Hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giảng viên đại học khối ngành nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 34 - 42)

1.2. Khái niệm cơ bản của đề tài

1.2.4. Hội nhập quốc tế

Thuật ngữ “hội nhập quốc tế” trong tiếng Việt có nguồn gốc dịch từ tiếng Anh là “international integration”, tiếng Pháp là “intégration internationale”. Đây là một khái niệm được sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực chính trị học quốc tế và kinh tế quốc tế, ra đời từ khoảng giữa thế kỷ trước ở châu Âu.

Ở Việt Nam, thuật ngữ „hội nhập kinh tế quốc tế” bắt đầu được sử dụng từ khoảng giữa thập niên 1990 cùng với quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN, tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và các thể chế kinh tế quốc tế khác.

Những năm gần đây, cụm từ “hội nhập quốc tế” (thậm chí nói ngắn gọn là “hội nhập”) được sử dụng ngày càng phổ biến hơn và với hàm nghĩa rộng hơn hội nhập kinh tế quốc tế.

Có thể hiểu hội nhập như là một quá trình xã hội có nội hàm toàn diện và thường xuyên vận động hướng tới mục tiêu nhất định. Theo đó, hội nhập quốc tế được hiểu như là quá trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết họ với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực (thẩm quyền định đoạt chính sách) và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế. Như vậy, khác với hợp tác quốc tế (hành vi các chủ thể quốc tế đáp ứng lợi ích hay nguyện vọng của nhau, không chống đối nhau), hội nhập quốc tế vượt lên trên sự hợp tác quốc tế thông thường: nó đòi hỏi sự chia sẻ và tính kỷ luật cao của các chủ thể tham gia.

Hội nhập quốc tế có thể diễn ra trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, an ninh-quốc phòng, văn hóa, giáo dục, xã hội, v.v.), nhưng cũng có thể đồng thời diễn ra trên nhiều lĩnh vực với tính chất (tức là mức độ gắn kết), phạm vi (gồm địa lý, lĩnh vực/ngành) và hình thức (song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực, toàn cầu) rất khác nhau. Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu lớn

25

của thế giới, con đường phát triển không thể nào khác đối với các nước trong thời đại toàn cầu hóa là tham gia hội nhập quốc tế.

Hội nhập quốc tế về văn hóa nghệ thuật là quá trình hợp tác, trao đổi văn hóa nghệ thuật với các nước trên thế giới; chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc với thế giới; tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa dân tộc; tham gia vào các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa-giáo dục và xã hội khu vực và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa-xã hội rộng lớn hơn trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Hội nhập văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sâu sắc quá trình hội nhập. Quá trình này giúp các dân tộc ở các quốc gia khác nhau ngày càng gần gũi và chia sẻ với nhau nhiều hơn về các giá trị, phương thức tư duy và hành động;

đồng thời tạo điều kiện để người dân mỗi nước được thụ hưởng tốt hơn các giá trị văn hóa của nhân loại.Một trong sáu nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI xác định, là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

1.3. Tác động của bối cảnh hội nhập quốc tế đến phát triển đội ngũ giảng viên đại học khối ngành nghệ thuật

Ngày 10 tháng 4 năm 2013, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 22-NQ/TƯ về hội nhập quốc tế, tiếp theo đó ngày 13 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 31 NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22- NQ/TƯ. Ngày 18 tháng 11 năm 2013, Ban chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết số 29-NQ/TW về việc về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

Ngày 09 tháng 6 năm 2014, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là những dấu mốc quan trọng cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của hội nhập quốc tế (HNQT) đối với nước ta cũng như vai trò đặc biệt của văn hóa và giáo dục trong quá trình xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.

26

1.3.1.Tác động của bối cảnh hội nhập quốc tế đến giáo dục, đào tạo đại học

Trước khi đặt giáo dục đào tạo khối ngành nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần khẳng định:

- Tri thức là của chung nhân loại nhưng mỗi quốc gia có cách tiếp thu, sử dụng khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, trình độ cụ thể.

- Hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới có các điểm tương đồng và khác biệt nên quá trình hội nhập không thể hoàn toàn tương thích.

- Hội nhập quốc tế về giáo dục phải diễn ra đồng thời với hội nhập quốc tế về kinh tế, khoa học – công nghệ, văn hóa, chính trị… Các lĩnh vực này có tác động hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa có tác động tích cực đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. HNQT đem đến cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến hiện đại của thế giới mở ra, sự hợp tác quốc tế được nâng cao và mở rộng. Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến của thế giới, giáo dục Việt Nam tất yếu phải lựa chọn những giải pháp tích hợp để đổi mới giáo dục, tiến tới xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân bền vững, xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, hiện đại, có ảnh hưởng và vị trí trong khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh chung đó, giáo dục đại học – với tư cách là giáo dục chất lượng cao, đào tạo tri thức hiện đại, càng phải là mũi nhọn trong công tác đổi mới giáo dục. Điều này được khẳng định trong Nghị quyết 12/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ.

Giáo dục đại học là bậc giáo dục đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đòi hỏi phải hội nhập quốc tế mạnh. Trên thực tế ở Việt Nam đã và đang diễn ra 4 hình thức cung ứng dịch vụ giáo dục quốc tế (theo nội dung về dịch vụ giáo dục của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ - GATS). Đó là: cung ứng xuyên quốc gia, tiêu thụ nước ngoài, hiện diện thương mại và hiện diện cá nhân. Mạnh nhất là du học ở nước ngoài (ở Mỹ là hơn 13000 SV, Úc hơn 8000 SV, Anh hơn 6000 SV….). Tiếp đến là hình thức trao đổi học hỏi chương trình của nước ngoài, thực hiện các hình thức liên kết – hợp tác đào tạo với nước ngoài… [60].

Tuy nhiên, HNQT trong lĩnh vực giáo dục đại học không chỉ có thuận lợi và cơ hội lớn, mà còn đứng trước những thách thức không nhỏ. Trình độ còn thấp,

27

nguồn lực yếu, thiếu kinh nghiệm, lại chưa có một chiến lược cụ thể rõ ràng, các chính sách và giải pháp chưa đồng bộ và chưa có hiệu quả cao. Trên thực tế quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế trong giáo dục còn mang tính tự phát, hiệu quả chưa cao. Nhiều chương trình đào tạo, đối tác nước ngoài được chọn hợp tác – liên kết chưa được kiểm định chất lượng, chất lượng không cao, nhiều học sinh, sinh viên ra nước ngoài phải vào học ở các trường chất lượng thấp. Trong khi đó, quản lý nhà nước về HTQT trong giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng còn lỏng lẻo, nhiều sơ hở, công tác kiểm tra, thanh tra yếu, thiếu kiểm định chất lượng, các hiện tượng vi phạm pháp luật, tiêu cực chưa được phát hiện kịp thời, xử lý thiếu kiên quyết, nghiêm minh.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, sự thay đổi về phương pháp giảng dạy là khâu đột phá. Trong đó, giảng viên là người đóng vai trò chủ động . Điều đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải nỗ lực tự đổi mới mình, nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy, tích cực cập nhật thông tin, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Cần có những chính sách để thúc đẩy phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên, nâng cao trình độ tiến kịp với mặt bằng trình độ chung của giảng viên đại học quốc tế.

1.3.2. Tác động của bối cảnh hội nhập quốc tế đến các ngành nghệ thuật

Trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, HNQT cũng có những tác động nhất định. Thứ nhất, đó là sự du nhập và ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài đối với văn hóa Việt Nam. Ngày nay, những sinh hoạt văn hóa quốc tế không còn xa lạ đối với người dân. Những sinh hoạt đó giúp đời sống văn hóa người dân ngày càng trở nên đa dạng đồng thời giúp cho giáo dục văn hóa-nghệ thuật có một cách nhìn mới về các hiện tượng văn hóa-nghệ thuật mới xuất hiện và đang dần định hình ở Việt Nam; Thứ hai, HNQT đem đến Việt Nam những hệ thống lý thuyết nghệ thuật mới.

Những lý thuyết nghệ thuật này bổ sung cho những lý thuyết nghệ thuật của khối các nước xã hội chủ nghĩa vốn định hình từ lâu trong giời học thuật nước nhà. Rõ ràng, với những vấn đề nghệ thuật mới cần có những cách tiếp cận mới; cũng như việc cung cấp những lý thuyết mới để giải quyết những vấn đề cũ đã giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo nghệ thuật ở nước ta; Thứ ba, sự trao đổi văn hóa nghệ thuật ngày càng trở nên sôi động hơn trong thời kỳ Việt Nam mở rộng HNQT. Những

28

thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch cho thấy 3 xu hướng quan trọng:

(1) Việt Nam ngày càng có thêm nhiều quan hệ đối ngoại về văn hóa hơn; (2) Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực tham gia vào các sinh hoạt văn hóa-nghệ thuật quốc tế hơn; (3) Vị thế của văn hóa-nghệ thuật Việt Nam đối với cộng đồng thế giới ngày càng được khẳng định. Điều này dẫn đến những trao đổi học thuật và giáo dục trong lĩnh vực nghệ thuật theo cả hai hướng: người nước ngoài tham gia giảng dạy ở Việt Nam và người Việt Nam tham gia giảng dạy ở nước ngoài. Dù ở bất kỳ chiều hướng nào cũng đều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam. Thứ tư, quá trình HNQT tạo cho Việt Nam cơ hội cọ xát và hội nhập với đào tạo nghệ thuật trong khu vực và trên toàn thế giới. Trong quá trình hội nhập này, những tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế là điều mà Việt Nam phải cân nhắc trong quá trình đào tạo nghệ thuật của mình. Chính vì vậy, những tiêu chuẩn đào tạo, chất lượng giảng viên (như ngoại ngữ, qui trình đào tạo...) được các trường xem xét trong tương quan với các trường quốc tế (đặc biệt là các trường trong khu vực).

Chính vì thế, trong năm 2013-2014, các cơ sở đào tạo văn hóa-nghệ thuật của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã được yêu cầu xây dựng đề án phát triển của mình, trong đó, yêu cầu vươn đến tầm các trường trong khu vực được xem như một nội dung quan trọng để các trường lên kế hoạch trong các đề án phát triển.

Bên cạnh những tác động tích cực do bối cảnh HNQT mang lại, còn có những thách thức đặt ra trong công tác quản lý văn hóa nghệ thuật. Tuy đã bước vào quá trình hội nhập giao lưu văn hóa song trình độ quản lý văn hóa nghệ thuật, trình độ tư duy, sáng tác vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp bước phát triển trên thế giới.

Quá trình giao lưu, đẩy mạnh hội nhập quốc tế cũng đặt ra vấn đề truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, bản sắc và hội nhập… Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa cũng đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và thị trường. Có những tác phẩm phù hợp với thị hiếu của đông đảo khán giả, doanh thu cao, song tính nghệ thuật thấp. Hoặc ngược lại, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhưng lại không thu hút được sự quan tâm của khán giả, không đem lại doanh thu.

Điều này ảnh hưởng đến chất lượng của tác phẩm, đến tâm huyết của người làm nghề.

29

Hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi sự đổi mới không ngừng của các đơn vị nghệ thuật nhằm theo kịp xu thế của thời đại. Tuy nhiên, quá trình đổi mới không thể diễn ra ngay lập tức mà đòi hỏi nhận thức, tư duy của người làm nghệ thuật và người quản lý hoạt động nghệ thuật.

* Tác động của quá trình hội nhập quốc tế đến mỹ thuật

Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, mỹ thuật là loại hình nghệ thuật ngày càng được xã hội quan tâm. Mỹ thuật Việt Nam cũng ngày càng vươn ra tầm khu vực và thế giới với nhiều giải thưởng ở các cuộc thi mỹ thuật của các họa sĩ chuyên nghiệp cũng như các cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi. Các loại hình mỹ thuật phát triển đồng thời: hội họa hiện thực, hội họa trừu tượng, điêu khắc ngoài trời, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật tạo hình, tạo hình kỹ thuật số…. Sự thâm nhập của mỹ thuật thế giới vào Việt Nam đã bước đầu mang lại một không khí đổi mới trong sáng tạo, thúc đẩy mỹ thuật phát triển theo các phong cách khác nhau: siêu thực, bán trừu tượng và trừu tượng, ấn tượng trong cả hội họa, điêu khắc và tranh hoành tráng. Trong số đó, nhiều loại hình mới xuất hiện ở VN song đã được công chúng đón nhận.

Số lượng và chất lượng các triển lãm mỹ thuật ngày càng được nâng cao, một số triển lãm ở địa phương đã có thể bán tranh không chỉ cho người nước ngoài mà cả người trong nước. Công chúng đã bắt đầu có thú chơi tranh, gu thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức cái đẹp của họ ngày càng cao.

Xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, những người hoạt động trong ngành mỹ thuật, các họa sĩ trẻ có điều kiện đi học tập, thực tập và thực tế tại nước ngoài nhiều hơn, có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa nghệ thuật phương Tây và thế giới, giúp nâng cao nhận thức và chuyên môn.

“Việc mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung về kinh tế đã mở ra cho giới sáng tác mỹ thuật Việt Nam một không gian mỹ thuật mới, có đủ những yếu tố của một môi trường mỹ thuật đích thực. Đời sống mỹ thuật bước vào một giai đoạn mới với nét nổi bật là sự tái lập thị trường mỹ thuật và những vấn đề đặt ra về thị hiếu, thẩm mỹ, sở thích thưởng ngoạn của người xem”.

[6, tr.192]

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, hội nhập quốc tế cũng tạo ra những thách thức to lớn đối với mỹ thuật Việt Nam. Nhu cầu thẩm mỹ của người dân ngày

30

càng được nâng cao. Nhiều công trình mỹ thuật, tác phẩm mỹ thuật trong nước chưa theo kịp được sự phát triển ấy nên chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng. Thị trường mỹ thuật phát triển ồ ạt, không có định hướng và kiểm định. Sáng tạo nghệ thuật bị chi phối bởi đồng tiền, lợi nhuận. Hiện tượng kinh doanh nghệ thuật, thương mại hóa nghệ thuật gia tăng, trong khi đó, các sáng tác tâm huyết vì nghệ thuật ngày càng giảm.

* Tác động của quá trình hội nhập quốc tế đến sân khấu

Nền sân khấu Việt Nam đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển với nhiều hình thức đa dạng và độc đáo. Các loại hình sân khấu trên đều đang phát triển, thu được nhiều thành tựu về văn hóa, nghệ thuật, gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Nghệ thuật sân khấu vẫn được nhiều tầng lớp khán giả ưa chuộng.

Các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng có nhiều cố gắng trong việc đưa sân khấu đến gần hơn với khán giả thông qua việc xây dựng kịch bản gần gũi với các vấn đề của đời sống xã hội, cách dàn dựng hiện đại, đổi mới, đưa sân khấu đến tận vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con.

Giao lưu quốc tế trong lĩnh vực sân khấu ngày càng gia tăng, thể hiện ở số lượt đoàn, nhóm nghệ sĩ VN ra nước ngoài và số đoàn quốc tế đến VN giao lưu.

Hình thức giao lưu hợp tác cũng ngày càng phong phú, đa dạng: từ sự hợp tác văn hóa giữa hai nhà nước, hai chính phủ, đến sự hợp tác giữa các các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ….Có thể thấy, giao lưu hội nhập quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho sân khấu VN như: nhanh chóng hòa nhập với xu thế hiện đại, phát triển chung của sân khấu thế giới, có điều kiện thuận lợi hơn trong giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới, đưa nền nghệ thuật truyền thống đi phục vụ khắp các châu lục, được khán giả quốc tế đánh giá cao, thúc đẩy những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo mới của giới nghệ sĩ sân khấu VN.

Để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế, người làm nghệ thuật sân khấu cũng ngày càng học hỏi bài bản, nắm bắt cả kiến thức kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo cho sản phẩm nghệ thuật. Họ năng động tiếp cận cái mới, yêu thích sự thay đổi, hòa mình vào nghệ thuật để sáng tạo, chứ không chỉ tiếp nhận một cách thụ động.

* Tác động của quá trình hội nhập quốc tế đến điện ảnh

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giảng viên đại học khối ngành nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 34 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)