1.2. Khái niệm cơ bản của đề tài
1.2.1. Phát triển nguồn nhân lực
Marquardt và Engel (1993) cho rằng PTNNL bao gồm việc phát triển một môi trường học tập, thiết kế các chương trình đào tạo, chuyển giao thông tin và kinh nghiệm, đánh giá kết quả, cung cấp chỉ dẫn nghề nghiệp, tạo ra những thay đổi tổ chức và thích nghi với các tài liệu giảng dạy [64].
Theo Marsick và Watkins (1994): PTNNL như là một sự kết hợp giữa đào tạo, phát triển nghề nghiệp và sự phát triển tổ chức nhằm cung cấp sự hội nhập lý thuyết cần thiết để hình dung ra một tổ chức học tập, nhưng nó phải được định vị để thực hiện một cách chiến lược thông qua tổ chức.
Còn Swanson (1995) đã khái quát hơn khi cho PTNNL là một quá trình phát triển và/hoặc giải phóng chuyên môn của con người thông qua sự phát triển của tổ chức và đào tạo cán bộ, nhằm mục đích cải thiện sự thể hiện [73].
Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã khái quát: PTNNL là quá trình nâng cao năng lực của con người về mọi mặt để tham gia một cách hiệu quả vào quá trình phát triển quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực của con người vì sự tiến bộ kinh tế - xã hội [40]
19
Có thể thấy, cả theo quan điểm của các nhà khoa học phương Tây và các nhà khoa học Việt Nam, PTNNL luôn được nhận định là quá trình tạo ra tiềm năng và khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng đó. Quá trình này gồm nhiều bước: quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, tạo môi trường.
1.2.2. Giảng viên đại học, Đội ngũ giảng viên đại học 1.2.2.1. Giảng viên đại học
Theo Wikipedia, giảng viên “là công chức chuyên môn đảm nhiệm việc giảng dạy và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học hoặc cao đẳng”
Luật Giáo dục Đại học năm 2012 cũng nêu rõ: “Giảng viên là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục” [59].
Hiện nay ở các trường đại học lớn ở các quốc gia phát triển, giảng viên đại học được định nghĩa trong ba chức năng chính: (1) Nhà giáo, (2) Nhà khoa học, và (3) Nhà cung ứng dịch vụ cho cộng đồng.
Giảng viên = Nhà giáo + Nhà khoa học + Nhà cung ứng dịch vụ - Giảng viên - Nhà giáo
Đây là vai trò truyền thống, nhưng quan trọng và tiên quyết đối với một giảng viên. Theo các nhà giáo dục thế giới thì một giảng viên toàn diện là người có (được trang bị) 4 nhóm kiến thức/ kỹ năng sau:
+ Kiến thức chuyên ngành: kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành và chuyên môn học mà mình giảng dạy.
+ Kiến thức về chương trình đào tạo: tuy mỗi giảng viên đều đi chuyên về một chuyên ngành nhất định, nhưng để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học thì giảng viên phải được trang bị (hoặc tự trang bị) các kiến thức về cả chương trình giảng dạy. Khối kiến thức này quan trọng vì nếu không biết được vị trí và các tương tác trong bức tranh tổng thể, kiến thức chuyên ngành hẹp cung cấp cho sinh viên trở nên khô cứng và có độ ứng dụng thấp.
+ Kiến thức và kỹ năng về dạy và học: bao gồm khối kiến thức về phương pháp luận, kỹ thuật dạy và học nói chung và dạy/ học trong từng chuyên ngành cụ thể. Bên cạnh phương pháp chung thì mỗi chuyên ngành (thậm chí từng môn học
20
hoặc cùng môn học nhưng khác đối tượng học) đều có những đặc thù riêng biệt đòi hỏi phải có những phương pháp tiếp cận khác nhau.
+ Kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục… Đây có thể coi là khối kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng cho các hoạt động dạy và học. Chỉ khi mỗi giảng viên hiểu rõ được các sứ mệnh, giá trị cốt lõi, và các mục tiêu chính của hệ thống giáo dục và môi trường giáo dục thì việc giảng dạy mới đi đúng định hướng và có ý nghĩa xã hội.
- Giảng viên – nhà khoa học
Ở vai trò thứ hai này, giảng viên thực hiện vai trò nhà khoa học với chức năng giải thích và dự báo các vấn đề của tự nhiên và xã hội mà loài người và khoa học chưa có lời giải. Nghiên cứu khoa học, tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, vào thực tiễn đời sống và công bố các kết quả nghiên cứu cho cộng đồng (cộng đồng khoa học, xã hội nói chung, trong nước và quốc tế) là ba chức năng chính của một nhà khoa học.
- Giảng viên – nhà cung ứng dịch vụ cho xã hội
Đây là một vai trò mà rất nhiều giảng viên đại học Việt Nam chưa chú trọng thực hiện nhưng nó lại là một vị trí mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng ở các giảng viên. Ở vai trò này, giảng viên cung ứng các dịch vụ của mình cho nhà trường, cho sinh viên, cho các tổ chức xã hội – đoàn thể, cho cộng đồng và cho xã hội nói chung. Cụ thể đối với nhà trường và sinh viên, một giảng viên cần thực hiện các dịch vụ như tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tìm chỗ làm cho sinh viên… Với ngành của mình, giảng viên làm phản biện cho các tạp chí khoa học, tham dự và tổ chức các hội thảo khoa học.
1.2.2.2. Đội ngũ giảng viên đại học
Khi nói đến đội ngũ giảng viên, cần hiểu đây là một tập thể, mà các thành tố trong đó có mối quan hệ lẫn nhau, ràng buộc với nhau bởi các cơ chế, quy định nào đó. Đặc điểm lao động sư phạm đòi hỏi phải “hết sức coi trọng chất lượng của từng người giáo viên, nhưng mặt khác, sự phân công lao động lại đòi hỏi phải rất quan tâm đến chất lượng đội ngũ, trước hết là tập thể sư phạm trong mỗi nhà trường” [12, tr.40]
21
Đội ngũ giảng viên đại học được xếp vào nguồn nhân lực chất lượng cao với các đặc điểm sau:
- Được tuyển chọn kỹ càng dựa trên các tiêu chí về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy, phù hợp với tiêu chí chung của tổ chức, cơ sở đào tạo
- Cùng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng mà Nhà nước và xã hội đặt ra đối với hoạt động đào tạo đại học
- Mỗi thành viên, bộ phận của đội ngũ giảng viên thực hiện những chức trách và nhiệm vụ chuyên biệt tùy thuộc vào vị trí, chuyên môn, đặc điểm môi trường hoạt động song đều chịu sự quản lí thống nhất về thể chế, tổ chức, chuyên môn theo quy định của Nhà nước
- Môi trường đào tạo là môi trường lao động đặc biệt, mang đậm sắc thái văn hóa sư phạm với nhiều mối quan hệ: đồng nghiệp, thầy và trò, nhà trường và xã hội...[12].
Có thể khẳng định, đội ngũ giảng viên là một bộ phận then chốt trong quá trình dạy học, đóng vai trò quan trọng đến chất lượng giáo dục đào tạo. Để quản lý được chất lượng của đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên đại học ngành nghệ thuật nói riêng, cũng cần thực hiện đúng nguyên tắc: thiết lập chuẩn, đánh giá thực trạng so với chuẩn và các biện pháp đẩy thực trạng lên đạt chuẩn. Đặc trưng của đội ngũ giảng viên gồm các yếu tố: Số lượng; Cơ cấu (nhóm ngành, độ tuổi); Chất lượng (học vấn, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa nhà trường…)
Vì vậy, có thể nhận định, đội ngũ giảng viên là tập hợp những người làm công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Họ được tập hợp thành lực lượng thống nhất, có chung nhiệm vụ là thực hiện mục tiêu đào tạo, có chung nghĩa vụ được quy định của nhà nước và xã hội, có chung lợi ích về vật chất và tinh thần.