Kết quả nghiên cứu trên thế giới

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu sinh lý, hóa sinh của một số giống lạc (arachis hypogaea l ) có năng suất khác nhau trồng tại thanh hóa (Trang 28 - 32)

1.3. Kết quả nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến năng suất

1.3.1. Kết quả nghiên cứu trên thế giới

Nghiên cứu của Hull và Cirvis về mật độ gieo trồng lạc (Theo Nguyễn Danh Đông, 1984) [18] đã cho thấy với khoảng cách hàng 76cm, kiểu lai đứng spanish cho sản lượng cao nhất khi khoảng cách hạt từ 10 - 20cm, kiểu bò cho sản lượng cao nhất với khoảng cách hạt 15 - 25cm và chủng lai với tập tính trung gian cho sản lượng cao nhất với khoảng cách hạt từ 10 - 25cm. Kết quả nghiên cứu của vùng tây nam Mỹ với giống lạc spanish thì tăng số lượng cây trên hàng từ 2 - 8 cây/30cm thì ít khi năng suất tăng thêm. Tuy nhiên, nếu giảm khoảng cách hàng từ 101,6cm xuống 38cm đã làm năng suất tăng thêm 150%. Mặt khác thí nghiệm có tưới nước năng suất đạt 140 - 150% so với công thức không tưới nước.

Áp dụng kỹ thuật trồng lạc với luống hẹp giúp cho việc tưới tiêu nước hiệu quả hơn và làm tăng năng suất 10%, biện pháp kỹ thuật này hiện được áp dụng phổ biến ở Trung Quốc.

M.J. Bell, R.C. Muchow, G.L. Wilson (1987) [84] nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ đến năng suất của lạc trong môi trường nhiệt đới gió mùa, kết quả cho thấy, năng suất sinh học (sinh khối trên mặt đất cộng với vỏ quả) không phản ứng với tỷ lệ mật độ trong phạm vi 1: 1-1: 7: 19 nhưng tăng đáng kể (12600-16900 kg/ha) với mật độ tăng lên đến mật độ tối đa 588000 cây/ha.

Ngược lại, năng suất kinh tương đối không phản ứng với mật độ trong khoảng 88000-394000 cây/ha, sau đó đã giảm đáng kể (6500 kg/haquả hoặc 4900 kg/hahạt, giảm xuống còn 5 700 kg/haquả hoặc 4300 kg/ha hạt).

Harris và Bladson đã trích dẫn những báo cáo cho thấy nhiều khi cây lạc có nhiều nốt sần nhưng vẫn bị thiếu nitơ, Reid và York đã cho thấy sự thiếu nitơ ảnh hưởng đến sự phát triển của hạt lạc và khi bị thiếu nitơ nghiêm

trọng, sự phát triển của quả và hạt lạc bị kìm hãm rất mạnh. Pravôt đã nhận thấy mối tương tác giữa nitơ, phopho, lưu huỳnh trong quá trình bón phân cho lạc đó là phải theo một tỷ lệ nhất định. Huer và Lachover nhận thấy một phản ứng dương với nitơ khi được bón photpho, nhưng thấy năng suất bị giảm sút khi nitơ được bón không kèm với kali (Theo Nguyễn Danh Đông, 1984) [18].

Nghiên cứu của F.Haiman cho thấy, lạc là cây chịu muối trung bình, với một lượng nước tưới chứa 1,5g muối NaCl/lít không làm giảm năng suất và trọng lượng tươi của cây, với 2,5g/lít năng suất vẫn không giảm song trọng lượng khô của cây giảm khoảng 30%. Theo Shalhevet khi có nồng độ muối cao hơn sẽ làm giảm năng suất, nếu nồng độ muối quá cao sẽ làm cho cây lạc không có quả (Theo Nguyễn Danh Đông, 1984) [18].

R. C. Nageswara và cs (2001) [94] đã sử dụng máy đo diệp lục cầm tay để đánh giá nhanh diện tích đặc trưng của lá (SLA) và hàm lượng nitơ trong lá (SLN), kết quả đã chỉ ra những ảnh hưởng của việc lấy mẫu (vị trí lá, thời gian của tình trạng lấy mẫu và hàm lượng nước trong lá) và các yếu tố khí hậu đều ảnh hưởng đến SLA và chỉ số SPAD của các giống lạc.

Madhava và cs (2003) [85] đã tiến hành thí nghiệm đánh giá mối quan hệ giữa hiệu quả thoát hơi nước ở lạc và chỉ số hàm lượng diệp lục SPAD (SCMR). Kết quả chỉ ra sự biến đổi đáng kể trong chất khô giữa các kiểu gen dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong hiệu quả thoát hơi nước (TE) dao động từ 2,76 (ICG 476) đến 3,58 g/kg (ICG 86,031). TE cho thấy mối quan hệ chặt với diện tích đặc trưng của lá (SLA) và mối tương quan rất rõ giữa SLN và hàm lượng chất diệp lục và giữa SCMR với hàm lượng chất diệp lục, do đó liên quan tới năng suất của lạc.

R.A. Ferreyra và cs (2003) [92] đã nghiên cứu tác động của nước đến quang hợp của cây lạc, kết quả cho thấy, trong điều kiện đầy đủ nước, năng suất lạc và sinh khối đều tăng lên.

Những nghiên cứu R. Dey và cs (2004) [93] cho thấy rhizobacteria thúc đẩy tăng trưởng, năng suất và sự hấp thu chất dinh dưỡng của cây lạc.

Zhou Zhiyong và cs (2004) [102] nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ lá đến quang hợp và năng suất của cây lạc, kết quả cho thấy mặc dù số lượng lá giảm có thể được bù lại bằng sự tăng cường độ quang hợp của các lá đơn và tăng chỉ số diện tích lá nhưng chất diệp lục bị phân huỷ nhanh chóng và số lượng của nó cũng giảm xuống, đẩy nhanh sự già hoá của cây, do đó sự tích luỹ trở nên ít hơn và năng suất sinh khối, năng suất kinh tế trở nên thấp hơn.

P. K. Bandyopadhyayvà cs (2005) [90] đã nghiên cứu ảnh hưởng của nước đến sinh trưởng của cây lạc, kết quả là chỉ số diện tích lá và năng suất lạc đều tăng lên ở các công thức thí nghiệm.

Ryosuke Tajima và cs (2007) [97] nghiên cứu mối tương quan giữa hoạt động cố định nitơ và kích thước của nốt sần ở rễ cây lạc. Kết quả cho thấy rằng hoạt động cố định nitơ của nốt sần có liên quan mật thiết với kích cỡ của chúng, trong các nốt rễ ở nhóm kích thước trung bình (đường kính 1.5- 2.0 mm), kết quả cũng cho thấy rằng nồng độ leghemoglobin cao nhất trong các nốt sần cỡ trung bình và các nốt cỡ trung bình có lượng nitơ trong toàn bộ hệ thống rễ có hoạt tính cao và có số lượng lớn.

Zhou Lu-ying và cs (2007) [101] nghiên cứu ảnh hưởng của lượng phân bón N, P, K đối với các đặc điểm sinh lý, năng suất và tỷ lệ lạc nhân của lạc. Kết quả cho thấy, so với công thức không bón phân thì ở công thức bón N, P, K đã làm tăng hàm lượng chất diệp lục và protein hòa tan, cường độ quang hợp tăng cao và các hoạt động của superoxide dismutase (SOD), peroxidase (POD) và catalase (CAT), giảm số lượng đồng hoá malondialdehyde (MDA) trong lá lạc. Áp dụng phân bón N, P, K làm tăng năng suất lạc đáng kể, bón P làm tăng hàm lượng chất béo và chất đạm, bón phân N chủ yếu làm tăng cường hàm lượng protein, và bón phân K chủ yếu

làm tăng hàm lượng đường hòa tan. Ngoài ra, khi sử dụng phân bón N, P, K cũng làm tăng hàm lượng của lysine và methionine, tăng hàm lượng của axit oleic và axit linoleic, nâng tỷ lệ axit oleic acid linoleic, cải thiện chất lượng dinh dưỡng của lạc.

Sumran Pimratch và cs (2008) [100], nghiên cứu xác định ảnh hưởng của hạn đối với hoạt động nitrogenase, số lượng và khối lượng nốt sần của mười giống lạc (Arachis hypogaea L.), kết quả cho thấy khối lượng khô của nốt sần có liên quan với hoạt động nitrogenase trong điều kiện khô hạn.

Những nghiên cứu của H Wunna và cs (2009) [78] đều cho thấy năng suất của các giống lạc có liên quan mật thiết đến cả hai chế độ nước và có sự tương quan đáng kể giữa chế độ nước với năng suất lạc.

Alireza Hosseinzadeh và cs (2012) [72] nghiên cứu ảnh hưởng của K và Ca lên năng suất của các giống lạc ở Iran cho thấy, Ca và K đều làm tăng sản lượng quả và lạc nhân, trong đó Ca có ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng quả, tỷ lệ lạc nhân và hàm lượng dầu trong lạc. Cũng theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thì việc sử dụng phân bón hiệu quả, đặc biệt là K cùng với Ca và S là một trong những yếu tố quan trọng để tăng năng suất cây lạc.

Agus Suprapto và cs 2013 [70] đã nghiên cứu sự phát triển, năng suất và sử dụng hiệu quả năng lượng bức xạ trên các đối tượng và mật độ trồng khác nhau ở cây lạc, kết quả cho thấy, các giống lạc và các mức độ trồng khác nhau đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi năng lượng bức xạ đồng thời trọng lượng khô, chỉ số diện tích lá và các chỉ số cấu thành năng suất cũng thay đổi dưới ảnh hưởng của năng lượng bức xạ khác nhau.

Geocleber Gomes de Sousa và cs (2014) [75] đã tiến hành nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các tần số tưới nước khác nhau đối với tăng trưởng, trao đổi khí và năng suất của cây lạc (Arachis hypogea L). Kết quả sau 60 ngày gieo hạt (DAS), các chỉ số trao đổi khí (quang hợp, độ dẫn khí khổng và

sự thoát hơi nước) và các chỉ số tăng trưởng (chiều cao thực vật, số lá, đường kính gốc và chất khô của thân cây) được đánh giá và tần suất tưới cao nhất đã được thử nghiệm (hai ngày) thúc đẩy tốt nhất cho sự phát triển của cây (số lá, chiều cao cây, chất khô của thân cây) và cho việc trao đổi khí lá. Năng suất cao nhất của lạc cũng liên quan đến khoảng thời gian tưới khoảng hai ngày.

Nghiên cứu của Huixin Wang và cs (2015) [81] cho thấy, cường độ quang hợp,, chỉ số diện tích lá, hàm lượng chất diệp lục cao sẽ đảm bảo cho các chỉ số sinh lý tốt hơn, đẩy nhanh sự hình thành và tích luỹ chất khô và do đó ảnh hưởng đến năng suất của lạc.

Như vậy, trên thế giới đã có những nghiên cứu về sinh lý, hóa sinh của nhiều giống lạc ở các vùng khác nhau, trong đó đa số các nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng của phân bón đến năng suất cây lạc hay những biến đổi về quang hợp liên quan với năng suất của các giống. Tuy đã có nhiều nghiên cứu nhưng vấn đề nghiên cứu so sánh tìm ra các khác biệt trong những chỉ tiêu sinh lý, hóa sinh của những giống lạc năng suất cao và thấp vần còn ít và chưa có nhiều kết quả được công bố.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu sinh lý, hóa sinh của một số giống lạc (arachis hypogaea l ) có năng suất khác nhau trồng tại thanh hóa (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)