2.1. Tình hình sản xuất ngô trên thế giới và ở Việt Nam
2.1.2. Tình hình sản xuất ngô ở Việt Nam và tại địa bàn nghiên cứu
Ở Việt Nam, ngô là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa. Cây ngô không chỉ cung cấp lương thực cho người, vật nuôi mà còn là cây trồng xóa đói giảm nghèo tại các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011a).
Sản xuất ngô cả nước qua các năm không ngừng tăng về diện tích, năng suất, sản lượng: năm 2010 diện tích trồng ngô của cả nước đạt 1.125,7 nghìn ha, năng suất 41,1 tạ/ha và sản lượng là 4626,6 nghìn tấn, năm 2015 những chỉ tiêu này lần lượt đạt 1.179,3 nghìn ha, 44,8 tạ/ha và 5283,2 nghìn tấn (bảng 2.3), trong đó, giống ngô lai chiếm 83% diện tích trồng ngô của cả nước, phần lớn sử dụng giống ngô lai đơn có ưu thế lai cao.
Kết quả thống kê cho thấy, năng suất ngô của Việt Nam năm 2015 (44,8 tạ/ha) vẫn còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới (56,6 tạ/ha) và thấp hơn rất nhiều so với năng suất ngô ở các nước phát triển như Mỹ (107,3 tạ/ha), Pháp (100,3 tạ/ha), Canada (93,6 tạ/ha), Trung Quốc (60,0 tạ/ha)… (bảng 2.2). Nguyên nhân là do việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngô ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, với địa hình phức tạp (trên 70% diện tích ngô được trồng trên đất có độ dốc cao), diện tích sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, ít đầu tư thâm canh nên năng suất ngô vẫn còn thấp so với tiềm năng của giống. Bên cạnh đó, các giống ngô có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết bất thuận như hạn hán và mưa lũ vẫn còn thiếu.
Với đà tăng trưởng của ngành chăn nuôi và nhu cầu ngô phục vụ công nghiệp sản xuất ethanol hiện nay đòi hỏi nguồn nguyên liệu ngô là rất lớn. Để cây ngô Việt Nam phát triển một cách bền vững, đáp ứng trên 80% nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, việc đánh giá đúng thực trạng sản xuất ngô, đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm
mở rộng diện tích, nâng cao năng suất ngô là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bảng 2.3. Tình hình sản xuất ngô ở Việt Nam giai đoạn 2005 - 2014 Năm Diện tích (nghìn ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (1000 tấn)
2005 1052,6 36,0 3789,4
2006 1033,1 37,3 3853,5
2007 1067,9 38,5 4111,4
2008 1140,2 40,1 4572,2
2009 1089,2 40,1 4367,7
2010 1125,7 41,1 4626,6
2011 1121,3 43,1 4832,8
2012 1156,6 43,0 4973,4
2013 1170,4 44,4 5196,6
2014 1177,5 44,1 5192,8
2015 1179,3 44,8 5283,2
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 1016);
Bộ Nông nghiệp và PTNT (2015a) 2.1.2.2. Triển vọng và thách thức của nghề trồng ngô tại Việt Nam
Gần đây, cây ngô không chỉ là cây lương thực; người ta dùng bắp ngô bao tử làm rau cao cấp vì nó sạch và có hàm lượng dinh dưỡng cao; ngô nếp, ngô đường (ngô ngọt) được dùng làm quà ăn tươi (luộc, nướng) hoặc đóng hộp làm thực phẩm xuất khẩu. Ngô còn là nguyên liệu của ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm và công nghiệp nhẹ để sản xuất rượu, cồn, tinh bột, dầu, glucôzơ, bánh kẹo. Trong y dược, tinh chất từ ngô được dùng để trị áp huyết, râu ngô được dùng để làm thuốc…
Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô, đỗ tương và một phần lúa mì. Trong vòng 5 năm gần đây, Việt Nam nhập siêu lượng ngô tăng liên tục từ 1,6 triệu tấn (năm 2011) lên đến 4,61 triệu tấn (năm 2014) và đến hết năm 2015 đã nhập 7,6 triệu tấn, kim
ngạch nhập khẩu từ 326,3 triệu USD (năm 2011), 1,2 tỷ USD (năm 2014) và 1,6 tỷ USD năm 2015 (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2015b). Như vậy, sản lượng ngô sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên của Việt Nam hoàn toàn thích hợp cho sản xuất ngô, đặc biệt là các vùng miền núi trong điều kiện canh tác lúa bị hạn chế.
Đây là điều kiện thuận lợi để sản xuất ngô tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Những năm gần đây, nhờ có các chính sách khuyến khích của Nhà nước và nhiều tiến bộ kĩ thuật, đặc biệt là về giống, cây ngô đã có những tăng trưởng đáng kể về diện tích, năng suất và sản lượng, đồng thời đã hình thành một số vùng trồng ngô chính trong cả nước như: Vùng miền núi Đông Bắc, vùng miền núi Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng...
* Một số tồn tại trong sản xuất ngô tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, sản xuất ngô của nước ta đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các giống ngô lai có năng suất, chất lượng cao đã góp phần làm tăng nhanh diện tích, năng suất, sản lượng ngô của toàn quốc. Cây ngô đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao kinh tế của một bộ phận lớn người dân. Tuy nhiên, còn có một số tồn tại trong sản xuất ngô hiện nay ở nước ta như sau:
Phần lớn diện tích trồng ngô có độ dốc cao, không chủ động nước tưới, ít thâm canh (đặc biệt tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc). Do đó, năng suất cây ngô đạt thấp so với tiềm năng năng suất của giống và không ổn định, dễ mất mùa khi gặp hạn và mưa lũ. Hầu hết diện tích ngô vụ hè thu tại các tỉnh Bắc Trung bộ thường bị hạn hán cuối vụ và diện tích ngô vụ đông ở miền Bắc thường bị mưa lũ đầu vụ gây mất mùa.
Nước ta đang thiếu các giống ngô có đặc tính thích nghi với điều kiện bất thuận của thời tiết: ngập úng vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô. Trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật của người dân còn thấp và không đồng đều giữa các vùng trồng ngô, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Người dân chỉ mới quan tâm sử dụng giống ngô lai mà chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tương ứng. Trong đó mật độ trồng ngô thấp hơn nhiều so với quy trình, việc bón
phân vừa ít vừa không cân đối dẫn đến hiệu quả chưa cao (Phan Xuân Hào, 2008). Lượng phân bón sử dụng cho sản xuất ngô chưa cân đối cả về liều lượng, tỉ lệ và chủng loại. Việc lạm dụng phân khoáng cùng với việc thay đổi mô hình chăn nuôi, thiếu hụt lao động, áp lực về mùa vụ… mà phân hữu cơ ngày càng ít được sử dụng (Nguyễn Văn Bộ, 2003).
Việc sử dụng phân bón quá mức cần thiết và hiệu lực phân bón thấp đã dẫn đến suy thoái độ phì nhiêu của đất một cách hệ thống xet theo quan điểm bền vững. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay cả những vùng đất tốt nhất (phù sa) cũng đang trên đường chua hóa. Ở nhiều nơi độ chua đã tăng lên 1 đơn vị (pH nhỏ đi 1 đơn vị) so với kết quả công bố trước đây. Việc chua hóa đất đã dẫn đến sự di động phân tán hơn các kim loại nặng (Phạm Quang Hà và Nguyễn Văn Bộ, 2013). Qua đó gây nên nguy cơ ô nhiễm, song việc bón không cân đối các loại phân cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đất, nước ngầm, nước tưới, không khí cũng như chất lượng nông sản. Bón phân không đúng kỹ thuật còn làm mất cân đối một hoặc nhiều loại chất dinh dưỡng, làm đất bị thoái hóa nhanh (Phạm Quang Hà và Nguyễn Văn Bộ, 2013).
Phần lớn diện tích sản xuất ngô manh mún (nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng), việc tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu, hàng năm tổn thất sau thu hoạch đối với ngô là khá lớn (13 - 15%). Chưa gắn kết giữa sản xuất và tổ chức tiêu thụ của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011a). Do đó, hiệu quả sản xuất ngô hiện nay ở nước ta còn rất thấp.
2.1.2.3. Tình hình sản xuất ngô ở Thanh Hoá
Thanh Hoá là một trong 4 tỉnh có diện tích ngô lớn nhất cả nước. Tuy nhiên diện tích sản xuất ngô của tỉnh trong thời gian gần đây có xu hướng giảm.
Tính chung trong giai đoạn 2005 - 2015, bình quân mỗi năm diện tích ngô của tỉnh giảm khoảng 0,77 nghìn ha. Năm 2015, diện tích ngô toàn tỉnh là 56,8 nghìn ha; năng suất đạt 43,2 tạ/ha, thấp hơn 1,6 tạ/ha so với bình quân chung của cả nước (44,8 tạ/ha), sản lượng 245,4 nghìn tấn.
Bảng 2.4. Tình hình sản xuất ngô ở Thanh Hoá giai đoạn 2005 - 2015 Năm Diện tích (nghìn ha) Năng suất (Tạ/ha) Sản lượng (nghìn tấn)
2005 65,3 37,4 244,2
2006 63,8 36,5 232,9
2007 59,4 39,5 234,6
2008 60,7 38,1 231,3
2009 53,7 38,7 207,8
2010 54,4 39,7 216,0
2011 52,9 40,4 213,7
2012 49,1 40,7 199,8
2013 50,9 42,9 218,4
2014 54,7 40,5 221,5
2015 56,8 43,2 245,4
Nguồn: Cục Thống kê Thanh Hoá (2011, 2012, 2013, 2014, 2015) Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa (2015) có tới trên 50% diện tích sản xuất ngô của tỉnh được trồng trên những vùng đất khó khăn về nước tưới (chủ yếu chờ nước trời), việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn tương đối chậm; việc sử dụng phân bón cho ngô còn tuỳ tiện, thiếu khoa học… Bên cạnh đó, do giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng, trong khi giá nông sản lại ở mức thấp; tình hình thiếu lao động, giá ngày công lao động tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất ngô rất thấp, thậm chí không có lãi.
Tiềm năng phát triển cây ngô của tỉnh Thanh Hoá là rất lớn, vì vậy việc tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để làm tăng năng suất, sản lượng là việc làm hết sức cần thiết.
2.1.2.4. Một số đặc điểm của đất phù sa sông Mã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa Hệ thống sông Mã là hệ thống sông lớn nhất trong số 4 hệ thống sông của tỉnh Thanh Hóa. Tổng diện tích lưu vực sông Mã rộng 28.490 km2, trong đó phần
trên lãnh thổ Việt Nam rộng 17.810 km2, có chiều dài 512 km, phần chảy qua Thanh Hóa có chiều dài 242 km.
Sông Mã có 39 phụ lưu lớn và 02 phân lưu. Trong hệ thống sông Mã, sông Chu là phụ lưu cấp I lớn nhất của sông Mã. Bắt nguồn từ vùng núi cao trên đất CHDCND Lào chảy chủ yếu theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông Chu đổ vào sông Mã tại ngã ba Giàng, cách cửa sông Mã về phía thượng lưu 25,5 km.
Chiều dài dòng chính sông Chu 392 km, phần chảy trên đất Việt Nam 160 km.
Tổng diện tích lưu vực sông Chu 7.580 km2. Từ Bái Thượng trở lên thượng nguồn lòng sông Chu dốc, có nhiều ghềnh thác, lòng sông hẹp có thềm sông nhưng không có bãi sông. Từ Bái Thượng đến cửa sông Chu chảy giữa hai tuyến đê, bãi sông rộng, lòng sông thông thoáng, dốc nên khả năng thoát lũ của sông nhanh. Sông Chu có rất nhiều phụ lưu lớn như sông Khao, sông Đạt, sông Đằng, sông Âm (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, 2012a).
Hệ thống sông Mã đã bồi đắp được một diện tích rất lớn đất phù sa với tổng diện tích trên 115 nghìn ha, chiếm khoảng 60% tổng diện tích đất phù sa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đất phù sa sông Mã phân bố tại các đơn vị hành chính như: Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thường Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Thành phố Thanh Hóa, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Sầm Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa (Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa, 2012b).
Đất phù sa sông Mã có một số đặc trưng sau: Do đá mẹ thuộc nhóm cứng rắn, khó phong hóa ở đầu nguồn nên phù sa của hệ thống sông Mã không nhiều, cặn phù sa thô. Mặt khác, do tốc độ dòng chảy cao, hầu hết cặn phù sa mịn bị thổi hết ra biển nên phần lắng đọng lại tạo các vùng đất phù sa trong đất liền đa số có thành phần cơ giới nhẹ, thô, nghèo dinh dưỡng (Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa, 2012a, 2012b).