vậy chúng ta đang lãng phí quá lớn các nguồn vật chất đầu vào như nước, phân bón và các vật liệu hóa chất khác. Môi trường quanh ta ngày càng trở nên ô nhiễm hơn do chịu tác động của quá nhiều yếu tố trong đó có sản xuất nông nghiệp. Rõ ràng cần có giải pháp đồng bộ cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Một trong những giải pháp phổ biến hiện nay là tiết kiệm đầu vào, bón phân cân đối, bón phân hợp lý; bón phân theo mục đích năng suất và tối ưu năng suất kinh tế. Xu hướng bón phân hiện nay là bón phân thân thiện với môi trường và tăng phân hữu cơ, giảm phân hóa học; trả lại hữu cơ và cố định các bon trong đất;
tăng nhu cầu về chất lượng sản phẩm và tăng giá trị gia tăng của một đơn vị sản phẩm (Phạm Quang Hà và Nguyễn Văn Bộ, 2013).
Hiện nay, diện tích trồng ngô ở Việt Nam hàng năm trên 1,1 triệu ha, năng suất trung bình 44,8 tạ/ha, sản lượng thu hoạch trên 5,2 triệu tấn/năm. Cây ngô là cây lương thực chiếm vị trí thứ hai, sau cây lúa nước. Do nhu cầu phát triển chăn nuôi, chế biến ngày càng tăng, sản lượng ngô do Việt Nam sản xuất chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước, nhu cầu ngô phục vụ cho nên kinh tế vẫn còn rất cao. Nghề trồng ngô rất có nhiều triển vọng tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập của hàng vạn hộ nông dân góp phần an sinh xã hội.
Tính chung trên toàn thế giới, hiệu quả sử dụng đạm của cây lấy hạt nói chung và ngô nói riêng chỉ đạt 33%, có tới 67% lượng đạm bị mất đi (Raun and Gordon, 1999), tương ứng với khoảng 15,9 tỷ đô la bị mất đi mỗi năm. Đạm là nguyên tố dinh dưỡng chính ảnh hưởng đến năng suất ngô của Việt Nam. Lượng đạm sản xuất và tiêu thụ có xu hướng tăng nhanh qua các năm để đáp ứng sản xuất nông nghiệp và bù lại lượng đạm bị mất do cây trồng lấy đi cùng với các sản phẩm thu hoạch, rửa trôi hoặc bốc hơi.
Để giảm thiểu việc mất đạm và nâng cao hiệu quả sử dụng đạm của ngô đã có nhiều công trình nghiên cứu được tiến hành bao gồm từ những biện pháp bón phân truyền thống cân đối và hợp lý đến những công nghệ sản xuất phân bón như: Sử dụng các dạng phân viên nén chậm tan có màng bọc, kết hợp sử dụng các chất kìm hãm quá trình amon và nitrat hóa giúp điều chỉnh quá trình giải phóng đạm từ phân bón... Sử dụng phân viên nén giúp hạn chế quá trình mất phân do rửa trôi, bay hơi, đạm (N) được giải phóng từ từ theo nhu cầu của cây, nâng cao hiệu quả bón phân cho các loại cây trồng nông nghiệp.
Thanh Hóa là một trong trong 4 tỉnh có diện tích trồng ngô lớn nhất cả nước, ngô là một trong các loại cây trồng chủ lực tại các vùng đất chính của tỉnh, trong đó có vùng đất phù sa sông Mã. Năng suất ngô bình quân của tỉnh Thanh Hóa năm 2015 đạt 43,2 tạ/ha, thấp hơn 1,6 tạ/ha so với bình quân chung của cả nước. Cần phải có các nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển cho các vùng trồng ngô để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất ngô của địa phương.
Các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới cho các loại cây trồng cạn nói chung cây ngô nói riêng còn nhiều hạn chế. Cần có các nghiên cứu có hệ thống, chuyên sâu về khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất, yêu cầu các chất dinh dưỡng, hiệu suất sử dụng đạm, khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng cho các loại cây trồng, trong đó có cây ngô, để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy trình canh tác, quy trình bón phân hiệu quả cho các loại đất trồng ngô chính như đất phù sa sông Mã, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.