CHƯƠNG 1:CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC NẾP SỐNG VĂN HÓA CHO CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc giáo dục nếp sống văn hóa cho cộng đồng dân cư
Trong khi tập trung sức vào nhiệm vụ kinh tế, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá của nhiều cấp, nhiều ngành, trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo chưa đúng tầm; chưa nhận thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hoá và chính trị; chưa quan tâm gắn phát triển kinh tế, phát triển các ngành, các lĩnh vực đi đôi với xây dựng và phát triển văn hoá; chưa coi phát triển văn hoá là trách nhiệm của toàn xã hội.
Trước những biến đổi nhanh chóng, đa dạng, phức tạp của đời sống văn hoá, văn nghệ trong nền kinh tế thị trường, sự chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương còn bộc lộ sự bất cập, hạn chế, phương thức lãnh đạo còn chậm được đổi mới; chưa lường hết tính phức tạp và những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hoá, văn nghệ. Chậm ban hành hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý. Các giải pháp thường bị động, mang tính tình thế; có biểu hiện buông lỏng, hữu khuynh, vừa áp đặt chủ quan; thiếu tầm nhìn xa... Nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng; chưa làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến văn hoá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng, trong việc xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, bảo tồn và phát triển, văn hoá và kinh tế… Thị trường văn hoá đang trong quá trình hình thành, chưa có đủ điều kiện để phát huy hết năng lực sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ.
Đầu tư cho lĩnh vực xã hội nói chung và văn hoá nói riêng, chưa tương xứng với yêu cầu mới. Chưa có nhiều cơ chế và chính sách cụ thể phát huy nội lực của nhân dân.
Những thành tựu to lớn và sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo, vừa là những vấn đề rất mới mẻ, luôn biến động và sự tác động nhiều chiều, dẫn tới sự bỡ ngỡ, lúng túng trong lực lượng hoạt động văn hoá, văn nghệ.
Các thế lực thù địch ráo riết chống phá ta trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, lợi dụng ưu thế về công nghệ thông tin, toàn cầu hoá về kinh tế để áp đặt các giá trị văn hoá, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” về văn hoá; đồng thời, mặt trái của cơ chế thị trường và toàn cầu hoá ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận dân chúng, nhất là lớp trẻ, cũng như đối với đời sống văn hoá, văn nghệ.
Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hoá với nhiều yếu tố văn hoá mới, có mặt tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.
Thói quen sản xuất của người dân còn mang nặng tính kinh nghiệm chủ quan, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, viêc áp dụng khoa học, kỹ thuật chưa mang tính khoa học, còn nhiều hạn chế. Điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, sản phẩm làm ra chất lượng kém thiếu tính cạnh tranh, giá cả thị trường thay đổi bất lợi, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Bên cạnh đó thói quen canh tác lạc hậu vẫn còn duy trì, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước còn phổ biến trong một bộ phân nhân dân là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục nếp sống văn hóa cho người dân.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, năng lực cán bộ còn hạn chế, các ban, ngành, Hội đoàn thể chưa thật sự vào cuộc, nhiều phong trào mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến giáo dục nếp sống văn hóa cho người dân.
Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, các tầng lớp trong xã hội có sự phân biệt rõ ràng, tạo nên quan điểm sống, lối suy nghĩ, nếp sống khác nhau trong cộng đồng đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục nếp sống mang tình thống nhất chung. Mỗi thôn có một điều kiện phát triển khác nhau, có thói quen nếp sống sinh hoạt riêng, từ ăn, ở, giao tiếp, đến lao động sản xuất cũng là vấn đề làm ảnh hưởng đến quá trình giáo dục nếp sống văn hóa cho cộng đồng dân cư tại xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Kết luận chương 1
Giáo dục nếp sống văn hóa là cuộc vận động mang đậm dấu ấn thời đại, trên cơ sở kế thừa phương thức sáng tạo và phát huy di sản phong hóa, thuần phong mỹ tục trong xã hội truyền thống, kết hợp những chuẩn mực của lối sống văn minh hiện đại; loại bỏ dần và ngăn chặn ảnh hưởng xấu của những yếu tố tiêu cực từ hủ tục cũng như những điều trái luân thường đạo lý, thuần phong mĩ tục của xã hội hiện đại, đến từ bên ngoài. Nếp sống văn hóa có vai trò quan trọng, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là với sự phát triển của cộng đồng.
Giáo dục nếp sống văn hóa là cả một quá trình, bao gồm cả yếu tố tự thân, mang ý thức tự giác của mỗi một cá nhân, cộng đồng cho đến quốc gia lãnh thổ... và cả yếu tố giáo dục, ràng buộc, cưỡng chế từ phía nhà nước, cộng đồng trở lại đối với mỗi một cá nhân. Đó chính là điểm tương đồng căn bản trong tinh thần xây dựng và vận hành hương ước truyền thống trong đời sống nông thôn ở Phú Yên xưa và qui ước văn hóa hiện nay.
Giáo dục nếp sống văn hoá là một quá trình cần có sự hỗ trợ đắc lực của công tác truyền thông, dựa vào nguyên tắc" khuyến thiện, răn ác” và định chế dư luận xã hội, định chế gia tộc, và sự hỗ trợ của pháp luật.
Từ việc đề cập đến những nội dung, khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài, tôi đặc biệt quan tâm đến một vấn đề rất quan trọng trong nghiên cứu giáo dục nếp sống có văn hóa của cá nhân trong cộng đồng dân cư ở nông thôn. Xây dựng con người toàn diện, có đủ phẩm chất (về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hoá) đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản,
lâu dài của sự nghiệp phát triển văn hoá nước ta. Những phân tích sơ bộ về yếu tố tích cực và hạn chế là cơ sở cho nghiên cứu thực trạng công tác giáo dục xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở hiện nay ở xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên- vấn đề này sẽ đề cập trong chương 2.
CHƯƠNG 2