CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ RỦI RO THANH KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN – HÀ NỘI
2.3 Đánh giá chung về quản trị rủi ro thanh khoản tại SHB
SHB luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, NHNN và chính sách của SHB để đảm bảo tính an toàn của Ngân hàng nói chung và thanh khoản nói riêng. Điển hình chỉ số an toàn vốn của SHB luôn > 9% đảm bảo theo quy định của thông tư 13/2010/TT-NHNN. Bên cạnh đó, SHB cũng theo dõi sự biến động của các chỉ số thanh khoản khác để nắm được tình hình thanh khoản tại ngân hàng, từ đó điều hành ngân hàng để các chỉ số thanh khoản nằm trong hạn mức quy định của SHB nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản có thể xảy ra. Đây là tiền đề cho hoạt động quản trị thanh khoản ổn định và an toàn.
SHB đã xây dựng được các quy định chung về quản trị rủi ro thanh khoản:
chính sách, quy trình quản trị rủi ro thanh khoản, các phương án xử lý trong trường hợp thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả, một số hạn mức giám sát thanh khoản, các mẫu biểu báo cáo, có phân công trách nhiệm cụ thể từng bộ phận… Do đó, khi rủi ro thanh khoản xảy ra thì Ban lãnh đạo SHB sẽ căn cứ vào chính sách, những phương án dự phòng và trách nhiệm của từng phòng để xử lý rủi ro đó mà không bị động và lúng túng.
SHB đã thực hiện phân tích, dự báo thanh khoản: SHB theo dõi chặt chẽ dòng tiền hàng ngày, tháng, để chuẩn bị cho các kế hoạch sử dụng vốn và nguồn vốn. Công tác phân tích, dự báo thanh khoản tại SHB được giao cho Phòng Quản lý rủi ro chịu trách nhiệm theo dõi, phân tích và báo cáo lên Ban lãnh đạo hàng ngày, hàng tháng để có những chính sách quản lý danh mục tài sản nợ, tài sản có hiệu quả.
SHB đã xây dựng được một hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với quy mô hoạt động: Nhờ sự đánh giá và xem xét rủi ro một cách độc lập của hệ thống kiểm soát nội bộ và đảm bảo được tăng cường hoặc chỉnh sửa khi cần thiết nên bộ phận kiểm soát nội bộ đã hỗ trợ nhiều cho công tác quản trị rủi ro của hệ thống SHB nói chung và quản lý khả năng thanh khoản nói riêng.
SHB luôn chú trọng công tác chăm sóc khách hàng: thể hiện qua các chính sách ưu đãi và sự quan tâm của Ngân hàng cho khách hàng nên SHB luôn được sự tín
nhiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, sự phối hợp xử lý thông tin khéo léo từ Ban lãnh đạo cấp cao cho đến các nhân viên SHB đã giúp cho các thông tin về ngân hàng được công khai ra thị trường đều đảm bảo một mức độ hợp lý và giữ được uy tín của SHB trong mắt khách hàng. Do đó, sau sự kiến sáp nhập của SHB và Habubank thì SHB cũng không bị khủng hoảng tiền gửi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.
2.3.2 Những hạn chế
Các quy định về quản trị rủi ro thanh khoản chưa đầy đủ và phù hợp: Mặc dù SHB có hệ thống quy trình, chính sách riêng về quản trị thanh khoản nhưng một số quy định về các hạn mức, giới hạn thanh khoản vẫn chưa đầy đủ và chưa phù hợp với tình hình hoạt động thực tế gây khó khăn cho Ban lãnh đạo trong việc kiểm soát rủi ro thanh khoản.
Công tác dự báo và phân tích thanh khoản tại SHB còn nhiều hạn chế và mang tính thủ công: SHB thực hiện ước lượng các tỷ lệ mang tính chủ quan, không tính đến các dữ liệu lịch sử và xu hướng biến động trong tương lai nên độ tin cậy của các chỉ tiêu thanh khoản là không chính xác.
Hệ thống thông tin, báo cáo về việc đo lường, theo dõi, kiểm soát RRTK còn hạn chế: Số lượng và chất lượng báo cáo chưa đầy đủ và chính xác để đáp ứng cho yêu cầu quản trị của Ban lãnh đạo SHB. Hệ thống phần mềm xuất báo cáo của SHB chưa thật sự hiệu quả và chưa đúng số liệu cần theo dõi, nên công tác làm báo cáo mất nhiều thời gian do phải xử lý số liệu từ nhiều bảng bằng excel.
Các bộ phận trong quản trị rủi ro thanh khoản chưa làm hết nhiệm vụ: Tuy SHB đã có quy định rõ trách nhiệm của từng cấp trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, nhưng các bộ phận chưa làm hết các nhiệm vụ của mình và chưa phối hợp tốt với các bộ phận liên quan.
Sự mất tương xứng về cơ cấu kỳ hạn giữa huy động và cho vay: Nguồn vốn huy động chỉ tập trung ở các kỳ hạn ngắn trong khi hầu hết dư nợ cho vay lại có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Nên nguy cơ mất thanh khoản do tình trạng lệch kỳ hạn luôn tiềm ẩn trong hoạt động của SHB và đang có xu hướng tăng dần theo thời gian.
Tỷ lệ nợ xấu của SHB cao: Mặc dù SHB đã tích cực xử lý nợ xấu và chú trọng đến chất lượng tín dụng nhưng SHB chưa thực sự quản lý tốt các khoản cho vay và tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao. Các khoản nợ xấu này tăng cao sẽ tác động đến dòng tiền vào và gây mất cân đối đến trạng thái thanh khoản của SHB trong tương lai.
2.3.3 Các nguyên nhân
2.3.3.1 Nguyên nhân khách quan
Hệ thống pháp lý cho hoạt động ngân hàng còn nhiều vướng mắc và chưa đồng bộ: Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ NHNN khá nhiều nhưng pháp luật cho hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng vẫn còn bị đánh giá là thiếu, đôi khi chồng chéo và khó hiểu.
Chính sách tiền tệ của NHNN còn nhiều hạn chế, bất cập: mặc dù ở một số thời điểm, chính sách tiền tệ được NHNN điều hành đúng hướng, nhưng thời gian thực hiện chưa thích hợp đã đẩy các NHTM vào tình trạng khó khăn về thanh khoản.
Hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ và cạnh tranh lành mạnh: thể hiện qua việc một số ngân hàng còn thỏa thuận lãi suất tiền gửi với khách hàng và các Ngân hàng chưa phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện các quy định của NHNN. Do đó đã làm suy yếu khả năng chống đỡ thiếu hụt thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Sự thay đổi trong tâm lý khách hàng và sự bất cân xứng thông tin: Trong điều kiện thông tin chưa minh bạch và người dân chưa có kiến thức chuyên sâu về tài chính nên đa số người dân vẫn hành động theo số đông, rút tiền từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác, tích trữ USD trước những thông tin thị trường bất ổn. Điều này gây khó khăn cho hệ thống NHTM nói chung và SHB nói riêng.
2.3.3.2 Nguyên nhân từ phía SHB.
Ban lãnh đạo chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản trị điều hành: Ban lãnh đạo điều hành còn mang tính cảm tính và chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác quản trị RRTK. Quy trình quản trị RRTK đã được ban hành nhưng công tác quản trị vẫn chưa thật sự nghiêm túc và còn mang tính đối phó. Ngoài ra, các
cấp lãnh đạo vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của RRTK và chưa gắn kết được rủi ro này với các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường…
Đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn về quản trị rủi ro thanh khoản thấp:
Tuy SHB có phân công người phụ trách công tác quản trị rủi ro thanh khoản nhưng đa số chưa có trình độ chuyên môn sâu về quản trị rủi ro thanh khoản và không được đào tạo nghiệp vụ thường xuyên nên vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu tính chủ động sáng tạo. Bên cạnh đó, số lượng nhân sự làm công tác quản trị RRTK tại ngân hàng còn ít nên chưa đủ để đáp ứng cho yêu cầu công việc theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngân hàng chưa xây dựng được một kế hoạch dự phòng thanh khoản cụ thể:
SHB chỉ thực hiện dự trữ cảm tính dưới hình thức duy trì các Tài sản có tính thanh khoản cao như: tiền mặt, tiền gửi tại TCTD, giấy tờ có giá. Đồng thời, SHB không tiến hành kiểm tra, kiểm soát và đo lường lại khả năng chịu sốc của hệ thống trước áp lực thị trường nên các đánh giá và quyết định đưa ra chưa chuẩn xác và hiệu quả chưa cao.
Công nghệ chưa hỗ trợ tốt cho công tác quản trị RRTK: Hệ thống phần mềm Intellect được đưa vào sử dụng từ năm 2010 đến nay. Tuy phần mềm có nhiều tiện ích trong việc cập nhật dữ liệu và hỗ trợ được nhiều trong các hoạt động tại ngân hàng nhưng các dữ liệu xuất báo cáo còn chưa phù hợp, nhiều bảng tính nên các phòng ban phải thu thập dữ liệu từ nhiều bảng và tính toán thủ công trên các bảng tính Excel là chính nên công tác cảnh báo RRTK còn yếu, và hiệu quả điều hành thanh khoản chưa cao.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Những phân tích trên đây đã cho ta thấy được tình hình thanh khoản và công tác quản trị RRTK của SHB từ năm 2010 đến năm 2013. Từ đó là cơ sở để tác giả đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm cải thiện hoạt động quản trị RRTK cho SHB, đồng thời là căn cứ để đề xuất một số kiến nghị đối với NHNN nhằm cải thiện hoạt động của thị trường tiền tệ, góp phần vào việc ổn định thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng, giúp các NHTM phát triển bền vững và ổn định trong tương lai.