CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.1. Tác động của đô thị hóa đến đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh
3.1.2. Tác động đến kiến trúc
Đình làng là một công trình kiến trúc đồ sộ nhất trong làng. Trong khi chức năng của những ngôi đình làng dần biến đổi thì kiến trúc và nghệ thuật trang trí cũng thay đổi theo.
Những ngôi đình được xây dựng trong giai đoạn trước, vẫn còn nhiều gỗ để làm nguyên liệu dựng khung đình, cột, sàn, ván bưng. Trải qua điều kiện thiên nhiên và khí hậu khắc nghiệt nóng ẩm mưa nhiều như ở nước ta đã làm cho chất liệu gỗ dựng đình dần bị hư hại, đòi hỏi phải thay thế, sửa chữa.
Như trường hợp đình Thông Tây Hội ở quận Gò Vấp, qua khảo sát thì nhiều cột đã mất khả năng nâng đỡ mái đình. Các thanh đà, kèo mối ăn trơ ra phần lõi, nhiều chỗ bị gãy ngang và có dấu hiệu rơi rớt bất cứ lúc nào. Phần mái xung quanh đình những thanh song bật đinh, mục nát, nhiều lớp ngói âm dương vỡ nứt và rơi rụng dần. (hình 3.4), (hình 3.5).
Vì vậy, nhiều ngôi đình ở Thành phố Hồ Chí Minh khi được tu sửa hay dựng lại đều tìm một giải pháp để thay thế chất liệu gỗ mà không quá ảnh hưởng đến công trình. Những chi tiết, bộ phận thậm chí cả cột đình có thể thay thế bằng vật liệu khác để vừa phù hợp với điều kiện thực tế và tiết kiệm được chi phí cũng như tăng độ bền cho công trình. Hệ thống ván gỗ hiện nay hầu như không còn, thay vào đó là tường gạch có trổ nhiều ô cửa hoa, nhất là với bức tường sau.
Các cột đình bằng gỗ trước đây giờ chuyển sang làm bằng xi măng, rồi quét sơn màu gỗ. Một số đình vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống như đình Tân Túc, đình Hưng Long, Hưng Phú ở quận 8 nhưng nhiều đình đã được tu sửa lại với kiểu kiến trúc lai tạp.Như đình Phong Phú qua nhiều lần sửa chữa đã được bê tông hóa một phần và cửa sắt kéo đã thay thế những cánh cửa gỗ trước đây.
Hiện tượng bê tông hóa biến đổi kiến trúc đang có xu hướng phát triển bởi vì hầu hết những lần sửa chữa khôi phục hầu hết là do người dân tự nguyện đóng góp, kinh phí còn hạn hẹp. Những vật dụng như bàn ghế, hay liễn đối đều rất đắt và không bền cho nên bàn thờ Thần có nơi được thay thế bằng bệ xi măng, đôi hạc cũng trong tình trạng bê tông hóa (hình 3.6).
Ngoài ra còn trong nhiều trường hợp những người đứng ra tôn tạo lại chưa được trang bị kiến thức về kiến trúc cổ truyền của đình vì thế kiến trúc đình của Thành phố càng ngày càng pha tạp, xa dần sự thống nhất và cổ kính.
Những ngôi đình mới được tu sửa hoặc xây dựng mới lại vẫn không theo một phong cách nghệ thuật rõ rệt nào cả, mà là sự mô phỏng lại các mô típ trang trí của các ngôi đình trước. Các bức chạm khắc trong đình ít đi và cũng thiếu đi sự tinh tế, mềm mại tự nhiên của thời kỳ trước bởi những nghệ nhân thời nay không nắm được cái hồn của nghệ thuật chạm khắc trang trí thời xưa.
Hình ảnh mẫu của một ngôi đình với kiểu kiến trúc truyền thống có đầy đủ võ ca, võ quy, chính điện, nhà túc, sân trước sân sau với bia ông hổ, bàn thờ thần nông, đàn xã tắc... rất khó kiếm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
( hình 3.1b) Đình Hạnh Thông Tây, với những công trình kiến trúc xung quanh. ( Nguồn: Tác giả)
( hình 3.1b) Đình Bình Hòa, Quận Bình Thạnh, với những công trình kiến trúc xung quanh. ( Nguồn: Tác giả)
(hình 3.2) Đình Bình Hòa, Quận Bình Thạnh( Nguồn: Tác giả)
(hình 3.3) Đình Thông Tây Hội, Quận Gò Vấp. ( Nguồn: Tác giả)
(hình 3.4) Đình Thông Tây Hội, Quận Gò Vấp xuống cấp trầm trọng.
( Nguồn: Tác giả)
(hình 3.5) Cột đã bê tông hóa, đình Phong Phú, Quận 9 ( Nguồn: Tác giả)
(hình 3.6)
(hình 3.7a) Bông sắt, Hạc bằng xi măng tại Đình Phong Phú, Quận 9.
( Nguồn: Tác giả)
(hình 3.7a) Cửa sắt, cột tường xi măng tại Đình Bình Trường.
( Nguồn: Tác giả)