1.1. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA CÂY LẠC
1.1.1. Tình hình sản xuất lạc trên thế giới và Việt Nam
1.1.1.1. Tình hình sản xuất lạc trên thế giới
Cây lạc đứng hàng thứ hai sau đậu tương trong số các cây trồng lấy dầu thực vật, cả về diện tích và sản lượng và được trồng rộng rãi ở hơn 100 nước trên thế giới, từ 40o Bắc đến 40o Nam (Nigam S. N. et al, 1991).
Bên cạnh mục đích cung cấp thực phẩm cho người, nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất lạc còn góp phần cải tạo đất trồng trọt nhờ hệ thống cố định nitơ cộng sinh giữa cây lạc và vi khuẩn nốt sần. Sinh khối cây lạc sau thu hoạch đã trả lại cho đất một lượng hữu cơ lớn với hàm lượng nitơ cao. Sau mỗi vụ trồng lạc, lượng đạm để lại trong đất khoảng 40-60 kg N/ha (William M. J. R., 1994 và Wright G. C., 1994). Bên cạnh đó sức khỏe đất trồng lạc sau mỗi vụ được cải thiện rõ rệt thông qua mức độ tăng lên của hàm lượng đạm và quần thể vi sinh vật háo khí trong đất.
Theo số liệu thống kê của FAO (2016), diện tích sản xuất lạc trên thế giới năm 2014 đạt 25,67 triệu ha, tăng 40,73 % so với trung bình thập niên 70, tăng 40,04 % so với trung bình thập niên 80 và tăng 17,70 % so với trung bình thập niên 90. Một số quốc gia có diện tích trồng lạc lớn trên thế giới có thể kể đến là Ấn Độ (5,20 triệu ha), Trung Quốc (4,52 triệu ha), Nigeria (2,77 triệu ha), Sudan (2,10 triệu ha), Braxin (1,43 triệu ha) (Food and agriculture organization of the United nation, 2016).
Năng suất lạc trên thế giới trong thập niên 90 đạt 12,9 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với thập niên 80 và tăng 3,6 tạ /ha so với thập niên 70. Đến năm 2014 năng suất lạc bình quân trên thế giới đạt 19,7 tạ/ha, nhưng có sự chênh lệch
khá lớn giữa các quốc gia trồng lạc (Israel đạt 73,90 tạ/ha, Mỹ đạt 44,07 tạ/ha, Trung Quốc đạt 34,91 tạ/ha, Braxin đạt 28,17 tạ/ha, Inđônêxia đạt 22,04 tạ/ha, Chad đạt 9,00 tạ/ha, Sudan đạt 8,40 tạ/ha và Niger đạt 5,18 tạ/ha).
Sản lượng lạc trên thế năm 2014 đạt 42,32 triệu tấn, tăng gấp 2,50 lần so với trung bình thập niên 70, tăng 2,14 lần so với trung bình thập niên 80 và tăng 1,40 lần so với trung bình thập niên 90.
1.1.1.2. Tình hình sản xuất và sử dụng lạc ở Việt Nam
Ở Việt Nam, lạc là sản phẩm quan trọng để xuất khẩu và sản xuất dầu ăn. Theo FAO (2016), tổng diện tích trồng lạc của Việt Nam đạt 208,2 nghìn ha, tăng 96,23 % so với thập niên 80.
Lạc được trồng ở tất cả các vùng sinh thái nông nghiệp của Việt Nam.
Vùng có diện tích trồng lạc lớn nhất là Bắc Trung bộ (61,1 nghìn ha), tiếp đến là vùng trung du miền núi phía Bắc (50,8 nghìn ha), Duyên hải Nam Trung Bộ (34,2 nghìn ha), đồng bằng sông Hồng (25,8 nghìn ha), đồng bằng sông Cửu Long (13,9 nghìn ha), Tây Nguyên (13,5 nghìn ha) và Đông Nam bộ (9,7 nghìn ha) (Niên giám thống kê ngành NN&PTNT, 2014).
Năng suất lạc ở Việt Nam thời gian qua đã tăng đáng kể, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước trồng lạc trên thế giới cũng như trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2014, năng suất lạc ở nước ta đạt 21,8 tạ/ha, tăng 147,7 % so với năm 1980 (8,8 tạ/ha), tăng 105,7 % so với năm 1990 (10,6 tạ/ha), 50,34 % so với năm 2000 (14,5 tạ/ha) và 3,32 % so với năm 2010 (21,1 tạ/ha). Năng suất lạc giữa các vùng trồng lạc ở nước ta có sự chênh lệch rất lớn, trong khi năng suất lạc bình quân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 37,3 tạ/ha, thì vùng Tây Nguyên năng suất chỉ đạt 16,1 tạ/ha (Niên giám thống kê ngành NN&PTNT, 2014).
Năm 2014, sản lượng lạc ở Việt Nam đạt 453,3 nghìn tấn, tăng đáng kể so với những năm 1980, 1990 và 2000 (sản lượng lạc năm 1980 đạt 95.200
tấn, năm 1990 đạt 213.200 tấn, năm 2000 đạt 355.300 tấn (Niên giám thống kê ngành NN&PTNT, 2014).
Ở Việt Nam, lạc là một trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng và là môt trong các nước xuất khẩu lạc nhiều ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lạc ở nước ta nhìn chung không ổn định. Giá trị xuất khẩu đạt 22.500 nghìn USD năm 2010, năm 2011 đạt 7.140 nghìn USD, năm 2012 đạt 5.614 nghìn USD và năm 2013 đạt 5.267 nghìn USD. Sản lượng lạc xuất khẩu của nước ta còn thấp so với tiềm năng và biến động nhiều qua các năm. Tổng sản lượng lạc xuất khẩu năm 2010 là 21,0 nghìn tấn, 2011 là 6,5 nghìn tấn, 2012 là 4,0 nghìn tấn, 2013 là 5,34 nghìn tấn. Nguyên nhân, do chất lượng lạc còn thấp. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu chưa thực sự ổn định, một lượng lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan và nhu cầu chế biến trong nước ngày càng tăng.
So với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như lúa, nhân hạt điều, cà phê, chè,…), kim ngạch xuất khẩu từ cây lạc không đáng kể, nhưng so với nhóm đậu đỗ thì lạc là đối tượng cây trồng có kim ngạch xuất khẩu lớn và mang lại ngoại tệ đáng kể.
1.1.1.3. Tình hình sản xuất lạc ở tỉnh Bình Định
Bình Định là một tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích trồng lạc lớn trong vùng và một trong 10 tỉnh có sản lượng lạc cao nhất nước.
Bình Định có diện tích trồng lạc 8.400 ha (chiếm 29,8 % so với diện tích trồng lạc toàn vùng), là tỉnh có diện tích trồng lạc đứng thứ hai vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, sau Quảng Nam (10.200 ha). Năng suất lạc ở Bình Định đạt cao nhất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (29,9 tạ/ha). Tuy nhiên, năng suất trên còn thấp so với tiềm năng năng suất của cây lạc và các vùng khác trong cả nước như Trà Vinh (51,1 tạ/ha), Đồng Tháp (35 tạ/ha), Tây Ninh
(34,9 tạ/ha), Hưng Yên (33,3 tạ/ha), An Giang (32,0 tạ/ha) và Long An (31,5 tạ/ha) (Niên giám thống kê ngành NN&PTNT, 2014).
Tại Bình Định, các vùng có diện tích trồng lạc lớn là Phù Cát (3.339 ha), Phù Mỹ (2.139 ha), Tây Sơn (1.067 ha); các vùng có diện tích trồng lạc ít là Vĩnh Thạch (57 ha) và Quy Nhơn (50 ha). Năng suất lạc ở các huyện của tỉnh Bình Định cũng khác nhau. Vùng có năng suất lạc cao là Phù Cát (34,5 tạ/ha), Phù Mỹ (29,7 tạ/ha), Tây Sơn (29,1 tạ/ha), Tuy Phước (28,6 tạ/ha), vùng có năng suất thấp là An Nhơn (16,50 tạ/ha), An Lão (16,8 tạ/ha) và Hoài Ân (16,8 tạ/ha) (Niên giám Thống kê tỉnh Bình Định, 2015).
Với lợi thế là cây ngắn ngày, dễ trồng, thích ứng với nhiều loại hình canh tác, sản phẩm lại dễ tiêu thụ, cây lạc được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Định.
Nằm ở vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Định mang đậm nét khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với hai mùa mưa nắng rõ rệt, phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây lạc, cùng với nguồn tài nguyên đất phong phú, lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào, … nên tỉnh Bình Định có tiềm năng phát triển sản xuất lạc theo hướng tập trung hàng hóa. Tuy nhiên năng suất lạc ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng còn thấp so với tiềm năng năng suất lạc. Các yếu tố hạn chế năng suất lạc ở Bình Định là thiếu giống có năng suất cao, đất trồng lạc thiếu dinh dưỡng, hàm lượng chất hữu cơ và mùn thấp, canh tác phụ thuộc vào nước trời, sử dụng phân vi sinh vật ít, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại lạc chưa cao. Trong rất nhiều các yếu tố hạn chế đó, yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất lạc có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể (Hồ Huy Cường, 2007). Do vậy, nghiên cứu kỹ thuật trồng lạc đạt năng suất cao vẫn đang là ý tưởng đầy hy vọng của các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam.