Nhiễm trùng và tắc nghẽn đường thở là 2 nguyên nhân gây GPQ.
Yếu tố nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng, nguyên nhân nhiễm trùng chủ yếu do vi khuẩn và virus.
Nhiễm trùng là yếu tố làm bùng nổ quá trình viêm, phá hủy cấu trúc thành PQ. Từ đó mức độ và phạm vi GPQ phụ thuộc vào vị trí và mức độ nhiễm trùng phổi [8],[10].
Các vi khuẩn được nói tới là tụ cầu vàng, Klebsiella Pneumonia, nấm, Mycoplasma...Các virus là virus hợp bào hô hấp, Adenovirus, virus sởi... Gần đây nguyên nhân gặp nhiều là do vi khuẩn lao gây ra (hậu quả do lao) [20].
Viêm phổi nặng tái diễn lúc nhỏ đặc biệt là bệnh sởi biến chứng, ho gà, nhiễm Adenovirus ở trẻ em, viêm phổi hoại tử do Klepsiella, Hemophylus Influenza, Mycobacteria, Mycoplasma về sau này thường dẫn tới GPQ. Tắc nghẽn PQ do bất kỳ nguyên nhân nào như sưng hạch lympho, dị vật, khối u ung thư phổi hoặc các khối u phổi khác, hoặc bệnh xơ phổi mạn tính (như viêm phổi do hít phải các hạt và khí độc hại: Silic, bột tal v.v...) cũng có thể dẫn đến bệnh GPQ [21].
Đa số GPQ là do mắc phải kể cả khi còn nhỏ, tuy nhiên có một số trường hợp có căn nguyên dị tật bẩm sinh hoặc có liên quan tới một số khuyết tật ở mức siêu cấu trúc (loạn vận động lông rung) hoặc hội chứng suy giảm miễn dịch [22].
Cole P.J.(1995) [6], khi tổng quan về nguyên nhân của GPQ đã nêu 19 nhóm nguyên nhân có thể gặp của GPQ. Weinberger S.E.(1998) [8] nhấn mạnh GPQ là hậu quả của viêm (trong đó nhiễm khuẩn là nguyên nhân thường gặp) và phá hủy các thành phần cấu trúc của thành PQ, đã chia thành hai nhóm nguyên nhân: nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Tuy nhiên một số nguyên nhân thường gặp trên lâm sàng:
1.6.1.1. Nhiễm khuẩn
GPQ sau sởi, ho gà, cúm, nhiễm khuẩn phổi - PQ sau viêm xoang ở trẻ em, nhiễm khuẩn phổi tái diễn ở người lớn. Các thể GPQ lan tỏa thường là
hậu quả của viêm PQ - phổi cấp tính nặng lúc còn nhỏ, nhất là do virus hợp bào hô hấp, vi khuẩn như tụ cầu vàng, Klebsiella Pneumonia, Mycoplasma Pneumonia, nấm [10], [23].
1.6.1.2. Lao phổi
Weinberger S.E.(1998) [8] nhấn mạnh GPQ trong lao hậu tiên phát có thể theo cơ chế sau:
- Trực khuẩn lao trực tiếp gây GPQ do tổn thương thành PQ và nhu mô phổi hoặc gián tiếp gây tổn thương thành PQ (do hạch lao chèn ép làm tắc nghẽn PQ).
- GPQ do tổn thương xơ co kéo.
Swartz M.N. (1998) [24] thấy rằng cơ chế gây GPQ ở bệnh nhân đã và đang bị lao phổi bao gồm:
- Hoại tử bã đậu ở thành PQ làm tổn thương PQ và hậu quả là gây GPQ.
- Hẹp lòng PQ: do hạch lao cạnh PQ chèn ép, hoặc sẹo lớn ở thành PQ gây hẹp lòng PQ.
- Tắc nghẽn PQ do vôi hóa ở lòng PQ.
- Xơ phổi gây co kéo làm thay đổi trục PQ.
Trong các cơ chế trên thì cơ chế gây GPQ do xơ phổi gây co kéo làm thay đổi trục của PQ đóng vai trò quan trọng, chính vì thế mà nhiều tác giả gọi GPQ sau lao phổi là GPQ do co kéo (Contraction brochiectais).
Tổn thương GPQ do lao thường khu trú ở thùy trên, đây là vị trí dẫn lưu PQ tốt nên các triệu chứng của GPQ thường nghèo nàn [8],[9],[10],[25],[26],.
Theo nhiều nghiên cứu của các tác giả thì biến chứng gặp phổ biến của bệnh nhân lao phổi sau khi kết thúc điều trị là GPQ cạnh tổn thương xơ, đặc biệt là ở những bệnh nhân có tổn thương xơ phổi rộng sau khi khỏi lao phổi.
Cole P (1995) [6] gặp tỷ lệ bệnh nhân lao phổi sau khi điều trị khỏi có biến chứng GPQ là 11%.
1.6.1.3. GPQ ở các ổ xơ co kéo
Gặp trong lao phổi xơ, lao xơ hang, áp xe phổi mạn, bệnh phế nang viêm xơ hóa [27].
1.6.1.4. GPQ phối hợp với các u phổi dạng carcinoid
Gần đây cũng được thông báo trong y văn, có thể do các cụm tế bào ung thư là nguyên nhân gây tắc nghẽn lòng PQ, lại là yếu tố khởi phát của GPQ [28],[29].
1.6.1.5. Tắc nghẽn PQ cơ học
Tắc nghẽn PQ cơ học cũng là nguyên nhân hay gặp, bản thân tắc nghẽn không gây GPQ, nhưng dưới chỗ PQ bị tắc nghẽn, áp lực nội PQ tăng lên và dịch tiết ùn tắc tạo các ổ nhiễm khuẩn mạn tính tại chỗ rồi gây nên GPQ [30],[31].
Nguyên nhân gây tắc nghẽn PQ thường là dị vật, u trong lòng PQ, PQ bị chèn ép do hạch lympho to do di căn ung thư hoặc do viêm nhiễm, hay gặp ở thùy giữa chiếm 10% trường hợp GPQ. Về kinh điển GPQ dưới chỗ tắc nghẽn do hạch lao thường gặp ở PQ thùy giữa ngay chỗ phân chia [32].
1.6.1.6. GPQ phát triển sau khi hít phải hơi độc
Các hơi độc đã được chứng minh như: Amoniac, heroin,... hơi độc làm tổn thương thành PQ và sau đó dễ nhiễm khuẩn gây GPQ [30].
1.6.1.7. GPQ bẩm sinh (ít gặp)
Một số hội chứng hay được nêu trong y văn như:
- Hội chứng Kartagener (mô tả ở Đức năm 1933) biểu hiện: Đảo ngược phủ tạng, viêm xoang, polip mũi và GPQ (thùy giữa và hai thùy dưới). Sinh bệnh học của hội chứng này còn chưa rõ, có sự bất thường về cấu trúc của các lông chuyển tế bào niêm mạc phế quản. Bệnh di truyền kiểu lặn trên nhiễm sắc thể [33].
- Hội chứng Mounier - Kuhn: Thường gặp ở nam giới tuổi 30-40, GPQ kèm theo phì đại khí quản (đường kính khí quản gấp 2 lần bình thường), viêm xoang sàng, thường có polip mũi, viêm mũi mủ. bệnh do khuyết tật cấu trúc tổ chức liên kết thành khí- PQ [34].
- Hội chứng Williams - Campbell: GPQ từ PQ cấp 3 đến cấp 8, do giảm hoặc không có vòng sụn ở thành PQ. Từ nhỏ trẻ đã có tiếng thở rít. Soi PQ thấy PQ bị phồng lên ở thì hít vào và xẹp xuống ở thì thở ra [3].
- Hội chứng Young: Là một biến thể rối loạn vận động lông chuyển gồm GPQ kèm theo viêm xoang và vô sinh [30],[31],[35].
- Bệnh xơ hóa kén: là căn nguyên hay gặp ở các nước Âu, Mỹ (có khi chiếm tới 50% các trường hợp GPQ ở các nước này) [30].
- Hội chứng Bruton: Giảm hoặc không có Gama globulin máu, giảm đề kháng của phổi - PQ, nhiễm khuẩn đường hô hấp tái diễn nhiều lần gây tắc lòng PQ cuối cùng là GPQ. Trong hội chứng này người bệnh có móng tay vàng, phù bạch mạch và tràn dịch màng phổi [30].
Đặc điểm của GPQ bẩm sinh là tổn thương lan tỏa, rối loạn thông khí tắc nghẽn, dễ tử vong do nhiễm khuẩn nặng và tái diễn nhiều lần
* GPQ không rõ nguyên nhân: Bên cạnh những trường hợp xác định được căn nguyên, thì có một tỷ lệ không nhỏ (khoảng 40-60%) không xác định được căn nguyên GPQ, gặp ở những người vô sinh, viêm khớp dạng thấp, viêm đại tràng mãn tính, bệnh tổ chức kẽ [10].