Quá trình biến đổi xã hội ở Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương trong hai mươi năm đầu đổi mới chịu sự chi phối lớn từ hoạt động lập pháp và hành pháp, các hoạt động trực tiếp dẫn đến những biến đổi xã hội hầu hết là hệ quả của việc thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do vậy, những đặc điểm khác biệt của quá trình biến đổi xã hội giữa ba tỉnh thành trong hai mươi năm đầu đổi mới là không nhiều và chủ yếu có nguồn gốc từ những lợi thế so sánh và việc vận dụng đường lối, chính sách đổi mới của chính quyền địa phương.
3.2.1. Khác biệt trong vận dụng chủ trương, đường lối đổi mới vào thực tiễn mỗi địa phương
Trong năm năm đầu đổi mới (1986-1990), Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vận dụng đường lối đổi mới nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp thành nền kinh tế đa thành phần theo những bước đi tương đối khác nhau, trong khi Tp.HCM “Tập trung đầu tư, tháo gỡ mọi vướng mắc cho sản xuất phát triển..., phát triển mạnh kinh tế đối ngoại... thiết lập trật tự trong phân phối lưu thông, từng bước ổn định giá cả thị trường...đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh” [67, tr. 53,79]; Đồng Nai tập trung “phát triển mạnh mẽ nền kinh tế theo cơ cấu công – nông nghiệp hợp lý; phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu... Phát huy các mũi nhọn: công nghiệp chế biến, nông sản xuất khẩu và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng”[60, tr.
35]; Bình Dương đề ra phương hướng “cải tạo và sử dụng hết khả năng các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ với thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn, có hiệu quả cao. Hình thành đồng bộ cơ chế quản lý mới, thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế xã hội”. [63, tr. 33]
Mười năm (1991-2000) xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa đa thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thành
phố Hồ Chí Minh chủ trương “từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, dựa trên cơ sở vị trí, tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM, gắn liền với cơ cấu kinh tế tương đối hoàn chỉnh của vùng Nam bộ, mà cốt lõi là VKTTĐPN, trong đó TPHCM giữ vai trò trung tâm công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thương mại - dịch vụ, khoa học - kỹ thuật, văn hóa. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn TPHCM chủ yếu là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp[67, tr. 62]; Đồng Nai đề ra chủ trương:
khai thác và tận dụng mọi nguồn lực cho yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu xây dựng Đồng Nai thành một tỉnh công nghiệp phát triển, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ với mức tăng trưởng cao, liên tục, bền vững để đến năm 2000 hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp; Đảng bộ Bình Dương (Sông Bé) đã chủ trương “xây dựng nền kinh tế Sông Bé theo cơ cấu: nông nghiệp-công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phấn đấu giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp thuần túy, đưa sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ”.[64, tr. 50]. Đến năm 1994, vận dụng quy chế khu công nghiệp, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều khu công nghiệp, tạo điều kiện thu hút vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp và chủ trương từng bước nâng tỷ trọng ngành kinh tế công nghiệp lên hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (2001-2006) đã định hình rõ hơn sự khác biệt trong việc vận dụng đường lối đổi mới và mục tiêu phát triển kinh tế cụ thể của ba tỉnh thành. Trong khi Tp.HCM tiếp tục phát triển nền kinh tế theo những mục tiêu đã định, Đồng Nai và Bình Dương lại có những bước đi táo bạo hơn so với thời kỳ trước. Đồng Nai “Tập trung sức phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, lợi thế ở địa phương; ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, tạo nền tảng đến năm 2010 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam. Bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; gắn tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất-tinh thần của nhân dân với thực hiện công bằng xã hội”[58, tr.62]; Bình Dương thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, hội nhập kinh tế với vùng và khu vực. Ưu tiên phát triển ngành chế biến nông lâm sản, thực phẩm; tạo điều kiện để ngành công nghiệp điện tử và tin học phát triển nhanh; chú trọng phát triển ngành cơ khí chế tạo máy. Đổi mới và phát triển kinh tế thành phần kinh tế Nhà nước theo hướng tập trung nguồn lực vào các ngành và lĩnh vực trọng yếu; chú trọng các giải pháp hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ, thị trường đối với khu vực kinh tế cá thể; đối với kinh tế tư bản tư nhân thực hiện đúng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực quản lý nhằm thu hút mạnh và có hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
3.2.2. Khác biệt từ lợi thế so sánh
Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương đều có những lợi thế so sánh riêng và khi bước vào thời kỳ đổi mới mỗi tỉnh thành lại có những xuất phát điểm khác nhau nên việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng có những điểm không giống nhau. Thành phố Hồ Chi Minh với những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, trình độ lực lượng lao động cao và là một trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội lâu đời nên ngay từ những ngày đầu đổi mới đã chủ động phát triển tất cả các thành phần kinh tế, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thương nghiệp - công nghiệp - nông nghiệp; Đồng Nai tuy có truyền thống về phát triển kinh tế công nghiệp từ thập niên 60 của thế kỷ XX nhưng cơ cấu kinh tế vẫn là nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, giá trị sản xuất của nền kinh tế vẫn còn rất nhỏ, năng lực sản xuất thấp, cơ sở hạ tầng - kỹ thuật thiếu và lạc hậu nên khi bước vào thời kỳ đổi mới Đồng Nai đã tập trung ngay vào việc kiện toàn cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế theo cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp
hợp lý, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng làm mũi nhọn, từng bước chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương nghiệp - nông nghiệp;
trong khi đó Bình Dương là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp thuần nông, nghèo và lạc hậu, hoạt động của tỉnh phải dựa vào trợ cấp từ ngân sách trung ương, nên những năm đầu đổi mới Bình Dương tập trung xây dựng nền kinh tế theo cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - thương nghiệp, chủ trương từng bước giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp thuần nông, tăng dần lực lượng lao động trong khu vực kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đến giữa thập niên 90 của thế kỷ XX Bình Dương thực hiện chuyển hướng phát triển kinh tế, chủ động chuyển đổi cơ cấu theo hướng công nghiệp - thương nghiệp - nông nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh trên cái nền phát triển chung, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh, giá trị sản xuất của khu vực kinh tế thương nghiệp và công nghiệp chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, nông nghiệp chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong cơ cấu GDP. Theo đó, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng thương nghiệp và công nghiệp; Đồng Nai và Bình Dương khác nhau trong thứ tự ưu tiên phát triển khu vực ngành kinh tế trong những năm đầu thực hiện đổi mới và cùng khác với Tp.HCM, giá trị sản xuất khu vực kinh tế nông nghiệp và các ngành dịch vụ trung gian chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP, đồng thời quá trình chuyển dịch lao động và các nguồn lực khác từ khu vực kinh tế truyền thống sang khu vực kinh tế hiện đại diễn ra chậm so với Tp.HCM.