Phân loại từ láy về đặc điểm ngữ nghĩa

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT TỪ LÁY TRONG CÁC GIÁO TRÌNH DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI (XUẤT BẢN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1980 ĐẾN NAY) (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG 1. CƠ SƠ LÝ LUẬN VỀ TỪ LÁY TIẾNG VIỆT

1.2. Phân loại từ láy tiếng Việt

1.2.2. Phân loại từ láy về đặc điểm ngữ nghĩa

Trong khi có nhiều nghiên cứu phân loại từ láy hướng về hình thức cấu tạo thì các nghiên cứu phân loại hướng về mặt ngữ nghĩa của từ láy có số lượng không nhiều. Trong nghiên cứu “Từ láy trong tiếng Việt”, tác giả Hoàng Văn Hành có điểm lại hai cách phân loại theo ngữ nghĩa mà ông cho là đáng chú ý.

Thứ nhất, cách phân loại của Hoàng Tuệ (1978) dựa trên “sự tương quan âm – nghĩa” trong từ chia từ láy thành ba nhóm:

- Nhóm thứ nhất gồm những từ như: a) oa oa, gâu gâu, và b) cu cu. “Nói chung, là những từ mô phỏng, những từ tiếng vang”

Sơ đồ 1.2. Cơ sở phân loại từ láy về đặc điểm cấu tạo của luận văn

Từ láy

Từ láy đôi

Từ láy hoàn

toàn Từ láy

hoàn toàn không

biến thanh, biến vần

Xanh xanh

Từ láy hoàn toàn có

biến thanh, biến vần

Đo đỏ, cầm cập

Từ láy bộ phận

Từ láy phụ âm

đầu

Nhanh nhẹn

Từ láy vần

Bẽn lẽn

Từ láy ba

Sạch sành sanh

Từ láy bốn

Gật gà gật gù, lử thử lừ thừ

- Nhóm thứ hai gồm những từ như: a) làm lụng, mạnh mẽ, và b) lơ thơ, loanh quanh. Đó là những từ “bao gồm một âm tiết – hình vị”, ví dụ: làm làm lụng (làm lụng = làm + một sắc thái, sắc thái này có giá trị ngữ pháp và biểu cảm).

- Nhóm thứ ba gồm những từ như: lác đác, bâng khuâng, v.v… Đó là những từ không bao gồm một âm tiết – hình vị, “nhưng” lại là những từ có giá trị biểu cảm rất rõ”. [10; tr. 499]

Thứ hai, căn cứ vào tính “đột biến” hay “sắc thái hóa” về nghĩa của tác giả Đỗ Hữu Châu trong nghiên cứu năm 1979, Hoàng Văn Hành đã tổng hợp ba nhóm từ láy theo cách phân loại này như sau:

- Những từ láy sắc thái hóa về nghĩa, ví dụ: dễ dãi, dễ dàng (so với dễ);

- Những từ đột biến về nghĩa ở hình vị cơ sở, ví dụ: lúng túng (so với túng), bỡ ngỡ (so với ngỡ) v.v…

- Những từ trung gian giữa hai nhóm trên, ví dụ: bối rối – ng. 1 (nghĩa vật lí)

“rối”: đột biến; ng. 2 (nghĩa tâm lí) “rối”: sắc thái hóa. [10; tr. 500]

Còn trong sự phân loại của tác giả Hoàng Văn Hành, tiêu chí về đặc điểm của hình thái biểu trưng hóa ngữ âm của từ được áp dụng để xếp các từ láy thành ba nhóm:

- Từ láy biểu trưng hóa ngữ âm giản đơn, đó chính là những từ láy mà chúng ta quen gọi là từ “tượng thanh”, từ “tiếng vang”, ví dụ: tí tách, lộp bộp…

- Từ láy biểu trưng hóa ngữ âm cách điệu, như lênh đênh, lác đác, bâng khuâng… Trong trường hợp những từ láy này, cả từ láy được nhận thức như một chỉnh thể mà chúng ta sẽ không thấy (hoặc không còn thấy) có tiếng gốc. Tính có lí do của mối quan hệ âm – nghĩa ở các từ láy này thể hiện ở sự hòa phối ngữ âm được cách điệu hóa mang giá trị biểu trưng.

- Từ láy vừa biểu trưng hóa ngữ âm vừa chuyên biệt hóa về nghĩa: Đó là những từ mà nghĩa của nó có thể giải thích được không chỉ nhờ nghĩa của tiếng gốc, mà còn nhờ giá trị tạo nghĩa (tức là giá trị biểu trưng hóa) của sự hòa phối ngữ âm trong cấu tạo của nó. Ví dụ: nhấp nháy là nháy rồi tắt, rồi lại nháy với cường độ

khác nhau theo chu kì, gật gù là gật liên tiếp nhưng thong thả, có ý tán thưởng…

[10; tr. 501]

Đưa ra cách phân loại khác, Nguyễn Thiện Giáp nêu ra hai loại ngữ láy (theo cách gọi của tác giả về từ láy) trên tiêu chí cấu trúc ngữ nghĩa [9; tr. 98]:

- Ngữ láy đơn nhất, được cấu tạo theo một kiểu láy cá biệt, không sản sinh mà vẫn được cấu tạo theo các kiểu láy bình thường, nhưng hiệu quả ngữ nghĩa của nó có tính chất đơn nhất. Ví dụ: đen đét, bìm bịp, bỡ ngỡ…

- Ngữ láy mô hình, với ý nghĩa không có tính nhất thể, nghĩa của chúng có thể được phân tích thành những yếu tố nghĩa, trong đó có yếu tố thì tương ứng với ý nghĩa của từ gốc, có yếu tố thì do mô hình cấu trúc đưa lại. Yếu tố nghĩa do mô hình cấu trúc quy định có tính chất chung cho nhiều từ: Có thể là yếu tố nghĩa mang tính liên tục, lặp đi lặp lại của sự vật, hành động, như người người, lắc lắc, chốc chốc…;

có thể là yếu tố với nghĩa làm giảm cường độ hoạt động và mức độ của tính chất, như yêu yêu, mằn mặn, khang khác…; hoặc cũng có thể mang nghĩa tăng cường, nhấn mạnh vào mức độ của thuộc tính, trạng thái, như (đen) > (đen) sì sì, sạch >

sạch sành sanh, vội vàng > vội vội vàng vàng…

Trong các phương án phân loại từ láy về mặt ngữ nghĩa như đã nêu ở trên, phương án của Đỗ Hữu Châu thiên hẳn về tiêu chí ngữ nghĩa mà chưa có sự quan tâm đầy đủ đến mối tương quan âm – nghĩa của từ láy, phương án của Nguyễn Thiện Giáp có dựa vào sự tương quan hình thái cấu tạo với ngữ nghĩa song với nhóm ngữ láy mô hình thì sẽ gặp phải khó khăn khi phân chia nhóm nhỏ theo nghĩa tăng hay giảm mức độ của tính chất. Ở đây cách phân loại của Hoàng Tuệ có phần khắc phục được tính chất phiến diện của cách phân loại thuần túy dựa vào cấu trúc và đến Hoàng Văn Hành, cách phân loại này được hiệu chỉnh hoàn thiện hơn khi vừa tính đến mối tương quan âm – nghĩa của từ láy, vừa tính đến vai trò ngữ nghĩa của tiếng gốc và khuôn vần (trong điều kiện cho phép), đồng thời cũng tính đến khả năng làm bộc lộ nghĩa hay giá trị ngữ nghĩa của các kiểu từ láy. Chúng tôi xem xét

và nhận thấy cách phân loại này hợp lí, rõ ràng và có thể sử dụng trong khảo sát này.

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT TỪ LÁY TRONG CÁC GIÁO TRÌNH DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI (XUẤT BẢN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1980 ĐẾN NAY) (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(143 trang)
w