con vợ mày kia, xiết nói năng!
Vợ đẹp, của người không giữ được, Chồng ngu, mượn đứa để chơi nhăng.
Ra đường đáng giá người trinh thục Trong dạ sao mà những gió trăng?
Mới biết hồng nhan là thế thế.
Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng!”
(Để vợ chơi nhăng)
Sự tha hóa, biến chất đã len lỏi, đã vấy nhơ đen vào nơi gọi là “tế bào của xã hội”. Vừa nhắc nhở, cảnh tỉnh kẻ này nhưng cũng vừa châm biếm lần nữa cái thói lăng nhăng, đĩ thõa, lời thơ như lời chửi vào thẳng những kẻ đã xé nát nề nếp, trật tự, đạo đức trong gia đình. Thói xấu đó còn được Tú Xương nhắc đến khi miêu tả hình ảnh của một ông già chơi trống bỏi:
“Hỏi lão ở đâu? Lão ở Liêm!
Trông ra bóng dáng đã hom hem Lắng tai non nước nghe chõng nặng Chớp mắt trăng hoa giả cách nhèm Cũng đã sư mô cùng đứa trẻ
Lại còn tấp tểnh với đàn em Xuân thu ướm hỏi đà bao tá?
Cái miếng phong tình vẫn chửa khem”
(Già chơi trống bỏi)
Dáng vẻ đã hom hem, tai đã hơi nghễnh ngãng nhưng mắt nhìn trăng hoa, đong đưa nhìn phụ nữ thì vẫn còn tinh lắm, chỉ là “giả cách nhèm”. Hình ảnh lão già đã qua bao buổi xuân thu vẫn chưa bỏ được cái thói trăng hoa, cái “miếng phong tình” này thật khác với hình ảnh của những bậc lão ông thanh nhàn trong hình dung trước đó.
Xã hội thị dân rởm đời, lố lăng ấy còn sản sinh ra những con buôn trục lợi theo kiểu lừa đảo. Đó là những ả gái buôn gian xảo, nham hiểm:
“Nước buôn như chị mới ăn người Chị thấy ai ru chị cũng cười”
(Gái buôn I)
Hai chữ “ăn người” mới thật là hay, mới thật là cay. Thời buổi tư bản len lỏi vào các hoạt động buôn bán cũng là lúc bọn con buôn lợi dụng để vơ vét của cải của người khác. Tham tiền và xảo quyệt, thậm chí chúng còn lấy nhan sắc của mình ra để câu khách, lợi dụng sự mê muội của lũ người háo sắc mà mua rẻ, bán đắt:
“Ai đấy ai ơi khéo hợm mình!
Giàu thì ai trọng, khó ai khinh
Thằng Ngô mất gánh, say câu chuyện Chú lái nghiêng thoi, mắc giọng tình Có khéo có khôn thì có của
Càng giàu càng trẻ lại càng xinh Xuống chân lên mặt ta đây nhỉ Chẳng biết rằng dơ dáng dạng hình”
(Gái buôn II)
Bên cạnh đó còn rất nhiều chân dung của những kẻ thị dân khác với những thói xấu khác. Đó là những kẻ "keo có như cứt sắt'', quanh năm chỉ "rặt thở chuyện hơi đồng"....
Là con đẻ của xã hội buổi giao thời, với cảm hứng trào phúng và sự độc đáo, tinh tế trong “đặc tả”các nhân vật thị dân, Tú Xương đã thể hiện những con người phố phường với những hình dáng hết sức cụ thể gắn với không gian cụ thể là Thành Nam. Bên cạnh đó, tác giả còn rất dụng tâm khi đi sâu trào tiếu những thói hư, tật xấu, những cái “chệch chuẩn” so với quan niệm của lễ giáo phong kiến. Có thể nói, Tú Xương không chỉ đã tạo nên một nét khác lạ so với quy phạm, cách thể hiện hình tượng con người của văn chương trung đại mà còn “góp phần vào tiến trình
phát triển của văn chương Việt Nam với kiểu thể hiện con người thị dân và kiểu cảm hứng trào phúng về con người mang đậm tính thị dân” [21, tr.157]