1.7.1. Khái niệm sinh sản sinh dưỡng
Sinh sản sinh dưỡng là hình thức sinh sản mà từ mỗi bộ phận sinh dưỡng của cơ thể mẹ phát triển thành cơ thể con hoàn chỉnh.
Tập hợp tất cả các cơ thể con sinh ra từ cùng một cơ thể mẹ được gọi là một dòng vô tính. Còn cơ thể mẹ được gọi là cơ thể đầu dòng.
Hình 1.15. Sinh sản vô tính ở thực vật 1.7.2. Cơ chế của sinh sản sinh dưỡng
Tùy thuộc bản chất của bộ phận sinh dưỡng được lấy từ cơ thể mẹ mà từ đó các cơ thể con được hình thành, người ta chia cơ chế của sinh sản sinh dưỡng thành hai loại:
Bộ phận sinh dưỡng được lấy từ cơ thể mẹ là đỉnh sinh trưởng mang mô phân sinh: Các tế bào của mô phân sinh vẫn giữ được các đặc điểm như các tế bào phôi sinh. Đó là khả năng sinh sản (phân chia) để làm tăng số lượng tế bào và khả năng phân hóa để tạo nên các loại tế bào mới, từ đó tạo nên các mô mới, các cơ quan mới để hình thành cơ thể hoàn chỉnh. Vì thế, khi gặp điều kiện môi trường sống thuận lợi, từ một đỉnh sinh trưởng (kể cả chồi nách) có thể phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh.
Như vậy cơ chế của sinh sản sinh dưỡng trong trường hợp này là sự kết hợp giữa hai quá trình là nguyên phân và phân hóa tế bào.
Bộ phận sinh dưỡng được lấy từ cơ thể mẹ là các bộ phận khác của cây mang mô chuyên hóa chức năng: Các tế bào của mô chuyên hóa chức năng mất dần các đặc điểm của các tế bào phôi sinh, đặc biệt là khả năng phân hóa để tạo các loại tế bào mới. Vì thế, từ các bộ phận này không thể trực tiếp tạo nên các cơ quan mới để hình thành cơ thể sinh vật hoàn chỉnh. Để hình thành cơ thể sinh vật gồm đầy đủ các cơ quan, trước tiên phải đưa các tế bào của mô chuyên hóa trở về trạng thái tế bào phôi sinh (quá trình phản phân hóa tế bào), sau đó các tế bào này mới sinh sản và tái phân hóa. Như vậy, cơ chế của sinh sản sinh dưỡng trong trường hợp này là sự kết hợp giữa ba quá trình: phản phân hóa tế bào, nguyên phân và tái phân hóa tế bào.
1.7.3. Ý nghĩa của sinh sản sinh dưỡng
Giúp cho thực vật tái tạo thế hệ sau mà không cần có sự hiện diện của cá thể thứ hai, giúp những quần thể thực vật có mật độ quá thấp sinh sản nhanh chóng.
Làm tăng hiệu suất sinh sản do không tốn năng lượng cho hoạt động tạo giao tử và thụ tinh.
Sinh sản sinh dưỡng cho phép phát triển nhanh một kiểu gen đã thích nghi cao với môi trường sống. Tuy nhiên nếu môi trường thay đổi đột ngột theo hướng bất lợi thì mọi cá thể của quần thể sẽ chịu một tác động như nhau và có thể bị tiêu diệt hàng loạt.
Sinh sản sinh dưỡng là cơ sở của nhân giống sinh dưỡng - phương pháp sản xuất hàng loạt cây con có phẩm chất di truyền giống hệt nhau và giống hệt phẩm chất di truyền của cây đầu dòng được tuyển chọn cẩn thận.
Nhân giống sinh dưỡng có thể được tiến hành theo hình thức giâm hom hay nuôi cấy mô - tế bào. Vì cây trồng được nhân theo các hình thức này có độ trẻ cao hơn, sinh trưởng và phát triển tốt hơn, dẫn đến cho sinh khối cơ thể nhiều hơn, nên thường được áp dụng để nhân giống cho các đối tượng có mục tiêu kinh doanh là sinh khối các cơ quan sinh dưỡng (lá, cành, thân, vỏ, rễ, củ).
Nhân giống sinh dưỡng còn có thể được tiến hành theo hình thức chiết cành hay ghép cây. Vì cây trồng được nhân theo các hình thức này nhanh ra hoa- kết quả, có
dụng để nhân giống cho các đối tượng có mục tiêu kinh doanh là thu nhận các cơ quan sinh sản (quả- hạt).