Tại Việt Nam, phê bình đạo đức có nguồn gốc chủ yếu trong quan niệm đạo đức của nho giáo. Trần Đình Hượu viết: “Theo quan niệm của Nho gia Văn là biểu hiện của đạo, được dùng để truyền đạt đạo lý thánh hiền, đem gương sáng đạo đức để giáo hóa. Văn nhân tất phải có tài “nhả ngọc phun châu” tức là có tài sử dụng ngôn ngữ, văn tự nhưng trước hết họ phải có cái chứa bên trong là đạo đức, cái để đưa ra giáo hóa” [31; tr.30,31]. Quan niệm
1 Vì chủ yếu khảo sát và phân tích hiện tượng tiếp nhận ở góc độ khuynh hướng phê bình, nên luận án sử dụng khái niệm “chân trời phê bình” thay cho khái niệm “chân trời tiếp nhận”.
ấy không những chi phối hoạt động sáng tác mà còn là cơ sở cho hoạt động đánh giá, thẩm bình văn chương, nghệ thuật thời trung đại.
Quan niệm về văn học có chức năng giáo hóa, di phong dịch tục, không chấp nhận những tác phẩm có yếu tố sắc dục, tính dục, hay yếu tố
“dâm” có nguồn gốc từ nho giáo của Khổng Tử. Trong Luận ngữ, khi Nhan Uyên hỏi việc trị nước, Khổng Tử nói: “dùng lịch nhà Hạ, cưỡi xe nhà Ân, đội mũ miện nhà Chu, múa nhạc Thiều. Bỏ ca nhạc nước Trịnh, đuổi xa những người ăn nói khéo (nịnh). Ca nhạc nước Trịnh dâm, những người ăn nói khéo nguy hiểm” [32; tr.31]. Cũng với một ý tương tự, Khổng Tử đề cao Quan thư trong Kinh thi. Ông cho rằng: “Thơ Quan thư, vui mà không dâm, đau đớn mà không bi thương” [32; tr.31]. Theo Trần Đình Hượu, “dâm” ở đây được hiểu theo hai hướng. Thứ nhất, dâm là khái niệm mà Khổng Tử dùng để đánh giá và phê phán những tác phẩm văn chương nghệ thuật có liên quan đến sắc đẹp, có nội dung mê sắc đẹp, có hại đến đức. Thứ hai, dâm là mặt biểu hiện tình cảm, cảm xúc, mặt tác động nghệ thuật: “quá vui, quá triền miên, gây ra tác động mê say cũng là dâm” [32; tr.32]. Thế giới quan nho giáo thời trung đại vốn xem trọng sự hài hòa, ổn định, trật tự của trời đất; văn chương nghệ thuật có vai trò tôn tạo cho sự hài hòa ấy, bằng cách đưa con người vào con đường của đức, vốn là sự hiện thân của đạo [41;
tr.27]. Yếu tố dâm, bằng hình thức khơi gợi những cảm xúc, sự say mê, nó quyến rũ con người rời xa chính đạo, đi ngược lại với lý tưởng đạo đức của nho giáo, và quan niệm về sự hài hòa của đạo.
Trong văn học trung đại Việt Nam, quan niệm văn chương như tấm gương đạo đức để giáo hóa con người xuất hiện từ khi nho giáo trở thành học thuyết chính trị xã hội chính thống, quan niệm này chi phối cả cách đánh giá, thẩm bình tác phẩm. Từ cuối thế kỷ XVI, tại Việt Nam, các nhà nho bắt đầu quan tâm sưu tầm những câu chuyện truyền kỳ trong dân gian và cả những
tiểu thuyết chữ Hán ở Trung Quốc có yếu tố sắc dục, tình yêu nam nữ [8].
Thái độ đạo đức của các nhà nho về yếu tố “dâm” trong các tác phẩm này, tuy ít được hiển ngôn, nhưng nhìn chung là phê phán. Nguyễn Dữ, sau khi kể về mối tình giữa người và yêu quái trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang, đã xem câu chuyện ấy như lời “răn sợ trước sắc đẹp” [14; tr.131]. Trong những lời bình cuối tác phẩm, góc nhìn dân gian về tình yêu nam nữ trong tác phẩm trở thành bài học đạo đức của các nhà nho. Tuy vào giai đoạn cuối thời trung đại, Cao Bá Quát, Mộng Liên Đường chủ nhân, Vũ Trinh… đã nhìn nhận lại giá trị của những tác phẩm truyện thơ Nôm có đề tài tình yêu nam nữ, nhưng nhìn chung, yếu tố “dâm”, yếu tố tính dục vẫn là những cấm kỵ, không được chấp nhận trong văn học nghệ thuật.
Thậm chí, quan niệm đạo đức của nho giáo trong giai đoạn này còn thể hiện thành điều luật cấm đoán những tác phẩm truyện thơ Nôm có nội dung ca ngợi tình yêu nam nữ, vì cho rằng chúng là dâm thư, có hại cho phong tục, không thuận đường giáo hóa. Trịnh Tạc, vào thế kỷ XVII, đã cho soạn 47 điều giáo hóa, trong đó ngăn cấm truyện thơ Nôm. 1760, Nhữ Đình Toản phiên 47 điều giáo hóa ấy thành thơ lục bát để phổ biến.
Trong bối cảnh giao thời và có sự chuyển biến của quan niệm văn chương và thẩm mỹ đầu thế kỷ XX, phê bình đạo đức truyền thống theo quan niệm nho giáo tuy không còn chiếm địa vị nổi bật, nhưng lại trở thành một hiện tượng cho thấy một đặc điểm của tiến trình hiện đại hóa: sự phản ứng của quan niệm thẩm mỹ truyền thống phương Đông trước bối cảnh tiếp xúc và tiếp thu văn hóa phương Tây. Một số nhà nho tiếp tục khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa văn chương và đạo đức như Phan Kế Bính, Đặng Trần Phất… Thậm chí, Nguyễn Đình Long còn khẳng định: “Cái giá trị con người, cái giá trị các công trình của con người là cái giá trị luân lí vậy. Nghĩa là cái gì vô luân lí không thể có mĩ thuật được” [75; tr.281].
Tuy vậy, nhìn ở bề sâu, sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây đã bắt đầu cấu trúc lại không chỉ quan niệm nhân sinh mà còn cả quan niệm thẩm mỹ của người Việt. Câu nói của Lưu Trọng Lư mà Hoài Thanh trích dẫn đã nói lên được phần nào sự chuyển biến ban đầu ấy: “…Các cụ ta ưa những màu đỏ choét; ta lại ưa những màu xanh nhạt… Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya; ta nao nao vì tiếng gà lúc đứng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi…. cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…” [68; tr.11]. Câu nói trên biểu hiện cho sự chuyển biến của cảm nhận thẩm mỹ: đã xuất hiện những cảm nhận tự do, phóng khoáng và lãng mạn về vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Đây chính là dấu hiệu cho thấy có sự khởi đầu mới trong cảm nhận thẩm mỹ có tính nhục thể trong văn học, về sau sẽ biểu hiện một cách phổ biến hơn trong phong trào thơ Mới.
Nhưng rõ ràng hơn cả là phát biểu này cho thấy những tiêu chuẩn giá trị cuộc sống ngàn năm ngự trị ở đất nước này đang dần thay đổi. Những giá trị mới đang xuất hiện, đó là những giá trị khẳng định chiều kích cá nhân của con người, vượt khỏi quan niệm truyền thống trong xã hội phong kiến. Đúng như Hoài Thanh nhận xét, thời đại của “cái tôi” hiện tại đã dần thay thế thời đại của “cái ta” truyền thống. Trong văn học, thái độ khẳng định cái cá nhân trở thành một giá trị, sự hoà tan, nhạt nhoà sắc thái cá nhân bị phê phán. Điều này dễ dàng thấy được trong phong trào thơ Mới và Tự lực văn đoàn.
Trong bối cảnh có sự nhìn nhận và đề cao những giá trị cá nhân, văn hoá phương Tây còn đem đến cho đất nước này một luồng gió mới mạnh mẽ chưa từng thấy trước đó, luồng gió văn hóa “nhục thể”. Chỉ cần đọc những bài tranh luận của Vũ Trọng Phụng bảo vệ cho “văn chương tả chân” và
những vần thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… là có thể nhận ra điều đó. Sự du nhập yếu tố “nhục thể” trong văn học đến từ văn hoá phương Tây tạo nên một “cú sốc văn hoá” đối với ý thức thẩm mĩ, ý thức đạo đức trong văn hoá truyền thống. Nó chứng minh rằng sự chuyển đổi ý thức thẩm mĩ đã chạm đến chiều cạnh sâu xa nhất của nền văn hoá truyền thống, và cơ sở của ý thức đạo đức mới thiết lập trên chiều hướng đề cao giá trị cá nhân đang đi đến hoàn chỉnh nền móng ở những viên gạch cuối cùng.
Nhưng cũng chính trong giai đoạn này, phê bình đạo đức truyền thống đối với vấn đề tính dục và nhục thể lại trở nên nổi bật. Cuộc tranh luận nảy lửa giữa nhà văn Vũ Trọng Phụng và các độc giả của ông về vấn đề “văn chương dâm uế” không chỉ cho thấy giới hạn trong chân trời chờ đợi của người đọc trước các yếu tố tả thực khía cạnh nhục thể trong tiểu thuyết và phóng sự, mà còn cho thấy sức sống và sức phản kháng mạnh mẽ của quan niệm đạo đức truyền thống đối với các yếu tố tính dục và nhục thể trong văn học. Ngay trong cuộc bút chiến với Phạm Quỳnh, dù căn bản dựa trên lập trường dân tộc để phê phán kẻ mà ông cho rằng đang làm tay sai cho giặc, nhưng Ngô Đức Kế vẫn xuất phát từ quan điểm đạo đức truyền thống của nho giáo để lên án Truyện Kiều là “dâm thư”, là “ai dâm sầu oán đạo dục tăng bi”. Cũng trong bối cảnh ấy, theo sự tường thuật của Nguyễn Văn Hanh, khi ông in quyển sách phê bình của mình về thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì có một nhà giáo đã gởi thư đến quan Chánh sở Giáo huấn Nam kỳ xin cấm in, vì “sách đã nói về Hồ Xuân Hương lại còn giải theo học thuyết Freud thì rất bại luân” [24; tr.7]. Những trường hợp trên cho thấy rằng thái độ đánh giá văn học theo quan niệm luân lý đạo đức truyền thống vẫn có một sức sống mãnh liệt trong bối cảnh xã hội đang trên đường hiện đại hóa.
Trường hợp tranh luận giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế cũng như trường hợp Nguyễn Văn Hanh nêu ra cho thấy bối cảnh xã hội ngầm ẩn sự
đối kháng giữa văn hóa truyền thống bản địa và văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam. Đó cũng là một nguyên nhân của việc thái độ phê phán thơ Nôm Hồ Xuân Hương biểu hiện mạnh mẽ trong thời gian này. Khi các nhà nho cảm thấy các giá trị truyền thống bị lung lay trước sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, họ không những ra sức bảo vệ cho những giá trị ấy, mà còn đề kháng với bất cứ hiện tượng văn học nào mang khát vọng tự do, mang tiếng nói cá nhân chống lại lễ giáo phong kiến. Theo các nhà nho, cái “dâm”
và tiếng nói cá nhân mà sự du nhập của văn hóa phương Tây đang tiếp sức cho nó có nguy cơ đưa con người ra khỏi con đường của chính đạo và góp phần làm loạn thế đạo nhân tâm. Tuy nhiên, sự đề kháng mạnh mẽ ấy đã dần dần trở nên lạc lõng, khi lịch sử văn học không thể cưỡng lại khát vọng của thời đại, tiếng nói cá nhân dần trở nên thắng thế, xã hội đi vào quỹ đạo hiện đại hóa.