CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.7 Phân tích hồi quy tuyến tính
4.7.3 Kiểm định các giả thuyết của mô hình và thảo luận kết quả phân tích hồi quy
Chia sẻ kiến thức = 0,311*sự kỳ vọng của cá nhân + 0,257*thích giúp đỡ người khác + 0,274*sự tin tưởng + 0,276*sự nhận dạng + 0,271*sự tương tác qua lại + 0,269*tự hiệu quả
Từ phương trình hồi quy ta có thể thấy việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm của sinh viên phụ thuộc vào 06 nhân tố như giả thuyết ban đầu đưa ra là: (1)sự kỳ vọng của cá nhân, (2) thích giúp đỡ người khác, (3) sự tin tưởng, (4) sự nhận dạng, (5) sự tương tác qua lại, (6) tự hiệu quả. Tất cả các biến này đều có ý nghĩa và tác động tích cực đối với biến phụ thuộc. Trong đó có tác động lớn nhất đối với biến phụ thuộc chia sẻ kiến thức đó là biến sự kỳ vọng của cá nhân với hệ số Beta đã chuẩn hóa là 0,311 và có tác động thấp nhất trong 06 biến đó là biến thích giúp đỡ người khác, có hệ số Beta đã chuẩn hóa là 0,257. Do đó, các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6 như trong mô hình nghiên cứu được chấp nhận.
Sự kỳ vọng của cá nhân
Giả thuyết H1: Sự kỳ vọng của cá nhân càng cao thì càng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm
Yếu tố “sự kỳ vọng của cá nhân” có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (sig.= 0,000), với giá trị Beta = 0,311 > 0, điều này chứng tỏ rằng giả thuyết H1 được chấp nhận. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu “sự kỳ vọng của cá nhân” của sinh viên càng cao thì việc chia sẻ kiến thức của họ càng nhiều trong các Facebook nhóm.
Sự kỳ vọng cá nhân là “kết quả dự kiến sau một hành vi của một cá nhân” ( Bock và ctg, 2005; Ryu, 2003; Hsu và ctg, 2007; Aliakbar và ctg, 2013) hay nói cách khác sự kỳ vọng của cá nhân đó là kết quả mong chờ của cá nhân sau khi đã thực hiện một hành động nào đó và kết quả trong nghiên cứu này hoàn toàn tương đồng với kết quả nghiên cứu của Hsu và ctg (2007) đó là sự kỳ vọng của cá nhân càng cao càng tích cực thì sẽ khuyến khích cá nhân đó thực hiện hành động của mình theo chiều hướng tốt hơn và nhiều lần hơn. Nghiên cứu này cũng đã tìm thấy kết quả tương đồng với giả thuyết đưa ra trong nghiên cứu theo tiến độ của Choi và ctg (2014) trong việc nghiên cứu khám phá ra những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chia sẻ kiến thức trong một trang mạng xã hội thực hành. Kết quả này có thể được giải thích như sau:
Đối với sinh viên hay bất kỳ một cá nhân nào khi sử dụng mạng xã hội Facebook và tham gia vào một nhóm nào đó trên Facebook mục đích của họ có thể là để nhận được những chia sẻ như: những bài báo; những thông tin giải trí, xã hội; những kinh nghiệm, những lợi ích trong học tập hay trong công việc; những thắc mắc liên quan đến cùng một chủ đề mà những người trong cùng một nhóm quan tâm. Và vì trong một tập thể, hay nói chính xác hơn đây là trong một cộng đồng ảo ai có hoạt động nhiều, có tương tác nhiều trong nhóm, cộng đồng thì người đó sẽ được mọi người trong nhóm biết đến, từ đó mới được tôn trọng nhiều hơn, có nhiều bạn bè hơn, được tin cậy nhiều hơn trong các trường hợp, mối quan hệ với các thành viên khác sẽ được tốt hơn và có thể nhận được những mối quan hệ hợp tác và lợi ích tốt đẹp từ các thành viên khác. Do
vậy, cá nhân nào càng có kỳ vọng cao về những điều này thì họ sẽ càng có hoạt động chia sẻ kiến thức một cách chủ động và tích cực cho mọi người.
Thích giúp đỡ người khác
Giả thuyết H2: Thích giúp đỡ người khác càng cao thì càng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm
Yếu tố “thích giúp đỡ người khác” có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (sig.= 0,000), với giá trị Beta = 0,257 > 0, điều này chứng tỏ rằng giả thuyết H2 được chấp nhận.
Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu sự “thích giúp đỡ người khác” của sinh viên càng cao thì việc chia sẻ kiến thức của họ càng nhiều trong các Facebook nhóm.
Sự thích giúp đỡ người khác trong chia sẻ kiến thức đó là sự đóng góp kiến thức xuất phát từ lòng vị tha (Hakami, 2014) hay đó là sự cảm thấy thoải mái khi giúp đỡ người khác mà không cần bất kì lợi ích đối ứng nào từ phía người được giúp đỡ.
Nghiên cứu trước của Lin (2005) về động lực bên ngoài và bên trong đối với việc chia sẻ kiến thức đã chứng minh được rằng những người tham gia nghiên cứu họ cảm thấy thoải mái với việc chia sẻ kiến thức và thông qua đó có thể giúp đỡ người khác thì thường có khuynh hướng có thêm động lực để chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp của mình. Những nghiên cứu tiếp theo sau này như của Sun và ctg (2009), Yu và ctg (2010) và Fakeh và ctg (2013) cũng chỉ ra được sự thích giúp đỡ người khác có ảnh hưởng tích cực đến hành vi chia sẻ kiến thức của người tham gia trong các trang mạng xã hội. Từ đó, cho ta thấy kết quả trong nghiên cứu này một lần nữa chứng minh được tác động cùng chiều của sự thích giúp đỡ và việc chia sẻ kiến thức trong các trang mạng xã hội, cụ thể ở đây là trong các Facebook nhóm.
Những người thích giúp đỡ người khác là những người có lòng vị tha cao, họ nghĩ rằng cho đi thì hạnh phúc hơn nhận được nên khi giúp đỡ được người khác họ sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc, và chính vì vậy nên họ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác trong mọi tình huống và trong khả năng có thể, trường hợp chia sẻ kiến thức trong các nhóm Facebook thì việc giúp đỡ đó là việc chia sẻ những thông tin, kiến thức kinh nghiệm để
giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề khó khăn trong học tập, trong công việc hoặc trong cuộc sống. Và do đặc điểm của sinh viên là những người năng động, phóng khoáng và họ vô tư vì chưa chịu tác động của các áp lực cạnh tranh ngoài xã hội nên việc thích chia sẻ luôn có trong mỗi người.
Sự tin tưởng
Giả thuyết H3: Sự tin tưởng càng cao thì càng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm
Yếu tố “sự tin tưởng” có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (sig.= 0,000), với giá trị Beta
= 0,274 > 0, điều này chứng tỏ rằng giả thuyết H3 được chấp nhận. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu “sự tin tưởng” của sinh viên đối với các thành viên khác trong Facebook nhóm càng cao thì việc chia sẻ kiến thức của họ càng nhiều.
Sự tin tưởng được định nghĩa là sự kỳ vọng các thành viên trong tổ chức sẽ chấp nhận hàng loạt các giá trị, chuẩn mực và nguyên tắc chung (Hakami và ctg, 2014). Các mối quan hệ trong cộng đồng ảo là những mối quan hệ gián tiếp, người tham gia các nhóm Facebook có thể đến từ khắp nơi và các mối quan hệ này được cho là dễ tổn thương và không chắc chắn, nên việc chia sẻ kiến thức trong các cộng đồng ảo này sẽ có tồn tại sự bất đối xứng giữa những người chia sẻ (Li, 2015), vì vậy sự tin tưởng sẽ là tâm điểm các mối quan hệ trong những tổ chức, tập thể, xã hội và cụ thể hơn ở đây đó là sự tin tưởng của các thành viên một nhóm trên Facebook và theo kết quả của các nghiên cứu trước như: Usoro và ctg (2007), Hsu và ctg (2007) rằng sự tin tưởng có tác động tích cực đối với việc chia sẻ kiến thức trong các cộng đồng ảo, và gần đây nhất có nghiên cứu của Fakeh và ctg (2013) đã nhận thấy rằng sự tin tưởng là nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất trong nhóm các yếu tố cá nhân và cộng đồng tác động đến việc chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội của sinh viên. Kết quả của nghiên cứu này nhằm khẳng định thêm sự tin tưởng càng cao thì việc chia sẻ kiến thức càng được thực hiện tích cực hơn trên các trang mạng xã hội mà cụ thể ở đây là trong các Facebook nhóm.
Bất cứ khi nào có sự tin tưởng trong các cá nhân của một tổ chức thì ở đó sẽ có xu hướng hợp tác và cam kết cao hơn, các sinh viên trong Facebook nhóm học tập cảm thấy tin tưởng nhau thì họ sẽ có khuynh hướng sẵn sàng hơn, cởi mở hơn trong việc chia sẻ các vấn đề, vì họ tin rằng các thành viên khác cũng như mình, cũng đang cố gắng chia sẻ những gì bản thân mình biết để thảo luận, giải quyết một vấn đề chung hoặc để giúp nhau vượt qua khó khăn như thi cử hoặc không hiểu bài giảng trên lớp chẳng hạn.
Sự nhận dạng
Giả thuyết H4: Sự nhận dạng càng cao thì càng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm
Yếu tố “sự nhận dạng” có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (sig.= 0,000), với giá trị Beta = 0,276 > 0, điều này chứng tỏ rằng giả thuyết H4 được chấp nhận. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu “sự nhận dạng” của sinh viên đối với các thành viên khác trong các Facebook nhóm càng cao thì việc chia sẻ kiến thức của họ càng nhiều.
Sự nhận dạng được định nghĩa là quá trình mà cá nhân cảm thấy có mối quan hệ như một với các thành viên khác hoặc một nhóm người (Nahapiet và ctg, 1998). Hay theo Choi và ctg (2014) thì việc nhận dạng cá nhân như một cùng với một nhóm là sự ý thức gắn bó với nhóm và buộc cá nhân đó phải có những hoạt động để duy trì mối quan hệ với nhóm. Qua các nghiên cứu trước đây như của Pi và ctg (2013) cũng đã đưa ra kết luận sự nhận dạng thuộc yếu tố văn hóa có ảnh hưởng xuôi với ý định chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm, sau đó Liao và ctg (2013) cũng đã đưa ra kết luận sau cuộc nghiên cứu của mình về việc chia sẻ kiến thức trong một cộng đồng ảo đó là một cá nhân có cảm giác thân thuộc trong một cộng đồng ảo sẽ phát triển một cảm giác tích cực đối với cộng đồng và sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ kiến thức.
Nghiên cứu của Choi và ctg (2014) cũng cho rằng sự nhận dạng có tác động tích cực đến hành vi chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội. Kết quả của bài nghiên cứu này đã củng cố hơn về tác động tích cực của sự nhận dạng đến chia sẻ kiến thức trong
Facebook nhóm, mặc dù đi ngược lại với kết quả nghiên cứu của Yu và ctg ( 2010), điều này có thể giải thích vì đối tượng khảo sát khác nhau của hai nghiên cứu: Yu và ctg (2010) không phân biệt đối tượng khảo sát chỉ cần là thành viên trong các cộng đồng trực tuyến tại Đài Loan, còn nghiên cứu này đối tượng khảo sát là sinh viên, có sự khác nhau này là do đối tượng sinh viên là những người trẻ, họ năng động, đang còn trong môi trường giáo dục, thích những hoạt động nhóm, tập thể, dễ hòa đồng, thích nghi và dễ kết bạn nên sẽ có sự nhận dạng cao hơn so với những người đi làm hay những đối tượng khác.
Một sinh viên hay một cá nhân bất kì khi tham gia vào một nhóm thì thường gắn hình ảnh của nhóm liên quan đến bản thân mình, khi có ai đó chỉ trích nhóm thì cá nhân đó sẽ cảm thấy giống như chính mình bị chỉ trích, hoặc khi nói chuyện với người khác về nhóm mà mình đã tham gia thì cá nhân đó thường nói là “chúng tôi” thay vì nói “họ” hay “nhóm đó”, và đã là thành viên trong một nhóm thì sẽ có một sự quan tâm đến các thành viên của nhóm mình. Đó cũng chính là sự nhận dạng, coi mình với nhóm tham gia như một và luôn mong muốn duy trì mối quan hệ với các thành viên khác trong nhóm, cụ thể ở đây là trong Facebook nhóm, để duy trì mối quan hệ thì phải có sự hoạt động đối với nhóm, từ đó hoạt động chia sẻ kiến thức sẽ được tích cực thực hiện bởi các thành viên có sự nhận dạng cao.
Sự tương tác qua lại
Giả thuyết H5: Sự tương tác qua lại càng nhiều thì càng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm
Yếu tố “sự tương tác qua lại” có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (sig.= 0,000), với giá trị Beta = 0,271 > 0, điều này chứng tỏ rằng giả thuyết H5 được chấp nhận. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu “sự tương tác qua lại” của sinh viên đối với các thành viên khác trong các Facebook nhóm càng cao thì việc chia sẻ kiến thức của họ càng nhiều.
Sự tương tác qua lại được định nghĩa là “sự mắc nợ lẫn nhau để các cá nhân có trách nhiệm đáp lại những lợi ích mà họ đã nhận được từ người khác, đảm bảo sự trao đổi, hỗ trợ liên tục” (Sun và ctg, 2009). Đó là việc cá nhân nhận được sự giúp đỡ từ người khác thì họ sẽ cảm thấy mình nên có trách nhiệm giúp đỡ lại khi các thành viên còn lại yêu cầu trong khả năng có thể. Một tổ chức, hay một nhóm có văn hóa tương tác qua lại mạnh mẽ thì sẽ khiến các thành viên cảm thấy sự đóng góp của họ sẽ được đền bù xứng đáng để từ đó họ có những nỗ lực hết mình trong việc đóng góp, chia sẻ kiến thức cho nhóm. Nghiên cứu của Yu và ctg (2010) và của Pi và ctg (2013) cũng đã đưa ra được kết luận cho nghiên cứu của họ đó là sự nhận thức tính hữu dụng hay sự có liên quan ảnh hưởng tích cực đến hành vi, thái độ đối với chia sẻ kiến thức trong các trang mạng xã hội. Việc có sự tương tác qua lại giữa các thành viên khiến họ cảm thấy mình có nhận được lợi ích trong việc chia sẻ kiến thức cho người khác và ngược lại. Đồng ý kiến với quan điểm sự tương tác có tác động tích cực đến thái độ đối với chia sẻ kiến thức và việc thực hiện chia sẻ kiến thức Liao và ctg (2013) cũng đã chứng minh được điều này và còn chỉ ra thêm rằng nó cũng có tác động tốt tới ý định tiếp tục chia sẻ kiến thức trong cộng đồng này. Đồng ý kiến với Choi và ctg (2014) và các nghiên cứu trước, kết quả của nghiên cứu này đã một lần nữa chứng minh được sự tương tác qua lại có tác động tích cực đối với việc chia sẻ kiến thức trong các cộng đồng ảo, cụ thể ở đây là trong các Facebook nhóm. Hay có thể nói sự tương tác qua lại càng nhiều thì càng tác động tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm.
Bất kỳ một cá nhân nào cũng sẽ cảm thấy biết ơn vô cùng khi nhận được sự giúp đỡ từ những thành viên khác, và đi cùng sự biết ơn đó là sự sẵn lòng chia sẻ kiến thức đối với các thành viên khác, sự việc này cứ lặp đi lặp lại giữa các thành viên thì việc chia sẻ kiến thức sẽ được diễn ra nhiều hơn, có chất lượng hơn và hơn hết là chia sẻ trên tinh thần tự giác cao.
Sự tự hiệu quả
Giả thuyết H6: Sự tự hiệu quả càng cao thì càng có ảnh hưởng tích cực đến việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm
Yếu tố “Sự tự hiệu quả” có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (sig.= 0,000), với giá trị Beta = 0,269 > 0, điều này chứng tỏ rằng giả thuyết H6 được chấp nhận. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu “sự tự hiệu quả” của sinh viên càng cao thì việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm của họ càng nhiều.
Sự tự hiệu quả được định nghĩa là một cá nhân tin tưởng vào khả năng của bản thân có thể làm được những điều mà mình khao khát (Bandura, 1997). Và sự tự hiệu quả trong chia sẻ kiến thức là cá nhân tự đánh giá bản thân và cảm thấy tự tin về năng lực của mình trong việc có thể trả lời những câu hỏi do các thành viên khác đưa ra (Chen và ctg, 2010), và họ nghĩ rằng kiến thức đó sẽ hữu dụng cho người khác (Alhady và ctg, 2011). Trong nghiên cứu của Hsu và ctg (2007) đã chứng minh được sự tự hiệu quả có tác động tích cực đối với việc chia sẻ kiến thức trong các cộng đồng ảo. Trên nền tảng những nghiên cứu trước, thì Choi và ctg (2014) cũng đã chứng minh được tính tự hiệu quả có tác động tích cực đối với hành vi chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ảo. Như vậy kết quả của nghiên cứu này hoàn toàn tương đồng với những nghiên cứu trước và một lần nữa chứng minh rằng sự tự hiệu quả có tác động tích cực đối với việc chia sẻ kiến thức hay sự tự hiệu quả càng cao thì càng có tác động tích cực đối với việc chia sẻ kiến thức trong các Facebook nhóm.
Động cơ và hành vi cá nhân bị chi phối rất lớn bởi sự tự hiệu quả của cá nhân đó, nên một cá nhân có tính tự hiệu quả cao sẽ luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân và tin tưởng vào những kiến thức họ có được, từ suy nghĩ này sẽ dẫn đến họ tin rằng những kiến thức họ có đó có thể hữu ích cho người khác, và nó đã thúc đẩy họ chia sẻ kiến thức với mong muốn kiến thức của mình là hữu ích. Đáp lại, việc nhận được những phản hồi tích cực cũng khiến họ có xu hướng tiếp tục chia sẻ nếu họ cảm thấy cần thiết.