1.1. Giới thiệu chung về cây lạc
1.1.3. Giá trị của cây lạc
1.1.3.1. Giá trị dinh dưỡng của hạt lạc
Cây lạc là có giá trị kinh tế cao. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong hạt lạc rất cao và rất có giá trị đối với sức khoẻ con người. Thành phần sinh hoá của lạc như sau: nước 8 - 10%, lipit 40 - 60%, gluxit 6 - 22%, protein 26 - 34%, xenlulôzơ 2 - 4,5% [18].
Như vậy, giá trị dinh dưỡng chủ yếu nhất của lạc là lipit và protein.
Dầu lạc là dầu thực phẩm tốt được cơ thể hấp thụ dễ dàng, thành phần chủ yếu của dầu lạc là các axit béo chưa no (80%) còn lại khoảng 20% là axit béo no. Axit béo trong dầu lạc chủ yếu là các loại: axit oleic (C18H34O2); axit linoleic (C18H32O2); axit panmitic (C16H32O2) và axit stearic (C18H36O2).
Ngoài ra trong thành phần của lạc còn có cacbuahyđro thơm: C15H30; C19H38
và các vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP và vitamin A. Protein lạc chứa đầy đủ 8 axit amin không thay thế trong đó có 4 axit amin đạt hàm lượng quy định của FAO về hàm lượng các axit amin không thay thế trong thành phần protein thực phẩm, đó là: lơxin, Izolơxin, valin, phenylalanin.
1.1.3.2. Giá trị kinh tế của cây lạc
Lạc là loại cây trồng có khả năng thích ứng rộng và được gieo trồng trên nhiều chân đất khác nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên thị trường thương mại thế giới lạc là mặt hàng xuất khẩu đem lại kim ngạch cao của nhiều nước. Theo số liệu của FAO, hiện đang có hơn 100 nước trồng lạc. Ở Xênêgan giá trị từ lạc chiếm 1/2 thu nhập, chiếm 80% giá trị xuất khẩu. Ở Nigieria chiếm 60% giá trị xuất khẩu. Trong các loại cây có dầu trồng hàng năm trên thế giới, lạc là cây đứng thứ hai sau đậu tương về diện tích và sản lượng. Ở châu Á có 25 nước trồng lạc, Việt Nam là nước đứng thứ 5 sau Ấn Độ, Trung Quốc, Inđônêxia và Myanma.
Ở nước ta, lạc là một trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng, đạt kim ngạch xuất khẩu hàng năm là 100 triệu USD [18]. Thị trường xuất khẩu lạc chính hiện nay của nước ta là Singapore, Pháp, Đức, Nhật Bản, Inđonexia, Đài Loan, Hồng Kông. Sản xuất lạc đạt hiệu quả kinh tế rất cao, tỷ suất lợi nhuận tới 31,86% (cao hơn một số nông sản khác) và xuất khẩu lạc góp 15,11% cho nguồn vốn xuất khẩu. Hiện nay Việt Nam đứng vào hàng thứ
5 trong 10 nước xuất khẩu lạc lớn nhất thế giới. Do đó việc đầu tư nghiên cứu để cải tạo giống, kích cỡ hạt, chất lượng cần được quan tâm hơn. [65].
1.1.3.3. Giá trị trong nông nghiệp
* Giá trị trong chăn nuôi
Giá trị làm thức ăn gia súc của lạc được đánh giá trên các mặt: khô dầu lạc, thân lá lạc làm thức ăn xanh và tận dụng các phụ phẩm của dầu lạc. Khô dầu lạc có thành phần dinh dưỡng tương đối với các loại khô dầu khác. Trong khẩu phần thức ăn gia súc, khô dầu lạc chứa 50,8% protein; 7% lipit; 24,3%
gluxit; 4,4% xenlulozơ là nguồn thức ăn giàu protein trong chăn nuôi. Do giá trị dinh dưỡng cao nên trong khẩu phần thức ăn gia súc khô dầu lạc có thể chiếm tới 25-35%. Trong thân và lá lạc chứa tới 11,75% protein; 1,84% lipit;
46,95% cacbohydrat. Vỏ quả lạc chiếm 25-30% trọng lượng quả. Trong chế biến thực phẩm, người ta thường tách hạt khỏi vỏ quả, vỏ quả trở thành sản phẩm phụ, dùng để nghiền thành cám dùng cho chăn nuôi [65].
* Giá trị trong trồng trọt
Cây lạc có vai trò cải tạo đất và xen canh trong hệ thống canh tác đa canh. Giá trị cải tạo đất của cây lạc ngoài phần thân lá, trên rễ lạc còn có vi khuẩn cộng sinh có khả năng cố định nitơ từ dạng tự do thành dạng dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng nitơ để lại trên một ha có thể đạt từ 70 - 110 kg/ha/vụ. Chính nhờ khả năng cố định nitơ mà lượng protein trong hạt, trong các bộ phận khác của cây lạc cao hơn nhiều các cây trồng khác.
1.1.3.4. Giá trị dược liệu
Hạt lạc chứa polyphenol tự nhiên làm giảm kết tập tiểu cầu, bảo vệ tim và chống lão hóa. Chất lysin trong hạt lạc có tác dụng phòng ngừa lão hóa sớm và giúp phát triển trí tuệ của trẻ em. Axit glutamic và axit aspartic thúc đẩy sự phát triển tế bào não và tăng cường trí nhớ. Ngoài ra chất catechin
trong lạc cũng có tác dụng chống lão suy. Vitamin E, cephalin và lecithin có trong dầu lạc có thể phân giải cholesterol trong gan tạo mật xanh và tăng cường sự bài tiết chúng giúp làm giảm cholesterol trong máu, phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch và bệnh ở mạch vành tim, thúc đẩy tế bào não phát triển, ngăn ngừa sự lão hóa của da, làm đẹp và khỏe da. Màng bọc ngoài nhân lạc có tác dụng chống sự hòa tan của fibrin, thúc đẩy công năng tạo tiểu cầu của tủy xương, rút ngắn thời gian chảy máu, do đó có tác dụng cầm máu tốt.
Trong vỏ cứng củ lạc có chất luteolin có tác dụng hạ huyết áp, chất bêta- stosterol có tác dụng hạ mỡ máu. Ngoài ra một số thành phần của lạc còn có tác dụng như dưỡng huyết, bổ tỳ, nhuận phế, hóa đàm, loét dạ dày, ngăn ngừa béo phì, viêm thận, cao huyết áp…