Chương 3: XU HƯỚNG TIẾN TRIỂN ĐẠO TIN LÀNH VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC, PHÁT HUY YẾU TỐ TÍCH CỰC CỦA ĐẠO TIN LÀNH ĐẾN QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN
3.1. Những nhân tố tác động và xu hướng tiến triển đạo Tin Lành
3.1.1. Những nhân tố tác động đến hoạt động của đạo Tin Lành trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
3.1.1. Những nhân tố tác động đến hoạt động của đạo Tin Lành trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu về hoạt động của đạo Tin Lành ở Tây nguyên thời gian qua trong tổng thể diễn biến tình hình trong nước và thế giới, thời gian tới hoạt động của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên sẽ chịu tác động từ các nhân tố chính sau đây:
Thứ nhất, tác động từ chương trình phát triển kinh tế Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước ta
Giai đoạn trước năm 1975, kinh tế Tây Nguyên về cơ bản mang nặng tính tự cấp tự túc. Sản xuất ở Tây Nguyên được tiến hành với trình độ sản xuất thấp kém, sự phân công lao động chưa đáng kế, nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển. Sau ngày giải phóng đất nước năm 1975, được sự đầu tư đáng kể của Nhà nước, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức lại sản xuất, từng bước khắc phục sự mất cân đối trong sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện đời sống của nhân dân. Cùng với cả nước, Tây Nguyên thực hiện đường lối đổi mới năm 1986, từ đó kinh tế của Tây Nguyên đã có bước phát triển với nhiều đổi thay. Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và được sự quan tâm của Trung ương cùng với sự nỗ lực của toàn bộ đảng viên, cán bộ và nhân dân Tây Nguyên, kinh tế của cả vùng liên tục phát triển. Giai đoạn 2001-2006,
170
kinh tế vùng Tây Nguyên duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục (bình quân 9,7%/năm); riêng năm 2006 tăng hơn 12%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực: tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 55% xuống 46%, công nghiệp – xây dựng tăng từ 16% lên 21%, dịch vụ tăng từ 29 lên 33%. GDP bình quân đầu người gấp hơn 2,2 lần. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ năm 2001 – 2006 đạt 57.000 tỷ đồng, tăng bình quân 20%/năm. Bước đầu thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA. Gia tăng trong thu ngân, năm 2007 có khả năng đạt 4.600 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm 2001, tăng bình quân 29%/năm; tỷ trọng thu/chi ngân sách từng bước được nâng lên (từ 31% tăng lên gần 40%).
Cơ cấu đầu tư đã được điều chỉnh theo hướng hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư phát triển ở nông thôn; tâp trung phát triển mạnh các dự án giao thông, thủy điện, thủy lợi, bưu chính viễn thông đã góp phần cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của vùng Tây Nguyên [5, 4-5].
Với nhiều tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển đầy hứa hẹn; với quyết tâm và sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong việc dồn sức cho phát triển, thời gian gần đây môi trường đầu tư ở Tây Nguyên đã có những chuyển biến rất thuận lợi. Hiện tại ở Tây Nguyên có nhiều dự án, nhất là những dự án nuôi trồng đang đi vào hoạt động với hiệu quả kinh tế cao. Biểu hiện, nhiều nông trường có sức sản xuất tập trung, kinh tế hộ phát triển, Trung ương xây dựng các nhà máy có trình độ sản xuất hiện đại đã dẫn đến đa dạng hoá trong phân công lao động, một bộ phận dân cư trực tiếp hoạt động trong các nông trường, nhà máy có trình độ sản xuất hiện đại, có điều kiện tiếp thu tác phong sản xuất công nghiệp.
Trong tình hình vận động mạnh mẽ của đời sống kinh tế của người dân ở Tây Nguyên, tình hình thay đổi quy trình sản xuất và cây trồng, nên người dân Tây Nguyên phải loại bỏ dần những lễ nghi không cần thiết, dồn
171
sức cho sản xuất. Tây Nguyên đã thay đổi hẳn từ nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc-luân canh nương rẫy, sang phương thức thâm canh, chuyên canh các loại cây công nghiệp, cây cho hàng hoá có giá trị kinh tế cao; diện tích rừng ngày càng thu hẹp, thay vào đó là diện tích của những nông trường cao su, cà phê, nhà máy, dự án công nghiệp… Những thay đổi trong sản xuất, tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình này để kích động đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên “đấu tranh” đòi trả lại đất, thậm chí đòi đuổi người Kinh ra khỏi Tây Nguyên. Đòi đất sinh sống là một trong những chiêu bài của các thế lực thù địch lợi dụng để kích động đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên “biểu tình”.
Như vậy, chương trình phát triển kinh tế Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước ta tác động nhiều phương diện đến hoạt động của đạo Tin Lành trong thời gian tới ở Tây Nguyên.
Thứ hai, tác động từ tình hình phát triển giáo dục ở Tây Nguyên
Các tỉnh Tây Nguyên là một trong những vùng khó khăn nhất so với các vùng khác trong cả nước. Do nhiều nguyên nhân, trước năm 2008 người dân Tây Nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo ở các cấp học chiếm tỷ lệ thấp. Từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/QĐTTg, ngày 5/2/2008 về “Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010”, kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục, đào tạo ở Tây Nguyên nói riêng đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và hội nhập với sự phát triển chung của cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương thực hiện các giải pháp đồng bộ: từ hỗ trợ nhà trường, người học đến trang bị các điều kiện nền tảng cho giáo dục, như: xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên cho Tây Nguyên.
172
Quan tâm tới điều kiện học tập của học sinh Tây Nguyên không chỉ dừng lại ở việc đầu tư trước mắt mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước đầu tư cho sự phát triển lâu dài của thế hệ trẻ. Hiện nay, quy mô giáo dục ở Tây Nguyên chuyển biến mạnh mẽ. Quy mô giáo dục vùng Tây Nguyên không chỉ được thể hiện bằng sự gia tăng mạnh mẽ trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên, quy mô học sinh các cấp mà còn ở tỉ lệ huy động trẻ đến tuổi đến lớp học và tỉ lệ nghỉ bỏ học giảm mạnh. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết tình hình phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên được tổ chức tại Đắk Lăk ngày 4/3/2011 cho thấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tăng dần đều với 83,8% năm 2010 so với 60% vào năm 2007. Mạng lưới trường tiểu học và trung học cơ sở cũng phát triển rộng khắp với 1.503 trường tiểu học (tăng 17% so với năm 2005), 1.023 trường trung học cơ sở (tăng 15%) so với năm 2005. Đặc biệt, bậc trung học phổ thông với sự phát triển hết sức mạnh mẽ khi có tới 234 trường (tăng 39%) so với số lượng trường vào năm 2005. Hệ thống trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng – đại học cũng không ngừng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh toàn vùng. Hệ thống trường dân tộc nội trú vùng Tây Nguyên cũng được tập trung đầu tư hết sức bài bản, đáp ứng yêu cầu tăng tỉ lệ huy động, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn vùng có 54 trường phổ thông dân tộc nội trú với 5 trường thuộc tỉnh và 49 trường thuộc cấp huyện, tăng trưởng khá nhiều so với 5 năm trước.
Với những thành tựu của giáo dục Tây Nguyên nêu trên, cho thấy những chuyển biến hết sức sâu sắc không chỉ ở quy mô phát triển giáo dục trong công tác phát triển giáo dục đào tạo, công tác dạy nghề mà còn ở sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân, của cấp uỷ Đảng. Những học sinh, sinh viên được đào tạo sẽ là nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu
173
phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, là một trong những nguồn mà các ban ngành chức năng trong công tác vận động quần chúng hướng tới để xây dựng thành những cơ sở. Song, nếu quá trình này thực hiện không được chặt chẽ, đồng bộ giữa quản lý, đào tạo, xây dựng và sử dụng sẽ là những điều kiện, môi trường và cũng là những lực lượng mà đạo Tin Lành hướng đến để gia tăng tín đồ, thay đổi cơ cấu thành phần trong đường hướng phát triển của đạo Tin Lành trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Thứ ba, tác động từ âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực thù địch.
Lợi dụng tôn giáo chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề có tính quy luật trong âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động. Với tính chất đặc điểm của các tôn giáo tại Việt Nam nói chung, đạo Tin Lành trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng thể hiện qua quá trình du nhập, tồn tại và phát triển (như đã trình bày ở phần trên), tôn giáo sẽ tiếp tục là đối tượng mà các thế lực thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tại Tây Nguyên, các nước phương Tây, các tổ chức nước ngoài sẽ tiếp tục cử các đoàn tới “tìm hiểu các vấn đề liên quan” nhằm thu thập thông tin vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do tôn giáo” để can thiệp và hỗ trợ về mặt tinh thần cho số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo tại Tây Nguyên, đồng thời qua đó gây ảo tưởng và tâm lý dựa dẫm vào bên ngoài, cổ vũ số này tiếp tục hoạt động chống phá. Đồng thời, các thế lực thù địch, thế lực xấu sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ về mặt vật chất và đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, cốt cán với mục đích lâu dài là nắm, chi phối một bộ phận các chức sắc trong bộ máy lãnh đạo của các Giáo hội, từ đó hướng các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam theo ý đồ của chúng nhằm tạo dựng lực lượng đối trọng với Đảng, Nhà nước ta. Chúng sẽ triệt để lợi dụng các sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực tôn giáo để xuyên tạc, kích động các hoạt động chống
174
phá. Đặc biệt tại địa bàn trọng điểm Tây Nguyên, các thế lực thù địch, bọn phản động Fulrô tiếp tục xem tôn giáo (nhất là đạo Tin Lành) như là một công cụ hữu hiệu để tập hợp lực lượng quần chúng là người đồng bào dân tộc bản địa nhằm thực hiện ý đồ “ly khai, tự trị”. Trước mắt, chúng vẫn sử dụng cái gọi là “Tin Lành Đêga” để tập hợp, lôi kéo quần chúng tín đồ người dân tộc thiểu số. Nếu các lực lượng chức năng đấu tranh xoá bỏ “Tin Lành Đêga” có hiệu quả, có thể các đối tượng phản động sẽ lôi kéo chức sắc, tín đồ thuộc các tổ chức Tin Lành, nhất là thuộc các hệ phái, tổ chức Tin Lành chưa được đăng ký hoạt động do số đối tượng cực đoan, giàu tham vọng cầm đầu tham gia vào các hoạt động chống đối chính quyền.
Thứ tư, tác động từ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo.
Trong tình hình hiện nay, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo là nhân tố quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Bởi vì, nhà nước có mối liên hệ trực tiếp với cơ sở hạ tầng; các hình thái ý thức xã hội khác, trong đó có tôn giáo chỉ liên hệ gián tiếp.
Thời gian qua, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực tôn giáo đã được hoàn chỉnh một bước, đã cụ thể hoá hơn quyền tự do tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng quy định của pháp luật. Tại Tây Nguyên, nhìn chung các tôn giáo hoạt động ổn định. Tuy nhiên, do nhu cầu tự thân để tồn tại và phát triển, các tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo chắc chắn sẽ tiếp tục có hoạt động xây dựng, cơi nới cơ sở thờ tự; chia tách, thành lập các cơ sở tôn giáo; tổ chức đào tạo, phong, điều chuyển, bổ nhiệm chức sắc, tổ chức các sinh hoạt tôn giáo… Riêng đối với đạo Tin Lành, thời gian tới cơ quan quản lý về tôn giáo các cấp sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương bình thường hoá đối với các tổ chức, điểm nhóm Tin Lành theo thông báo số 60-TB/TW của Ban Bí thư, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc cho đăng ký hoạt động, cho tổ chức đại hội đồng công nhận
175
tư cách pháp nhân của các tổ chức Tin Lành sẽ không diễn ra đồng loạt mà tiếp tục được tiến hành từng bước trên cơ sở cân nhắc kỹ đặc điểm của từng tổ chức, hệ phái cụ thể. Cho tới nay, đã có các hệ phái Tin Lành: Hội truyền giáo Cơ đốc, Tổng hội Báp tít Việt Nam (Ân điển Nam phương), Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam phương), Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu cơ đốc, Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Phúc âm ngũ tuần Việt Nam đã được cấp đăng ký hoạt động hoặc công nhận tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tổ chức, hệ phái Tin Lành chưa được cấp đăng ký hoạt động. Cùng với việc xem xét, cho phép các tổ chức Tin Lành đăng ký hoạt động và công nhận tư cách pháp nhân, các cơ quan chức năng còn xem xét, cho phép các tổ chức Tin Lành đăng ký hoạt động và công nhận tư cách pháp nhân, xem xét, cho đăng ký sinh hoạt các điểm nhóm Tin Lành theo Chỉ thị 01/2005/CT-TTg và giải quyết các nhu cầu tôn giáo khác của các tổ chức Tin Lành.
Nếu quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tôn giáo được thực hiện một cách chặt chẽ, có sức thuyết phục, thì hoạt động của các tôn giáo sẽ ổn định, góp phần vào thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngược lại, nếu quá trình này có sơ hở thiếu sót, không chỉ làm cho tình hình hoạt động của các tôn giáo trở nên phức tạp, khó kiểm soát, mà còn là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, lôi kéo tín đồ tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền.
Thứ năm, tác động từ công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh trật tự và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật khác tại Tây Nguyên.
Đây là nhân tố hết sức quan trọng có quan hệ biện chứng với hai nhân tố trên, tác động trực tiếp đến âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu lực lượng chức năng tổ chức tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia và các hoạt
176
động tôn giáo trái pháp luật khác, sẽ góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo. Bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn là khi nào, nơi nào, nếu lực lượng chức năng chủ động trong công tác nắm tình hình, xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án phòng ngừa và đấu tranh; huy động được sức mạnh tổng hợp thì lúc đó, nơi đó các hoạt động tôn giáo được diễn ra bình thường đúng quy định của pháp luật và công tác đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực tôn giáo được giữ vững. Ngược lại, các thế lực thù địch sẽ có điều kiện đẩy mạnh các hoạt động chống phá nếu lực lượng chức năng không làm tốt tông tác phòng ngừa, đấu tranh, gây tác động tiêu cực đến quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, đồng thời là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo tổ chức các hoạt động “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ.