Giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến việc chia sẻ tri thức trong facebook nhóm (Trang 38 - 43)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.3 Các giả thuyết nghiên cứu, mô hình nghiên cứu đề xuất

2.3.1 Giả thuyết nghiên cứu

2.3.1.1 Sự kỳ vọng của cá nhân có tác động tích cực đến chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm

Sự kỳ vọng của cá nhân được định nghĩa là kết quả dự kiến sau một hành vi của một cá nhân (Bandura, 1997; Bock và ctg, 2005; Ryu, 2003; Hsu và ctg, 2007;

Aliakbar và ctg, 2013). Theo Alhady và ctg (2011) sự kỳ vọng của cá nhân bao gồm ba hình thức chủ yếu: hình thức vật lý (ví dụ: niềm vui, nỗi buồn và sự khó chịu), tác động xã hội (ví dụ: xã hội thừa nhận, tiền thưởng, quyền lực, danh tiếng, sự tán dương) và tự đánh giá tác động (ví dụ: sự tự mãn, tự phá giá). Bock và ctg (2002) chỉ ra rằng cá nhân sẽ có hành vi tích cực nếu hành vi đó mang lại lợi ích cho người thực hiện.

Hẳn vậy, khi làm điều gì vì một lợi ích cho bản thân hoặc cho người khác thì con người sẽ có động lực hơn, tích cực hơn là khi không có kỳ vọng gì từ những việc mình đã làm. Điều này phù hợp với ý kiến của Bandura (1997), sự kỳ vọng tích cực có thể đem lại động lực để cho cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của mình cho hợp lý. Wang và ctg (2010) cũng đã đồng ý rằng sự kỳ vọng của cá nhân về kiến thức của họ có thể đem lại lợi ích cho người khác thông qua việc chia sẻ trên các trang mạng xã hội có tác động tích cực đến ý định và hành vi chia sẻ của họ. Hsu và ctg (2007) và Papadopoulos và ctg (2013) đã phát hiện ra kỳ vọng cá nhân có tác động đến việc chia sẻ kiến thức của các blogger. Và cũng đồng quan điểm trên Choi và ctg (2014) cho rằng kỳ vọng cá nhân có tác động tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội.

Từ những lập luận trên, nghiên cứu đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 1: Sự kỳ vọng của cá nhân càng nhiều càng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm.

2.3.1.2 Thích giúp đỡ người khác có tác động đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm

Thích giúp đỡ người khác được định nghĩa là sự đóng góp kiến thức xuất phát từ lòng vị tha (Hakami, 2014). Đó là sự cảm thấy thoải mái khi giúp đỡ người khác mà

không cần lợi ích đối ứng bất kỳ nào từ phía người được giúp đỡ. Nghiên cứu của (Yu và ctg, 2010) về hành vi chia sẻ kiến thức trên weblog đã cho thấy rằng khi mọi người cảm thấy thoải mái về việc chia sẻ kiến thức để nỗ lực giúp đỡ người khác, họ thường có khuynh hướng có động lực hơn trong hành vi chia sẻ kiến thức của mình. Khi nghiên cứu về động lực bên trong và bên ngoài của cá nhân tác động đến hành vi chia sẻ kiến thức của nhân viên (Lin, 2005) đã đưa ra kết luận rằng khi họ cảm thấy thoải mái với việc chia sẻ kiến thức và thông qua đó có thể giúp đỡ người khác thì thường có khuynh hướng có thêm động lực để chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp của mình.

Sun và ctg (2009); Yu và ctg (2010) và Fakeh và ctg (2013) cũng chỉ ra rằng thích giúp đỡ có ảnh hưởng tích cực đối với việc chia sẻ kiến thức trên các trang mạng xã hội. Từ những lập luận trên, nghiên cứu đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 2: Thích giúp đỡ người khác có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm.

2.3.1.3 Sự tin tưởng có tác động đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm Sự tin tưởng được định nghĩa là sự kỳ vọng các thành viên trong tổ chức sẽ chấp nhận hàng loạt các giá trị, chuẩn mực và nguyên tắc chung (Hakami và ctg, 2014).

Theo Jinyang (2015) thì sự tin tưởng có thể ảnh hưởng đến hành vi và sự trao đổi giữa con người và xã hội. Điều đó cũng đã được Wu và Tsang (2008) chứng minh qua nghiên cứu thực nghiệm sự tin tưởng có ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo và hành vi chia sẻ kiến thức của họ trên các cộng đồng ảo này.

Các mối quan hệ trên các cộng đồng ảo là những mối quan hệ gián tiếp, người tham gia cộng đồng ảo đến từ khắp nơi trên các vùng địa lý nên mối quan hệ trên các cộng đồng ảo này được cho là dễ tổn thương và không chắc chắn (Jinyang, 2015). Trong không gian mạng, những hành vi nhằm mục đích chia sẻ kiến thức để đóng góp kiến thức có tồn tại sự bất đối xứng giữa những người chia sẻ (Jinyang, 2015). Vì vậy, theo ( Okyere và ctg, 2011) sự tin tưởng là tâm điểm của mọi mối quan hệ trong những tổ chức, cộng đồng xã hội. Với sự tin tưởng mọi người có khuynh hướng chấp nhận rủi ro, với suy nghĩ các đối tác khác sẽ không gây ra bất kỳ tác hại nào. Sự tin tưởng đã

được chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong việc khuyến khích mọi người tăng cường chia sẻ kiến thức trong một tổ chức (Dyer và ctg, 1998). Bất cứ khi nào có sự tin tưởng trong các cá nhân của một tổ chức thì ở đó sẽ có xu hướng hợp tác và cam kết cao hơn (Molm, 2003). Những người tin tưởng nhau thì sẽ sẵn sàng chia sẻ, cung cấp đầy đủ thông tin hay bàn luận để giải quyết những vấn đề hay những mục tiêu đưa ra của tổ chức (Bock và ctg, 2005). Và các nghiên cứu sau này như: Hsu và ctg (2007); Usoro và ctg (2007); Fakeh và ctg (2013); Choi và ctg (2014) nhận thấy rằng sự tin tưởng là nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất trong nhóm yếu tố cá nhân và cộng đồng có ảnh hưởng đến việc chia sẻ kiến thức trên các trang mạng xã hội của sinh viên.

Như vậy, sự tin tưởng cao hơn sẽ làm cho cá nhân không nghĩ đến bất kỳ phản ứng tiêu cực nào có thể xảy ra trong tương lai đối với các hoạt động và việc chia sẻ kiến thức của mình trong Facebook. Từ những lập luận trên, nghiên cứu đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 3: Sự tin tưởng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức của sinh viên trong các Facebook nhóm.

2.3.1.4 Sự nhận dạng có tác động tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm của sinh viên

Sự nhận dạng được định nghĩa là một quá trình mà cá nhân cảm thấy có mối quan hệ như một với các thành viên khác hoặc một nhóm người (Nahapiet và ctg, 1998).

Kramer và ctg (1996) cho rằng việc nhận dạng cùng nhóm hoặc tập thể sẽ tăng cường mối quan tâm cho các quá trình và kết quả chung của tổ chức (trích Nahapiet và ctg, 1998). Do đó sự nhận dạng cùng nhóm sẽ có tác động đến ý thức, hành động của cá nhân đối với nhóm đó. Việc nhận dạng cá nhân như một với cùng một nhóm là sự ý thức gắn bó với nhóm và buộc cá nhân đó phải có những hoạt động để duy trì mối quan hệ với nhóm (Choi và ctg, 2014). Nahapiet và ctg (1998) chứng minh rằng việc nhận dạng của một cá nhân sẽ nuôi dưỡng cảm xúc, lòng trung thành và trách nhiệm thực hiện hành vi công dân trong các nhóm. Yu và ctg (2010) thực hiện nghiên cứu

các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ kiến thức trên weblog cũng đã đưa ra kết luận sự nhận dạng thuộc yếu tố văn hóa có ảnh hưởng xuôi với hành vi chia sẻ kiến thức trên weblog. Liao và ctg (2013) cũng đã cho rằng một cá nhân có cảm giác thân thuộc trong một cộng đồng ảo sẽ phát triển một cảm giác tích cực đối với cộng đồng và sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ kiến thức. Nghiên cứu của Choi và ctg (2014) cũng cho rằng sự nhận dạng có tác động tích cực đến hành vi chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội. Từ những lập luận trên, nghiên cứu đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 4: Sự nhận dạng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong Facebook nhóm.

2.3.1.5 Sự tương tác qua lại có tác động đến việc chia sẻ kiến thức trên Facebook nhóm

Chuẩn mực xã hội tương tác qua lại được định nghĩa như là “sự mắc nợ lẫn nhau để các cá nhân có trách nhiệm đáp lại những lợi ích mà họ đã nhận được từ người khác, đảm bảo sự trao đổi; hỗ trợ liên tục” (Sun và ctg, 2009) . Lý thuyết trao đổi trong xã hội được phân biệt với thuyết trao đổi trong kinh tế bởi vì thuyết trao đổi trong xã hội bao gồm các nghĩa vụ không xác định (Choi và ctg, 2014). Theo Wasko và ctg (2000) cho rằng động cơ của việc trao đổi kiến thức về cơ bản khác nhau trên ba quan điểm. Những động lực để trao đổi kiến thức được ảnh hưởng chủ yếu bởi yếu tố kinh tế được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, hoặc phi kinh tế được thúc đẩy bởi lợi ích cộng đồng và trách nhiệm đạo đức. Định mức ảnh hưởng khác nhau trong lĩnh vực kinh tế và phi kinh tế đến hành vi trao đổi của con người thay đổi tùy theo ngữ cảnh và tính chất hàng hóa được trao đổi (Fukuyama, 1995 trích Wasko và ctg, 2000). Như vậy, việc trao đổi kiến thức xét như là một trao đổi kinh tế hoặc phi kinh tế - xã hội còn dựa vào việc nó được xây dựng , phụ thuộc bởi yếu tố cá nhân và ngữ cảnh như cơ cấu tổ chức hoặc sự ưu đãi (Wasko và ctg, 2000). Vì vậy khi có một văn hóa trao đổi lẫn nhau trong tổ chức được thể hiện một cách mạnh mẽ, cá nhân sẽ tin tưởng những nỗ lực đóng góp của họ sẽ được đền bù xứng đáng, từ đó cá nhân sẽ có nỗ lực để có những đóng góp có ích và việc trao đổi đó sẽ diễn ra không ngừng (Sun và ctg, 2009).

Yu và ctg (2010) và Pi và ctg (2013) cũng đưa ra được là sự nhận thức tính hữu dụng và có liên quan ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội. Tiếp sau là nghiên cứu của Liao và ctg ( 2013) đã chứng minh được sự tương tác qua lại ảnh hưởng tích cực đối với thái độ chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ảo và nó cũng có tác động tốt tới ý định tiếp tục chia sẻ văn hóa trong cộng đồng này. Kế thừa những nghiên cứu trước, trong một nghiên cứu định tính Choi và ctg (2014) chứng minh sự tương tác qua lại ảnh hưởng tốt đến hành vi chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ảo. Từ những lập luận trên, nghiên cứu đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 5: Sự tương tác qua lại ảnh hưởng tích cực đến hành vi chia sẻ kiến thức trong Facebook nhóm

2.3.1.6 Sự tự hiệu quả có ảnh hưởng đến việc chia sẻ kiến thức trong Facebook nhóm Tự hiệu quả được định nghĩa là một cá nhân tin tưởng vào khả năng của bản thân có thể làm được những điều mà mình khao khát (Bandura, 1997). Hành vi của một cá nhân thường được dự đoán tốt nhất bởi chính nềm tin vào khả năng hoàn thành công việc của họ (Choi và ctg, 2014). Trong nghiên cứu của Chen và ctg (2010), việc tự hiệu quả trong chia sẻ kiến thức là cá nhân đó tự đánh giá bản thân và cảm thấy tự tin về năng lực của mình trong việc có thể trả lời những câu hỏi do các thành viên khác đưa ra, và họ nghĩ rằng kiến thức được chia sẻ đó sẽ hữu dụng cho người khác (Alhady và ctg, 2011). Khi chia sẻ được những kiến thức hữu ích, mọi người sẽ cảm thấy tự tin hơn vào những gì mình đã làm và có xu hướng tiếp tục chia sẻ nếu họ cảm thấy cần thiết (Schunk, 1990). Động cơ và hành vi cá nhân bị chi phối rất lớn bởi việc tự hiệu quả của cá nhân đó. Wang và ctg (2010) đã xác nhận rằng sự tự hiệu quả chính là yếu tố quan trọng trong việc chia sẻ kiến thức trong các cộng đồng trực tuyến. Bên cạnh đó Liao và ctg (2013) cũng đã đưa ra kết luận tự hiệu quả có ảnh hưởng tích cực đến thái độ đối với chia sẻ kiến thức và hành vi tiếp tục chia sẻ kiến thức trong các cộng đồng ảo. Trong nghiên cứu của Hsu và ctg (2007), Choi và ctg (2014) cũng đã chứng minh được tính tự hiệu quả có tác động tích cực đối với hành vi chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ảo. Từ những lập luận trên, nghiên cứu đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 6: Tự hiệu quả có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong Facebook Nhóm

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến việc chia sẻ tri thức trong facebook nhóm (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)