Chương 2: Biến đổi xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương
2.3. Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp
2.3.1. Hợp thức hóa các thành phần kinh tế tạo tiền đề biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp
Đổi mới tư duy về thời kỳ quá độ lên XHCN (xem tiểu mục 1.3), Đảng chủ trương xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần (1986) thay cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đến nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (1991) và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (2001).Theo đó, Nhà nước đã ban hành một hệ thống pháp luật mới không những đã hợp pháp hóa các thành phần kinh tế mới, tạo tiền đề cần thiết cho các thành phần kinh tế này phát triển mà còn hợp thức hóa các thành phần xã hội của nó, góp phần quy
định quá trình phân giải cơ cấu xã hội - nghề nghiệp đương thời (trước đổi mới) và thúc đẩy hình thành các cơ cấu xã hội - nghề nghiệp mới làm cho bức tranh xã hội - nghề nghiệp ở Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung trở nên đa dạng hơn.
Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (1986), bộ Luật Đất đai đã được ban hành (1987), gồm 06 chương 57 điều, pháp điển hóa nhiều vấn đề liên quan đến thành phần kinh tế hộ gia đình: Điều 1 quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho lâm trường, nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xí nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân (gọi chung là người sử dụng đất) để sử dụng ổn định, lâu dài”. Điều 3 quy định “Nhà nước đảm bảo cho người sử dụng đất được hưởng những quyền lợi hợp pháp trên đất được giao, kể cả quyền chuyển, nhượng, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất”. [199]
Các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được làm rõ tại các Điều 24, 26, 45, 48 và 49. Nhìn chung, người sử dụng đất có nghĩa vụ khai thác và sử dụng có hiệu quả đất được giao, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo các quyền đối với hoa lợi trên đất cũng như được hưởng lợi từ các công trình công cộng mang lại.
Điều 27, 28 quy định về hạn mức đất và quản lý Nhà nước đối với đất làm kinh tế gia đình và đất sản xuất của nông dân cá thể.
Như vậy, bộ Luật Đất đai đã chính thức hợp pháp hóa kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể. Ngoài các thành phần kinh tế Nhà nước và tập thể, cá nhân cũng được giao đất để canh tác nông nghiệp và được đảm bảo các quyền: chuyển, nhượng, bán thành quả lao động và kết quả đầu tư trên đất.
Khác với chủ trương “tập thể hóa nông nghiệp” và cơ chế “công-điểm”
cùng với chính sách “ngăn sông cấm chợ” trong những năm 1975-1985. Nay, Nhà nước giao đất canh tác nông nghiệp cho tổ chức và cá nhân, đồng thời đảm bảo
các quyền và lợi ích hợp pháp bằng những điều luật cụ thể nên đã tạo tiền đề và khuyến khích sự vượt trội cá nhân trong khu vực nông nghiệp nông thôn.
Thi hành Luật Đất đai (1987) và tiếp sau đó là thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW (1988). Đến đầu những năm 1990 về căn bản ở Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã không còn hợp tác xã kiểu cũ mà thay vào đó là kinh tế cá thể và hộ gia đình. Kinh tế nông nghiệp ở Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã đạt được sự tăng trưởng mạnh (xem tiểu mục 2.1.2), theo đó giai cấp nông dân đã bị phân giải mạnh.
Quá trình hợp thức hóa thành phần kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể và quá trình tăng trưởng của kinh tế khu vực I cùng với xu hướng chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các khu vực kinh tế phi nông nghiệp (xem mục 2.1) cho thấy giai cấp nông dân ở Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã trải qua sự phân giải mạnh trong suốt 20 năm đầu đổi mới.
Cũng trong năm 1987, Nhà nước ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Liên quan đến vấn đề thành phần kinh tế và hình thức sở hữu, Điều 1 luật này quy định
“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam […] Nhà nước Việt Nam đảm bảo quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tạo những điều kiện thuận lợi và định các thủ tục dễ dàng cho các tổ chức và cá nhân đó đầu tư vào Việt Nam”; Điều 4 luật này quy định về hình thức đầu tư là “hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, xí nghiệp hoặc công ty liên doanh và xí nghiệp 100% vốn nước ngoài”; Điều 20 và 21 quy định “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo đối đãi công bằng và thỏa đáng đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”, “trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, vốn và tài sản của các tổ chức, cá nhân nước ngoài không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa”.[200]
Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài đã mở ra thời kỳ mới với sự thừa nhận và hợp thức hóa thành phần kinh tế tư bản nước ngoài. Nhà nước “hoan nghênh và khuyến khích” các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp.
Đến năm 1990, Luật Công ty được ban hành. Luật này ra đời thiết lập nền tảng cho các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Liên quan đến thành phần kinh tế, Điều 1 và 4 luật này quy định đối tượng được quyền góp vốn thành lập công ty gồm: “công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội” và “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của công ty, thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật của công ty với các doanh nghiệp khác và tính sinh lợi hợp pháp từ việc kinh doanh. Trong khuôn khổ pháp luật, công ty có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh”; liên quan đến quyền sở hữu Điều 5 luật này quy định: “quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, quyền thừa kế về vốn, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các thành viên công ty được Nhà nước bảo hộ”. [202]
Luật Công ty đã thừa nhận và cho phép kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước cùng với thành phần xã hội của nó phát triển. Trườc thời kỳ đổi mới, thành phần kinh tế này là đối tượng cải tạo quyết liệt nhất. Luật cũng đồng thời thừa nhận quyền sở hữu tư đối với tư liệu sản xuất, điều này đã tạo những tiền đề cần thiết cho quá trình tích tựu tài sản của cá nhân và nhóm xã hội, từ đó tạo nên những bước nhảy về nghề nghiệp xã hội.
Năm 1992, ban hành Hiến pháp mới và thường gọi là “Hiến pháp 1992”.
Tại Điều 15 Hiến pháp 1992 quy định về chế độ kinh tế: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân,
sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”.[203]
Luật Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chỉ sau bảy năm (1986-1992) kể từ ngày thực hiện đổi mới, cơ chế kinh tế mới cùng với các hình thức sở hữu của nó đã được hiến định. Đây được xem là một bước phát triển quan trọng trong quá trình đổi mới.
Năm 1994, ban hành Luật Lao động, luật này điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động. Điều 2 luật này quy định “bộ luật này áp dụng đối với mọi người lao động, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu”.[204]
Các điều khoản trong bộ Luật Lao động quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động và cách thức xác lập quan hệ lao động cũng như chấm dứt các quan hệ đó. Như vậy, vị thế của các cá nhân trong quan hệ lao động đã chính thức được hợp thức hóa, những công dân hội đủ các điều kiện luật định được tự do mua-bán sức lao động, thị trường lao động được hình thành, sức sản xuất được giải phóng và theo đó các quan hệ xã hội nghề nghiệp cũng trở nên phong phú hơn.
Năm 2005, ban hành Luật doanh nghiệp mới áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Bộ luật này là bước tiến lớn trong việc hợp thức hóa và bình đẳng hóa giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.
Liên quan đến thành phần kinh tế và hình thức sở hữu, Điều 5 có quy định: “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật này; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh; Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác
của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp; tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính; trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp”.[205]Luật Doanh nghiệp đã xóa bỏ sự bất bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các thành phần kinh tế.
Quá trình biến đổi và tăng trưởng của các thành phần kinh tế cùng với sự chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực kinh tế, thành phần kinh tế như đã trình bày ở tiểu mục 2.1 là bức tranh sinh động về quá trình biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp.