Chương 3 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC ỦY
3.3. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH HIỆN NAY
3.3.9. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao chất lượng công chức
Trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam vừa là một thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị. Hiến pháp, đạo luật tối cao của nhà nước Việt Nam đã ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước:
“Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhânViệt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” [40, tr.14]. Đối với công tác cán bộ, Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ vì đó là nhân tố quyết định đến việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng, sự mất còn của chế độ.
Xác định vấn đề cán bộ nói chung, công chức nói riêng là then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định đến sự thành công của sự nghiệp đổi mới, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, Tỉnh ủy Ninh Bình đã có nhiều văn bản quán triệt và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ trong thời kỳ mới như: Kế hoạch số 05-KH/TU ngày 8/8/1997 về triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện
Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Thực hiện hướng dẫn số 17 ngày 23/4/2003 của Ban Tổ chức Trung ương, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ chính trị, hướng dẫn số 47-HD/BTCTW ngày 24/5/2005 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành chỉ thị số 24-CT/TU ngày 16/3/2005 để chỉ đạo về công tác quy hoạch; kế hoạch số 31-KH/TU về việc triển khai công tác quy hoạch. Theo tinh thần quyết định số 67, 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính Trị về phân cấp quản lý cán bộ và quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử Tỉnh ủy Ninh Bình đã kịp thời ban hành quyết định số 790, 791 ngày 5/12/2007 về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Tỉnh ủy Ninh Bình cũng đã ban hành nghị quyết số 07-NQ/TU “Về xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH-HĐH ”…trong đó đã quan tâm, chú trọng đến nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh.
Có thể nói sự phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Ninh Bình đạt được hôm nay là có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề cán bộ, công chức và công tác cán bộ, công chức. Trong giai đoạn hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của đảng Tỉnh ủy Ninh Bình cần chú ý một số vấn đề sau:
- Kịp thời ban hành chỉ thị, nghị quyết, thông báo, chương trình hành động về công tác cán bộ theo hướng dẫn của Trung ương.
- Cùng với việc chăm lo quán triệt các nghị quyết của đảng và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, các cấp ủy Đảng tỉnh Ninh Bình phải chú trọng xây dựng các phương án, biện pháp phát triển kinh tế-xã hội nói chung, công tác tổ chức cán bộ nói riêng, để cấp ủy cơ sở vận dụng vào việc xác định nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác của mình.
-Tiến hành tổng kết đánh giá về cán bộ và công tác cán bộ một cách thường xuyên. Thông qua đó phát hiện những nhân tố mới, những cách làm mới trong công tác cán bộ, một mặt vừa tìm ra nguyên nhân, vướng mắc, khó khăn trong công tác cán bộ của từng ngành, từng cấp để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, phát
huy những thành quả đạt được. Mặt khác có thể kiểm tra phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức để khẳng định cái đúng, nêu gương những cán bộ, công chức tốt, uốn nắn những sơ hở trong công tác cán bộ, đồng ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh nói chung công chức UBND tỉnh nói riêng.
- Cần phải tăng cường sự lãnh đạo tập thể về công tác cán bộ, vì quyết định vấn đề cán bộ có ý nghĩa quan trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của từng cá nhân. Đồng thời phải đề cao tính chịu trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo.
Tiểu kết chương 3
Từ thực tiễn của đội ngũ công chức UBND tỉnh Ninh Bình hiện nay và yêu cầu của công tác cán bộ trong giai đoạn mới đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo và những giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của đội ngũ ấy.
Việc bảo đảm chất lượng công chức UBND tỉnh Ninh Bình cần được thực hiện trên những quan điểm cụ thể sau:
-Nâng cao chất lượng công chức UBND tỉnh Ninh Bình phải gắn liền với mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
-Nâng cao chất lượng công chức UBND tỉnh Ninh Bình hiện nay phải bám sát mục tiêu, quan điểm, yêu cầu của Đảng về cải cách hành chính.
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương Ninh Bình luận văn bước đầu đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm có đội ngũ công chức UBND tỉnh đáp ứng yêu cầu công việc. Các giải pháp được xác định là:
- Hoàn thiện pháp luật về công chức, công vụ.
- Đổi mới công tác tuyển dụng công chức.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện công chức.
- Xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy trình đánh giá công chức.
- Thực hiện đúng đắn việc bố trí, sử dụng, đề bạt, luân chuyển công chức.
- Thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức.
- Tăng cường công tác thanh tra công vụ.
- Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ, công chức.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao chất lượng công chức.