Cơ cấu bộ máy tổ chức quản trị rủi ro thanh khoản

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn hà nội (Trang 48 - 52)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ RỦI RO THANH KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN – HÀ NỘI

2.2 Thực trạng quản trị rủi ro thanh khoản tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội

2.2.2 Cơ cấu bộ máy tổ chức quản trị rủi ro thanh khoản

Để quản trị tốt công tác quản trị rủi ro thanh khoản, SHB đã phân công cụ thể nhiệm vụ của từng bộ phận trong bộ máy quản trị rủi ro thanh khoản như sau:

2.2.2.1 Ủy ban quản lý rủi ro

Ủy ban Quản lý rủi ro được tổ chức và hoạt động theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý rủi ro do HĐQT xây dựng và ban hành. Ủy ban Quản lý rủi ro có các nhiệm vụ chính:

+ Tham mưu cho HĐQT trong việc ban hành các quy chế, quy định, chính sách liên quan đến quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và Điều lệ SHB.

+ Phân tích, đưa ra những cảnh báo về mức độ an toàn của ngân hàng trước những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng và đề xuất các biện pháp phòng ngừa đối với những rủi ro này trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

+ Xem xét, đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của các quy trình, chính sách quản trị rủi ro hiện hành của ngân hàng để đưa ra các khuyến nghị, đề xuất đối với HĐQT về những yêu cầu cần thay đổi quy trình, chính sách hiện hành, chiến lược hoạt động.

+ Tham mưu cho HĐQT trong việc quyết định các chính sách quản trị và phương án xử lý rủi ro trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ do HĐQT giao.

2.2.2.2 Ủy ban ALCO:

Tham mưu cho HĐQT trong công tác hoạch định chiến lược, chính sách quản trị rủi ro theo từng loại rủi ro ngân hàng liên quan đến hạng mục Tài sản Nợ - Có trên bảng cân đối kế toán nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho Ngân hàng và cổ đông trong dài hạn; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh của SHB điều hành kinh doanh theo chiến lược, chính sách đã xác định để tạo lập hợp lý các hạng mục tài sản nợ - tài sản có trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Phê duyệt cơ cấu bảng tổng kết tài sản, các loại tài sản và công nợ theo tính thanh khoản và theo thời gian đáo hạn.

Xét duyệt các mô hình đo lường và các giả định xây dựng các báo cáo và các hạn mức quản lý rủi ro thanh khoản trong thẩm quyền trên cơ sở đề xuất của Tổng Giám đốc.

Theo dõi tình hình thanh khoản, báo cáo HĐQT về các hoạt động thanh khoản và cơ cấu rủi ro của ngân hàng theo định kỳ và đột xuất.

Đề nghị triệu tập họp khẩn cấp khi có các vấn đề bất thường liên quan đến thanh khoản của ngân hàng, quyết định các biện pháp giải quyết cụ thể và báo cáo HĐQT nội dung cuộc họp.

2.2.2.3 Ban Tổng Giám đốc

Đảm bảo thiết lập đầy đủ, rõ ràng các quy định, quy trình quản lý rủi ro thanh khoản và bộ phận quản lý rủi ro thanh khoản, đủ nhân lực và nguồn lực để thực hiện.

Quy định trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác quản lý rủi ro thanh khoản theo cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ được giao.

Xây dựng các giới hạn, mô hình đo lường và các giả định để quản lý khả năng thanh khoản phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp và các điều kiện tài chính của Ngân hàng.

Xem xét khả năng thanh khoản hàng ngày.

Hàng tháng hoặc khi cần thiết báo cáo khả năng thanh khoản, sự tuân thủ và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nghiệp vụ cho HĐQT, hội đồng ALCO

Thiết lập và duy trì hệ thống thông tin quản lý phù hợp với yêu cầu quản lý rủi ro thanh khoản.

Thực hiện công bố thông tin liên quan đến rủi ro thanh khoản theo yêu cầu của HĐQT.

2.2.2.4 Khối Nguồn vốn

Chịu trách nhiệm lập kế hoạch và quản lý hoạt động kinh doanh nguồn vốn trong khuôn khổ khung hạn mức cho phép.

Quản lý thanh khoản, điều hòa vốn và chịu trách nhiệm cân đối về vốn của toàn hệ thống. Đảm bảo thanh khoản hàng ngày trong các giới hạn mà NHNN và SHB quy định.

Thiết lập và duy trì mối quan hệ với các đối tác trên thị trường, phát triển thị trường bán tài sản, xử lý tình huống để bảo đảm khả năng thanh khoản.

Phối hợp với Phòng Quản lý tài sản nợ có: đề xuất các hạn mức thanh khoản phù hợp với kế hoạch hoạt động, lập kế hoạch dự phòng thanh khoản thông qua việc quản lý khả năng tiếp cận thị trường, cập nhật thông tin thị trường hoạt động kinh doanh nguồn vốn tới Phòng quản lý tài sản nợ có.

2.2.2.5 Phòng Quản lý tài sản Nợ - Có

Đề xuất cơ cấu tài sản nợ có đảm báo bảng tổng kết tài sản theo đúng định hướng của HĐQT.

Thực hiện báo cáo hàng ngày về tỷ lệ thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả đối với các loại tiền tệ trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo dõi, kiểm tra, thực hiện đo lường rủi ro thanh khoản theo từng ngày thông qua việc kiểm soát báo cáo, các chỉ số về hạn mức, tỷ lệ thanh khoản đã được Hội đồng ALCO phê duyệt và báo cáo kết quả khả năng thanh khoản, hệ thống cảnh báo sớm về rủi ro thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả và đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp.

Tham mưu cho Tổng Giám đốc xây dựng quy trình thống kê, xây dựng, quản lý theo dõi kỳ hạn đối với tài sản nợ và tài sản có của SHB; hệ thống đo lường, đánh giá và báo cáo kết quả khả năng chi trả, khả năng thanh khoản và hệ thống cảnh báo sớm về rủi ro thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả.

Căn cứ tình hình tài sản nợ, tài sản có và tình hình thị trường cụ thể tại từng thời điểm, đề xuất với Hội đồng ALCO phê duyệt các tỷ lệ an toàn nhằm đảm bảo các yêu cầu chung về dự phòng thanh khoản.

Xây dựng phương án, dự phòng, thực hiện cảnh báo sớm về rủi ro thanh khoản khi chạm ngưỡng các tỷ lệ do Hội đồng ALCO quy định, kịp thời đề xuất với Tổng

Giám đốc và Hội đồng ALCO các phương án, biện pháp xử lý rủi ro về thanh khoản nhằm đảm bảo khả năng chi trả.

Lập báo cáo trình Tổng Giám đốc khi SHB phát sinh rủi ro về khả năng chi trả, khả năng thanh khoản khiến SHB không đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định.

2.2.2.6 Phòng Quản lý rủi ro

Tham mưu cho Tổng Giám đốc trong việc xây dựng chính sách và quy trình quản lý rủi ro thanh khoản.

Thực hiện đo lường và theo dõi yêu cầu cấp vốn ròng toàn hệ thống theo từng đồng tiền chủ chốt và quy đổi ra VNĐ.

Là đầu mối, phối hợp với Phòng quản lý tài sản nợ có, khối nguồn vốn xây dựng và trình ban hành các giả định áp dụng trong công tác đo lường yêu cầu cấp vốn ròng. Đánh giá tính phù hợp của các giả định đang áp dụng.

Đề xuất và thực hiện tính toán các chỉ số thanh khoản phù hợp với SHB theo từng thời kỳ.

Đầu mối phối hợp với Khối nguồn vốn, Phòng quản lý tài sản nợ có thiết lập các hạn mức nhằm hạn chế và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Hàng ngày theo dõi, phân tích và báo cáo đánh giá về rủi ro thanh khoản trình tổng Giám đốc, Khối Nguồn vốn, Phòng quản lý tài sản nợ có và thông báo cho các bộ phận liên quan.

2.2.2.7 Trung tâm Công nghệ thông tin

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý khả năng chi trả, quản lý thanh khoản trong toàn hệ thống SHB.

Xây dựng phần mềm báo cáo trực tuyến phục vụ cho việc cập nhật, theo dõi, tổng hợp báo cáo.

Nhìn chung, các bộ phận của SHB đều được phân công nhiệm vụ cụ thể và có mối quan hệ mật thiết với nhau trong công tác. Tuy nhiên, trong hoạt động quản trị rủi ro thanh khoản các bộ phận vẫn chưa làm đúng và đủ vai trò của mình như đã phân công. Bên cạnh đó, bộ phận quản lý rủi ro còn nắm các nhiệm vụ chồng chéo giữa

quản trị rủi ro tín dụng, lãi suất, thanh khoản…nên trình độ chuyên môn về công tác quản trị rủi ro còn chung chung, chưa chuyên sâu về công tác quản trị rủi ro thanh khoản nên hiệu quả quản trị rủi ro thanh khoản của SHB chưa cao.

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn hà nội (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)