Bài tập tự luận

Một phần của tài liệu Vận dụng khung ngôn ngữ đánh giá vào xây dựng hệ thống bài tập phát triển năng lực đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh tiểu học (Trang 82 - 89)

CHƯƠNG 3: XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀI TẬP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRUYỆN CHO HỌC SINH TIỂU HỌC THEO

3.2 Các bài tập phát triển năng lực đọc hiểu văn bản truyện cho HS theo

3.2.2. Bài tập tự luận

Các dạng bài tập tự luận nâng cao năng lực đọc hiểu cho HS được sử dụng trong quá trình dạy học văn bản truyện cũng như trong các bài kiểm tra. Bài tập ở dạng tự luận thường được dùng ở các bước tìm hiểu sâu về văn bản truyện và bước vận dụng. Trong luận văn, chúng tôi xây dựng các bài tập kết hợp giữa bài tập đọc hiểu thông thường với khung NNĐG để phát triển năng lực đọc hiểu văn bản thông tin cho HS.

Ở phần trắc nghiệm, chúng tôi đã nêu rõ những bình diện về thái độ (tác động/phán xét hành vi/đánh giá sự vật hiện tượng) và thang độ (Lực) của NNĐG và xây dựng các bài tập trắc nghiệm phát triển năng lực đọc hiểu văn bản truyện theo những bình diện này . Ở phần bài tập tự luận này, chúng tôi xây dựng theo cấu trúc các câu hỏi dành cho từng văn bản. Với một số văn bản truyện trong chương trình

lớp 4, 5 (bao gồm chương trình hiện hành và chương trình 2018) được liệt kê ra, chúng tôi sẽ xây dựng các câu hỏi đọc hiểu theo khung NNĐG cho văn bản đó.

Khi xây dựng các bài tập tự luận dựa theo khung ngôn ngữ đánh giá, GV cần lưu ý những vấn đề sau:

- Không phải văn bản truyện nào cũng cần vận dụng khung NNĐG để xây dựng hệ thống bài tập. Một số văn bản truyện có nhiều lời thoại, hoặc lời thoại đơn giản thì không nên hướng dẫn HS vận dụng khung NNĐG, tránh tình trạng phức tạp hóa vấn đề, làm HS bối rối.

- Khi xây dựng các câu hỏi, bài tập, cần nắm rõ bài tập này sẽ được HS thực hành khi nào, trong bước hình thành kiến thức mới trong phân môn Tập đọc (trong chương trình 2018 là tiết Đọc) hay trong bài kiểm tra đánh giá học sinh. Từ đó lựa chọn hình thức và nội dung câu hỏi phù hợp.

* Văn bản Dế Mèn bênh vực kẻ yếu

Câu 1: Hãy tìm những đánh giá về Nhện Cái trước và sau khi Dế Mèn ra oai. Em có đánh giá gì về sự thay đổi thái độ đó của Nhện Cái.

“Từ trong hốc đá, một mụ nhện cái cong chân nhảy ra, hai bên có hai nhện vách nhảy kèm. Dáng đây là vị chúa trùm nhà nhện. Nom cũng đanh đá, nặc nô lắm.

Tôi quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai. Mụ nhện co rúm lại rồi cứ rập đầu xuống đất như cái chày giã gạo.”

Câu 2: Hành vi của Bọn Nhện được Dế Mèn phán xét qua những từ ngữ nào, hành vi đó tích cực hay tiêu cực. Sự phán xét của Dế Mèn để lại cho em bài học gì?

“Các người có của ăn của để, béo múp béo míp mà cứ đòi mãi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi. Lại còn kéo bè kéo cánh đánh đập một cô gái yếu đuối như thế này.

Thật đáng xấu hổ! Có phá hết các vòng vây đi không?”

* Văn bản Người tìm đường lên các vì sao

Câu 1: Sự kiên trì tích cực của Xi-ôn-cốp-xki được thể hiện qua từ ngữ nào. Theo em, chúng ta nên học tập điều gì từ Xi-ôn-cốp xki?

Để tìm điều bí mật đó, Xi-ôn-cốp-xki đọc không biết bao nhiêu là sách. Nghĩ ra điều gì, ông lại hì hục làm thí nghiệm, có khi đến hàng trăm lần.”

* Văn bản Trung thu độc lập

Câu 1: Những từ in đậm trong đoạn văn sau bổ sung ý nghĩa gì cho câu, hãy nêu công dụng của chúng và cho biết mong ước của anh chiến sĩ về tương lai của đất nước.

“Trăng đêm nay sáng quá ! Trăng mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em vui tết Trung thu độc lập đầu tiên và anh mong ước ngày mai đây, những tết Trung thu tươi đẹp hơn nữa sẽ đến với các em”

Câu 2: Tìm những từ ngữ đánh giá về sự vật, hiện tượng trong đoạn văn sau, cho biết nó thuộc kiểu đánh giá tích cực hay tiêu cực. Qua những chi tiết đó, em có suy nghĩ gì về hình ảnh đất nước trong tương lai.

“Mươi mười lăm năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, dòng thác nước đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít, cao thẳm, rải trên đồng lúa bát ngát vàng thơm, cùng với nông trường to lớn, vui tươi.”

* Văn bản Thắng biển

Câu 1: Đọc đoạn văn dưới đây, tìm những từ ngữ miêu tả mức độ dữ dội của thiên nhiên. Qua đó nêu lên nội dung chính của đoạn:

“Mặt trời lên cao dần. Gió đã bắt đầu mạnh. Gió lên, nước biển càng dữ.

Khoảng mênh mông ầm ĩ càng lan rộng mãi vào. Biển cả muốn nuốt tươi con đê mỏng manh như con mập đớp con cá chim nhỏ bé.”

Câu 2: Những từ láy trong đoạn văn dưới đây thực hiện chức năng gì? Em có cảm nhận gì về khung cảnh thiên nhiên trong đoạn văn

“Một tiếng ào ào dữ dội. Như một đàn cá voi lớn, sóng trào qua những cây vẹt cao nhất, vụt vào thân đê rào rào. Một cuộc vật lộn dữ dội diễn ra. Một bên là biển, là gió, trong một cơn giận dữ điên cuồng.”

Câu 3: Hãy chỉ ra nhận xét của tác giả về khả năng với những thanh niên trong bài.

Tinh thần của những thanh niên ấy để lại cho em bài học gì?

“Trong đám thanh niên xung kích, có người ngã, có người ngạt. Nhưng những bàn tay khoác vai nhau vẫn cứng như sắt, và thân hình họ quấn chặt lấy những cọc tre đóng chắc, dẻo như chão. Tóc dài các cô quấn chặt vào cổ các cậu con trai, mồ hôi như suối, hòa lẫn với nước chát mặn. Đám người không sợ chết đã cứu được quãng đê sống lại.”

* Văn bản Vẽ trứng

Câu 1: Những từ ngữ nào thể hiện thái độ trái người của Lê-ô-nác-đô trước và sau khi học vẽ với thầy Vê-rô-ki-ô? Những từ ngữ đó bộc lộ điều gì về quá trình học vẽ của cậu bé.

“Ngay từ nhỏ, cậu bé Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi đã rất thích vẽ. Cha cậu đưa cậu đến nhờ nhà danh họa Vê-rô-ki-ô dạy dỗ. Suốt mười mấy ngày đầu, thầy Vê-rô-ki-ô chỉ cho Lê-ô-nác-đô vẽ trứng. Cậu bé vẽ hết quả này đến quả khác và đã bắt đầu tỏ vẻ chán ngán.”

Câu 2: Tìm những từ ngữ chỉ số lượng trong câu nói của thầy Vê-rô-ki-ô, em hiểu như thế nào về ý nghĩa của các con số đó.

“Con đừng tưởng vẽ trứng là dễ! Trong một nghìn quả trứng xưa nay không có lấy hai quả hoàn toàn giống nhau đâu. Muốn thể hiện thật đúng hình dáng của từng quả trứng, người họa sĩ phải rất khổ công mới được.”

* Văn bản Khuất phục tên cướp biển

Câu 1: Dựa vào những từ ngữ đánh giá trong đoạn văn dưới đây, em hãy đưa ra nhận xét của mình về tên chủ tàu.

“Tên chúa tàu ấy cao lớn, vạm vỡ, da lưng sạm như gạch nung. Trên má hắn có một vết sẹo chém dọc xuống, trắng bệch. Hắn uống lắm rượu đến nỗi nhiều đêm như lên cơn loạn óc, ngồi hát những bài ca man rợ.”

Câu 2: Chỉ ra những từ ngữ đánh giá hành động của tên chủ tàu và bác sĩ Ly. Từ những từ ngữ đó, em nghĩ như thế nào về tính cách của hai nhân vật

Tên chúa tàu lúc ấy đang ê a bài hát cũ. Hát xong, hắn quen lệ đập tay xuống bàn quát mọi người im. Ai nấy nín thít. Riêng bác sĩ vẫn ôn tồn giảng cho ông chủ quán trọ cách trị bệnh.

Câu 3: Tìm những từ ngữ trái ngược nhau khi nhận xét về tên chủ tàu và bác sĩ Ly.

Em rút ra bài học gì về sức mạnh của chính nghĩa và sự hung hăng, bạo lực.

“Trông bác sĩ lúc này với gã kia thật khác nhau một trời một vực. Một đằng thì đức độ, hiền từ mà nghiêm nghị. Một đằng thì nanh ác, hung hăng như con thú dữ nhốt chuồng.”

* Văn bản Một vụ đắm tàu

Câu 1: Tìm những từ láy thể hiện mức độ trong đoạn văn dưới đây. Em có nhận xét gì về khung cảnh biển cả lúc này như thế nào?

Cơn bão dữ dội bất ngờ nổi lên. Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng. Hai tiếng đồng hồ trôi qua... Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lơn. Quang cảnh thật hỗn loạn.

Câu 2: Những cảm xúc buồn bã của Giu-li-ét-ta được thể hiện bằng những từ ngữ nào? Theo em, vì sao dù được sống sót nhưng Giu-li-ét-ta lại cảm thấy như vậy?

Chiếc xuồng bơi ra xa. Giu-li-ét-ta bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng bên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió. Cô bật khóc nức nở, giơ tay về phía cậu:

"Vĩnh biệt Ma-ri-ô!"

* Văn bản Buôn Chư Lênh đón cô giáo

Câu 1: Trong đoạn văn sau, sự tiếp đón của buôn Chư Lênh được thể hiện qua từ ngữ chỉ mức độ nào. Em có nhận xét gì qua về người dân ở Buôn Chư Lênh qua sự tiếp đón đó.

“Căn nhà sàn chật ních người mặc quần áo như đi hội. Mấy cô gái vừa lùi vừa trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn. Bấy giờ, người già mới ra hiệu dẫn Y Hoa bước lên lối đi bằng lông thú mịn như nhung.

Buôn Chư Lênh đã đón tiếp cô giáo đến mở trường bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý.”

Trích Buôn Chư Lênh đón cô giáo

Câu 2: Quang cảnh người dân buôn làng chờ đón con chữ của Y Hoa được đánh giá qua những từ ngữ nào? Qua đó, em có suy nghĩ gì về mong muốn học chữ của người đồng bào.

“Y Hoa lấy trong gùi ra một trang giấy, trải lên sàn nhà. Mọi người im phăng phắc. Y Hoa nghe thấy rõ cả tiếng tim đập trong lồng ngực mình. Quỳ hai gối lên sàn, cô giáo viết thật to, thật đậm hai chữ: “Bác Hồ”. Y Hoa viết xong, bỗng bao nhiêu tiếng cùng hò reo:

- Ôi! Chữ cô giáo này! Nhìn kìa!

- A, chữ, chữ cô giáo!”

Trên đây chúng tôi đã trình bày các bài tập nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản truyện của HS theo khung NNĐG. Tất cả các bài tập được nêu trong mục đều yêu cầu GV vận dụng khung ngôn ngữ đánh giá để xây dựng nhằm mục đích để HS nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản truyện của mình.Hệ thống bài tập tập trung định hướng cho HS cách tìm các từ ngữ quan trọng có chức năng thể hiện các tác động, đánh giá, phán xét, qua đó HS hiểu rõ về tính cách nhân vật, tính chất/đặc điểm của sự việc, sự việc trong diễn ngôn và có thể nêu lên quan điểm, bài học của mình từ các nhân vật, sự việc đó. Tất cả các bài tập này chỉ nhằm hướng đến việc HS bước đầu thông qua từ ngữ để hiểu được nội dung, rèn luyện cho các em nêu lên ý kiến của mình.

Dạy học đọc hiểu văn bản ở Tiểu học khác với dạy học đọc hiểu văn bản ở cấp THCS và THPT. Ở Tiểu học, dạy học đọc hiểu chỉ là một phần nhỏ của 1 tiết Tập đọc, đồng thời, HS với đặc thù về tâm sinh lí, chưa được học về các lí luận văn học để có phương tiện phân tích các tác phẩm. Các văn bản truyện ở phân môn Tiếng Việt thường là các văn bản được viết lại, nội dung văn bản đơn giản, không có nhiều sự việc hay nhân vật. Chính vì vậy, để HS nâng cao khả năng đọc hiểu, chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận bằng các từ ngữ trong ngữ liệu là cách tiếp cận phù hợp.

Việc vận dụng khung ngôn ngữ đánh giá để xây dựng hệ thống bài tập nhằm phát triển năng lực đọc hiểu văn bản thông tin cho HS là phù hợp và cần thiết.

GV có thể xây dựng tùy theo mức độ năng lực của HS trong lớp, có thể nâng cao hơn hoặc đơn giản hơn. Nhưng tựu trung lại, khi thực hiện các bài tập tự luận này, HS phải trải qua 2 bước:

Bước 1: Tìm các từ ngữ và xác định chức năng của nó trong câu: chỉ thái độ (tác động/phán xét hành vi/đánh giá SVHT) hay chỉ thang độ (lượng)

Bước 2: Dựa vào từ ngữ và chức năng vừa xác định, nêu lên ý kiến, quan điểm của bản thân về sự vật, hiện tượng, nhân vật được nhắc đến trong truyện hoặc rút ra bài học từ nhân vật/sự việc đó.

Các bài tập đọc hiểu văn bản mà chúng tôi xây dựng chủ yếu là dành cho GV.

GV có thể tham khảo hệ thống bài tập này để xây dựng hệ thống bài tập riêng, phù hợp với năng lực của HS. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chương trình Tiếng Việt của lớp 4, 5 còn có sự thay đổi. Các em sẽ được làm quen với các văn bản, ngữ liệu mới thì việc GV tiếp cận với một công cụ dạy học, đánh giá mới cũng là điều cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học. Trong chương trình 2018 đối với Tiếng Việt lớp 4, HS sẽ được làm quen với cảm thụ văn học. Năng lực đọc hiểu văn bản truyện

tốt giúp các em góp phần học tốt thêm nội dung học tập quan trọng này.

Tiểu kết chương 3

Trong chương 3, chúng tôi đã trình bày về các nội dung sau:

Thứ nhất, các nguyên tắc xây dựng hệ thống bài tập đọc hiểu văn bản

Thứ hai, vận dụng khung ngôn ngữ đánh giá để xây dựng hệ thống bài tập đọc hiểu văn bản truyện nhằm nâng cao năng lực đọc hiểu cho HS. Trong hệ thống này chúng tôi đã đưa ra các dạng bài tập trắc nghiệm, tự luận, đồng thời cũng đã nêu lên cách vận dụng các bài tập này vào trong thực tiễn tiết học. Đối với hệ thống bài tập, chúng tôi muốn các em thông qua từ ngữ để hiểu được nội dung của diễn ngôn, đồng thời có thể trình bày ý kiến của mình về các vấn đề mà câu chuyện đưa ra. Từ đó, các em có thể hình thành được năng lực đọc hiểu văn bản truyện một cách trọn vẹn hơn.

Một phần của tài liệu Vận dụng khung ngôn ngữ đánh giá vào xây dựng hệ thống bài tập phát triển năng lực đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh tiểu học (Trang 82 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)