CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Những nghiên cứu về ngôn ngữ đánh giá và ngữ pháp chức năng hệ thống
Các nghiên cứu về lí thuyết ngôn ngữ đánh giá và ngữ pháp chức năng hệ thống chủ yếu được đề cập trong các công trình của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, hướng nghiên cứu này chỉ dừng lại ở những thí nghiệm sơ bộ trong một số loại hình / lĩnh vực nhất định.Có thể tổng thuật những công trình mang tính trọng điểm sau:
Năm 2010, luận văn “Phân tích thái độ trong thể loại kể chuyện trong sách giáo khoa tiếng Anh bậc trung học phổ thông” (Analysis of attitudes in story genres from English textbooks for senior high schools) [26], tác giả người Trung quốc đã tìm hiểu và phân tích NNĐG thể hiện “thái độ” hiển ngôn trong bài đọc ở ba tiểu loại kể chuyện, đó là tường thuật, giãi bày cảm xúc và tự sự. Kết quả của nghiên cứu nhằm giúp học sinh hiểu được ý nghĩa tầng sâu của văn bản, mục đích của tác giả và mô-típ của từng thể loại văn bản. Tuy nhiên luận văn này chưa hệ thống hóa được các biện pháp hiện thực hóa “thái độ” (attitude) hiển ngôn, chưa tìm hiểu NNĐG thể hiện “thái độ” hàm ngôn. Hơn nữa luận văn này chưa hề đề cập tới góc độ thứ hai của bộ công cụ đánh giá, đó là “thang độ” (graduation)
Luận văn Thạc sĩ của Kawamitsu (2012) [24] tìm ra sự khác biệt về NNĐG trong SGK ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 4 ở Nhật và ở Mĩ. Luận văn này phát triển hơn luận văn đề cập ở trên là đã quan tâm đến NNĐG thể hiện “thái độ” hàm ngôn. Tuy nhiên, luận văn này cũng chưa hệ thống hóa được các biện pháp hiện thực hóa “thái độ” hiển ngôn và cũng chưa mở rộng đến góc độ thứ hai của bộ khung đánh giá, đó là NNĐG thể hiện “thang độ”.
Luận văn thạc sĩ của Canfield (2013) [23] đi theo hướng tìm ra sự khác biệt về đặc điểm ngữ pháp từ vựng trong hai thể loại văn bản có mục đích xã hội khác nhau rõ nét, đó là thể loại “kể chuyện” và “thông tin”. Nghiên cứu này có điểm phát triển hơn các nghiên cứu trước là đi sâu hơn về các giá trị mở rộng ở phía tay phải của bộ công cụ đánh giá. Tuy nhiên, cũng giống hai nghiên cứu nêu trên, luận văn này cũng chưa hệ thống hóa được các biện pháp hiện thực hóa “thái độ” hiển ngôn và cũng chưa mở rộng đến góc độ thứ hai của bộ khung đánh giá, đó là NNĐG thể hiện
“thang độ”.
Cho đến nay, nghiên cứu NNĐG trong tiếng Việt vẫn còn rất khiêm tốn. Sau đây là một số nghiên cứu áp dụng bộ công cụ đánh giá vào nghiên cứu tiêu biểu.
Nguyễn Hồng Sao (2010) [15] đã có công trình nghiên cứu lấy cấu trúc thể loại và ngôn ngữ trong tin quốc tế và phóng sự sử dụng bộ công cụ đánh giá làm công cụ đo lường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu bộ công cụ đánh giá được dùng làm
cơ sở phân tích ngôn ngữ báo chí qua bình diện liên nhân ở hai thể loại cơ bản của báo tiếng Việt và tiếng Anh mà thôi. Luận án đã liệt kê các ví dụ NNĐG được sử dụng trong văn bản và quy nó vào phạm trù nhằm đưa ra những nhận xét về mặt nội dung, ý nghĩa của văn bản. Hạn chế của công trình này là chưa hệ thống và nêu lên được các biện pháp mà NNĐG được sử dụng trong hai thể loại báo nêu trên trong tiếng Việt và tiếng Anh.
Trong nghiên cứu của Tran & Thomson [27], việc phân tích NNĐG trong văn bản viết tập trung trả lời câu hỏi nhà báo Việt nam sử dụng nguồn lực ngôn ngữ tiếng Việt như thế nào để bày tỏ quan điểm, thái độ đánh giá chính phủ Mĩ trong sự kiện chiến tranh Iraq. Tác giả chỉ sử dụng duy nhất 1 bài báo, do vậy chưa thể khái quát đặc điểm NNĐG trong tiếng Việt đối với thể loại văn bản viết.
Đáng chú ý nhất là công trình mang tính lí luận nền tảng cho ngôn ngữ đánh giá của Ngữ pháp chức năng hệ thống là J.R. Martin & P.R.R. White (2005). The Language of Evaluation: Appraisal in English [25]. Chuyên luận đã đề xuất bộ khung ngôn ngữ đánh giá dựa trên thể loại văn bản/ diễn ngôn mang tính chức năng luận là: Hệ thống NNĐG được xếp đặt theo ba trục chính: “thái độ”, “thang độ” và
“giọng điệu” và được chi tiết hóa hơn qua những khái niệm khác. Thái độ là các giá trị mà theo đó các quan điểm tích cực/tiêu cực được hoạt hoá. Thang độ là các giá trị mà theo đó cường độ hoặc sức mạnh của các mệnh đề được nâng cao hoặc hạ thấp. Giọng điệu là các giá trị theo đó người nói / người viết khoác các giọng điệu khác nhau và giá trị thay thế được đặt trong các ngữ cảnh giao tiếp thực tế.
Tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đã có hai luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học nghiên cứu về ngôn ngữ đánh giá thể loại truyện ngắn Việt Nam. Đó là luận văn “Ngôn ngữ đánh giá trong một số truyện ngắn Nam Cao dưới góc độ ngữ pháp chức năng hệ thống” của Nguyễn Thị Tuyết Tâm (2020) và luận văn
“Ngôn ngữ đánh giá trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp dưới góc độ ngữ pháp chức năng hệ thống” của Vũ Thị Thúy Hòa (2023). Đây là tài liệu chúng tôi tham khảo để phân tích khung ngôn ngữ đánh giá trong dạy học đọc hiểu văn bản cho lớp 4,5 trong chương trình SGK Tiểu học ở Việt Nam trong luận văn này.
1.2.2. Các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ đánh giá trong sách giáo khoa tiếng Việt cấp Tiểu học
Trong phần này chúng tôi chỉ trình bày những nghiên cứu mà chúng tôi cho là có liên quan trực tiếp đến đặc điểm ngôn ngữ sách giáo khoa tiếng Việt cấp Tiểu học.
Trong luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học “Đặc điểm từ Hán Việt trong bộ sách giáo khoa ở cấp Tiểu học” (2011) [14], tác giả Nguyễn Thị Minh Phương đã xây dựng được bảng từ Hán Việt trong chương trình tiếng Việt ở cấp Tiểu học, đồng thời đề cập đến cách giải thích và giảng dạy từ Hán việt nhằm góp phần vào việc giảng dạy từ Hán Việt phù hợp, hiệu quả và biên soạn, chỉnh lí SGK. Như vậy, luận văn này mới chỉ nghiên cứu ngôn ngữ ở cấp độ từ mà thôi.
Luận án tiến sĩ ngữ văn của Lê Thị Ngọc Điệp “Các đơn vị ngôn ngữ trong sách giáo khoa môn tiếng Việt cấp Tiểu học ở Việt nam (So sánh với sách giáo khoa môn tiếng Anh cùng bậc ở Singapore)” (2013) [4] có lẽ là một công trình nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện vấn đề ngôn ngữ SGK tiếng Việt cấp Tiểu học. Luận án đi vào hướng nghiên cứu các đơn vị ngôn ngữ: âm vị, từ, ngữ cố định, câu và văn bản, được sử dụng trong bộ SGK môn tiếng Việt cấp Tiểu học ở Việt Nam và SGK môn tiếng Anh cùng bậc ở Singapore. Do quy mô của nghiên cứu là quá rộng, luận án này không thể đi sâu nghiên cứu một bình diện ngôn ngữ cụ thể nào.
Trong phần “Lịch sử vấn đề” của luận án, Lê Thị Ngọc Điệp đã tóm tắt những bài viết và các công trình nghiên cứu liên quan đến chương trình và SGK cấp Tiểu học nói chung và SGK tiếng Việt tiểu học nói riêng. Hầu hết các nghiên cứu này đều chưa quan tâm đến mục đích giao tiếp với thể loại và cấu trúc văn bản, văn bản và ngữ cảnh (trường diễn ngôn, quan hệ liên nhân và kênh giao tiếp).
Luận án tiến sĩ ngôn ngữ học của Nguyễn Thị Lan Hương “Nghiên cứu ngôn ngữ đánh giá trong sách giáo khoa cấp Tiểu học (So sánh sách tiếng Anh tiểu học ở Singapore và sách tiếng Việt tiểu học ở Việt Nam)” (2018) [11] nghiên cứu một cách chi tiết về ngôn ngữ đánh giá, tìm ra được những điểm tương đồng và khác
biệt về cấu trúc thể loại và đặc điểm NNĐG thể hiện chức năng liên nhân trong một số thể loại văn bản, cụ thể là NNĐG thể hiện thái độ và thang độ trong các bài đọc hiểu trong sách tiếng Anh và tiếng Việt cấp Tiểu học ở Singapore và Việt Nam.
Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Thu Sinh “Dạy học đọc hiểu văn bản cho học sinh lớp 4, 5 theo khung ngôn ngữ đánh giá của ngữ pháp chức năng hệ thống”
(2020) [9] là một trong những công trình nghiên cứu về lí thuyết đánh giá áp dụng vào dạy học cho học sinh Tiểu học. Luận văn từ việc sơ lược hóa lí thuyết đánh giá đã xây dựng được những biện pháp để dạy học đọc hiểu cho sinh lớp 4, 5 có hiệu quả. Tuy luận văn chưa đi sâu vào xây dựng được một hệ thống bài tập để học sinh làm quen và có thể thành thục được việc đánh giá diễn ngôn theo từng thể loại nhưng đây cũng là một tài liệu tham khảo quan trọng để tôi có thể hoàn thành được luận văn này.
Những phân tích trên đều chỉ ra rằng, việc ứng dụng bộ khung ngôn ngữ đánh giá của ngữ pháp chức năng hệ thống vào dạy học đọc hiểu cho HSTH, đặc biệt xây dựng hệ thống bài tập đọc hiểu văn bản truyện như đề tài luận văn của chúng tôi vẫn còn là một khoảng trống, chưa có công trình nào đề cập trước đây.
Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, chúng tôi đã tổng hợp các công trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến đọc hiểu, dạy học đọc hiểu cũng như ngôn ngữ đánh giá trong và ngoài nước. Những công trình, đề tài nghiên cứu này cũng là nguồn tài liệu tham khảo để chúng tôi xây dựng nên luận văn này. Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu các công trình về dạy học đọc hiểu, dạy học đọc hiểu văn bản truyện cũng như nghiên cứu ngôn ngữ học chức năng hệ thống từ các công trình được nêu trên, chúng tôi nhận thấy được một cách hệ thống hơn về lịch sử nghiên cứu của vấn đề. Những công trình nghiên cứu được nêu ở trên cũng là những nguồn tài liệu tham khảo mà chúng tôi sẽ sử dụng trong công trình nghiên cứu của mình.