GIÁO TRÌNH TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
2.1.1.4. Từ láy được sử dụng trong phần phát âm, chính tả
Trong số các giáo trình được nghiên cứu, có 8 giáo trình đưa ra phần phát âm, chính tả trong đó có chứa các từ láy:
STT Mã giáo trình Số lượng từ láy Số lần sử dụng
1. GT - 01 – T1 10 10
2. GT - 02 – T1 117 126
3. GT - 04 – A 9 9
4. GT - 06 – B, C 4 4
5. GT - 07 – T1 31 31
6. GT - 09 – A – T2 4 4
7. GT - 10 – A 33 36
8. GT - 12 – A – T1 64 67
Bảng 2.5. Các từ láy trong phần phát âm, chính tả
Ví dụ: - hồng hào, hóm hỉnh, hống hách, rào rào, rì rầm, rạo rực, rúc rích, rung rinh, rộng rãi [GT – 04 – A; tr. 23]
- cuồn cuộn, luộm thuộm, buồn buồn, luôn luôn [GT - 10 – A; tr. 18];
- đèm đẹp, man mát, sành sạch, thiêm thiếp, chân chất, khanh khách [GT - 07 – T1; tr. 41]
- lụp xụp, tấp nập, lếch thếch, xét nét, xụt xịt, tích tắc, tít mít [GT - 12 – A – T1; tr. 31, 32]
Các giáo trình này phần lớn là giáo trình áp dụng dạy ở trình độ sơ cấp. Điều này hoàn toàn hợp lí, bởi ở trình độ này, học viên trước hết sẽ bắt đầu học phát âm, chính tả và ngoài việc luyện đọc bằng các âm tiết độc lập thì việc sử dụng từ, cụm từ đa âm như từ ghép hoặc từ láy cũng là một cách luyện tập phù hợp. Điều này phần nào cũng tương tự như việc sử dụng các câu đặc biệt mà các âm tiết chứa các thành tố lặp lại nhiều lần, ví dụ: Ông Công không trồng cây thông. (lặp vần “ông” ở nhiều âm tiết)/ Chú Tuấn mới sắm máy tính. (thanh sắc được sử dụng lặp lại ở các âm tiết)/ Chị Châu chẳng chào chú Chiến.(các âm tiết đều sử dụng phụ âm đầu
“ch”)/ …
Kết quả khảo sát tìm được 233 từ láy với 287 lần xuất hiện được đưa ra dùng với mục đích luyện tập phát âm và chính tả. Các từ láy này hoàn toàn là từ láy hai âm tiết, không có trường hợp từ láy ba và từ láy bốn. Dựa vào mục đích sử dụng, chúng tôi phân chia các từ láy này theo mặt cấu tạo:
- Từ láy hoàn toàn không biến thanh, biến vần (LHT 1): 16 từ với 20 lần xuất hiện
- Từ láy hoàn toàn có biến thanh, biến vần (LHT 2): 31 từ với 38 lần xuất hiện - Từ láy bộ phận (LBP): 186 từ với 229 lần xuất hiện
LHT 1 LHT 2 LBP
16 31
186
20 38
229
Biểu đồ 2.6. Từ láy dùng trong phần phát âm, chính tả phân theo cấu tạo Số từ láy
Số lần xuất hiện
Như biểu đồ biểu thị, có thể thấy số lượng từ láy bộ phận có mặt cao hơn nhiều so với kiểu láy hoàn toàn (nhiều hơn khoảng 11 lần so với từ láy hoàn toàn không biến thanh – LHT 1, biến vần và hơn 6 lần so với từ láy hoàn toàn có biến thanh, biến vần – LHT 2). Số lần sử dụng của các kiểu từ láy này cũng có tỉ lệ tương tự.
Điều này dễ dàng hiểu được bởi việc sử dụng các từ láy này nhằm mục đích đặt các âm tiết vào thế so sánh đối lập để làm rõ âm và luyện tập cho thuần thục. Hai âm tiết trong mỗi từ láy sẽ thể hiện sự giống nhau giữa các thành tố, đặc biệt như ở kiểu từ láy hoàn toàn, hoặc thể hiện sự khác nhau giữa các thành tố (kể cả thanh điệu) như ở kiểu láy hoàn toàn có biến thanh, biến vần và rõ rệt nhất là kiểu từ láy bộ phận. Dưới đây là phần mô tả việc sử dụng từ láy trong luyện tập phát âm, chính tả trong các giáo trình được khảo sát:
Để giới thiệu và luyện tập mảng âm và chữ tiếng Việt, trước hết mục phát âm của các giáo trình nói trên luôn đưa ra các âm tiết riêng lẻ. Cùng với các âm tiết riêng lẻ này, một số giáo trình lấy các ví dụ là các từ, cụm từ hai âm tiết, ba âm tiết hoặc cả đơn vị câu, trong đó, từ láy là một loại từ vốn dĩ mang nét đặc biệt về mặt ngữ âm nên cũng được đưa vào cho học viên luyện tập. Số lượng các từ láy được sử dụng nhiều ít khác nhau ở từng giáo trình và với mục đích luyện phát âm nên tất nhiên khái niệm của từ láy sẽ không được đề cập đến ở đây. Nhìn chung, có các giáo trình chủ yếu thêm ví dụ của từ láy một cách đơn lẻ nên số lượng từ láy trong giáo trình đó không đáng kể; bên cạnh đó cũng tồn tại một số giáo trình đưa từ láy vào thực hành, luyện tập với số lượng lớn, có hệ thống hơn, mục đích xuyên suốt hơn. Theo số liệu từ bảng trên, hai cuốn giáo trình GT - 02 – T1 (117 từ láy, 126 lần sử dụng) và GT - 12 – A – T1 (64 từ láy với 67 lần sử dụng) là hai cuốn chứa lượng từ láy trong phần phát âm, chính tả nhiều nhất; còn các giáo trình khác chỉ đưa ra một số từ láy vào các bài luyện một cách ngẫu nhiên.
Từ láy được áp dụng trong các bài luyện phát âm về các thành phần của âm tiết, đó là phụ âm đầu, vần gồm bán nguyên âm, âm chính, phụ âm cuối, và thanh điệu.
a) Luyện phần phụ âm đầu:
- Dùng các từ láy phụ âm đầu hoặc từ láy hoàn toàn để luyện phát âm cho phụ âm đầu. Ví dụ:
Các từ láy với phụ âm đầu “x, s”: xa xa, xông xáo, xình xịch, xủng xẻng, sờ sợ, sang sảng,… [tr 10], các từ láy với phụ âm đầu “th, tr, r, kh, g/gh”: tha thẩn, thì thầm, trâng tráo, rau ráu, rách rưới, khó khăn, gượng gạo, gọn ghẽ, … [tr. 13] được dùng trong giáo trình GT - 02 – T1.
Ở bài phát âm số 4 của giáo trình GT - 04 – A, khi giới thiệu về phụ âm đầu “h, r”, bên cạnh việc đưa ra các âm tiết riêng lẻ, tác giả còn sử dụng thêm 9 từ láy, chủ yếu là từ láy phụ âm đầu để luyện tập: hồng hào, hóm hỉnh, hống hách, rào rào, rì rầm, rạo rực, rúc rích, rung rinh, rộng rãi [tr. 23].
Các từ láy sù sụ, xù xì, xí xóa, dồi dào được dùng để luyện tập cho 3 phụ âm đầu “x, d, s” trong giáo trình GT - 07 – T1 [tr. 36].
- Các từ láy bộ phận, nói một cách cụ thể hơn là các từ láy phụ âm đầu và một vài trường hợp láy hoàn toàn được đưa vào các ví dụ nhằm giúp học viên nước ngoài phân biệt dạng viết thể hiện các phụ âm đầu đặc biệt theo qui tắc chính tả tiếng Việt. Đó là các từ với phụ âm đầu /k/ (thể hiện bằng chữ viết “c, k, q”), /ɣ/
(thể hiện bằng chữ viết “g, gh”), /ŋ/ (thể hiện bằng chữ viết “ng, ngh”), như cập kênh, ca cẩm, quanh co, gần gũi, gồ ghề, ngúng nguẩy, ngốc nghếch, ngoan ngoãn, ngấm ngầm, nguệch ngoạc, ngấp nghé, … (giáo trình GT - 12 – A – T1) [tr. 45].
b) Luyện phần vần
b1) Luyện bán nguyên âm:
- Luyện tập cho bán nguyên âm /w-/ được viết dưới dạng “o-” bằng hai từ láy họa hoằn, khỏe khoắn trong giáo trình GT - 09 – A – T2 [tr. 51] và bằng các từ láy loang loáng, khoan khoái, thoải mái trong GT - 10 – A [tr. 26]. Việc luyện tập này chỉ dùng các từ láy một cách đơn lẻ.
b2) Luyện âm chính:
Trong khảo sát của mình, chúng tôi thấy một vài từ láy riêng lẻ được đưa vào luyện tập cho hai nguyên âm đôi trong tiếng Việt, đó là:
- Nguyên âm đôi /ie/ được viết dưới dạng “iê” trong giáo trình GT - 10 – A được đề cập với hình thức là sự kết hợp âm “i + ê → iê” và chỉ một ví dụ duy nhất được nêu ra:
Tin – tên – tiên, phin – phên – phiên, liên miên [tr. 15]
- Luyện tập cho nguyên âm đôi /uo/ được viết dưới dạng “uô” sử dụng các ví dụ: cuồn cuộn, luộm thuộm, buồn buồn, luôn luôn trong giáo trình GT - 10 – A [tr.
18].
b3) Luyện phụ âm cuối:
- Ở giáo trình GT - 02 – T1: minh họa cho phụ âm cuối /-ŋ/ và /-k/ là các từ hai âm tiết bao gồm từ láy đôi, trong đó chủ yếu là từ láy hoàn toàn: bừng bừng, bằng bằng, lâng lâng, năng nắng, lênh đênh, canh cánh, lanh canh, lách cách [tr. 3]
- Ở giáo trình GT - 07 – T1: luyện phát âm cho phụ âm cuối “-n, -nh” với hai ví dụ: mạnh mẽ, nhanh nhẹn [tr. 39]
- Ở giáo trình GT - 07 – T1: luyện phát âm cho phụ âm cuối “-p, - t, - ch” bằng các từ láy hoàn toàn có biến thanh, biến vần: đèm đẹp, man mát, sành sạch, thiêm thiếp, chân chất, khanh khách [tr. 41]
- Ở giáo trình GT - 12 – A – T1 có luyện tập với bài tập nghe, chọn từ để nhận biết các vần mới học, thực tế ở đây chú trọng vào vấn đề âm cuối “in – inh; ăn – ăng; an – ang” có nêu ra các từ láy: xinh xắn – xin xắn, ăn năn – ăn năng, man mác – mang mác) [tr. 28]
c) Luyện thanh điệu
- Giáo trình GT - 01 – T1 đưa ra các từ hai âm tiết, trong đó thanh điệu của hai âm tiết hoặc giống nhau hoặc đối lập nhau để luyện phát âm. Các từ này có bao gồm cả từ láy ầm ĩ, vĩnh viễn, cũ kỹ, sáng sủa, của cải [tr. 134]. Điều này cũng tương tự với việc thể hiện sự phối hợp thanh điệu giữa hai âm tiết của một từ trong giáo trình GT - 07 – T1. Sự phối hợp đó thể hiện ở 36 cặp thanh điệu, kể cả các cặp thanh điệu trùng lặp [tr. 43 - 46]. Ở giáo trình này thì các từ láy được đưa vào với số lượng nhiều hơn do tác giả giáo trình thống kê chi tiết, lần lượt các cặp thanh điệu tồn tại trong các từ hai âm tiết của tiếng Việt.
- Giáo trình GT - 10 – A có phần luyện tập, phân biệt thanh không và thanh huyền với các âm tiết và 5 từ láy: tầm tầm, lan man, lâm thâm, thầm thì, lao nhao [tr. 12]; phân biệt các thanh điệu hỏi và ngã với các từ láy: mãi mãi, bổi hổi, sạch sẽ, lải nhải [tr. 27].
- Với giáo trình GT - 12 – A – T1, các từ láy được lấy làm ví dụ nhằm mục đích phân biệt thanh điệu sắc – nặng trong các vần có kết thúc là các phụ âm “-p, -t,
-k” (lụp xụp, tấp nập, lếch thếch, xét nét, xụt xịt, tích tắc, tít mít) [tr. 31, 32] hoặc trong các trong các từ kết hợp hai âm tiết, bao gồm cả từ láy: thân thiết, nườm nượp, quỷ quyệt, loạc choạc, khuya khoắt, sột soạt, thoăn thoắt, toang toác [tr. 38, 39].
d) Luyện trọng âm của từ
Vấn đề phát âm này không được đề cập phổ biến trong các giáo trình dạy tiếng Việt. Trong khảo sát này của chúng tôi, chỉ có một giáo trình duy nhất GT - 10 – A có nhắc đến trọng âm của các âm tiết trong từ, trong đó có cả trường hợp các từ láy.
Theo đó trọng âm của các từ hai âm tiết này sẽ được xác định dựa trên nghĩa hoặc yếu tố chính trong từ ghép chính phụ:
“Nhà cửa (11), nhà máy (01)”
(số 1: trọng âm rơi vào âm tiết đó, số 0 là trọng âm không rơi vào âm tiết đó) Cách xác định như vậy được áp dụng cho cả các từ láy đôi: sạch sẽ, tăm tối, vui vẻ, hăng hái, rõ ràng, lạnh lẽo, may mắn. [tr. 34]
* Luyện tổng hợp:
- Trong giáo trình GT - 12 – A – T1, một lượng từ láy đáng kể được dùng khi luyện tập cho sự kết hợp giữa các phụ âm và các vần:
Phụ âm đầu “r” kết hợp với vần “un, um, ung” thể hiện trong các từ láy: run rảy, rúm ró, um tùm, ung dung.
Phụ âm đầu “c, r” kết hợp với vần “ưng” thể hiện trong các từ láy: cứng cáp, rưng rưng.
Phụ âm đầu “b, v” kết hợp với vần “ưa, ui” thể hiện trong các từ láy: bừa bãi, bùi ngùi, vui vẻ.
Phụ âm đầu “l, x, kh, th, ng” kết hợp với vần “oa, oai, oay” thể hiện trong các từ láy: lòa xòa, khắc khoải, loay hoay, ngắc ngoải, thoai thoải.
Phụ âm đầu “đ, ng” kết hợp với vần “oan, oang” thể hiện trong các từ láy:
khoe khoang, đểnh đoảng, ngoan ngoãn.
Phụ âm đầu “l, ng, kh, x” kết hợp với vần “oa, oăn, oăng” (loăn xoăn, băn khoăn, loăng quăng, lõa xõa, họa hoằn, ngoằn ngoèo) [tr. 29, 30, 35]
- Phần bài tập phát âm trong giáo trình GT - 02 – T1 ngoài đưa ra các từ một âm tiết thì còn có cả những từ hai âm tiết bao gồm cả các từ láy: lờ mờ, lờ đờ, lừ đừ, lăm lăm, lơ mơ, vân vân, phân vân, dần dần, la đà, nấn ná để luyện tập tổng hợp cho các âm chính, phụ âm đầu và 3 thanh điệu vừa làm quen trước đó [tr. 2].
Ngoài các phần luyện phát âm, chính tả như đã nói trên đây thì còn một số trường hợp sử dụng từ láy dùng với mục đích tương tự mà chúng tôi không nêu ra do số từ láy được đưa vào luyện tập rất ít (chỉ khoảng 1, 2 từ riêng lẻ). Nhìn chung, các từ láy là các trường hợp được vận dụng đồng thời cả sự đối lập, khác biệt và sự tương đồng giữa các thành tố của âm tiết để hướng đến mục đích luyện phát âm.
Khi luyện tập bằng cách đặt các âm tiết khác nhau trong sự so sánh với một âm tiết khác trong cùng một từ như vậy làm nổi bật sự đối lập, khác biệt cần chú ý. Điều này không những giúp học viên làm quen, nhận biết sự khác biệt giữa các âm và thanh điệu mà còn tạo được nhịp điệu phát âm, tránh gây nhàm chán cho học viên trong quá trình luyện tập. Việc này còn đặc biệt tạo hiệu quả đối với những cặp âm hoặc cặp thanh điệu dễ nhầm lẫn khi đặt gần kề nhau trong từ. Ví dụ: ngấm ngầm chỉ khác nhau ở hai thanh: sắc và huyền mang âm vực và đường nét đối lập nhau (Thanh sắc có âm vực cao, đường nét không bằng phẳng trong khi thanh huyền có âm vực thấp, đường nét bằng phẳng) ; từ cuồn cuộn chỉ khác nhau ở hai thanh:
huyền và nặng đều thuộc âm vực thấp nhưng thanh nặng có âm vực thấp hơn và đường nét cũng khác nhau (thanh huyền có đường nét bằng phẳng, thanh nặng có đường nét không bằng phẳng ); trong từ phân vân, hai phụ âm đầu của hai âm tiết đều là các phụ âm xát - ồn, sự đối lập ở đây là sự đối lập vô thanh – hữu thanh; từ nườm nượp có hai phụ âm cuối tuy đều là phụ âm môi song phương thức cấu âm lại khác nhau (/-p/ có phương thức ồn còn /-m/ có phương thức vang) và cũng chính vì
đặc trưng của hai phụ âm cuối này làm biến đổi thanh điệu của hai âm tiết trong từ láy;… Như vậy, học viên nước ngoài phát âm chuẩn xác các âm tiết, nhịp điệu của cùng một từ láy như vậy cho thấy khả năng phát âm và nhận diện các yếu tố của âm tiết tiếng Việt của họ tương đối tốt, việc luyện tập nhiều hơn và thường xuyên sẽ tạo sự nhuần nhuyễn, chính xác trong phát âm của họ.