Xử lý sinh khối, tạo sản phẩm

Một phần của tài liệu Phân lập, tuyển chọn và sử dụng một số chủng vi sinh vật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lạc trên vùng đất cát biển bình định (Trang 60 - 63)

1.4. SẢN XUẤT CHẾ PHẨM SINH VẬT

1.4.2. Xử lý sinh khối, tạo sản phẩm

Chất mang là giá thể mà ở đó vi sinh vật trú ngụ, đảm bảo mật độ theo yêu cầu trong quá trình từ sau khi sản xuất đến sử dụng. Nguyên liệu lựa chọn làm chất mang cho sản xuất chế phẩm vi sinh vật phải đảm bảo các đặc điểm

sau: (i) Không độc hại với vi sinh vật, thực vật; (ii) khả năng hấp thụ độ ẩm tốt; (iii) có khả năng bám dính tốt; (iv) có sẵn với số lượng đầy đủ; (iv) rẻ tiền (FNCA, 2006). Loại chất mang thường được sử dụng nhiều nhất là than bùn.

Ngoài ra có thể sử dụng vecmiculit, bã mía, cám gạo, cám ngô, tinh bột sắn, đất khoáng, biochar, v.v... làm chất mang cho sản xuất chế phẩm vi sinh vật (FNCA, 2006; Dalia A. A. E. et al, 2013). Hiện nay, nhiều loại chất mang khác nhau đã và đang được nghiên cứu thay thế nguồn than bùn.

Trần Yên Thảo (2011) đã nghiên cứu sử dụng các polyme tự nhiên (PVP 2 %, Gum Arabic 1 %, Xanthan Gum 0,5 %) để sản xuất chế phẩm vi khuẩn cố định đạm. Hiệu quả chế phẩm có chất bảo vệ là các polyme không khác biệt so với chế phẩm sản xuất trên nền chất mang than bùn, chế phẩm này làm tăng nốt sần, sinh khối và năng suất ở cây đậu nành và cây lạc so với đối chứng không áp dụng chế phẩm. Hiệu quả kinh tế của các chế phẩm có sử dụng polyme cao. Đối với cây đậu tương, năng suất tăng từ 150 kg/ha đến 400 kg/ha, giảm lượng phân bón nitơ 20 - 50 kg/ha, tăng thu nhập 4.320.000 đ/ha; đối với cây lạc, năng suất tăng 200 - 500 kg/ha, giảm lượng phân bón nitơ 27 - 50 kg N/ha và tăng thu nhập 9.100.000 đ/ha.

Phân bón vi sinh vật được chia làm 2 loại: Loại phân bón vi sinh vật trên nền chất mang khử trùng và phân bón vi sinh vật trên nền chất mang không khử trùng. Chất mang được khử trùng bằng các phương pháp khác nhau như khử trùng bằng hơi nước bão hòa (FNCA, 2006) hoặc bằng công nghệ bức xạ với liều chiếu 20 - 50 kGy (Trần Minh Quỳnh, 2012; Fan, 2013).

Sinh khối vi sinh vật được phối trộn với chất mang khử trùng (hoặc không khử trùng) để tạo ra chế phẩm trên nền chất mang khử trùng (hoặc không khử trùng), hay được bổ sung các chất phụ gia, chất dinh dưỡng, bảo quản để tạo ra chế phẩm dạng lỏng hoặc cô đặc, làm khô để tạo ra chế phẩm dạng đông khô hoặc khô.

Hiện nay, người ta còn sản xuất chế phẩm vi sinh vật dạng dịch hoặc dạng nano. Hiệu quả sử dụng của chế phẩm dạng này cao. Tuy nhiên, số loại chế phẩm dạng dịch chưa nhiều và giá thành cao.

Những kết luận rút ra từ tổng quan nghiên cứu tài liệu

- Lạc là cây trồng làm thực phẩm quan trọng cho con người trên khắp thế giới. Lạc được coi là cây trồng chủ lực đặc biệt quan trọng trong hệ thống cây trồng nông nghiệp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa có khả năng cải tạo đất tốt.

- Đặc điểm của đất cát biển nói chung và đất cát biển tại tỉnh Bình Định nói riêng là độ phì nhiêu thấp, thành phần cơ giới nhẹ (chủ yếu là cát), rất nghèo dinh dưỡng, độ ẩm thấp, khả năng giữ nước và phân bón kém, dễ bốc hơi và rửa trôi mạnh đã gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao năng suất lạc ở nước ta nói chung và năng suất lạc trồng trên đất cát biển nói riêng có ý nghĩa quan trọng.

- Sử dụng chế phẩm vi sinh vật là một trong các giải pháp giúp khắc phục hạn chế của đất cát biển, tăng năng suất cây trồng. Các chế phẩm vi sinh vật hiện có ở trên thế giới và ở Việt Nam tuy rất đa dạng và phong phú nhưng tác dụng chủ yếu của chúng là tăng dinh dưỡng cho đất hoặc phòng chống lại một số mầm bệnh trong đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng. Cho đến nay vẫn chưa có loại chế phẩm vi sinh nào vừa có tác dụng cung cấp dinh dưỡng, vừa có tác dụng cải thiện độ ẩm đất.

- Kết quả của luận án sẽ trả lời được các câu hỏi như:

+ Tổ hợp vi sinh vật lựa chọn có các hoạt tính sinh học gì để sản xuất chế phẩm vi sinh vật phù hợp cho cây lạc trồng trên đất cát biển?

+ Hiệu quả sử dụng chế phẩm trong cải thiện độ phì của đất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế như thế nào?

Một phần của tài liệu Phân lập, tuyển chọn và sử dụng một số chủng vi sinh vật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lạc trên vùng đất cát biển bình định (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)