Khả năng hội nhập kinh tế quốc tế ngày một tăng cao

Một phần của tài liệu Luận văn Lịch sử: Quá trình biến đổi xã hội trong hai mươi năm đầu đổi mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương (19862006) (Trang 134 - 137)

Hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Phù hợp với xu thế đó, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam nói chung, Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương nói riêng đã tiến hành đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm: đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.

Trên bình diện cả nước, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước trong nhóm G8; nâng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện, gia tăng nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha. Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa. Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng

việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương. Tháng 7/1995 Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Đây được coi là một bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp đó, năm 1996 Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). [224]

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương trong những năm 1986-2006 diễn ra mạnh mẽ trên nền hội nhập chung của quốc gia. Có thể đơn cử một số đặc điểm nổi bật của quá trình này như sau:

Trước hết là hội nhập thông qua quá trình thu hút đầu tư của nước ngoài, nguồn vốn, kỹ thuật, trình độ sản xuất của nhiều nước trên thế giới đã đến với Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương dưới các hình thức đầu tư trực tiếp, liên kết, liên doanh. Trong những năm 1988-1994, tức là từ khi bắt đầu đổi mới cho đến khi Nhà nước ban hành Quy chế khu chế xuất (1993) và Quy chế khu công nghiệp (1994), Tp.HCM đã thu hút 465 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài với nguồn vốn lên đến 5.748 triệu USD; Đồng Nai thu hút 70 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn 2.421,8 triệu USD; Bình Dương, một tỉnh thuần nông mới bước vào làm công nghiệp đã đạt được con số khiêm tốn với 44 dự án đầu tư trực tiếp và 494 triệu USD vốn. Những năm 1995-2000, tức là thời kỳ đã có các Quy chế khu chế xuất, Quy chế khu công nghiệp và những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế đa thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Tp.HCM đã thu hút được 679 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn 7.455 triệu USD; Đồng Nai thu hút 161 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn 3.108,6 triệu USD; và Bình Dương đã thu hút 350 dự án, tăng gần 08 lần so với thời kỳ trước (1988-1994) với số vốn 2.855,45 triệu USD, tăng gần 6 lần so với thời kỳ

trước (1988-1994). Những năm 2001-2006, tức là thời kỳ mà mô hình kinh tế chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những lo lắng và nghi ngại của giới đầu tư nước ngoài về tính nhất quán trong chính sách kinh tế và sự mở cửa hội nhập của Việt Nam với thế giới đã được hóa giải, mức độ hội nhập đã cải thiện đáng kể với số dự án đầu tư trực tiếp tăng đột biến. Tp.HCM đã thu hút 1.452 dự án với số vốn 3.975 triệu USD; Đồng Nai đã thu hút 516 dự án với số vốn 4.355,9 triệu USD; và Bình Dương đã tạo nên kỳ tích với 980 dự án đầu tư với 4.508,83 triệu USD vốn.

Đồng thời với quá trình hội nhập thông qua việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là quá trình xuất khẩu hàng hóa được gia công, sản xuất ở Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đến với thị trường các nước trên thế giới. Đồng Nai đã đạt giá trị xuất khẩu cao, nếu như năm 1985 chỉ đạt 4.223 ngàn USD và hàng hóa chủ yếu chỉ đến với thị trường các nước Lào, Campuchia và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa thì năm 1995 đã đạt 517.172 ngàn USD và năm 2006 là 4.275 triệu USD. Tính đến năm 2000, hàng hóa Đồng Nai đã đến hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới, đồng thời Đồng Nai còn ký kết hợp tác với 25 tổ chức kinh tế - xã hội phi chính phủ và quản lý 21 dự án tài trợ từ các nước Nhật, Hà Lan, Tây Ba Nha, Úc, Mỹ, Bỉ và nhiều nước khác; Bình Dương đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 35 quốc gia, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn. Năm 2006, giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ là 740.694 ngàn USD, thứ hai là thị trường Nhật Bản với 609.303 ngàn USD, thứ ba là thị trường Đài Loan với 484.821 ngàn USD và thứ tư là Hàn Quốc với 235.197 ngàn USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thực phẩm chế biến, may mặc, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ, cao su và sản phẩm nhựa, cà phê, điều, tiêu, sứ cách điện và gia dụng và linh kiện điện tử.

Các hoạt động cải cách hành chính và những chính sách ưu đãi đầu tư như, giá thuê đất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động, ân hạn thời gian đóng thuế và nhiều chính sách ưu đãi khác của chính quyền địa

phương đã giúp Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương hội nhập nhanh và sâu hơn với kinh tế thế giới.

Một phần của tài liệu Luận văn Lịch sử: Quá trình biến đổi xã hội trong hai mươi năm đầu đổi mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương (19862006) (Trang 134 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)