1.4. Kỹ thuật RAPD trong phân tích quan hệ di truyền ở thực vật 31 1. Tình hình nghiên cứu đa dạng di truyền ở thực vật
1.4.2. Tình hình nghiên cứu đa dạng di truyền của cây lạc
Mặc dù cây lạc là cây được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và có lịch sử phát triển lâu dài, nhưng hiện nay việc sử dụng các kỹ thuật phân tử vào nghiên cứu, cải tiến giống lạc còn hạn chế.
Nghiên cứu đa dạng di truyền của những loài cây trồng nói chung và của cây lạc nói riêng có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp sử dụng phản ứng PCR dựa trên chỉ thị phân tử như RAPD và AFLP là phương pháp phổ biến để xác định đa hình của lạc [87].
AFLP là phương pháp rất có hiệu quả trong việc xác định quan hệ di truyền và lập bản đồ di truyền phân tử. Chỉ thị AFLP đã được sử dụng rất thành công
trong nghiên cứu đa dạng di truyền của các loại cây trồng như đậu tương, lạc [40], [82].
Guohao He, Channapatna S. Prakash (1997) [76] đã sử dụng hai phương pháp AFLP và DAF để tạo ra các marker ADN trong cây lạc, kết quả cho thấy cả hai phương pháp AFLP và DAF có thể được sử dụng để tạo ra các marker ADN trong cây lạc và do đó có tiềm năng trong việc đánh giá gen cải tiến và đánh giá nguồn gen cây trồng quan trọng về mặt kinh tế.
Raina và cs (2001) [95] đã sử dụng kỹ thuật RAPD - SSR phân tử để xác định sự đa dạng hệ gen và mối quan hệ họ hàng giữa các giống lạc trồng và lạc dại.
Moretzohn và cs (2013) [88] đã nghiên cứu sự đa dạng di truyền của lạc và mối quan hệ với dạng dại của chúng trên cơ sở phân tích các vùng siêu biến của hệ gen.
Đánh giá sự đa dạng của một số dòng lạc trong tập đoàn giống chống chịu bệnh rỉ sắt, sử dụng với 11 mồi ngẫu nhiên, tác giả Bùi Văn Thắng và cs (2003) [57] đã thu được 66/109 phân đoạn ADN đa hình.
Chu Hoàng Mậu và cs (2007) [41] đã sử dụng kỹ thuật RAPD khi nghiên cứu sự đa dạng di truyền và mức độ sai khác trong cấu trúc ADN hệ gen của năm giống lạc có khả năng chịu hạn là L14, L18, LVT, MD7, ĐBG.
Các tác giả đã sàng lọc 20 mồi ngẫu nhiên và xác định được năm mồi RA31, RA40, RA45, RA46, RA159 thể hiện sự đa hình. Kết quả điện di PCR-RAPD cho thấy số đoạn ADN nhận được ở mỗi phản ứng rất khác nhau, dao động từ 3 đến 11 đoạn. Mồi xuất hiện nhiều băng điện di nhất là RA40 (52 băng), mồi có ít băng nhất là RA45 (17 băng). Với năm mồi ngẫu nhiên các tác giả đã thu được tổng số 168 băng từ các giống lạc nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy hệ số tương đồng di truyền dao động từ 0,659 đến 0,954. Hai giống lạc ĐBG và LVT có hệ số tương đồng cao nhất là 0,954, hai giống lạc L18 và
MD7 có hệ số tương đồng di truyền thấp là 0,659. Trên sơ đồ cây thu được, năm giống lạc được phân bố ở hai nhóm tương ứng với hai mức độ chịu hạn khác nhau: nhóm 1 gồm 4 giống là ĐBG, L14, LVT và MD7 có hệ số giống nhau từ hơn 0,90 đến 0,98; nhóm 2 chỉ gồm giống L18 có khả năng chịu hạn kém nhất với khoảng cách di truyền với các giống còn lại là lớn nhất (0,31).
Vũ Thị Thu Thuỷ (2009) [66] căn cứ vào tần suất xuất hiện các alen trong từng locus, sử dụng công thức tính hệ số đa dạng di truyền (Genetic Diversity Index) dựa trên các dữ liệu phân tích RAPD, đã xác định được hệ số đa dạng di truyền (HRAPD) của 7 dòng chọn lọc trong phạm vi 25 mồi ngẫu nhiên. Qua kết quả tính toán đã cho thấy các dòng chọn lọc biểu hiện sự đa dạng di truyền ở mức phân tử với hệ số HRAPD = 11,09%, đây chính là nguồn gen phong phú cung cấp cho chọn dòng chọn lọc ở lạc.
Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, trên thế giới và ở Việt Nam đã có những nghiên cứu về quan hệ di truyền của các giống lạc, tuy nhiên các vấn đề nghiên cứu vẫn còn hạn chế, chưa có những nghiên cứu về quan hệ di truyền của các giống lạc phổ biến và những giống lạc có năng suất cao và thấp để đánh giá mối quan hệ giữa chúng.