Gía trị giáo dục

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 61 - 68)

CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.5. Gía trị giáo dục

Các ngôi đình ở Thành phố Hồ Chí Minh vốn xuất thân từ những ngôi đình làng Bắc Bộ và Trung Bộ, được người dân Việt mang vào Nam từ những ngày đầu khai phá, theo thời gian dung mạo của những ngôi đình ở Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi ít nhiều. Dù vậy tính chất cốt lõi của ngôi đình Việt Nam không phai được trong ngôi đình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn là nơi gởi gắm sự đồng cảm của người dân thành phố, đình làng vẫn là nơi nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tập hợp những hình thái tín ngưỡng cổ truyền của cư dân nông nghiệp.

Di tích lịch sử - văn hóa là dấu ấn vật chất của một thời đại thì lễ hội và các trò chơi dân gian là sản phẩm tinh thần trong đời sống tâm linh của người Việt. Không phải tất cả các lễ hội ở làng quê Việt Nam đều diễn ra ở đình, còn có hội chùa, hội đền… Tuy nhiên, đình là ngôi nhà công cộng của làng nên phần lớn hội làng đều diễn ra ở đấy.

Lễ hội truyền thống hay nói cách khác, hội làng là biểu hiện tổng hợp và tập trung cao nhất của văn hóa làng xã. Những trò chơi dân gian từ lễ hội

đình, được lưu giữ trong tình cảm của con người, truyền từ đời này sang đời khác.

Lễ hội là sự tưởng niệm thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn đối với những người có công, không phân biệt là các vị vua, anh hùng hào kiệt, thánh nhân, thành hoàng hay những con người bình thường mang trên mình đầy huyền tích (hình 2.10). Lễ hội thu hút không chỉ những thành phần tín ngưỡng, tôn giáo, những trò vui chơi, hội đám mà còn là toàn bộ sinh hoạt nông thôn với phong tục tập quán cho tới các nghề nghiệp truyền thống.

Trong ngày lễ hội, đình làng không chỉ là nơi diễn ra lễ cúng tế các vị thần mà còn là một sân chơi, một sân khấu, một câu lạc bộ chung của người dân trong làng, thậm chí còn thu hút nhân dân các làng khác tới tham dự.

Lễ Kỳ Yên: Ở Thành phố Hồ Chí Minh các ngôi đình có những sinh hoạt như sau: Đối với các làng nghèo thuộc khu vực ngoại thành, một năm chỉ cúng các lễ nhỏ vói hai lễ Thượng điền và Hạ điền. Sau ba năm mới chọn ngày Thượng điền hoặc Hạ điền làm lễ Kỳ Yên. Những làng giàu có, hàng năm có ba lễ hội là Thượng điền, Hạ điền và Kỳ Yên. Và cũng có các lễ cúng nhỏ theo tục lệ của địa phương [54;tr.118]. Những năm gần đây một số vùng nội thành không còn làm nông nghiệp nên chỉ chú trọng và tổ chức lễ hội Kỳ Yên và bỏ qua lễ Thượng điền và Hạ điền. (hình 2.11), (hình 2.12). Vào các lễ này, dân làng mở hội đình để tưởng niệm công tích của các vị thần và cũng là ngày lễ hội của dân làng, người dân tổ chức các trò chơi, hát bội, hát cải lương … Và quy mô tổ chức lễ hội của đình cũng còn tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay thất mùa. Ở lễ hội này nội dung vẫn là ca ngợi đất trời và các vị thần, ca ngợi công lao của những bậc thánh hiền, những người có công quy dân, lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Lễ hội Kỳ Yên mang một tính cách là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Khi lập lại những nghi lễ mà cha ông đã làm là cách tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đến tổ tiên. Điều đó là quan trọng nhất

nên khi đến với lễ hội đình, mọi người thường ăn mặc một cách nghiêm trang chỉnh tề thể hiện được nét sinh hoạt văn hóa cao đẹp.

Ngoài ra ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có thêm một số lễ hội khác, chu kỳ các lễ hội này lệ thuộc vào tập quán hành chình của chế độ phong kiến xưa, tập quán canh tác và sinh hoạt của từng địa phương.

Lễ đầu năm và cuối năm: Hàng năm đến ngày 25 tháng chạp âm lịch, Ban quý tế của đình làm lễ rửa con dấu, bỏ con dấu vào hộp niêm kín. Công việc hành chính trong làng từ đó sẽ tạm ngưng đến mùng 7 tháng giêng âm lịch của năm mới. Lễ này gọi là lễ Niêm ấn hay còn gọi là lễ Sắp ấn. Sau đó Ban quý tế tổ chức đưa thần Thành Hoàng về trời để báo cáo công tội của làng mình trong năm qua. Do vậy, lễ Niêm ấn cũng gọi là lễ Đưa thần (hay lễ Tiễn thần hay lễ Đưa ông). Trong dịp lễ này hương chức cũng dựng nêu ở đình. Đến ngày 30 tháng chạp âm lịch, Ban quý tế đình cũng làm lễ Rước thần để rước thần Thành Hoàng trở về đình, trước là dự hưởng lễ Nguyên đán sau là tiếp tục bảo hộ cho dda6n làng trong năm mới.

Lễ Nguyên đán tổ chức ở đình vào giờ giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết.

Có nơi chỉ gồm các Hương chức lễ bái, nhưng cũng có nơi tổ chức lễ Nguyên đán với chương trình Tế xuân long trọng. Nhưng náo nhiệt nhất vẫn là dân trong làng đi lễ đình trong những ngày xuân, mọi người trang phục thật đẹp tạo quang cảnh đình ngày xuân rất nên thơ [54; tr 217]

Lễ Tam nguyên: Tam nguyên là lễ ba ngày rằm lớn trong năm: rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và rằm tháng mười âm lịch. Cá lễ này vốn là lễ nghi nông nghiệp, về sau được Phật giáo đồng hóa theo lễ sóc vọng hang tháng. Mỗi tháng có ngày mùng một và ngày rằm ( tức sóc và vọng) là hai ngày “ chủ nhật” trong tháng, theo đó đây là ngày nghỉ ngơi, hội hè và lễ bái, cúng kiếng. Lễ cúng Tam nguyên là tập tục lâu đời, càng về sau càng có thêm ý nghĩa mới khi tập quán canh tác và nông lịch thay đổi. Song chúng đã trở thành lễ hội nhập vào đình và nằm trong phạm trù “Tam nguyên”.

Lễ cúng Tiên sư: Lễ cúng theo tục thường được tổ chức ở nhà võ, nhà công cộng ở các ấp trong làng. Đây nhà nhà tứ trụ vuông vức nên thường được gọi là nhà vuông, là nơi hội họp của dân ấp, ở đây luôn có bàn hương án thờ Tiên sư là các bậc thầy ngày trước của hương chức, thầy của nghề “ hành chánh” [54, tr 220]. Có lẽ đây là sự biến dạng của tục thờ văn chỉ, văn từ, tức thờ các bậc khoa hoạn, các người đổ đạt trong làng phổ biến ở làng xã miền Bắc. Lễ cúng tiên sư ngày giờ không nhất luật, song thường tổ chức vào mùa khô. Hiện nay nhiều đình ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cúng Tiên sư chung với Tiền hiền và Hậu hiền.

Lễ hội ngoài biểu hiện lòng tôn kính và biết ơn các vị thần và các bậc tiền nhân, có nhiều công lao tạo dựng quê hương cho những thế hệ con cháu, mà còn là dịp để biểu hiện ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, hưởng thụ sinh hoạt tinh thần trong vùng, gắn bó với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian diễn ra hằng năm.

TIỂU KẾT:

Chính sách đổi mới từ năm 1986 của Nhà nước đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào đời sống đô thị người dân thành phố, làm cho thành phố nhanh chóng khẳng định vị thế của mình là thành phố đông dân nhất, năng động nhất toàn quốc. Từ đó đến nay, đời sống văn hóa người dân thành phố vượt lên từng ngày không chỉ ở GDP mà cả về chất lượng cuộc sống, tức là khía cạnh văn hóa.

Thành phố luôn đầu tư phát triển không chỉ lỉnh vực kinh tế và khoa học kỹ thuật mà còn ra sức tăng cường các sinh hoạt văn hóa lành mạnh hướng về những giá trị truyền thống. Chính trong bôi cảnh này, đình hoạt động trở lại như một nhu cầu tâm linh của đại chúng, nhu cầu có thật, chính đáng cần khai thông định hướng và phát triển.

Những giá trị văn hóa của đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được coi trọng và phát huy. Về lịch sử đình như chứng nhân và gắn liền với lịch sử hình thảnh và phát triển của thành phố. Đình thể hiện sự tài hoa của người xưa về phương thức chọn vị trí dựng đình, hướng đình cũng như nghệ thuật trang trí trong đình.

Dù có nhiều sự khác biệt song kiến trúc và nghệ thuật ở đình thành phố vẫn tiếp nối truyền thống văn hóa Bắc và Trung Bộ, chứa đựng nhiều khát khao về cuộc sống tươi đẹp và lòng biết ơn với những bậc tiền nhân đi trước.

Thể hiện rõ nhất trong sinh hoạt lễ hội của đình.

Lễ hội đình được diễn ra còn do tín ngưỡng thờ thần và vui vẻ được mùa, cũng nhằm nhớ về cội nguồn, liên kết cộng đồng. Thế nên, lễ hội ở đình trở nên rất thiêng liêng, có sức cộng cảm và trở thành nét đặc sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng. Lễ hội đình hiện nay cũng có thể xem là cầu nối tâm linh giữa con người quá khứ và tương lai, nó góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa người dân Thành phố, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân tộc.

(hình 2.10) Lễ tế Tiền hiền tại đình Bình Hòa, Quận Bình Thạnh.

(hình 2.11) Lễ Kỳ Yên tại đình Phú Nhuận, Quận Phú Nhuận.

(hình 2.12) Lễ Kỳ Yên tại đình Chí Hòa, Quận 10.

( Nguồn: Sách Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Hồ Tường)

CHƯƠNG 3

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ĐÌNH LÀNG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 61 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)