Nghệ thuật kiến trúc

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 43 - 50)

CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.2. Gía trị nghệ thuật

2.2.1. Nghệ thuật kiến trúc

Đình ở Thành phố Hồ Chí minh cũng như bao ngôi đình Việt Nam khác, việc chọn lựa nơi để xây dựng được xem xét cẩn thận, có một vị trí và không gian đẹp và thích hợp với chức năng và mục đích của nó.

Đình làng là thiết chế tổng hợp, đa chức năng, vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng, vừa có uy lực thế tục của chính thể quân chủ đồng thời lại hòa đồng gần gũi với đời sống dân dã. Ngôi đình đặt ở đâu thì tạo ra trung tâm của làng ở đó. Ngôi đình to lớn, đồ sộ bề thế nhưng không gây cảm giác trấn áp.

Từ không gian bên ngoài bước vào trong, đình không gây sự thay đổi đột ngột về tâm lý.

Hướng đình có thể chi phối tới sự thịnh vượng và sức khỏe của tất cả dân làng và thậm chí đã trở thành hướng quy hoạch cho các ngôi nhà trong làng, hoặc làm song song theo hướng đình, hoặc làm vuông góc. Hướng có

“góc ao, đao đình” là điều xấu, dân làng kỵ nhất là làm nhà theo hướng đó.

Hướng của các ngôi đình thường quay về hướng Tây - Nam, Đông - Nam để thích ứng với môi trường tự nhiên, khí hậu nhiệt đới ở nước ta.

Vị trí của đình tùy theo đất dựng đình và được chọn theo quan niệm phong thủy trong tín ngưỡng truyền thống. Đình không nhất thiết phải xây dựng trên đồi, gò, nhưng phía sau hoặc hai bên thường cần có những chỗ đất cao để là “tay ngai”, và mặt trước đình cần có nước. Đó là thế đất “tụ thủy” - nước tụ hội, mà “tụ thủy” cũng có nghĩa là “tụ linh, tụ phúc”, tụ hội tất cả những điều may mắn.

Vì thế, tuy địa hình vùng đất ở Thành phố Hồ Chí Minh không có nhiều đồi, gò nhưng phần lớn các đình đều được xây dựng ở những khu đất rộng rãi, thoáng mát. Đình làng được xây dựng hướng ra ao hồ, sông đầm, nếu ở nơi nào không có ao hồ thì dân trong làng phải tổ chức đào ao hoặc kênh mương trước cửa đình. Theo quan niệm người xưa thì đình dựng trên gò cao (yếu tố

dương) ngoảnh mặt ra sông nước (yếu tố âm), thể hiện sự kết hợp âm - dương hài hòa. Đình làng hướng ra sông nước thì cả làng làm ăn sinh sống thuận lợi.

Đây cũng là quan niệm truyền thống chọn đất dựng đình nói chung của người Việt.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hướng Nam cũng được chú ý nhưng không nhất thiết phải tuân thủ: một số ngôi đình quay về hướng Nam và một số khác thì lại chọn hướng Đông hay Đông Nam. Do hình thức quần cư làng xã ở đây phân tán theo kênh rạch nên nếu phía trước là dòng sông hay con lộ thì ngôi đình phải quay ra sông hay lộ dù đó không phải là hướng Nam. Điều mà người dân quan tâm ở đây là ngôi đình nên bố trí theo hướng gió mùa (Đông Nam – Tây Bắc) để tránh gió mùa và mưa nắng tạt vào trong.

Đình Thành Phố Hồ Chí Minh gồm một quần thể với nhiều nhà vuông có bốn cột cái, một gian, hai chái, bố trí theo thế sắp đọi (hình 2.2). Cá biệt vài đình chính điện trở đòn dòng dọc như nhà thờ Thiên Chúa. Vài nơi dân đông thay vì kiểu tứ trụ thì theo kiểu ba gian hai chái, có sáng tạo không theo khuôn khổ nhất định.

Về mặt bằng không gian thì các ngôi đình ở Thành Phố Hồ Chí Minh đều gắn liền với vùng đất và cư dân. Đình có thể được coi là biểu tượng của làng là nơi linh thiêng trong tâm thức của mỗi người dân trong làng. Cổng đình có trụ cột, mái lợp ngói âm dương hoặc ngói ống kiểu Trung Quốc, sau này thường lợp ngói vẩy cá trên nóc gắn những hình sành tráng men màu như lưỡng long tranh châu, Chim phượng ngậm cuốn thư, lân mẹ dạy lân con, cá hóa long, bát tiên, ông mặt trời, bà mặt trăng, tượng trưng âm dương hòa hợp sung túc thiêng liêng.

Nhìn từ hướng nào, bộ mái đình dài rộng với chiều cao đường bệ tạo một dáng uy nghi khống chế tầm mắt. Thể thức đình 4 mái là dạng phổ biến, mái xòe rộng ra tứ phía tạo ấn tượng thênh thang, phóng khoáng. Giọt gianh chạy vòng quanh mái đình, bốn góc tiếp nhau vút lên một dáng cong cong đặc

trưng, xua tan cảm giác nặng nề của bộ mái đồ sộ. Đây là giải pháp kỹ thuật tài tình, phức tạp, phát triển rộng từ thế kỷ XVII trở đi, tác phẩm độc đáo của những bậc thầy trong kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Kết cấu tạo hình cong vút lên như thế được gọi là đầu đao. Không giống với mái đao của các chùa, đầu đao đình làng dáng hình giản dị, khỏe khoắn vẻ tự tin, tạo nên bộ mái cong hình thuyền là dấu ấn đặc biệt của kiến trúc bản địa Việt Nam.

Theo quan niệm khi có trực sinh thì con người tránh được những thứ bệnh tật muôn thưở và tất yếu của con người nên về kết cấu bộ mái, hệ thống hoành mái thường là 9 cái hoặc 13 cái (số lẻ), để thượng lương rơi vào đúng trực sinh. Việc chọn hệ thống hoành mái cũng dựa trên quan niệm về “sinh - lão - bệnh - tử”.

Bờ nóc của những ngôi đình thường đắp “lưỡng long chầu nguyệt” ở chính giữa. Hai đầu bờ nóc là những con kìm thường được làm bằng đất nung có hình đầu rồng miệng há to ngậm nuốt bờ nóc. Bờ giải là đường xây vuông góc với bờ nóc, chạy xuống phía mái. Đến chỗ mái bắt đầu xòe rộng, đường xây gấp khúc, chạy lượn nhẹ cong vênh lên phía chót đầu đao. Đường xây này gọi là bờ guột. Trang trí bờ guột có hàng gạch rỗng hoa thị. Bờ giải thường được trang trí ít hơn, với hình con lân, con nghê hoặc hoa văn mây cuộn theo bờ hướng ra phía đầu đao.

Mái đình được lợp bằng ngói mũi hài, phía dưới là một lượt ngói âm.

Nhiều ngôi đình dựng lại hoặc tu sửa lại đều cố gắng dùng loại ngói này, tuy nhiên do điều kiện nên có nhiều ngôi đình lợp ngói đỏ thường.

Kiến trúc chính của đình thì ngoài trước là võ ca. Là ngôi nhà xoay mặt vào phía đình để trình diễn cuộc ca xướng cúng thần vào dịp lễ Kỳ Yên (hình 2.3). Do vậy võ ca kiến trúc như rạp hát nhỏ, gồm buồng hát làm hậu trường, sân khấu diễn và dưới là chỗ dành cho khán giả. Nếp kiến trúc đình là ngôi nhà tứ trụ mà ở trung tâm là chính tẩm đặt nơi thờ “Thần Thành Hoàng” hai

bên là tả ban và hữu ban, phía trước là ván son để hương án Hội đồng nội, ván tế rồi đến hương án Hội đồng ngoại (hình 2.4). Phía sau trung tâm đặt làm nơi thờ giữa thờ Tiên sư và hai bên thờ tiền hiền và hậu hiền.

Một cách phổ biến sau liền nếp nhà tứ trụ là một ngôi tứ trụ cùng kiểu cùng cỡ, bố trí theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” gọi là nhà hậu, nhà hội - là nơi để hương chức, hội đình hội họp và vào dịp lễ dân làng quy tụ ở đó để chuẩn bị việc tiến hành cúng lễ. Một ngôi đình làng quy mô đầy đủ thì có thêm một nóc nhà nữa gọi là nhà trù (nhà bếp) để nấu nướng, làm cỗ cúng thần. Ngoài ra có thể có nhà ông từ giữ đình hay các dãy nhà phụ dùng vào nhiều việc khác nhau gọi là nhà Túc hay là Túc Yết.

(hình 2.1)

(hình 2.2) ( Nguồn: Sách Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Hồ Tường)

(hình 2.3) ( Nguồn: Tác giả)

(hình 2.4) ( Nguồn: Sách Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Hồ Tường)

(hình 2.5) ( Nguồn: Sách Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Hồ Tường)

(hình 2.6a)( Nguồn: Sách Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Hồ Tường)

(hình 2.6a) ( Nguồn: Tác giả)

Một phần của tài liệu Đình làng ở thành phố hồ chí minh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay (Trang 43 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)