Đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 38 - 41)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.3. Đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh

Đô thị hoá là một quá trình tập trung dân cư đô thị. Đồng thời đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp giảm, sản xuất phi nông nghiệp tăng. Bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, không gian đô thị mở rộng. Trong đó, dân cư đô thị là một điểm dân cư tập trung phần lớn những người dân lao động phi nông nghiệp, sống và làm việc theo kiểu thành thị.

Nói một cách đầy đủ hơn thì đô thị hoá là một quá trình biến chuyển kinh tế-xã hội-văn hoá và không gian, gắn liền với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật của xã hội loài người, trong đó diễn ra sự phát triển nghề nghiệp mới, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự chuyển đối lối sống ngày càng văn minh hơn cùng với sự mở rộng không gian thành hệ thống đô thị, song song với việc tổ chức ranh giới hành chính lãnh thổ và quân sự.

Trải qua các giai đọan lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trung tâm kinh tế quan trọng có tầm ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn, đồng thời có những đặc trưng văn hóa khác với nhiều thành phố khác ở Việt Nam.

Với lợi thế của vị trí địa lý thuận tiện cho thông thương và giao lưu kinh tế - văn hóa, là một đô thị trẻ, năng động, sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố văn minh hiện đại và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Từ năm1986, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách đổi mới, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Ủy ban nhân dân thành phố, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân đã tự cho mình một hướng đi thích hợp với thực lực kinh tế của từng quận. Kinh tế các quận đã phát triển nhanh chóng theo xu hướng chung là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ ngày càng chiếm vị trí then chốt.

Đô thị hóa đòi hỏi con người phải chuyển động theo tốc độ chuyển động của nó. Nơi đã có hiện tượng đô thị hóa, thì nơi ấy đòi hỏi một lối sống khác, một cách ứng xử văn hóa khác, khác hẳn với lối sống, với văn hóa nông thôn trước đây. Đô thị hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, với tất cả những hệ quả phức tạp của nó như diện tích nông nghiệp bị thu hẹp dần, dân nhập cư tự do tăng lên, thu nhập biến đổi đưa đến sự phân tầng xã hội mới, lối sống thay đổi, phong cách hưởng thụ văn hóa hiện đại, đã có tác động mạnh, làm biến đổi văn hóa truyền thống của người Thành phố Hồ Chí Minh. [Tôn Nữ Quỳnh Trân,Văn hóa làng xã trong đô thị hóa,Trung tâm nghiên cứu Đô thị và phát triển, www.vanhoahoc.vn, 2008]

Sự chuyển dịch kinh tế làm thay đổi vị trí quan trọng của cái đình. Đình ở đô thị không như đình trước đây. Ngày xưa, đình vốn là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp, là nơi phân xử các mâu thuẫn trong làng, là nơi hành xử đẳng cấp xã hội. Hiện nay, ngôi đình không còn ý nghĩa như thế mà đã trở thành một biểu tượng gắn với tín ngưỡng hơn là với nếp sống thường nhật, những ngôi đình nằm nhỏ bé bên cạnh các ngôi nhà cao tầng lộng lẫy của thời kỳ đô thị hóa. Kiến trúc của đình cũng thay đổi về kiểu dáng lẫn về cảnh quan. Hiện tượng bê tông hóa, sự thay đổi kiểu dáng qua những lần sửa chữa, sự thu hẹp diện tích làm kiến trúc đình của thành phố thiếu sự thống nhất và cổ kính.

Mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số1570/QĐ- TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025) bao gồm: phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại. Nhà nước cũng quan tâm nhiều hơn, có kinh phí cho công việc trùng tu và bảo tồn những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Nhiều ngôi đình đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp thành phố.

TIỂU KẾT:

Có thể nói rằng đình làng được xem là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã với ba chức năng chính: hành chính, tôn giáo và văn hóa.Về chức năng hành chính, đình là chỗ để họp bàn các việc làng, để phân xử, kiện…theo những quy định của làng. Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần hộ mệnh trong làng, thường là một vị hoặc cũng có khi nhiều vị, gọi là Thành Hoàng làng. Về chức năng văn hóa, đình cũng là nơi biểu diễn các tuồng, cải lương, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi… Trong các hoạt động trong đời sống của người dân, những chức năng trên không tách rời, mà đan xen hòa quyện, gắn bó với nhau. Thực tế cho thấy rằng từ đầu đình làng chưa có đầy đủ các chức năng trên mà những chức năng này dần xuất phát theo nhu cầu của đời sống nhân dân trong các làng.

Từ sau thế kỷ XVII, trong quá trình khẩn hoang, ở Thành phố Hồ Chí Minh các nhóm cư dân người Việt đã hình thành các đơn vị cư trú, nhiều ấp hợp lại thành làng hay thôn. Mỗi làng đều xây dựng một ngôi đình là ngôi nhà chung của làng, vừa là nơi họp bàn và giải quyết những việc chung của làng, xã, đồng thời là trụ sở hành chính của làng, duy trì các lễ hội mang tính truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân gian của làng.

Vấn đề cần quan tâm khi tiến hành đô thị hoá, công nghiệp hoá là sự suy giảm các giá trị văn hoá bản địa. Ta có thể thấy sau hơn 30 năm đô thị hoá, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có sự đa dạng văn hoá – xã hội cao nhất và nhiều giá trị văn hoá truyền thống của chúng ta vẫn giữ gìn được, mặc dù có không ít những nét văn hoá truyền thống đã bị mai một ít nhiều.. Dù tập trung cư dân từ các vùng miền khác nhau của đất nước đến làm ăn, sinh sống, nhưng người dân vẫn đối xử với nhau rất nghĩa tình, vẫn tiếp nối truyền thống tín ngưỡng của miền Bắc và miền Trung thờ thần Thành Hoàng và là công sở hành chính thôn xã. Ngôi đình ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại và chứng kiến bao sự đổi thay của Thành phố.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)