Chương 2 THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC VÀ CHẤT LƯỢNG
2.1. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NINH BÌNH
Những giá trị quý báu ấy được phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Ninh Bình đã phát huy truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ đi theo tiếng gọi của Đảng làm cách mạng, biết bao tấm gương anh dũng hy sinh cống hiến vì Đảng, vì dân, vì Tổ quốc thân yêu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Ngày 26/02/1991, Quốc hội khoá VIII đã có Nghị quyết tái lập tỉnh Ninh Bình trên cơ sở chia tách tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được thành lập, với diện tích tự nhiên gần 1.400 km2, gồm 5 huyện và 2 thị xã;
dân số lúc đó trên 800.000 người (hiện nay gồm 5 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố; dân số trên 900.000 người). Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, quyết tâm phấn đấu xây dựng Ninh Bình thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh.
Với thế mạnh của Ninh Bình là: nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc- Nam, nối vùng kinh tế trọng điểm phía bắc (trong đó có tam giác tăng trưởng kinh tế là Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh) với vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, nhất là với thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng Nam Bộ. Bên cạnh đó Ninh Bình còn là một trong những cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh phía Nam với vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng tài nguyên, tiềm năng phát triển du lịch... Đánh giá được tiềm năng, thế mạnh của mình, Ninh Bình đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Năm năm gần đây, tỉnh đã phê duyệt 26 dự án đầu tư vào lĩnh vực Du lịch với tổng mức đầu tư gần 3,3 nghìn tỷ đồng tập trung vào một số khu du lịch trọng điểm là: Khu du lịch cố đô Hoa Lư; Tam Cốc-Bích Động; khu du lịch sinh thái Tràng An; khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính; du lịch rừng nguyên sinh Quốc gia Cúc Phương.
Ninh Bình đang trở thành tâm điểm thu hút vốn của nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 1991 đạt 31 tỷ đồng, đến năm 2001 đạt 1.174 tỷ đồng, năm 2006 đạt 4. 080 tỷ đồng tăng 133 lần so với năm 1991. (Năm 2008 vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.942 tỷ đồng [74, tr.13]).
Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch 2 khu công nghiệp tập trung:
Khu công nghiệp Ninh Phúc và khu công nghiệp Tam Điệp với tổng diện tích là 396,22ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch chi tiết 22 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 759ha,...Đến nay đã có 141 doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với số vốn hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục triệu USD [3, tr.202].
Sau 15 năm tái lập tỉnh (1992-2007), được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các Bộ, Ban, Ngành trung ương, Đảng bộ nhân dân Ninh Bình đã quyết tâm phấn đấu, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII, XIV, XIX đề ra. Kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực huy
động cho đầu tư phát triển tăng nhanh; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, văn hoá-xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện nhiều mặt, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng. Thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng có chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ nói chung, công chức UBND tỉnh nói riêng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng , nhất là nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Có thể nói đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, giản dị, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong công việc được phân công; có kinh nghiệm chỉ đạo điều hành vận động quần chúng nhân dân và được lãnh đạo tín nhiệm; sáng tạo trong vận dụng, cụ thể hoá chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào thực tiễn địa phương, cơ quan đơn vị, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Vị thế của Ninh Bình được khẳng định và nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hoá và đi lại của nhân dân. Quản lý nhà nước về giao thông vận tải được tăng cường, phong trào cứng hoá đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh. Trong 5 năm (2001-2006) đã đầu tư xây dựng 65 km đường quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện; cải tạo, mở rộng, cứng hoá 1191/1416 km đường giao thông nông thôn (đạt 84%), góp phần làm cho làng xóm khang trang, sạch sẽ, việc đi lại của nhân dân thuận tiện hơn. Hệ thống lưới điện được đầu tư nâng cấp và mở rộng.
Hoàn thành việc tiếp nhận và quản lý lưới điện trung áp nông thôn. Đến nay, 100%
huyện, thị xã có tuyến đường cáp quang, tạo thành xa lộ thông tin, phục vụ phát triển thông tin.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt cao: giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng kinh tế đạt tới 11,9%/năm, gấp 1,24 giai đoạn 1996-2000, cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,5%) và có bước cải thiện rõ rệt về chất lượng tăng trưởng. Trong 3 năm (2006,2007,2008) tăng trưởng bình quân đạt 18,73%/năm. Bình quân GDP/người năm 2005 gấp 2,1 lần năm 2000, đạt 5,4 triệu đồng; năm 2006 GDP người đạt 6,4 triệu đồng; năm 2007 đạt 7,9 triệu đồng và năm 2008 đạt 11,35 triệu đồng (13,4 triệu của vùng và 14,3 triệu của cả nước). Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng tăng bình quân 32,9%/năm giai đoạn 2001-2005; đạt 639,1 tỷ đồng (2005) và tăng mạnh 2 năm tiếp theo ( 2006 là 35% và 2007 là 36,7%), năm 2008 thu ngân sách đạt 2.002 tỷ đồng.
Nông nghiệp liên tục được mùa, phát triển toàn diện gắn với sản xuất hàng hoá, trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực.
Năm 1991, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 19,4 vạn tấn, năm 2008 đạt 49,2vạn tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 đạt 4.673.787 triệu đồng, tăng 42,67 so với năm 2007. Các loại hình dịch vụ phát triển, khôi phục và phát triển nhiều làng nghề truyền thống và mở thêm làng nghề mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội to lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn [74, tr.15].
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, vốn đầu tư phát triển nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt 3.045 tỷ, gấp 3,3 lần so với năm 2000 và tăng 52% so với năm 2004. Hai năm 2007,2008 tốc độ tăng trưởng vẫn đạt cao, giá trị sản xuất năm 2008 đạt tới 5.934,8 tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2007 và tăng gấp 6,38 lần so với năm 2000 [74, tr.19].
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhanh, thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 50 làng nghề, tập trung chủ yếu vào những ngành nghề sản xuất các mặt hàng về cói, thêu ren, chế tác
đá,... "Tổng số cơ sở công nghiệp ngoài quốc doanh từ 17.835 cơ sở (năm 2001) tăng lên 31.348 cơ sở (năm 2004) tăng bình quân 6,2%/năm"[3, tr.203].
"Kinh tế du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với nhiều di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh. Doanh thu du lịch năm 2006 đạt 87 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2005" [3, tr.203], "năm 2008 đạt 162 tỷ đồng" [74, tr.23].
Thị trường hàng hoá đa dạng, tổng mức bán lẻ và dịch vụ trên thị trường tăng. Đã hình thành mạng lưới thương mại hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy sản suất phát triển. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng lên liên tục từ 1.142 tỷ đồng năm 2000 lên tới 2.583 tỷ đồng năm 2005, tăng lên 2,3 lần;
năm 2007 có bước tăng đột phá, đạt 4.018,6 tỷ đồng, năm 2008 đạt 5.346,4 tăng 33,04%
so với năm 2007 [74, tr.21].
Tổng giá trị sản xuất hàng xuất khẩu năm 2006 đạt 25,3 triệu USD; năm 2008 đạt 48,2 triệu USD [74, tr.22], trong đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản chế biến...Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Những doanh nghiệp tiêu biểu về sự năng động, sáng tạo, sản xuất phát triển vượt bậc như: Xí nghiệp cơ khí Quang Trung; Công ty TNHH cán thép Tam Điệp; Hợp tác xã chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng,...
Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển cả quy mô và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, quy mô giáo dục ở các ngành học, cấp học tiếp tục được phát triển, công tác xã hội hoá giáo dục, hoạt động khuyến học phát triển mạnh mẽ. Năm 2005, ngành giáo dục đào tạo được Nhà nước tặng thưởng huân chương độc lập hạng ba; hai lần được Chính phủ tặng cờ thi đua; ba lần được Bộ giáo dục-đào tạo tặng cờ thi đua xuất sắc.
Công tác y tế, dân số-gia đình và trẻ em được quan tâm, chất lượng các dịch vụ y tế và y đức của người thầy thuốc được nâng lên, một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao đã được sử dụng ở bệnh viện tuyến huyện. Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai có hiệu quả.
Tính đến năm 2007, tỉnh Ninh Bình có 7 huyện, thị xã, thành phố; 49 phường, xã, thị trấn; 9 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 7 đơn vị anh hùng lao động, có 16 cá nhân được truy tặng, phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 335 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn tặng thưởng hàng vạn huân, huy chương các loại cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 3/2007, Ninh Bình vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng ba do có nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước đó, Ninh Bình đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do có thành tích trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được đến nay Ninh Bình vẫn là một tỉnh nghèo; kinh tế còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương (thu ngân sách đạt 2.002 tỷ đồng nhưng số chi là 2.831 tỷ đồng) [74, tr.13], GDP bình quân đầu người còn ở mức thấp so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn yếu; quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều thiếu sót. Công tác luân chuyển cán bộ thực hiện chậm, một bộ phận cán bộ còn yếu kém cả về phẩm chất chính trị và chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Một số nơi có sự hẫng hụt về cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhất là nơi có đông đồng bào theo đạo và vùng dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện cuộc vận động, xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; một số cơ quan, đơn vị có biểu hiện mất đoàn kết.
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên đang là lực cản đối với sự phát triển, làm hạn chế việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, để phát huy tối đa lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Ninh Bình cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Trước hết là vấn đề con người, nguồn nhân lực, trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh: "Cán bộ là gốc của mọi công việc", có thể thấy đây là vấn đề mấu chốt, khách quan cần phải đổi mới trước tiên.