Chương 3 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC ỦY
3.3. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH HIỆN NAY
3.3.6. Thực hiện tốt chế độ chính sách đãi ngộ đối với công chức
Hệ thống chính sách là công cụ điều tiết cực kỳ quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội. Hệ thống chính sách có thể là thúc đẩy, tạo động lực cho sự phát triển, có thể là kìm hảm, triệt tiêu các động lực, cản trở sự phát triển của một hoạt động nào đó.Trong công tác xây dựng đội ngũ công chức, hệ thống chính sách đúng, hợp lý sẽ khuyến khích tính tích cực, sự hăng hái, cố gắng yên tâm với công việc, nâng cao tính trách nhiệm của công chức, phát huy được sáng tạo, thu hút được nhân tài. Làm cho nội bộ đoàn kết, nhất trí, mọi người đồng tâm, hiệp lực. Ngược
lại chính sách công chức sai, bất hợp lý sẽ tạo ra tâm trạng chán nản, kìm hãm sự sáng tạo, triệt tiêu tính tích cực, nội bộ mất đoàn kết, nảy sinh nhiều tiêu cực, có thể đẩy hàng loạt công chức đến chỗ sai lầm, làm hao phí tài năng của đất nước vv…Do đó, để nâng cao chất lượng công chức phải đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với công chức. Việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách công chức trong thời kỳ mới phải đảm bảo yêu cầu cơ bản sau:
- Phải quán triệt, thể hiện được những quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
- Đảm bảo quyền lợi gắn liền với trách nhiệm công chức, quyền lợi càng lớn trách nhiệm càng cao.
- Hệ thống chính sách phải đảm bảo tính công bằng. Mọi hoạt động xã hội của người công chức phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản: có làm có hưởng, làm nhiều, cống hiến nhiều mang lại lợi ích cho tập thể, hưởng tương xứng; không làm không hưởng. Nói cách khác chính sách phải đảm bảo trả công giá trị sức lao động thỏa đáng. Đó là nguyên tắc phân phối của xã hội chủ nghĩa.
- Hệ thống chính sách công chức phải đảm bảo tính kích thích, khuyến khích tài năng sáng tạo, có sức lôi cuốn, hấp dẫn để mọi người phấn đấu vươn lên. Đồng thời phải có tác dụng ngăn chặn, điều tiết hành vi hoạt động sai trái, tiêu cực của đội ngũ công chức. Thông qua hệ thống chính sách công chức để điều tiết,luân chuyển công chức, làm cho chất lượng công chức cân đối, đồng đều hơn.
- Hệ thống chính sách công chức phải đảm bảo ý nghĩa nhiều mặt cả vật chất, tinh thần, chính trị, xã hội, không thiên lệch, không phiến diện nhằm tạo ra sự hài hòa cân đối trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như sự phát triển nhân cách của mỗi công chức.
- Hệ thống chính sách công chức phải phù hợp hoàn cảnh đất nước, không thoát ly, xa rời điều kiện kinh tế của đất nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Để thực hiện được các yêu cầu, nguyên tắc trên, để góp phần nâng cao chất lượng công chức, việc đổi mới hoàn thiện hệ thống chính sách công chức cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
- Giải quyết cơ bản vấn đề tiền lương công chức. Đây là vấn đề lớn, đang gây nhiều băn khoăn trong đội ngũ công chức. Tiền lương phải phản ánh được trình độ, năng lực thực tế của công chức, phản ánh khả năng đóng góp của công chức đối với xã hội, không cao bằng, không bình quân chủ nghĩa, không để tình trạng công chức làm việc tích cực cũng hưởng lương như công chức trung bình hoặc yếu kém.
- Phải tiền tệ hóa tiền lương và các chế độ khác đối với công chức, xóa bỏ mọi khoản bao cấp ngoài lương như nhà, xe, điện thoại…hoặc bao cấp với đối tượng này mà không bao cấp đối với đối tượng khác, tạo nên sự mặc cảm và phân hóa trong nội bộ. Chấm dứt mọi đặc quyền, đặc lợi đối với mọi công chức. Có chính sách ưu đãi đối với người nhiều công lao, có nhiều đóng góp hữu ích cho dân, cho nước.
- Để công chức thực sự yên tâm làm việc, chuyên tâm vào công chức thì tiền lương phải là nguồn thu nhập chính, chủ yếu đảm bảo cho công chức đủ sống, có mức sống trên trung bình của xã hội. Đảm bảo đủ để tái sản xuất sức lao động. Một mức lương đảm bảo đời sống ổn định sẽ góp phần làm giảm tiêu cực xã hội, làm cho công chức không phải bươn trải, lăn lộn, do đó có điều kiện nghiên cứu, đầu tư trí tuệ và công sức vào công việc. Tuy nhiên, cũng cần xác định ngạch lương, bậc lương sao cho mức sống của công chức không quá xa, quá chênh lệch mức sống chung của xã hội, nhất là sự chênh lệch giữa các loại công chức. Việc cải cách tiền lương còn phải kích thích sự phấn đấu vươn lên của công chức, làm cho công chức luôn chăm lo, tu dưỡng nâng cao trình độ.
- Cùng với việc cải cách tiền lương, cần hoàn thiện, mở rộng hệ thống cải cách chính sách kích thích, khuyến khích với các lĩnh vực hoạt động khác nhau như:
+ Chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích tài năng. Ngoài chính sách chung, Ninh Bình cần có chế độ đãi ngộ, khen thưởng thỏa đáng đối với các hoạt động sáng tạo tùy theo các công trình và giá trị thực tế để thu hút, khuyến khích nhân tài, cần thực hiện chế độ trả lương cao cho các chuyên gia. Có chế độ thỏa đáng và chế độ ưu tiên tối đa về điều kiện làm việc, nghiên cứu cho họ.
Đối với công chức thực sự có tài, cần thiết cho công việc, lợi ích chung thì sau khi họ đến tuổi nghỉ hưu như pháp luật quy định, nhà nước cần có chính sách về
vật chất và tinh thần thỏa đáng để khuyến khích, động viên sự đóng góp của họ cho công việc chung theo tinh thần ích nước, lợi nhà; không để mai một, lãng phí tài năng của họ.
+ Chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức: tìm nguồn bồi dưỡng tài năng ngay từ các trường phổ thông, trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Đầu tư kinh phí hợp lý để cử công chức ưu tú đi đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thực tế nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài…
+ Chính sách bảo đảm lợi ích vật chất và động viên tinh thần: Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với công chức và công chức lãnh đạo như: nâng bậc lương, thi nâng ngạch, chế độ thăm hỏi, ốm đau, trợ cấp khi công chức gặp khó khăn…
góp phần động viên công chức yên tâm tư tưởng, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.