Nghệ thuật trang trí và điêu khắc

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 50 - 55)

CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.2. Gía trị nghệ thuật

2.2.2. Nghệ thuật trang trí và điêu khắc

Đình Thành phố Hồ Chí Minh cũng là công trình do nhân dân góp công góp của xây dựng nên, đình thường mang màu sắc rực rỡ. Lý giải về điều này không nằm ngoài sự liên hệ với môi trường thực tại của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Có thể việc sử dụng màu sắc trong kiến trúc đình ở đây là những ứng xử tâm linh của con người trên vùng đất mới, từ những ảnh hưởng của các quy định màu sắc theo tư tưởng Nho giáo của triều đình nhà Nguyễn muốn tạo nét riêng nhằm thoát khỏi phong cách mỹ thuật ở những triều đại trước [54; tr 82].

Đình làng là biểu tượng cho nét sinh hoạt văn hóa làng xã, bộ phận được xem là mỹ thuật ở đình chủ yếu là hoành phi, câu đối, các khám thờ, các bao lam thần vọng chạm lộng, các khuôn bông, bức bàn trang trí phần trên của cột chính, các hương án gỗ sơn son thếp vàng (hình 2.5).

Đề tài ở các bức chạm lộng hay phù điêu ở đình là một tập thành phong phú các đề tài điêu khắc truyền thống mà nội dung là sự cầu chúc cát tường, như ý hay biểu tượng các nội dung về Phúc - Lộc - Thọ.

Nhà võ ca thường trang trí đẹp đẽ nhiều hoành phi câu đối liên quan đến nghệ thuật sân khấu. Tương truyền câu đối của Đào Tấn do các nghệ sĩ gốc Bình Định đưa vào: “Nhân bất dư nhàn, tạm hướng man trung tầm thiêú hạ Sự đo như hí, khả tương dã cuộc tiếu phi chân” (Người chẳng dư nhàn, tạm hướng về cái giả dối tìm chút yên lặng, sự đời như giỡn nên gần sân khấu để có cái cười không thật) [34; tr.101].

Ta cũng gặp những câu mang nội dung chống tư tưởng phong kiến quyết liệt. “Lục lễ vị giao thành phu phụ, Ngũ kinh bất học đắc trạng nguyên”

(Chưa hoc sáu lễ cũng thành vợ chồng, Chẳng học năm kinh cũng đậu trạng nguyên) [34;tr.101].

Tại chính tẩm nhìn ra cũng trang trí với một biển hiệu, nhiều hoành phi câu đối, ca tụng thuần phong mỹ tục. “Tứ hải hổn đồng phùng Thuận Trị Nhất

phương phong hóa hảo Điều hòa” (Gặp đời thuận trị, dù bốn biển hỗn tạp cũng hòa đồng. Nhưng chỉ có một phương phong hóa đẹp như điều hòa) [34;

tr.101].

Chính tẩm là khu vực quan trọng nhất nên đã tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối chạm trổ, vàng son rực rỡ (hình 2.6a), (hình 2.6a). Đề tài thường là tứ linh, cá hóa long, long hổ, bát tiên, tứ quý, mây bạc. Bốn cột đình thường trang trí hình rồng nên gọi “Long Trụ”.

Các tác phẩm này được những nghệ nhân sáng tác và đục đẽo suốt năm. Cái khéo léo là tác phẩm tuy đồ sộ nhưng đã tạo ra dáng hình sinh động mà đời sau khó phục chế được.

Bình phong nằm chính giữa phía trước sân đình, theo quan niệm phong thủy dung để che chắn những gì không hay, tạo sự kín đáo cho bên trong công trình. Bình phong đầy đủ thì giữa tấm bình phong xây gạch trát vữa hồ, chạy chỉ và hai bên là hai trụ. Bình phong thường gọi là “Bình phong ông Hổ”

nhưng có thế đắp nổi ông chúa sơn lâm đứng bên gộp đá lởm chởm, có một cây cổ thụ rủ cành phủ lá theo kiểu tranh phong cảnh “sơn thủy”, có con long mã trên lưng chở cái phù đồ và nhiều trường hợp là bức tranh vẽ đề tài “long hổ hội” để biểu thị âm dương hòa hợp (hình 2.7). Cọp ở bình phong là cọp vàng có ý nghĩa đó là giữa khuôn viên đình và hoàng hổ biểu thị cho vị chúa tể thuộc hành thổ đóng ở trung tâm theo quan niệm ngũ phương, ngũ hổ, ngũ đế tương ứng với ngũ sắc, ngũ hành [34; tr.100].

Khi nhắc đến điêu khắc đình làng cũng là nhắc đến nghệ thuật trang trí.

Những người thợ làm đình chẳng những thành thạo trong việc dựng đình mà với bàn tay khéo léo, họ còn biết trang trí cho ngôi đình thêm đẹp. Mỗi tác phẩm nghệ thuật khắc họa một khía cạnh đời sống tâm linh hoặc sinh hoạt thường ngày dung dị của người dân các làng quê, thông qua đó nó còn ẩn chứa bao lời nhắn nhủ của thế hệ đi trước tới thế hệ ngày sau.

Có thể tạm chia ra hai loại đề tài chủ yếu: đề tài có người và đề tài không có người.

- Loại đề tài chạm khắc trang trí có người:

Đây là loại đề tài trang trí khá độc đáo làm nên giá trị nhiều mặt của nghệ thuật điêu khắc trang trí đình làng. Những tác phẩm điêu khắc theo đề tài này chủ yếu miêu tả cảnh sinh hoạt của con người trên một số cấu kiện của đình làng như trên các con rường, trên kẻ hay trên các bức cốn… Bát tiên thường thấy được trang trí ở đình, mỗi vị tiên được coi là “Thần” của ngành nghề hay thần bảo hộ của một đối tượng cụ thể nào đó, mỗi vị thường cầm một vật báu ý nghĩa biểu trưng riêng như: hồ lô, sáo, kiếm…đề tài này biểu trưng cho sự trường sinh bất tử.

Bát tiên cưỡi hươu cầm đào biểu trưng cho lộc và thọ và cũng hàm ý tiêu dao của các vị tiên bất tử.

Bát tiên kỵ thú là tám vị tiên cưỡi trên các con thú như rồng, lân, rùa, phượng, công, voi, hạc… thể hiện tám chặng đường tu tập các bí pháp của Đạo giáo để trở thành tiên.

Bát tiên và Tây Vương mẫu, hình về Bát tiên đứng chầu bà Tây Vương mẫu cầm quả đào hoặc đứng trước hình họa Tây Vương mẫu cưỡi con nai, tay cầm quả đào được định danh là bát tiên thượng thọ biểu trưng cho sự trường sinh và bất tử.

Bé trai: theo truyền thống phương Đông nhiều con là có phúc và con trai được coi trọng hơn con gái, nối dõi cho dòng họ và co trai mới được chấp nhận tham dự vào các cơ hội thăng tiến làm quan nên đứa bé trai bụ bẫm là biểu trưng của hạnh phúc.

Con người trở thành trung tâm trong các bức chạm khắc. Đó có thể là hình ảnh những con người bình dị đang ở trong tư thế lao động, vui chơi, nghỉ ngơi như cảnh đi cày, thả trâu, đá cầu, mẹ gánh con, uống rượu, đấu vật, hội làng, cảnh trai gái vui đùa, tình tự… Họ cũng có thể là những vị tiên nữ, tiên

ông… Trong loại đề tài này, các hoạt động lao động sản xuất không nhiều bởi khi làm nghệ thuật có nghĩa người ta thoát ly khỏi cuộc sống nhọc nhằn, chỉ có những mơ ước và những giây phút thăng hoa trong sáng tạo.

- Loại đề tài chạm khắc trang trí không có người

Đây là một mảng đề tài rất phong phú, thể hiện sinh động tư duy, tín ngưỡng đa nguyên của người Việt. Loại đề tài này được xuất hiện chủ yếu trên các y môn, cửa võng, trên các bức ván nong, các bức cốn, trên cột, kẻ…

Đề tài này có mặt ở tất cả các ngôi đình có niên đại sớm hay muộn nhưng nó chiếm ưu thế hơn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX.

(hình 2.7) ( Nguồn: Tác giả)

(hình 2.8) ( Nguồn: Sách Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Hồ Tường)

(hình 2.9a)

( Nguồn: Sách Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Hồ Tường)

(hình 2.9b) ( Nguồn: Tác giả)

Nội dung quen thuộc của loại đề tài này chủ yếu là tứ linh (long, ly, quy, phượng), tùng - cúc - trúc - mai, các loại hoa lá, con vật, các hoa văn trang trí hình mây, mác, hoa dây… Cá vượt long môn là biểu trưng cho nỗ lực thi cử nên có đồ án “cá hóa rồng” đầu rồng đuôi cá. Đề tài “hoa - điểu” là phổ biến (hình 2.8). Mỗi loài chim và mỗi loại hoa có ý nghĩa biểu trưng riêng. Cá chữ Hán là “ ngư” âm đọc là “Yu” đồng âm với “dư”, do vậy cá biểu trưng cho sự dư dả, cá có thể phối hợp với nhiều hình họa, hoa văn khác có thể hiểu là “hữu dư” có nghĩa là dư dả, sung túc. Kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của các ngôi đình làng thường hài hòa, ăn khớp với nhau.

Tìm hiểu kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc ở đình làng cho ta xác định niên đại của ngôi đình đó. Mỗi ngôi đình là một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt vời, là sự kết tinh vẻ đẹp tài năng với đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)