CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.3. Phát huy giá trị văn hóa của đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh
Vấn đề cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay với con số hơn 270 đình làng đang tồn tại không phải là nhỏ. Hiện trạng của đình làng đang là một thông điệp gửi tới các cấp, các ngành và mọi cá nhân hãy quan tâm đến nền văn hóa cổ truyền của dân tộc hơn nữa, xem đó như là tài sản quý báu mà cha ông ta đã tạo ra và giữ gìn.
Đình làng là yếu tố vật thể và luôn gắn liền với các yếu tố văn hóa phi vật thể, chúng không thể tách rời thành hai cơ thể độc lập. Đánh giá thực trạng của đình làng về kiến trúc, cảnh quan đình và kết hợp với các yếu tố văn hóa phi vật thể như những lễ hội, trò chơi dân gian, sinh hoạt cộng đồng … là một việc làm cần thiết cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đình làng.
Để nâng cao đời sống tinh thần của người dân việc phát huy các giá trị văn hóa đình làng là góp phần quan trọng trong vai trò phát triển mạnh và bền vững cuộc sống đương đại, trong đó di tích văn hóa cần luôn được bảo tồn.
Việc làm này là việc làm không chỉ của nhà nước mà nên là việc làm của mọi người dân theo phương thức xã hội hóa, huy động được các nguồn lực và sự tham gia đóng góp. Thực tế xã hội qua việc trùng tu các di tích văn hóa song song với các tổ chức hoạt động văn hóa, khôi phục lễ hội không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn là sự đóng góp của xã hội, sự xuất hiện của nhiều nhóm hội, câu lạc bộ, nhà nghiên cứu, những người có tâm huyết đã thúc đẫy hoạt động bảo tồn tránh được tình trạng xuống cấp các di sản văn hóa. Mặc dù vậy, vai trò định hướng và quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới thực sự quan trọng, để tránh tình trạng vi phạm Luật Di sản
văn hóa, trùng tu một cách tuỳ tiện, tự phát, làm sai lệch yếu tố gốc.Cần định hướng, hiểu rõ và nhận thức đúng đắn về di sản văn hóa trong đó có các di tích đình làng trong cộng đồng dân cư, từ các nguồn lực xã hội, cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và bảo vệ đình làng hoạt động có hiệu quả.
Để triển khai và thực hiện tốt công việc xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đình làng chúng ta cần tuyên truyền, để mọi tầng lớp nhân dân hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Trong đó các phương tiện thông tin đại chúng không kém phần quan trọng, phổ biến rộng và kịp thời các văn bản quy định pháp luật mới ban hành về di sản văn hóa, động viên sự tham gia của nhân dân và sự ủng hộ của dư luận đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị đình làng, nhất là những vấn đề liên quan đến cộng đồng như:
tu sửa, chống xâm phạm di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đình làng, đặc biệt trong giáo dục, một điều dễ dàng nhận thấy là chúng ta thường thiên về hình thức tuyên truyền mà bỏ quên chất lượng, hiệu quả. Các báo cáo kết quả của các nơi có trách nhiệm với di sản văn hóa thường nêu lên những con số được định lượng lần tổ chức, mà bỏ qua kết quả thực tế từ hoạt động với ý nghĩa giáo dục. Vì vậy, trong tuyên truyền về di sản văn hóa nói chung và giá trị đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cần có sự đa dạng trong hình thức tổ chức.
Thế hệ trẻ đến với di sản văn hóa cần được tham gia, trao đổi, thảo luận những vấn đề quan tâm chứ không chỉ đón nhận nội dung tuyên truyền một cách thụ động các nội dung được định hướng trước.
Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có kế hoạch liên ngành [Kế hoạch liên ngành số 7575/KHLN/BGDĐT-BVHTTDL- TƯĐTN ngày 19-8-2009] phát động một hoạt động mang tính chất giáo dục từ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Tuổi trẻ, trong đó học sinh tại các địa phương
có điều kiện tham quan và góp phần trong công tác chăm sóc di tích lịch sử - loại hình vật thể của di sản văn hóa. Gìn giữ và phát huy di tích đình làng cùng với những nét văn hóa truyền thống của làng cổ Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chính là giữ gìn gốc rễ cho sự phát triển của hôm nay và tương lai.
Dưới tác động của đô thị hóa, phát triển của khoa học kỹ thuật, sự du nhập của văn hóa thời hội nhập đã xuất hiện những công trình kiến trúc đồ sộ, hiện đại, đối lập với các công trình kiến trúc cổ. Nhiều công trình kiến trúc cổ sẽ trở nên lạc lõng giữa thời hiện đại nếu như chúng ta không biết phát huy những giá trị văn hóa cao đẹp của chúng. Vì vậy, gìn giữ và phát huy các giá trị đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh là một việc làm cần thiết hơn bao giờ hết. Gắn yếu tố lịch sử - văn hóa của đình làng với việc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan du lịch của mọi người là điều cần được thực hiện hiện nay.
TIỂU KẾT:
Đình làng trong tâm thức người dân Thành phố tuy là nơi linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi, gắn bó với người dân nơi đây. Đô thị hóa và sự du nhập của văn hóa thời hội nhập đã làm xuất hiện những công trình kiến trúc đồ sộ, hiện đại, đối lập với các công trình kiến trúc cổ. Đình làng sẽ trở nên lạc lõng giữa thời hiện đại, có thể trở nên xa lạ, đối với thế hệ trẻ và chỉ còn là nơi gửi gắm ký ức về làng quê xưa và tâm nguyện của các bậc cao niên.
Thực trạng của các ngôi đình trên địa bàn Thành phố đã đặt ra trách nhiệm mỗi ngành, mỗi cấp và mọi người dân về việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đình làng - biểu hiện quan trọng của văn hóa cổ truyền Việt Nam.Gìn giữ và phát huy di tích đình làng cùng với những nét văn hóa truyền thống của làng cổ Việt Nam là gìn giữ gốc rễ cho sự phát triển của hôm nay và mai sau.