CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM
3.4 Tổng hợp kết quả nghiên cứu
Kết quả phân tích mô hình tác động cố định ở bảng 3.5 cho thấy rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động dương năng suất nhân tố tổng hợp. Cụ thể tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài trên GDP có quan hệ cùng chiều với tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp tại các quốc gia đang phát triển và có ý nghĩa thống kê tại mức 1%. Kết quả này trùng với giả thuyết H1 đặt ra. Ví dụ, trong phương trình (3) cứ 1% gia tăng trong tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài trên GDP trung bình làm tăng khoảng 0.1594973%. Điều này hàm ý rằng những quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn sẽ góp phần thúc đẩy tăng năng suất nhân tố tổng hợp, qua đó cải thiện trình độ công nghệ, chất lượng lao động cũng như nâng cao khả năng quản lý của doanh nghiệp đối với quốc gia tiếp nhận đầu tư. Kết quả này mâu thuẫn với kết luận trong bài nghiên cứu thực nghiệm của Kadi Filiz, 2014 là FDI có tác động âm đến năng suất nhân tố tổng hợp, nhưng phù hợp với bài nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả Pessoa, 2005; ElSadig Musa Ahmed, 2008; Hongsilk Lee, Joonhyung Lee và Hyuk- hwang Kim, 2011; Ibrahim Arisoy, 2012. Nguyên nhân có thể đến từ các nước đang phát triển. Bởi vì, FDI không chỉ bổ sung nguồn vốn đầu tư trong nước mà còn góp phần đưa công nghệ mới vào sản suất (công nghệ có thể tiên tiến hơn so với quốc gia tiếp nhận đầu tư), truyền bá kiến thức, cải thiện chất lượng lao động. Do đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy cải thiện năng suất nhân tố tổng hợp cho các nước đang phát triển có
thu nhập trung bình và thấp, qua đó góp phần kinh tế tăng trưởng bền vững và ổn định.
Ngoài ra, hai biến đại diện cho nhóm biến về mở cửa thương mại quốc tế (gồm OPN, IMP) có tác động khác nhau đến biến TFPG. Biến OPN mang dấu dương phù hợp với giả thuyết H2 đưa ra trong khi đó biến IMP mang dấu âm trái và trái với giả thuyết H3. Nhưng cả hai biến này đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%, tương tự như kết quả nghiên cứu của Kadi Filiz, 2014.Ví dụ ở phương trình (3), khi độ mở cửa thương mại của quốc gia đó tăng 1% thì tốc độ năng suất nhân tố trung bình tăng 0.1028881%, trái lại càng tăng nhập khẩu 1% sẽ có thể làm giảm tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp trung bình 0.0832525%. Kết quả chứng minh rằng, việc mở cửa thương mại quốc tế thông qua hoạt động xuất nhập khẩu có thể tạo điều kiện lan tỏa năng suất cho các nước đang phát triển, tuy nhiên không tồn tại sự lan tỏa kỹ thuật từ nhập khẩu, tức là việc nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ từ nước ngoài để sản xuất hàng hóa xuất khẩu chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến công ty nội địa. Nguyên nhân xuất phát từ một số lý do như trình độ năng lực lao động trong nước còn hạn chế khi tiếp cận công nghệ mới, qua đó chưa tận dụng được cớ hội để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mà tiến tới làm chủ khoa học kỹ thuật; công nghệ được nhập khẩu về chưa thật sự tiên tiến, hiện đại như kỳ vọng ban đầu.
Chẳng hạn, tại Việt Nam, thông qua FDI, thu hút đầu tư công nghệ cao, tiên tiến còn rất thấp, mới đạt 5% đến 6% trong khi mục tiêu 35% đến 40%, công nghệ chỉ đạt ở mức trung bình; một số doanh nghiệp FDI có tỷ lệ nhập khẩu cao nhưng không chú trọng vào sản suất mà chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp và khai thác thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, biến CAP có tác động âm đến tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 5%, trái với giả thuyết H4. Kết quả này phản ánh qua mối quan hệ trái chiều giữa tổng vốn cố định và năng suất nhân tố
tổng hợp và khác với nghiên cứu thực nghiệm của Kadi Filiz, 2014. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc đầu tư vào hạ tầng của các nước đang phát triển chưa tạo điều kiện làm nền tảng hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật, còn lãng phí vốn đầu tư.
Tương tự như kết luận của Kadi Filiz, 2014 biến RD có tác động dương đến tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp, điều này trùng hợp với giả thuyết H4 đặt ra trong bài nghiên cứu, nhưng lại không có ý nghĩa thống kê. Nguyên nhân, công tác đầu tư cho nghiên cứu và triển khai tại các nước đang phát triển có thu nhập trung bình - thấp còn rất thấp và khác nhau ở phạm vi mỗi nước, trung bình chiếm khoảng 0.2% -0.3% so với GDP (Worldbank), dữ liệu không đầy đủ dàn trải nhiều quốc gia (Châu Á, Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi), thiếu dữ liệu quan sát cho hầu hết các quốc gia trong mẫu nghiên cứu trong đó có Việt Nam.
Hình43.6 Dữ liệu của biến RD giai đoạn 1996-2012
Nguồn: Tác giả tự xử lý và tổng hợp bằng phần mềm Stata 11.
0.5 11.5 0.5 11.5 0.5 11.5 0.5 11.5
1995 2000 2005 2010 1995 2000 2005 2010
1995 2000 2005 2010 1995 2000 2005 2010 1995 2000 2005 2010
India Indonesia Thailand Vietnam Philppines
Mongolia Sri Lanka Iran Pakistan Brazil
Colombia Peru Egypt Ecuador Morocco
Algeria Bolivia South Africa
rd
1996-2012
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Qua phân tích kết quả thực nghiệm thông qua phân tích hồi quy dữ liệu bảng hàng năm đối với các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và thấp. Bài nghiên cứu đã làm rõ được một số vấn đề như sau: đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng giúp cải thiện chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp cho các quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình- thấp góp phần hỗ trợ thu hẹp khoảng cách chênh lệch khoa học công nghệ giữa nước công nghiệp phát triển và nước chưa phát triển, tuy nhiên việc nhập khẩu cũng như quá trình tạo lập tổng vốn cố định của quốc gia chưa hẳn mang lại hiệu quả công nghệ như kỳ vọng. Vì vậy Chính phủ các nước trong mẫu nghiên cứu một mặt cần tiếp tục xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp từng giai đoạn phát triển của quốc gia nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn ngoại này bổ sung vào nguồn vốn đầu tư trong nước, sau đó gia tăng năng suất quốc gia đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định thông qua đổi mới công nghệ, truyền bá kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động. Song song đó, việc mở cửa thương mại quốc tế cũng tạo điều kiện cho công ty trong nước cơ hội tiếp xúc với thị trường quốc tế rộng lớn, tận dụng các chính sách ưu đãi về thương mại, tăng cường xuất khẩu, làm lan tỏa năng suất giữa các nước. Tuy nhiên, cũng cần phải hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài nhất là những mặt hàng mà doanh nghiệp nội địa có thể sản xuất với chất lượng không kém hàng hóa nước ngoài, tận dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước trước để đưa vào quá trình sản suất và chọn lọc máy móc, thiết bị, công nghệ có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, tiên tiến khi nhập khẩu, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Phần sau, dựa vào kết quả nghiên cứu thực nghiệm, bài nghiên cứu đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp ở khu vực FDI.