Các nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất nhân tố tổng hợp minh chứng thực nghiệm tại các nước đang phát triển (Trang 35 - 39)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN LÝ THUYẾT VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀ NĂNG SUẤT NHÂN TỔ TỔNG HỢP

1.4 Các nghiên cứu thực nghiệm trong nước và ngoài nước

1.4.2 Các nghiên cứu trong nước

Ở Việt Nam đã có khá nhiều nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung, nhưng các nghiên cứu sâu về tác động FDI lên kinh tế còn rất hạn chế nhất là sử dụng phương pháp định lượng. Đặc biệt là những bài nghiên cứu đánh giá tổng quát tác động của FDI lên năng suất quốc gia. Mà TFP là một chỉ tiêu tốt để đo lường năng suất (Lipsey và Carlaw, 2004). Dưới đây một số nghiên cứu điển hình:

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Tuệ Anh;Vũ Xuân Nguyệt Hồng; Trần Toàn Thắng và Nguyễn Mạnh Hải, 2006 thuộc Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) về tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thông qua hai kênh chính là kênh đầu tư và tác động tràn của FDI. Dữ liệu được trích từ nhiều nguồn khác nhau giai đoạn 1988-2003 và được ước lượng bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất hai giai đoạn (2GLS) và tính dừng của chuỗi khi sử dụng số liệu chuỗi thời gian. Kết quả cho thấy vai trò to lớn của đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng tại các nước đang phát triển. FDI không chỉ cung cấp vốn đầu tư và tăng tài sản vốn, mà còn có tác động làm tăng hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế. Tuy nhiên trình độ lao động còn thấp là yếu tố cản trở sử đóng góp của FDI vào tăng trưởng. Mặt khác, hoạt động của doanh nghiệp FDI tạo ra tác động tràn tích cực đến

doanh nghiệp trong nước nhất là doanh nghiệp tư nhân, ở vùng kém phát triển và có ít đầu tư nước ngoài vào.

Hoàng Văn Thanh và Phạm Thiên Hoàng, 2010 thuộc Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) nghiên cứu về sự lan tỏa năng suất từ đầu tư trực tiếp nước ngoài: trường hợp tại Việt Nam. Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng được trích từ Cuộc điều tra Doanh nghiệp của Tổng Cục thống kê (GSO) giai đoạn 2003- 2007 và áp dụng phương pháp nghiên cứu tác động cố định (Fixed effect method).

Kết quả cho thấy đóng góp tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất của các công ty nội địa tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách công nghệ và cần phải nâng cao chất lượng lao động trong công ty nội địa để phát huy lợi ích tối đa từ đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Để đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam được nghiên cứu bởi TS.Phạm Thị Hoàng Anh và Lê Hà Thu, 2013. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình VAR và các chuỗi số liệu thu thập theo quý để phân tích mối quan hệ đó. Các kết quả cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động rất tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và ngược lại. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, nguồn vốn FDI đã kích thích xuất khẩu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ là những tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, GS.TS Trần Thọ Đạt và Đỗ Thị Tuyết Nhung, 2013 cũng nhắc đến FDI và cho rằng đây là một kênh chuyển giao công nghệ quan trọng đối với các nước đang phát triển, qua đó có tác động tích cực đối với gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên FDI vẫn có thể mang lại tác động tiêu cực đối với kinh tế nếu chính sách ưu đãi của việc thu hút FDI tạo lợi thế cho công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian dài gây ra sự bất bình đẳng cạnh tranh cho công ty trong nước. Nghiên cứu của Diệp Gia Luật và Nguyễn Đình Minh, 2013 về vai trò của ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển và các nhân tố tác động

đến TFP của khu vực FDI tại Việt Nam giai đoạn 2000-2011. Kết quả cho thấy các ưu đãi thuế cho nghiên cứu và phát triển của khu vực FDI Việt Nam có tác động cùng chiều với TFP bằng phân tích mô hình hồi quy bội và sử dụng dữ liệu vĩ mô.

Sự thay đổi về cơ cấu kinh tế do công ty FDI mang lại cũng có ảnh hưởng tích cực làm tăng TFP. Mặt khác bài nghiên cứu cũng cho thấy nền kinh tế mở thông qua tiếp cận với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu trung gian cũng chưa hẳn đóng góp tích cực vào TFP.

Tóm lại, tác động của đầu tư trực tiếp lên năng suất nhân tố tổng hợp mà biểu hiện chính thông qua chuyển giao công nghệ, thúc đẩy năng sản xuất cho doanh nghiệp nội địa là vấn đề cần nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tác động của FDI có nhiều tranh luận. Mỗi nghiên cứu cho thấy kết quả ước lượng khác nhau và nguồn dữ liệu khác nhau.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Trong chương này luận văn đã đề cập đến tổng quan lý thuyết về đầu tư trực tiếp nước ngoài và năng suất nhân tố tổng hợp, làm rõ khái niệm và quan điểm chung về đầu tư trực tiếp nước ngoài, năng suất nhân tố tổng hợp cũng như tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất nhân tố tổng hợp.

Nội dung chương này còn nêu một số nghiên cứu thực nghiệm trước đó ở trong nước và nước ngoài về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài lên năng suất nhân tố tổng hợp, qua đó cho thấy chưa nhiều nghiên cứu vấn đề này ở mức độ vĩ mô tại các nước đang phát triển nhất là khu vực nhóm nước có thu nhập trung bình- thấp cũng như đánh giá được những lợi thế mà đầu tư trực tiếp nước ngoài có thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hiệu quả, bền vững ở nước tiếp nhận đầu tư. Do đó, đây là vấn đề tranh luận cả trong lý thuyết và thực tiễn.

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất nhân tố tổng hợp minh chứng thực nghiệm tại các nước đang phát triển (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)