Giảng dạy từ láy trong các giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT TỪ LÁY TRONG CÁC GIÁO TRÌNH DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI (XUẤT BẢN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1980 ĐẾN NAY) (Trang 62 - 81)

GIÁO TRÌNH TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

2.2. Giảng dạy từ láy trong các giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài

Trong tổng số 23 quyển giáo trình nằm trong danh mục khảo sát, có 4 giáo trình có trình bày, giới thiệu về từ láy, hiện tượng láy một cách chính thức. Đó là các giáo trình:

1. Giáo trình cơ sở Tiếng Việt thực hành, tập II, Đặng Ngọc Cừ - Phan Hải (Chủ biên), Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1980 (Mã: 01 – T2)

2. Tiếng Việt thực hành (Dùng cho người nước ngoài), Đinh Thanh Huệ (Chủ biên), Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997 (Mã: 05)

3. Giáo trình Tiếng Việt – VSL, tập 4, Nguyễn Văn Huệ (Chủ biên), Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cho người nước ngoài, Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2003 (Mã: 07 – T4)

4. Tiếng Việt cho người nước ngoài – Vietnamese for foreigners, Nguyễn Anh Quế, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội, 2007 (Mã: 11)

Khái niệm từ láy, hiện tượng láy được đề cập trong các giáo trình này đều ở giai đoạn mà học viên nước ngoài học tiếng Việt ở trình độ nâng cao. Trong cả 4 giáo trình này, hiện tượng láy được tiếp cận dưới hình thức dạng láy của 3 từ loại chính trong tiếng Việt:

- Dạng láy của danh từ - Dạng láy của động từ - Dạng láy của tính từ

Hiện tượng láy được chọn giới thiệu như vậy nhằm giới thiệu một cách hệ thống mang tính chất đơn giản nhất cho đối tượng học viên người nước ngoài bởi cho đến nay, từ láy và các vấn đề liên quan vẫn còn là vấn đề với nhiều quan niệm chưa hoàn toàn thống nhất. Hơn nữa do tính khả quan của việc giảng dạy từ láy, hiện tượng láy mà cách lựa chọn giới thiệu dạng láy của từ loại này cho thấy sự phù hợp, đúng đắn về hướng tiếp cận.

Theo khảo sát của chúng tôi, dạng láy của tính từ và dạng láy của danh từ được giới thiệu nhiều hơn so với dạng láy của động từ trong các giáo trình này. Các từ láy được đưa ra ở đây đều thuộc nhóm N3 - Từ láy vừa biểu trưng hóa ngữ âm vừa chuyên biệt hóa về nghĩa, tức là trong từ láy đó có thể xác định tiếng gốc mang nghĩa. Điều này là phù hợp, thiết thực khi học viên có thể theo trí nhớ của mình tự áp dụng tạo ra từ láy từ những từ đơn đã biết, phục vụ cho việc diễn đạt nghĩa cụ thể, sinh động và gần gũi hơn. Từ đó, vốn từ vựng và cách biểu đạt trong tiếng Việt của học viên sẽ trở nên phong phú hơn. Như đã nói khi giới thiệu về từ láy thuộc hai nhóm N1, N2 thì việc giới thiệu các từ láy nhóm N1, N2 trong khái niệm từ láy là không cần thiết do chúng bắt nguồn từ sự biểu trưng hóa của ngữ âm mà tiếng gốc mang nghĩa từ vựng khó hoặc không thể xác định được.

2.2.1. Khái niệm và cấu trúc từ láy được giới thiệu trong các giáo trình Trước hết, định nghĩa của từ láy được trình bày trong giáo trình GT – 05.

Trong mục Ngữ pháp nằm trong bài số 6, tác giả Đinh Thanh Huệ có định nghĩa về từ Hán – Việt trong kho từ vựng tiếng Việt, trong đó chia ra 3 loại: từ đơn, từ ghép, từ láy. “Từ láy là từ được cấu tạo theo qui luật láy lại của ngữ âm.

Thí dụ: Do dự, tử tế, lưỡng lự …” [GT – 05, tr. 58]

Trong các hội thoại và bài đọc của bài có xuất hiện các từ láy “mát mẻ, nghỉ ngơi, vất vả, gặp gỡ, tần tảo, tấn tới, lam lũ, ruồng rẫy, lộng lẫy, ăn năn”. Ở mục bài luyện tập không có dạng bài nào dành riêng cho từ láy. Như vậy, từ láy ở đây được giới thiệu rất sơ lược, khái quát trong phạm vi nhóm từ Hán – Việt. Đây là tiền đề để tiếp sau đó, tác giả trình bày lần lượt, cụ thể các dạng láy của tính từ và danh từ.

a) Dạng láy của danh từ:

Dạng láy của danh từ có mặt ở 3 trong 4 giáo trình đang xem xét.

Sau khi nhắc đến từ láy với định nghĩa khái quát, Đinh Thanh Huệ giới thiệu một cách giản lược “Láy danh từ” với hàm ý “biểu thị số nhiều” và cung cấp các ví dụ:

“+ Người người thi đua, ngành ngành thi đua.

+ Sáng sáng công việc lại nhộn nhịp hẳn lên.” [GT – 05; tr. 271]

Từ việc giới thiệu từ “chiều chiều” trong hội thoại viết theo chủ đề, Nguyễn Anh Quế đưa vào mục Ghi chú ngữ pháp phần giới thiệu về láy danh từ với tên gọi

“Lặp danh từ”: “Một số D, đặc biệt là D đơn âm tiết, có thể lặp để biểu thị số nhiều.” (D là kí hiệu của danh từ)

Ví dụ: Chiều chiều Helen chơi thể thao.

Sáng sáng mình tập thể dục.

Người người thi đua. [GT – 11; tr. 313]

Cùng với các danh từ thông thường, tác giả còn chỉ ra trường hợp láy với một số đại từ nghi vấn không phải để làm tăng tính nghi vấn mà chúng được sử dụng trong các câu khẳng định nhấn mạnh số nhiều của danh từ tương ứng với các đại từ nghi vấn đó.

Ví dụ: “Đâu đâu cũng có bán. (Có nhiều nơi bán) Ai ai cũng biết. (Mọi người đều biết) ”

Trong 3 giáo trình, giáo trình của Đặng Ngọc Cừ - Phan Hải cũng đưa ra dạng láy danh từ và có sự phân tích rạch ròi, chi tiết hơn hai giáo trình trên. Việc phân tích của tác giả dựa trên khía cạnh nghĩa của chúng, ở đây tác giả nói về 3 kiểu: biểu thị số nhiều, biểu thị thời gian liên tục và bao gồm một cấu trúc láy đặc biệt cũng dùng để biểu thị số nhiều:

Thứ nhất: “Có thể dùng cách láy lại toàn bộ âm thanh của danh từ một âm tiết để biểu thị số lượng nhiều của sự vật (có khi là tất cả). Ví dụ:

+ Người người thi đua, ngành ngành thi đua thì phong trào thi đua sẽ lên cao.

+ Khắp nơi nơi trên đảo đều toàn những dưa là dưa.

Người người: tất cả mọi người Ngành ngành: tất cả mọi ngành Nơi nơi: tất cả mọi nơi”

Một chú ý được nêu ra trong trường hợp này: “Cách láy này không phải áp dụng cho tất cả mọi danh từ, chỉ có một số danh từ có thể láy theo cách này như: người, ngành, nơi, nhàm chốn, đoàn, lớp, ai (đại từ)…”

Thứ hai: “Láy lại toàn bộ âm thanh của danh từ chỉ thời gian 1 âm tiết để biểu thị sự thường xuyên liên tục của thời gian.

Ví dụ: - Từ đấy, ngày ngày An Tiêm trồng rau và tìm quả.

- Chiều chiều, chúng tôi thường ra sân chơi bóng.

Các tác giả chỉ ra rằng “Các danh từ chỉ thời gian 1 âm tiết thường có thể áp dụng cách láy này (như: ngày, sáng, chiều, tối, đêm, năm, tháng, chốc, lúc,…) còn đối với danh từ chỉ thời gian 2 âm tiết (như: tuần lễ, thế kỷ…) thì không.

Một điểm khác biệt so với hai giáo trình trước đó nêu ra dạng láy danh từ là ở giáo trình này giới thiệu thêm cách láy mà toàn bộ âm thanh của danh từ có 1 (hay 2, 3) âm tiết được lặp lại theo kết cấu: (Toàn) những D là D. Ví dụ:

+ Khắp nơi nơi trên đảo toàn những dưa là dưa.

+ Gần tết, chợ Đồng Xuân đầy những hoa là hoa.

+ Trong sân trường toàn những học sinh là học sinh.

+ Ngoài vườn toàn những cúc vạn thọ là cúc vạn thọ.” [GT – 11, tr.187]

Trường hợp này chủ yếu dùng với danh từ một âm tiết, ít dùng với các danh từ 2, 3 âm tiết.

Với một số lưu ý hạn chế khi sử dụng, các từ dưới dạng láy danh từ cũng gây ra khó khăn cho học viên. Họ cần ghi nhớ những lưu ý đó và ghi nhớ các trường hợp thông dụng theo như các ví dụ đưa ra để áp dụng. Đối với trường hợp cấu trúc

“(Toàn) những D là D” mà nhóm tác giả Đặng Ngọc Cừ - Phan Hải đưa vào trường

hợp láy danh từ, chúng tôi cho rằng ngoài việc hành chức như một danh từ trong câu, cấu trúc đó có thể dùng riêng biệt như một câu đặc biệt, áp dụng với nhiều danh từ hơn, với nghĩa biểu thị số lượng nhiều mang sắc thái cảm xúc cá nhân nhiều hơn. Vì vậy cấu trúc này nên được giới thiệu như một cấu trúc ngữ pháp riêng biệt có sử dụng lặp lại danh từ hai lần, tương tự như các cấu trúc kiểu như “Đẹp ơi là đẹp / toàn sách là sách / vui vui là”.

b) Dạng láy của động từ:

Đây là dạng ít được chọn để giới thiệu. Chỉ duy nhất một giáo trình có nói đến loại này, đó là giáo trình GT – 01 – T2. Trong giáo trình này, các tác giả giải thích cả 3 dạng láy của danh từ, động từ và tính từ, trong đó dạng láy của động từ được đưa ra đầu tiên:

Ý nghĩa của dạng láy được nêu như sau: “Có thể dùng cách láy lại động từ để biểu thị một hoạt động xảy ra nhiều lần. Đây là cách biểu thị lượng nhiều của hoạt động.” [GT – 01 – T2, tr. 76]. Mặt cấu trúc của dạng láy động từ được trình bày dưới hai mẫu cấu trúc:

Thứ nhất là sự “láy lại toàn bộ âm thanh của một động từ có một âm tiết” với mô hình cấu tạo: A – AA, nghĩa là động từ một âm tiết sẽ được lặp lại để tạo một động từ hai âm tiết mang hình thức láy và động từ ở dạng láy này đảm nhiệm chức năng như một động từ thường.

“Ví dụ: + Con thỏ vẫy vẫy tai.

+ Nghe tôi trả lời đúng, thầy giáo gật gật đầu.

vẫy – vẫy vẫy cười – cười cười gật – gật gật gõ – gõ gõ (cửa) lắc – lắc lắc vỗ - vỗ vỗ (vai)

Ngoài ra, giáo trình nhắc tới một nét nghĩa nữa của dạng láy này, đó là việc chúng còn “biểu thị ý nghĩa liên tục và giảm nhẹ số lần tiến hành được mới có thể cấu tạo thành dạng láy này, như: “chớp, nháy, xua, xoa, gãi, đạp, lay, rụng, đập, chọc, ấn, bóp, sờ, vuốt, lau …” [GT – 01 – T2, tr. 76]

Thứ hai là dạng láy đối với động từ có hai âm tiết. Mô hình khái quát của dạng láy này là AB – AABB. Với mô hình này, A và B là hai âm tiết của động từ hai âm tiết AB ban đầu, mỗi âm tiết được láy lại một lần một cách hoàn toàn, không biến đổi và âm tiết láy được đặt ngay sau âm tiết được láy. Động từ khi được láy lại như vậy nhằm chỉ hành động diễn ra một cách liên tục. Ví dụ:

+ Nó vùng vùng vẫy vẫy ở dưới giếng.

+ Anh Nam cứ lau lau chùi chùi cái xe đạp suốt ngày.

vùng vẫy – vùng vùng vẫy vẫy lau chùi – lau lau chùi chùi cười nói – cười cười nói nói quét dọn – quét quét dọn dọn

Dạng láy này cần điều kiện: động từ gốc cần phải là động từ ghép thuần Việt như:

“xoa bóp, đứng ngồi, kỳ cọ, bay lượn, ngắm vuốt, sờ mó, gật gù, nhảy nhót, chen chúc, viết lách, vuốt ve…”. Trường hợp động từ ghép Hán – Việt thì không cấu tạo từ láy theo cách này được. Ví dụ: không thể nói: “chiến chiến đấu đấu, tiến tiến công công, học học tập tập”.

Dạng láy động từ với bốn âm tiết theo cấu trúc AABB có cấu trúc láy âm tiết đơn giản nhất, dễ nhớ, dễ sử dụng nhất trong các cấu trúc láy bốn âm tiết nên điều này hoàn toàn dễ hiểu khi nó được đưa vào giới thiệu trong giáo trình. Học viên nước ngoài nếu có thể sử dụng dạng láy này cũng như áp dụng công thức láy này vào những từ gốc khác thì sẽ làm cho lời nói, câu viết tăng hiệu quả về mặt âm thanh, sinh động về mặt hình ảnh mà cũng không khó sử dụng.

Với dạng láy của danh từ và động từ vừa trình bày trên đây, theo nhìn nhận của chúng tôi thì đây là hiện tượng lặp từ nên các từ đó sẽ được gọi là từ dưới dạng láy của danh từ hoặc động từ. Còn đối với dạng láy của tính từ, các từ được tạo nên có

các đặc trưng của từ láy tiếng Việt, thể hiện rõ nét quy luật hòa phối ngữ âm và đặc trưng ngữ nghĩa nên các từ tạo nên từ dạng này được chúng tôi coi là từ láy.

c) Dạng láy của tính từ:

Với một số lượng lớn các tính từ, đây là dạng láy được coi là phổ biến và có thể thấy nó có mặt trong cả 4 giáo trình đang xét. Mỗi giáo trình có cách giới thiệu riêng, có đơn giản, có chi tiết.

Nguyễn Anh Quế nêu trong giáo trình của mình gọi đây là “Lặp tính từ”: “Hầu hết các tính từ đơn âm đều có thể lặp lại để giảm nhẹ tính chất, mức độ (trong khi đó danh từ lặp lại là để tăng lên về số lượng)

Ví dụ: Chị dạy cho em bài nào ngăn ngắn ấy.

Tôi cảm thấy vui vui.

Trời hôm nay lành lạnh.” [GT – 11, tr. 340]

Có thể thấy ở đây, tác giả muốn nói đến từ láy hoàn toàn bởi cách cấu tạo đơn giản hơn và hữu ích hơn khi khái quát được cấu trúc có thể áp dụng nhiều trường hợp khác chứ không phức tạp với các cấu trúc láy khác nhau mà trong đó mỗi cấu trúc chỉ áp dụng cho rất ít các trường hợp như từ láy bộ phận. Theo cơ sở lí thuyết đã bàn luận ở chương I, từ láy hoàn toàn tồn tại dưới hai kiểu: láy hoàn toàn không biến thanh, biến vần và láy hoàn toàn có biến thanh, biến vần. Dạng láy hoàn toàn có biến thanh, biến vần có những quy tắc ngữ âm riêng và trong giáo trình này, việc cấu tạo từ láy tính từ cũng xét đến sự biến đổi ngữ âm như vừa nhắc đến. Đó là các sự biến đổi:

- Biến đổi âm cuối:

“Các từ có âm cuối là –p, -t, -c, -ch, khi lặp, âm tiết đầu sẽ có các âm cuối tương ứng là –m, -n, -ng, -nh.” Ví dụ: “tốt - tôn tốt; sạch - sành sạch,…”

- Biến đổi thanh điệu:

“Các từ có thanh hỏi, sắc khi lặp, âm tiết đầu có thanh không, các từ có thanh ngã, nặng khi lặp âm tiết đầu có thanh huyền.” Ví dụ: “lạnh - lành lạnh; ngắn - ngăn ngắn; đỏ - đo đỏ,...”

- Các từ không có âm cuối và thanh điệu như trên thì khi lặp giữ nguyên hình thức ngữ âm. Ví dụ: “vui - vui vui”, xinh xinh,…

Ở giáo trình GT – 01 – T2, láy tính từ giới thiệu ngay sau láy danh từ và ý nghĩa của chúng được giải thích bằng một ngữ pháp tương đương: “Nói chung, người ta dùng cách láy lại tính từ một âm tiết để biểu thị sự giảm sút về mức độ của tính chất, có ý nghĩa tương đương phó từ “hơi”. Ví dụ:

+… miếng quả cây màu đo đỏ.

+ Anh ấy nói, nghe cũng vui vui.

+ Các chị nên mặc đèm đẹp một tý.

Đỏ - đo đỏ = hơi đỏ Vui – vui vui = hơi vui Đẹp – đèm đẹp = hơi đẹp

Qui tắc biến đổi thanh điệu và phụ âm cuối của âm tiết thứ nhất để cho dễ phát âm khi tạo thành cặp từ láy được các tác giả trình bày chi tiết, cụ thể như sau:

- Về thanh điệu:

Tính từ gốc Âm tiết thứ nhất

của tính từ láy Ví dụ

Không Không Vui vui, đen đen, trong trong

Huyền Huyền Buồn buồn, vàng vàng, hồng hồng

Sắc, hỏi, ngã

Không Tôi tối, nong nóng, ren rét đo đỏ, bân bẩn, tui tủi dê dễ, khe khẽ, nhao nhão

Nặng Huyền Nhè nhẹ, là lạ, mằn mặn

- Về phụ âm cuối:

[tr.188]

Tính từ láy trong giáo trình GT – 05 được giới thiệu như là “một trong các cách cấu tạo từ của tiếng Việt” [tr. 166] và mục đích sử dụng từ láy đó là làm bớt tính chất, mức độ, trạng thái của tính từ ban đầu. Dựa trên tiêu chí cấu trúc mà các phương thức láy tính từ này được giới thiệu dưới dạng hai loại:

- Láy toàn bộ âm tiết (trời xanh – trời xanh xanh)

- Láy bộ phận: Thường theo những quy luật phối âm nhất định. Các tính từ có thanh điệu ngã (~), thanh hỏi (ˀ), thanh sắc (´) thì khi láy, âm tiết đầu sẽ có thanh điệu không (không dấu).

Thí dụ: trẻ --- tre trẻ ; khẽ --- khe khẽ ; mới --- mơi mới Khái niệm láy hoàn toàn và láy bộ phận có sự khác biệt so với cơ sở lý thuyết mà chúng tôi nhắc đến ở chương 1. Tuy nhiên, bản chất của loại láy bộ phận trong phần giới thiệu trên đây tương đương với loại láy hoàn toàn có biến thanh, biến vần theo cơ sở lý thuyết. Lí giải cho điều này, ta có thể thấy việc phân chia này tạo sự rõ ràng, rạch ròi về mặt cấu trúc đi kèm với tên gọi của từ láy tính từ. Học viên nước ngoài được tiếp cận với từ láy đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ hơn so với cách tiếp cận mang tính nghiên cứu ngôn ngữ kia.

Với giáo trình GT – 07 – T4, từ việc đặt từ láy “đèm đẹp” trong một cuộc hội thoại, tác giả giới thiệu dạng láy của tính từ như sau:

Tính từ gốc

Âm tiết thứ nhất

của tính từ láy Ví dụ

p m Đèm đẹp, hèm hẹp, thâm thấp

t n Ren rét, khin khít, mền mệt

c ng Chăng chắc, bàng bạc, hăng hắc

ch nh Sành sạch, chênh chếch, tanh tách

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT TỪ LÁY TRONG CÁC GIÁO TRÌNH DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI (XUẤT BẢN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1980 ĐẾN NAY) (Trang 62 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(143 trang)
w